TP - Giữa nhiệm kì nọ và nhiệm kì kia, 5 năm xảy ra khác biệt là chuyện khó tránh. Nhưng sự khác biệt ở Hội Nhà văn Việt Nam thì luôn khá lạ.
Khác biệt rõ nhất ở Đại hội Nhà văn khóa IX, là đại hội đại biểu với 542 hội viên ngồi kín mít trong khán phòng chật chội, chật chội ngay cả khi so với hội trường tại Đại hội khóa VIII là Đại hội toàn thể. Ở đây, lần đầu tiên nhà văn được sắp xếp ngồi theo khu vực và nhất là mỗi đại biểu đều được ghi rõ tên ở sau lưng ghế, rất ư là trật tự nề nếp. Gì chớ, nhà văn Việt Nam với tính tùy tiện cao đâu chịu bị sắp đặt dễ dàng thế! Ngay sau giờ giải lao đầu tiên của Đại hội, đã xảy ra sự xáo trộn không nhỏ. Xáo trộn đến mãi buổi trưa phát phiếu bầu, hội viên mới chịu trở về vị trí ban đầu.
Khác biệt nữa là tại Đại hội này, Điều lệ Hội Nhà văn được sửa đổi nhiều, đáp ứng thực tiễn xã hội lẫn đòi hỏi của phát triển văn học, nhất là để phòng xa những bất trắc xảy ra? Thế nên ở Điều 9, thêm: “công dân Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài” vẫn có thể vào Hội, nếu hội đủ điều kiện, như là cách nối vòng tay lớn. Chính tại điều này, nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh ở Thái Nguyên đã hỏi thẳng Chủ tịch đoàn rằng, ai có thể kiểm tra để biết được người viết văn ở nước ngoài tham gia hội đoàn nào đó ở đất nước sở tại, mà xét hay không xét vào Hội. Còn ở Điều 12 thì được thêm vào mang tính ngăn ngừa lẫn răn đe: Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam không được tham gia các tổ chức chưa được Nhà nước Việt Nam công nhận, cũng bị nhà thơ nữ này phản biện: Thế hội viên Hội Nhà văn tham gia các hội được lập ra ngắn hạn trên các mạng xã hội như Hội những người yêu Văn chương hay Hội Thơ Lục bát… thì sao nào? Câu trả lời vẫn bị bỏ lửng. Cả việc báo Văn nghệ bị chê là quá cũ kĩ, quá lạc hậu đang gánh vác một đội ngũ cồng kềnh cũng được cho qua.
Đặc biệt ở Điều 22, Điều lệ cũ là Ban Kiểm tra do Đại hội đại biểu toàn quốc hoặc Đại hội toàn thể bầu bằng phiếu kín, được yêu cầu sửa đổi thành: Ban Kiểm tra do Ban Chấp hành bầu bằng phiếu kín, được Đại hội chú ý thảo luận nhiều hơn cả. Cái “sửa” như thể các đại biểu nghi là Ban Chấp hành ý định vừa đá bóng vừa thổi còi, nên bị thổi còi ngược lại, và Đại hội phục nguyên Điều lệ cũ. Để ở bản Tổng kết Đại hội đọc ở buổi sáng cuối cùng, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam kể thành tích: “đây là lần đầu tiên Ban Kiểm tra được bầu trực tiếp tại Đại hội”.
Thế thôi, không ý kiến nào thảo luận thêm. Khác biệt lớn nhất ở Đại hội này so với trước, là nhà văn ít “quậy” hơn rất nhiều. Đại hội tuyên bố sẽ thảo luận dân chủ, ứng cử, đề cử và bầu cử cũng dân chủ nốt. Chữ “dân chủ” khá nhiều lần.được lặp đi lặp lại. Thế nên, các phản biện mạnh mẽ gần như vắng bóng. Chỉ có nhà thơ Nguyễn Việt Chiến là có ý kiến được cho là mạnh bạo. Rằng mấy năm qua, Hội Nhà văn đã trao giải cho các tập thơ yếu kém. Yếu kém, nhưng khi bị dư luận phản đối thì tất cả bị cho rơi vào im lặng. Không ai trong Ban Chấp hành hay Hội đồng chuyên môn đứng ra biện minh cho chính kiến của mình. Về chuyên môn thì vậy, còn với xã hội bên ngoài, nhà thơ này đề nghị Hội Nhà văn Việt Nam phải biết đứng ra bảo vệ hội viên của mình khi bị nạn. Bởi không ít trường hợp oan ức xảy ra với hội viên, mà Hội Nhà văn bình chân như vại. Anh lấy ngay bản thân anh ra để minh chứng cho sự bất cập này.
Cuối cùng tiết mục quan trọng nhất, được tập trung trí tuệ cao độ nhất chiếm nhiều thời gian Đại hội nhất chính là việc bầu Ban Chấp hành khóa IX. Định lượng Ban Chấp hành với 15 người là con số đẹp, càng đẹp hơn nữa khi chấp nhận số dư 30% để Đại hội bầu ra được con số đẹp trên, như Đại hội khóa VIII đã từng. Thế nhưng nhà văn Việt Nam đã biết thế nào là dân chủ, nên một hai đòi phải là số dư 100%, dù Chủ tịch đoàn nhượng bộ đề nghị cưa hai là 50% cũng một mực không chịu. Vâng, thì OK. Đại hội tôn trọng tinh thần dân chủ cao nhất, nhà thơ Hữu Thỉnh lần nữa khẳng định. Nhưng cuộc thế của Đại hội văn chương Việt Nam không dừng lại ở đó, qua mấy giằng co rút-ứng cử-đề cử-rút, danh sách bầu cử vọt lên đến 38 người. Thế là xảy ra sự cố…
Chỉ có 6 ứng viên đạt số phiếu quá bán, kẹt nữa - tất cả đều dồn về Hà Nội. Đội hình lí tưởng vẽ ra ban đầu về một Ban Chấp hành với độ tuổi ủy viên theo hình quả trám bị phá sản hoàn toàn. Ngay cả yêu cầu tối thiểu nhất cũng không đạt được. Đại diện Nữ, hay Dân tộc Thiểu số, hoặc Trẻ, không có đã đành; cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên mênh mông là thế vẫn không. Miền Đông và Tây Nam Bộ cũng không nốt. Tệ hơn cả, thành phố Hồ Chí Minh - một trung tâm văn hóa lớn của cả nước chẳng có lấy một đại biểu nào làm đại diện cho mình.
Kết quả Đại hội khóa IX như vậy về nhân sự bị dư luận đánh giá là đìu hiu. Đìu hiu mặt khác, khi 2 ngày đầu, cánh cửa Đại hội gần như đóng lại với báo giới, khiến các phóng viên phải tác nghiệp qua mạng Facebook lẫn thu nhặt từ tin rò rỉ qua các đại biểu tham dự.
Đại hội Hội Nhà văn năm nay là thế, luôn kịch tính, như mọi đại hội Nhà văn đã từng.
Kết quả của phiên họp thứ nhất BCH HNV Việt Nam khóa IX, bầu các chức danh: Chủ tịch - nhà thơ Hữu Thỉnh; ba Phó chủ tịch: nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà văn Nguyễn Trí Huân, nhà thơ Trần Đăng Khoa.