Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VĂN THÙY – KẺ BỊ GIỜI HÀNH

Hoàng Xuân Họa
Thứ sáu ngày 19 tháng 6 năm 2015 5:32 AM



Đang thơ thẩn ngắm gác Khuê Văn, ngắm dòng người lũ lượt xếp hàng mua vé vào cổng bỗng người bạn đang đứng để một người có bộ dạng kỳ dị le te chạy đi chạy lại tìm góc thích hợp bấm máy chụp ảnh, lôi vào chụp chung. Cứ nghĩ lão thợ ảnh kia là thợ chuyên nghiệp lang thang kiếm ăn cửa Văn Miếu. Sau ánh đèn Jalat chớp sáng lão hếch bộ mặt đen nhẻm với đôi má hóp co theo đôi môi thâm chụm lại như mồm thổi lửa, cả bộ mặt khô không khốc ấy giấu trong mớ tóc dài và chòm râu thưa trông lão như người từ thời tiền sử hiện về. Vẫn máy ảnh cầm tay, lão nhìn chúng tôi cười toé loe phô ra bộ “Răng thừa lục bát , mồm thừa thất ngôn” trước đám đông đang lũ lượt kéo về sân Văn Miếu thưởng ngoạn ‘Ngày thơ Việt nam lần thứ 2‘. Xong lần bấm máy thứ nhất, lão lại le te tìm góc độ khác chụp “bô” nữa. Bạn tôi giới thiệu đó là Văn Thùy, một siêu nhân “thơ lục bát của phố Hiến “Hương sen vị nhãn nhuộm tôi bốn mùa”.
Vài tháng sau tôi “khảo” bạn về ảnh chụp hôm đó, bạn tôi nói một câu xanh rờn bèo tấm hồ Văn:
- Văn Thùy hôm đó bấm máy không ông ạ, máy bị tuột phim do hắn chưa thạo sử dụng!
Cũng may, hôm ấy máy của hắn “tuột phim” không ra ảnh, nếu có ảnh cũng chán chết. Trời rét dưới 10 độ C, quần áo lùng thùng, mũ ni kín tai, có chụp được ảnh cũng chẳng ra thể thống gì ráo mà hòng sĩ diện ảnh iếc. “Chụp ảnh” xong chúng tôi kéo nhau vào sân miếu đường “ngắm ngó” Ngày thơ. Giữa sân Thái Miếu lão “thợ ảnh” lôi từ chiếc cặp cóc gặm quai, gián nhấm miệng ra một mớ thơ tình viết tay chữ nào chữ ấy đều chằn chặn một lứa, chum chúm lông đuôi như chữ học trò, đem phát “chẩn” cho từng người đang “đói” thơ xúm xít vây quanh. Trước cửa Thánh chữ Thần học hừng hực không khí ngày Thơ, tôi giở đọc lấy khước một bài đầu xuân cho may mắn cả năm.
Cha trời ơi … Thơ tình! Linh tinh một mớ thơ tình như thơ của kẻ mới tập yêu, đang yêu, yêu đơn phương cuống cuồng gầm lên với làng nước rằng tôi bị phụ tình, tôi đau khổ lắm nhân quần ơi, thế gian ơi! Tôi buồn, tôi chán vì yêu: ”Từ ngày em bước thiên di! Thân cau chả bão bùng gi cũng xiêu”. “Nghe mà ngậm chát ựa chua/ Giá như ngày ấy sớm đưa cơi trầu” (Lời ru thứ hai); “ Buồn mờ xám nửa vạt mây/ Ôm vành trăng khuyết vòng tay vẫn thừa” (Nói thật).
Cứ ngày 11 Dương lịch hàng tháng bà con buôn bán dọc phố Hàng Buồm chẳng ai bảo ai nháo nhác dồn mắt dõi theo một lão người “rừng” đầu đội mũ phớt, áo quần lem nhem, dép thì quai mắc vào chân, quai để làm vì lê quèn quẹt mòn lõm cả vỉa hè phố cổ, ôm khư khư cái ca táp lũn cũn chui tọt vào nhà Văn hóa Thành phố. Đó chính là Văn Thùy - “nhà thơ”?!
Gặp Văn Thùy ngoài đường người miền xuôi đoán lão là thầy bói, người miền ngược tưởng lão là thày mo đi cúng mả mới, người Hoa tưởng lão là thày địa lý đi tìm thế đất để mả, đi yểm bùa trừ quỷ nhập tràng! Người nước ngoài nghĩ lão là phù thủy xứ Ba Tư xách táp âm binh đi bắt ma, trừ tà, đi tìm kho báu ngoài đảo hoang… Riêng tôi, thông qua thơ lão, tôi biết tõ lão cuỗm từ đồng quê ngô, lúa, sắn, khoai, lá trầu, quả cau ít vốn liếng còm để “tranh chiếm” đâu đó chút tình “biếu không” của các chị em góa chồng.
Lão là gì, nghệ sĩ, nghệ nhân, nghệ riềng, nghệ tỏi chi không cần biết kỹ quá, chỉ biết mỗi lần sinh hoạt CLB Văn học Tháp Bút là lão sấn đến đè mọi người ra “cưỡng bức” bắt phải nhận một mớ thơ tình về đọc để được sướng cùng lão; để lão phi ngựa vào đầu: “Từ khi “đốc chứng” làm thơ/ Là tôi gánh tội ngẩn ngơ giời hành”. Chính Văn Thùy chưa khảo mà xưng như thế, chả ai bịa ra để bêu giếu gã cả. “Chẳng xu thời, chẳng thức thời/ Vóc dân cổ lỗ, dáng người ngày xưa/ Kỳ nhân, tóc rậm râu thưa/ Răng thiếu lục bát, mồm thừa thất ngôn”.
Nếu đưa lên máy “nội soi”, “khám” kỹ xem thai thơ Văn Thùy nghén từ đâu, ta sẽ bắt gặp cách diễn đạt thể lục bát của gã phảng phất thơ truyền thống, ngấp nghé thơ hiện đại trong hình thức đặt câu gieo chữ. Lời hay ý được gã chắt lọc từ cánh võng hòa lời ru của mẹ ngày xưa + (cộng) ca dao tục ngữ mang hồn quê nhưng cũng khá ấn tượng ở những câu kết bài:
- “mắt đen hạt nhãn” mày “còng” cánh cung”.
- “Tương lai rực rỡ nhà nghèo
Cuối năm ngã ngửa: nồi niêu cời chuồng”.
- Người xuân bốc lửa bừng bừng
Mắt tôi dễ cháy, em đừng một con”.
- Phải tay này gặp Thị Màu
- Chẳng sưng đầu mõ, cũng nhàu vú chuông”…
Khi viết về Mẹ phải công nhận Văn Thùy có cách viết độc chiêu: “Tóc mẹ giắt dưới mái gianh/ Một vo bối rối tròn thành ngày xưa/ Đã nhiều sợi nắng sợi mưa/ Sớm nay sợi tuyết lại vừa đụng rơi”/ “Quăn queo mấy sợi trên giường/ Con ngồi nối cả đoạn trường mẹ qua…” (tóc bạc vội vàng)
Đề tài trong thơ Văn Thùy khá đa dạng, ngoài thơ tình, thơ thế sự, quê hương, đất nước, Thị Màu, Thị Hến, Thị Nở ra, anh nhảy cả vào sân bóng đá, đá bừa cho lên chân, lên tài: “Thèm ngã sấp trong đường cong cấm địa/ Phạt đền hờn em có run không/ Anh bất lực trước sức em hậu vệ/ Cố đẩy sâu, em đẩy lại – rất nông…” (Tình lăn như bóng).
Văn Thùy suốt ngày lang thang đắm mình vào cõi dâu bể bon chen, tranh chấp vơ vét những con chữ “mốc” của thiên hạ “trồng trọt” vào thơ làm thành của riêng mình: “À ơi lòng vả lòng sung/ Bửa ra hai miếng ta cùng có nhau” (Ru cho xa cách). “Tháng năm dài đến bạc đầu/ Heo heo mây tóc quá màu heo may” (Nói thừa).
Kều nắng, chọc mưa cố tình thó “trộm” của trời, của đất, cỏ, cây, mây, gió vò nhàu tâm trạng, ủ ê lê thê thảm đến não nùng để làm ra cái sự ta đây được yêu em miền ngược, bị bùa mê em miền xuôi với vẻ đa tình hão: “Mưa rào đã sấm sét nhiều/ Thêm mưa phùn nữa bao nhiêu phập phồng”. “Lời ru mấy kiếp mây xanh/ Em lên mầm nắng/ Tôi thành cọng sương” (Lời ru thứ hai).
Không biết có phải do chúi đầu, chúi mũi vào việc làm thơ quá mức độ mà gã bị khủng hoảng tinh thần? Hoặc bị “Bin La Đen” khủng bố hụt mà gã đâm ra lẩn thẩn? Đã lẩn thẩn còn cố xe mây, dệt gió, thành ra tính toán nhầm lẫn ráo cả: “Em về xứ ấy người ta/ Chiều nào cũng đếm thừa ra lưng ngày” (Lời ru thứ hai). Ước đoán thời gian không ai nói là lưng ngày, tiếng “lưng” để chỉ lưng đấu gạo, lưng bát cơm, lưng chén rượu… với thời gian không lưng, vực bao giờ. Văn Thùy chập mạch tóm cái cụ thể quàng vào cổ cái phi cụ thể cho thêm sắc màu rồi phân chia thứ thì “mầm nắng”, thứ ra “cọng sương”, nghe cũng tấm món đàng hoàng. Anh còn một tài lẻ khác, khi cạn nguồn thơ, lơ tơ mơ ngủ gật thế nào anh dùng hàm răng lục bát sai vần nhấm nháp giập nát quản bút rồi nhúng vào đĩa mực Tàu bôi lên giấy dó, ra dựa lưng bờ tường Văn Miếu - Quốc Tử Giám “hét” toáng lên rằng đây là chữ thư pháp Văn Thùy, mời các nhà thơ mua đi…!
Nghĩ cũng kì quặc, nực cười về tính cách của con người nước Nam ta? Nhiều vị chữ nghĩa đầy mình, bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ đủ cả vẫn đi mua chữ treo? Bảo rằng những gia đình nhiều đời không có người học cao, không đỗ đạt đi mua chữ về treo để cầu chữ, cầu đỗ đạt đã đành? Những nhà nọ nhà kia cả rồi, Tết vẫn lũ lượt kéo nhau ra Văn Miếu mua thứ chữ lằng ngoằng của mấy anh đồ rởm về treo mợi lạ! Thật đúng là học cao nhưng văn hóa vẫn lùn tịt?!
Trên đây là vài dòng phác họa gã bạn thơ Văn Thùy, cũng là do tính cách, con người anh dị tướng, dị hình phơi bày ra trong thơ, ngoài đời cả. Mong đừng trách người “vẽ” bức chân dung anh là ác bút, ác tâm bôi bác Văn Thùy nhé! Không đâu./.
12/9/2006
Hoàng Xuân Họa