Như đã biết, Đại hội IX Hội Nhà văn Việt Nam dự kiến bầu 15 uỷ viên chấp hành, nhưng rốt cuộc chỉ bầu được có 6. Tại sao?
Phương án thứ nhất với số dư 5 người (trên tổng số 20 người đề cử và ứng cử) đã không được Đại hội chấp nhận. Tại sao vậy? Theo tôi, Đại hội rất muốn Ban chấp hành nhiệm kỳ tới sẽ có thêm nhiều guơng mặt mới, trong khi danh sách 20 người có số phiếu thăm dò cao nhất theo kết quả phiếu thăm dò từ các đại hội cơ sở thì có tới 15 vị trong Ban Chấp hành nhiệm kỳ trước và nếu chấp nhận phương án này thì hầu hết (cũng có khi tất cả) các vị uỷ viên chấp hành cũ sẽ ở lại. Đa số đại biểu dự đại hội không muốn một kết quả không đổi mới như vậy. Và để loại bỏ khả năng này Đại hội đề nghị nâng tổng số người ứng và đề cử là 30. Nhưng rồi danh sách đề cử và ứng cử đã lên tới 38, và Đại hội đồng ý để nguyên như vậy. Và chính danh sách ứng cử và đề cử quá dài đã làm loãng số phiếu, phiếu dàn trải, không tập trung và do vậy số trúng cử vào BCH mới chỉ được có 6. Sẽ hay biết mấy khi con số này cao hơn, nếu không đủ 15 thì 9 cũng tốt. Kết quả này khiến nhiều nhà văn, nhất là các nhà văn ở các địa phương và các nhà văn nữ, không ưng ý.
Mấy hôm nay tôi vẫn phân vân, giá khoảng một nửa uỷ viên Ban chấp hành cũ mạnh dạn xin rút lui khỏi danh sách đề cử thì chắc Đại hội đã đồng ý với phương án danh sách bầu cử là 20 hoặc 25 và khi được như vậy thì phiếu bầu sẽ tập trung hơn, số người đạt quá bán số phiếu sẽ nhiều hơn hoặc đủ 15, sẽ có nam có nữ, có đại diện của Tp. Hồ Chí Minh và các vùng miền và có khi số uỷ viên chấp hành cũ ở lại BCH không phải chỉ có bốn.
Dù sao thì mọi chuyện đã xong xuôi, kết quả bầu cử đã có và bây giờ chỉ có thực thi. Nhưng tôi thiết nghĩ, ta cần rút kinh nghiệm cho những Đại hội sau, để kết quả Đại hội thật sự sự trúng ý các đại biểu tham dự và đúng dự kiến. Muốn phiếu bầu tập trung thì danh sách số người đề cử và ứng cử không thể quá đông. Và phải có những lý lẽ thuyết phục để nhận được đồng thuận của Đại hội. Ta cần rút kinh nghiệm điều này.