Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ VĂN TRẦN ĐỨC TIẾN: NHÀ VĂN TRÊN DƯỚI 40 TUỔI THUỘC LOẠI "CỦA HIẾM"

Hội Quân (thực hiện)
Thứ ba ngày 2 tháng 6 năm 2015 5:44 AM
( “Văn nghệ công an” số 249, ra ngày 1-6-2015)

1. Thưa anh, với vai trò ủy viên ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam, anh có thể cho biết số lượng các nhà văn trẻ tuổi đời trên dưới 40 so với số lượng các nhà văn cao tuổi chiếm tỷ lệ như thế nào trong Hội nhà văn?
- Tôi nhớ không thật chính xác, nhưng đại khái thế này: Trong tổng số hội viên Hội nhà văn, số người ở độ tuổi từ 60 trở lên chiếm khoảng hơn 70%, từ 40 đến dưới 60 khoảng 20%, còn lại là trẻ hơn. Các nhà văn “trên dưới 40” mà bạn quan tâm, thuộc loại “quý hiếm” của Hội đấy.
2. Tuổi trẻ là tuổi của sáng tạo và cống hiến. Những tác phẩm quan trọng trong cuộc đời của một người cầm bút cũng thường được sáng tác vào những năm tuổi đời của họ còn trẻ, còn sung sức. Nhìn vào sự già nua của Hội, anh thấy nhu cầu cấp thiết phải trẻ hóa Hội nhà văn ở mức độ nào? Theo anh tuổi đời của các thành viên trong Ban chấp hành nên ở độ tuổi nào là hợp lý, để có thể đảm bảo đủ sức khỏe và trí tuệ gánh vác công việc của Hội?
- Câu chuyện tuổi tác của nhà văn là một đề tài thú vị. Tôi cũng thường hay nghĩ ngợi về điều này. Có nhiều người bảo: sao ngày xưa các ông Nguyên Hồng, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Chế Lan Viên… “chín” sớm thế? Nguyên Hồng 16 tuổi viết “Bỉ vỏ”. Vũ Trọng Phụng mất năm 27 tuổi, chỉ có khoảng 10 năm “cày cuốc” trên trang giấy đã kịp dựng nên một sự nghiệp văn chương đồ sộ. Nam Cao viết “Chí Phèo” để đời cũng ở tuổi dưới 30. Chế Lan Viên 17 tuổi có “Điêu tàn”… Còn các nhà văn của chúng ta bây giờ?
Có một luồng ý kiến, có lẽ chúng ta cũng nên tham khảo: chu kỳ sinh học của con người ngày hôm nay dài hơn của người ngày trước (cách đây năm, bảy chục năm và lâu hơn). Vì thế, những Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng… của hôm nay (nếu có), sẽ cho ra mắt Chí Phèo, Số Đỏ, Bỉ Vỏ… vào những năm họ ở độ tuổi 30, 40, chứ không phải là mười tám đôi mươi như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng của giai đoạn 1930-1945 ở thế kỷ trước!
Vẫn biết văn hay có khi không phụ thuộc vào tuổi tác. Có những nhà văn tuổi cao mà vẫn viết đều, viết hay, toàn cho ra đời những tác phẩm thuộc loại “bom tấn” cả. Cỡ như Tô Hoài, Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Xuân Khánh… lúc thất tuần, bát tuần thì các chàng đầu xanh tuổi trẻ chạy theo còn văng cả dép. Nhưng, nói gì thì nói, mỗi lần có dịp hội hè lễ lạt của Hội Nhà văn, nhìn khắp hội trường toàn những cụ đầu bạc, lòng cũng thấy tự nhiên chùng xuống. Đã già thì sức chiến đấu (ăn, ngủ, yêu, viết) phải kém đi chứ nhỉ? Số lượng giảm, chất lượng cũng dễ giảm theo. Suy từ mình thấy ngay: nghĩ nhanh mỏi hơn, phản xạ với đời sống, với từ ngữ chậm hơn, văn khô hơn, thành thử ngại hơn mỗi khi cần ngồi xuống trước máy vi tính… Hội Nhà văn mà đông đảo các nhà văn trẻ trung, lại có tài nữa thì còn gì bằng!
Tất nhiên, trẻ hóa một nền văn học không có nghĩa chỉ nhằm vào việc trẻ hóa đội ngũ nhà văn về độ tuổi. Phải đổi mới về tư tưởng, thẩm mỹ, quan niệm… và rất nhiều thứ khác. Còn không thì khối anh nhà văn trẻ vẫn vô tư, hăng hái cho ra lò những thứ văn chương già đáu!
Bây giờ ở thời điểm trước Đại hội 9 mà bạn hỏi tôi về độ tuổi của các đồng chí trong Ban Chấp hành thì hơi bị tế nhị đây. Có lẽ tốt nhất là để cho Đại hội quyết định. Tôi chỉ thấy có một sự thật không thể chối cãi: người trong Ban Chấp hành không chỉ cần uy tín về văn chương, mà còn phải có sức khỏe để làm việc. Xây dựng chương trình hoạt động. Tổ chức cuộc này cuộc kia. Di chuyển đến nơi này nơi nọ. Quan hệ với hội viên. Thậm chí ngồi họp cũng cần phải khỏe khoắn, tỉnh táo. Cho nên theo tôi, căn cứ vào thực tế nhiệm kỳ vừa qua, Ban Chấp hành của nhiệm kỳ tới rất cần phải có sự thay mới, bổ sung đáng kể bằng lực lượng trẻ - cụ thể là phải có sự tham gia của các nhà văn ở tuổi trên dưới bốn mươi (cho dù họ không chiếm tỉ lệ lớn trong tổng số hội viên).
3. Anh có thể cho biết cụ thể hơn chút nữa về tỷ lệ nhà văn trẻ và già trong Ban chấp hành? Nên như thế nào là hợp lý?
- Số người trên 60 tuổi không nên quá 1/3. Còn lại chủ yếu là 40, 50 – độ tuổi theo tôi là “chín” nhất, cả về tài năng lẫn tư cách, của các nhà văn Việt Nam.
4. Công tác kết nạp Hội viên mới, đặc biệt là kết nạp các nhà văn trẻ vào Hội theo anh đã được quan tâm đúng mức chưa. Có ý kiến cho rằng Hội nhà văn còn quá khắt khe trong việc xét kết nạp các nhà văn trẻ, anh nghĩ sao về điều này?
- Tôi nghĩ khác. Nhiệm kỳ vừa qua, tôi là một trong số các thành viên có nhiệm vụ xét kết nạp hội viên qua từng năm. Và tôi xin nói thẳng: hầu hết những người mà tôi có ý kiến ủng hộ, đề nghị kết nạp họ vào Hội, là những người trẻ. Tôi già rồi, ngoài sáu mươi rồi, nhưng tôi không thích bỏ phiếu cho những người ngoài sáu mươi mà văn chương vẫn làng nhàng! Nhiều thành viên khác trong Ban Chấp hành cũng rất quan tâm đến các bạn trẻ. Vấn đề là các bạn đã thể hiện mình đến đâu, đã đủ sức thuyết phục hay chưa thôi.
5. Với vai trò là một Hội nghề nghiệp, theo anh Hội nhà văn cần phải làm những gì để động viên, khuyến khích các tác giả trẻ, trong một thực tế cuộc sống quá vội, quá nhiều lựa chọn hấp dẫn như hiện nay. Nhiều người trẻ có tài nhưng có thể không được khích lệ kịp thời, họ bỏ nghề viết đi làm nghề khác chẳng hạn?
- Giới thiệu (in ấn, xuất bản) những tác phẩm của các bạn trẻ ở báo Văn nghệ, tạp chí Nhà văn và tác phẩm, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, trang web của Hội. Thành lập giải thưởng văn học trẻ (nhất là văn học thiếu nhi). Mở những lớp bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, tổ chức những buổi sinh hoạt chuyên đề, ra mắt sách, những cuộc vận động, thi sáng tác cho những người viết trẻ. Tạo điều kiện cho các bạn trẻ gặp gỡ, trao đổi với nhau về những vấn đề trong đời sống, trong văn chương… Đó là một số việc mà Hội có thể làm, và đã làm. Có những việc làm tốt và làm chưa tốt. Tôi hy vọng trong nhiệm kỳ tới, Ban chấp hành mới có nhiều sáng kiến hơn.
Nhưng một lần nữa lại xin nói thẳng, nói thật: các bạn trẻ đừng trông đợi quá nhiều vào Hội. Hội chỉ “động viên, khuyến khích” bạn phần nào thôi. Bạn có trở thành nhà văn thực sự hay không là nhờ vào tài năng và sự cố gắng của chính bạn, chứ không phải nhờ sự lèo lái của bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào, dù tổ chức đó là Hội nhà văn. Câu khẩu hiệu vô hình luôn treo trước mặt một nhà văn chân chính: “Ngồi xuống, và viết”. Thế là đủ.
6. Một nền văn học mà có ít người cầm bút trẻ bổ sung vào đội ngũ những người cầm bút, thì theo anh nguy cơ của nó là gì?
- Nguy cơ bị già cỗi hóa, bị sụt lún, “nền” thành bãi hoang.
7. Thực tế cho thấy vẫn còn tâm lý xoa đầu, không thừa nhận lớp trẻ trong nhiều người cầm bút cao tuổi. Nhiều nhà văn già cũng không đọc tác phẩm của nhà văn trẻ. Như vậy câu chuyện thế hệ trong văn chương sẽ không có sự tiếp nối, không có sự chia sẻ, thấu hiểu. Từ không đọc đến không thừa nhận là một logic dễ hiểu. Cá nhân anh, một nhà văn không còn trẻ, anh có thường xuyên đọc tác phẩm của các nhà văn trẻ không? Anh đánh giá thế nào về đội ngũ các nhà văn trẻ và những đóng góp của họ trong đời sống văn học những năm vừa qua?
- Với ai không biết thế nào. Nhưng với tôi, đọc vừa là thưởng thức, vừa là làm việc. Khi đọc, tôi không phân biệt đây là tác phẩm của người trẻ hay người già. Chỉ khi đọc xong rồi, ý nghĩ cảm thán mới bật ra: Trẻ viết ghê thật! Hay: Trẻ mà cũ hơn cả mình! v.v… Nói rông dài một chút: tôi là người thích những vùng đất lạ, những món ăn lạ… Đọc sách cũng vậy. Với những tác giả có tuổi, đã thành danh, thậm chí đại danh, ít nhiều mình cũng đã đọc, đã quen họ rồi, nên dù sao độ hấp dẫn cũng ít đi. Nhưng với một tên tuổi mới lạ thì gợi nhiều tò mò.
Đội ngũ các nhà văn trẻ chúng ta còn mỏng (về số lượng). Nhưng trong số đó, có những người tôi đánh giá rất cao, cả về số lượng lẫn chất lượng tác phẩm của họ. Nói thế này bạn có tin không: nhiều khi chính họ tạo nên nguồn cảm hứng cho tôi làm việc. Tôi muốn “đánh đu” với họ, biết là mình già rồi, đu với họ mệt chết, nhưng vẫn muốn thử.