Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHÂN DUNG - SỐ PHẬN

Đinh Quang Tỉnh
Thứ tư ngày 3 tháng 6 năm 2015 4:19 PM

Người bạn cao niên nhất của tôi tên là Nguyễn Bá Thụy. Tạo hóa thật bất công khi cho anh làm người mà chỉ có một chân lành lặn từ khi lọt lòng mẹ. Tụt xuống khỏi cái địu trên lưng mẹ, chạm chân tới đất tập tễnh đi là đã nếm trải nỗi khổ cực, rồi theo thời gian đánh đu trên chiếc nạng gỗ cùng mẹ bươn chải khắp phố phường Hà Nội để kiếm miếng ăn mỗi ngày thì việc cắp sách đến trường đối với Thụy là giấc mơ viển vông, quá xa vời.
Năm tháng trôi đi, Thụy lớn vổng lên và gắn tuổi trẻ với chiếc xe xích lô chở hàng. Cuộc sống mưu sinh nơi kẻ chợ giúp Thụy hiểu ra sự hèn kém của người mù chữ. Rồi một chiều đông rét thấu xương năm ấy đã làm thay đổi cuộc đời anh, khi liều lĩnh chen bừa vào đám đông thanh niên đang háo hức ghi danh nhập vào đội thanh niên xung phong tình nguyện vào hỏa tuyến. Thụy nín lặng, đu người nhảy đại lên chiếc ô tô vận tải chở những người tình nguyện đi phá núi, mở đường chiến lược phục vụ chiến trường, thương mẹ nhưng anh cũng đành "dứt áo ra đi". Chuyến xe định mệnh ấy tình cờ cho anh được vinh dự đứng trong lực lượng Thanh niên xung phong anh hùng, đã làm nên những chiến công huyền thoại của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước hào hùng của dân tộc.
Những ngày khó khăn vất vả ở núi rừng cùng đồng đội, tuy cực nhọc nhưng Thụy luôn được ăn no, không còn lâm vào cảnh "ăn bữa sáng, lo bữa tối" nữa. Để tránh bị phát hiện mình chỉ có một chân, nên từ sáng sớm đến "nhọ mặt người" Thụy luôn xung phong trèo lên những đỉnh đá cheo leo, khó khăn nhất. Cũng vì vậy mà năng suất lao động của anh bao giờ cũng đứng đầu đơn vị. Đêm đêm dưới ánh đèn dầu miệt mài học chữ, nên chỉ một năm sau Thụy đã đọc thông viết thạo, đặc biệt anh làm thơ rất hay, trang "Báo liếp" của đơn vị không thể thiếu vắng chuyên mục của "nhà thơ Bá Thụy", sau này trở thành bút danh của anh. Với thành tích lao động sáng tạo, năng suất vượt trội, Nguyễn Bá Thụy được biểu dương khen thưởng cấp "Tổng đội". Rất tiếc là hôm vinh danh cũng là ngày Thụy phải chia tay đơn vị trở về địa phương bởi lí do anh "không đủ điều kiện sức khỏe phục vụ trong lực lượng Thanh niên xung phong". Có lẽ Nguyễn Bá Thụy là người duy nhất trong lực lượng chỉ có một chân lành. 
Trở về Hà Nội, Thụy không dựa vào tờ giấy chứng nhận đã tham gia lực lượng Thanh niên xung phong để xin trợ cấp khó khăn. Lời động viên của người Đội trưởng trước phút chia tay đơn vị luôn văng vẳng trong tâm tưởng Thụy: Anh tặng em bốn chữ "tàn nhưng không phế”. Không đầu hàng trước nghịch cảnh, bằng ý chí và nghị lực phi thường, anh đã vượt lên số phận để trở thành ông chủ một cơ sở sửa chữa điện gia dụng với biển hiệu "Thụy Điện Cửa Nam", không những nổi tiếng đất Hà thành mà còn lan tỏa nhiều tỉnh phía Bắc. Anh là người thầy, người thợ cả có công đào tạo hàng trăm thanh niên thất nghiệp, cơ nhỡ trở thành thợ lành nghề, ra đời lập thân, lập nghiệp có cuộc sống sung túc, lương thiện. 
Nguyễn Bá Thụy sở hữu một gương mặt đẹp như diễn viên điện ảnh Liên Xô Tikhonov nổi danh với vai diễn công tước Andrey Bolkonsky trong phim “Chiến tranh và Hòa bình” của đạo diễn thiên tài Sergey....với giọng nói truyền cảm, nhã nhặn, đôi mắt lúc nào cũng như cười. Cuộc đời đã dành tặng cho anh một người vợ xinh đẹp, đảm đang để có một Nguyễn Bá Thụy hoàn hảo - ăn nên làm ra ở thời trung vận và hậu vận.

*

Người thứ hai là họa sỹ Cao Trọng Thiềm. Khi đang là phóng viên chiến trường trong chiến tranh chống Mỹ ác liệt, anh đã không may bị thương vùng cột sống. Vết thương vừa lành, cũng là lúc Thiềm đau đớn biết mình mãi thành người khuyết tật! Nhưng rồi cuộc đời cũng an ủi, bù đắp những mất mát cho anh, Thiềm được trở về Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - nơi lưu giữ quan trọng nhất nhiều di sản văn hóa nghệ thuật của cộng đồng các dân tộc Việt Nam để thực hiện ước mơ hội họa mà anh ấp ủ từ khi còn bé. 
Sau một thời gian dài đam mê sáng tạo, phấn đấu trong môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp, Cao Trọng Thiềm đã có nhiều thành tựu nổi trội. Ẩn sâu trong dáng vẻ điềm tĩnh của một vị giám đốc bảo tàng là một nghệ sỹ tài hoa, giàu cảm xúc, nhiệt huyết với nghề, đam mê với nghiệp. Anh đi nhiều cùng với đầy ắp những trải nghiệm cuộc sống nên cách suy nghĩ, cách nhìn rất thấu đáo, ngôn ngữ tạo hình và bút pháp biểu đạt rất sắc sảo, riêng biệt đến bất ngờ. Đặc biệt có những tác phẩm đi trước cả thẩm mỹ quan của công chúng. 
Họa sĩ Cao Trọng Thiềm được biết đến và nổi danh ở mảng tranh khắc, khẳng định dấu ấn cá nhân rõ nét trong nghệ thuật đồ họa Việt Nam. Anh thật may mắn và tự hào đã có hàng chục tác phẩm được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật.
Cao Trọng Thiềm là một nghệ sĩ có tinh thần hướng nội cùng với sự nhạy cảm tinh tế, cô đơn trong sáng tác hội họa, điều này có thể không tốt cho cuộc sống, nhưng lại rất cần thiết trong sáng tạo nghệ thuật, tư chất ấy đã giúp anh được góp mặt vào danh sách những họa sỹ tên tuổi của nền hội họa đương đại Việt Nam.

*

Cô cháu gái mà tôi quý mến và nể phục được sinh ra ở miền quê nghèo xứ Thanh, Trần Thị Ngọc Lan - người con gái kém may mắn, mang trong mình di chứng của căn bệnh sốt bại liệt biến chứng sang não khi mới lên năm tuổi. Cha mất sớm, mẹ già yếu, chị gái cũng vĩnh viễn rời xa bởi căn bệnh quái ác này. Nỗi đau gia thế và nỗi buồn cuộc đời đè nặng lên đôi vai cô bé lúc ấy mới hơn 10 tuổi. Mặc dù vậy, Ngọc Lan vẫn có một nghị lực phi thường vươn lên trong cuộc sống và miệt mài với cây bút của mình để nuôi ước mơ và cao hơn nữa là trở thành một con người có ích cho xã hội. 
Từ một học sinh tốt nghiệp cấp ba, Ngọc Lan được đặc cách vào học tại trường viết văn Nguyễn Du - nơi đào tạo những nhà văn chuyên nghiệp cho cả nước. Cô coi cuộc sống của mình là một chuỗi những đau khổ đã được xếp sẵn mà tự mình phải quyết tâm vươn lên bẻ gãy từng “mắt xích đau khổ” ấy, và Lan đã làm được điều đó. Bằng con mắt quan sát ý nhị, đầy nữ tính, với góc nhìn mới mẻ mà sâu sắc; cùng với nghệ thuật dùng từ, dùng chữ chắt lọc công phu, văn và thơ của Ngọc Lan hóa thành lời tâm tình, bày tỏ, đối thoại với đời, chứa đựng tính sáng tạo riêng biệt: mặn mòi nhưng thi vị. 
Năm 16 tuổi, Ngọc Lan đã xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay “Ánh sao rơi" làm sửng sốt văn đàn. Đến nay, gia tài văn chương của cô có hàng chục đầu sách với đủ thể loại, được độc giả mến mộ và trân trọng. Bao gồm các tiểu thuyết: Sao nỡ chia đôi; Có vơi niềm đau; Phu bòn. Các tập truyện ngắn: Bến đợi; Mẹ trần gian; Gương mặt con người, và 4 tập thơ: Trăng rằm; Nỗi buồn cho em; Mắt đá; Liên quan gì đến tôi.
Trần Thị Ngọc Lan đã giành nhiều giải thưởng văn học uy tín của: Hội Văn nghệ Thanh Hóa; Báo Tuổi trẻ Sống đẹp; Đài Tiếng nói Việt Nam; Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; Nhà xuất bản Kim Đồng...
Thật khó tin. Một người con gái bị liệt tay phải, chân phải và suy giảm khả năng vận động lại có được thành tựu văn chương phong phú đáng nể và ấn tượng đến như vậy khi cô mới ngoài ba mươi. 
Nhà văn Trần Thị Ngọc Lan hiện là biên tập viên của Nhà xuất bản Văn học. 

*

Đồng hương với tôi trong câu chuyện bốn người bạn, anh tên Quý, nhưng thường dùng nghệ danh là Bùi Minh Đức. Chưa đầy năm tuổi, một tai họa bất ngờ ập đến, anh bị bệnh sởi ác tính, sốt cao nhiều ngày, hôn mê, toàn thân co giật, rồi biến chứng chạy vào cột sống khiến anh không đứng thẳng được và dị tật bám lấy anh từ đấy.  
Quê tôi còn lưu truyền câu ca: “Đậu phụ Thủy Nhai, tú tài Hành Thiện” để ngợi ca miền quê có nhiều người đỗ đạt, Bùi Minh Đức là người gốc Hành Thiện, mặc dù không đậu cử nhân, tú tài nhưng lại được tiếng là người hay chữ. Anh thích câu danh ngôn của Jack London: "Sứ mệnh chân chính của con người là sống, chứ không phải là tồn tại". Sinh ra trong một gia đình có tới sáu anh chị em đều phương trưởng, thành đạt. Tuy Đức thiệt thòi nhất nhà, nhưng Anh lại là người tiếp nối và làm rạng danh sự nghiệp sân khấu của cha mình. 
Ông Bùi Văn Nghinh (bút danh Minh Sơn) - cha của Bùi Minh Đức thuộc lớp nghệ sỹ sân khấu đa tài của những "gánh hát" đầu tiên ở Bắc Kỳ. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông bỏ nghề "hát rong" cùng vợ và đứa con đầu lòng về quê để sinh sống. 
Những ngày sau Tổng khởi nghĩa, khí thế hừng hực của quần chúng nông dân vẫn lan rộng khắp phủ Xuân Trường. Tâm hồn nghệ sỹ trong Bùi Văn Nghinh lại trỗi dậy, ông quyết định giao đứa con trai đang bạo bệnh cho vợ để tham gia công tác xã hội, góp sức mình phụng sự quê hương. Được làm công tác văn hóa phục vụ cách mạng, nghệ sỹ Bùi Văn Nghinh như cá gặp nước. Ông vinh dự được Hòa thượng Phạm Thế Long tin cậy giao nhiệm vụ viết một vở kịch để phục vụ lễ phát nguyện "Cởi áo cà sa khoác chiến bào" của 27 vị tăng ni chùa Cổ Lễ tham gia bộ đội chủ lực, diệt giặc cứu nước. Cảm xúc trào dâng, thôi thúc bởi những lời tâm huyết của vị trụ trì: "Cởi áo cà sa khoác chiến bào/ Tuốt gươm, bồng súng diệt binh đao/ Ra đi quyết rửa thù cứu nước/ Vì nghĩa quyên thân hiến máu đào" nên chỉ trong một đêm, ông Nghinh đã viết xong vở kịch thơ "Giờ quyết liệt", rồi trực tiếp chọn diễn viên, dàn dựng, khẩn trương luyện tập để kịp công diễn đúng lễ xuất quân. Trong nghiệp sân khấu của mình, ông không bao giờ quên được đêm diễn lịch sử ấy: Dưới ánh sáng chói lóa của hàng chục ngọn đèn măng-xông, cùng với tiếng loa, tiếng trống huyên náo cả một vùng, hàng ngàn quần chúng nhân dân nô nức đón xem vở "Giờ quyết liệt" trong ngày ra trận hào hùng của quân và dân phủ Xuân Trường vào mùa Xuân năm 1947.
Khi biết tin nghệ sỹ Bùi Văn Nghinh đã nén nỗi phiền muộn trong lòng, giấu kín chuyện con trai đang bạo bệnh để tham gia phong trào văn hóa cứu nước, khiến mọi người rất cảm động, nhiều vị lương y trong vùng đến tận nhà thăm hỏi và chữa bệnh cho con ông. Cậu bé Minh Đức được Sư thầy chùa Thượng Phúc - một lương y nổi tiếng dùng phương pháp cổ truyền xoa bóp, châm cứu khai thông kinh mạch kết hợp phương thuốc bí truyền hòa với nước cua đồng cho cậu uống sống. Nhờ vậy mà chỉ sau nửa năm Đức đã ngồi dậy và tập đi... 
Những năm tháng "ăn mày cửa Phật" tuy còn rất nhỏ tuổi nhưng Đức đã thấm nhuần nhiều điều răn dạy của nhà chùa, điều này đã ảnh hưởng sâu sắc đến sáng tác của anh sau này.
Trong nhà, tuy thấp bé hơn các em, nhưng Đức vẫn ra dáng huynh trưởng, đĩnh đạc, khuôn phép nên được nể trọng. Cậu chăm học nhiều khi quên cả ăn. Năm lớp nhì (lớp ba - tiểu học), thầy giáo Phan Khắc Nhuệ đã sớm nhận ra tài năng văn chương trong tâm hồn cậu bé đặc biệt này. Thầy thường động viên khích lệ, nên Đức như được tiếp thêm ngọn lửa đam mê sáng tác. 
Cậu bé không rong chơi như bọn trẻ trong phố huyện mà dành nhiều thời gian đọc sách. Đức học giỏi cả Quốc văn, Pháp văn, thông thạo Hán tự. Những điều hay trong sách, cộng với trí nhớ trời phú là vốn văn học quý giá, nền tảng quan trọng để đắp bồi tư chất tạo nên cây bút Bùi Minh Đức của một thời "vàng son".
Mười bốn tuổi, Đức theo đoàn kịch của cha đi biểu diễn ở nhiều nơi, từ việc giúp bố chép vai, nhắc vở rồi đóng vai phụ, thay cảnh... khiến nghiệp sân khấu cứ ngấm dần vào anh qua mỗi đêm diễn. Chỉ sau vài năm, vở kịch đầu tay "Cháu ngoan Bác Hồ" của Bùi Minh Đức đã đoạt giải thưởng của Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam. Mặc dù hạn chế bởi dị tật, nhưng với tài năng và trí thông minh, nhất là đức tính trung thực, lối sống giản dị, thanh bạnh cùng với tinh thần trách nhiệm trước công việc nên anh được tuyển dụng làm nhân viên kế toán Hợp tác xã mua bán huyện, vào thời điểm ấy được vào biên chế nhà nước là vô cùng hy hữu. Với đồng lương ít ỏi, anh phải chi tiêu tằn tiện mới dành dụm được tiền để mua sách báo. Nhiều người nói anh là "thằng gàn", nhưng anh vui vẻ trả lời: Tớ có thể nhịn ăn chứ không thể nhịn đọc được! 
Tận tụy với công việc, rồi mải mê viết kịch, làm thơ nên ngót "Tứ tuần" anh mới cưới vợ. Được tổ tiên phù hộ nên một năm sau anh trở thành cha. Hạnh phúc gia đình cho Đức nhiều cảm xúc để viết. Anh viết đều trên các báo địa phương và trung ương. Một số kịch bản mang bút danh Bùi Minh Đức được công diễn đã khích lệ anh phấn chấn, tự tin hơn trong sáng tạo nghệ thuật.
Suốt 10 năm liên tục, Bùi Mình Đức đã có nhiều tác phẩm tham gia hội diễn quần chúng của tỉnh, trong đó có vở đoạt giải cao. Anh trở thành cây bút tiêu biểu của ngành thương nghiệp Nam Hà (tỉnh Nam Hà được thành lập 1965-1975 sáp nhập hai tỉnh Hà Nam và Nam Định). "Hữu xạ tự nhiên hương", đầu năm 1969, khi chưa tròn 30 tuổi anh được Ty Văn hóa và Ty Thương nghiệp tỉnh cử đi học lớp Biên kịch do Hội nghệ sĩ Sân khấu tổ chức. Anh may mắn được các thầy nổi tiếng - những bậc "tiên chỉ" của giới viết kịch Việt Nam trực tiếp giảng dạy như: nhà văn, nhà viết kịch, đạo diễn sân khấu Lộng Chương; nhà thơ, nhà văn, nhà hoạt động sân khấu Thế Lữ; cùng các nhà viết kịch, đạo diễn sân khấu Nguyễn Văn Niêm, Đoàn Đức, Trúc Đường... họ mang tất cả kiến thức đã tích lũy để truyền dạy cho 32 cây viết trẻ - khóa đầu tiên của ngành sân khấu miền Bắc. Không phụ công lao của các thày, nhiều người trong số đó đã trở thành những tên tuổi trứ danh trong nền nghệ thuật sân khấu nước nhà. Lớp học kết thúc, Bùi Minh Đức được thầy Lộng Chương có cảm tình nhất, ông ngỏ ý tìm cho Đức một việc làm ở Hội Nghệ sĩ sân khấu, hoặc về Ty Văn hóa tỉnh. Nhưng khi anh trao đổi với thầy Nguyễn Văn Niêm, thầy khuyên: "Hoàn cảnh kinh tế khó khăn, sức khỏe của Đức lại yếu, khó có thể sáng tác trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt như hiện nay - hãy làm nghệ sĩ nghiệp dư để tích lũy vốn sống, thời gian còn dài, tất cả còn đang chờ em ở phía trước!". Hiểu ý thầy, Đức trở về với công việc kế toán ở Hợp tác xã mua bán huyện. 
Từ đó, anh vẫn viết đều, viết về quê hương, viết về những con người lao động và viết về nữ Anh hùng tình báo Đinh Thị Vân - Người đảng viên trên trận tuyến thầm lặng quê anh... Bùi Minh Đức viết nhiều thể loại, nhưng nổi trội hơn là kịch bản sân khấu, trong đó nhiều vở được giải thưởng như: Cháu ngoan Bác Hồ, Đất quê hương, Tiếp bước cha anh, Khúc ca ly biệt, Lòng tham tội lỗi... Anh có tên và thơ được tuyển chọn trong Tuyển tập thơ tình Nam Định thế kỷ XX (Nhà xuất bản Thanh niên Hà Nội - 2001). 
Bùi Minh Đức là Hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam; Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nam Định.
Với hơn ba mươi kịch bản sân khấu và hàng trăm bài thơ, bài báo được in và giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng đã là niềm ao ước của nhiều người viết chuyên nghiệp lành lặn.
 
Giờ đây (2015), ngoại trừ Trần Thị Ngọc Lan ở tuổi gần bốn mươi, còn các anh bạn tôi đều đã bảy lăm, tám mươi cả rồi. Tuy "bóng đời đã ngả sâu xuống thung lũng của thời gian" nhưng họ đã kịp tự điểm nhỡn cho bức tranh chân dung của chính mình. Cuộc đời các anh đã là những tác phẩm hoàn thiện, hoàn mỹ; Hội họa và Văn chương cũng chẳng thể tô vẽ gì thêm, mà chỉ làm mỗi việc là khẳng định và trân trọng. 
"Chân dung - Số phận" của những người bạn thân thiết là niềm tự hào và tin cậy, đối diện với họ tôi luôn thấy mình nhỏ bé nhưng cũng thật hạnh phúc.
ĐQT-2015