Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TRUNG-VIỆT VIỆT-TRUNG (3)

Đỗ Quyên
Thứ sáu ngày 5 tháng 6 năm 2015 10:54 AM

Trích tiểu thuyết

TNc: Một tháng nay, biển Đông lại nổi sóng với các “đảo-đá-đểu made in China” khiến dư luận quốc tế tuần qua đang phải cảnh báo về khả năng xung đột quân sự Mỹ-Trung tại khu vực đá Gạc Ma và lân cận thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1988.
Tiếp theo các trích đoạn
http://trannhuong.net/tin-tuc-19184/trung-viet-viet-trung.vhtm ,
http://trannhuong.net/tin-tuc-19286/trung-viet-viet-trung.vhtm
trannhuong.net giới thiệu tiếp lược trích Hồi 4.2 của Truyện 3 (“Chuyện ‘chiến tranh văn học’ bất thành”) từ bản thảo tiểu thuyết Trung-Việt Việt-Trung được tác giả Đỗ Quyên viết ngay trong thời gian xảy ra sự kiện Giàn khoan 981 vào các tháng này năm ngoái.
*
8 giờ sáng ngày 15 tháng Tám năm 2014.
Hạm đội tàu sân bay Liêu Ninh bắt đầu xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Đại Việt. Lực lượng hộ tống tàu sân bay chiến đấu Liêu Ninh lần này có 3 tàu khu trục tên lửa và 3 tàu hộ vệ tên lửa. Rõ ràng lực lượng này không đủ mạnh để bảo vệ mẫu hạm của mình, nếu đối phương là một cụm tàu sân bay chiến đấu của Mỹ với lực lượng hộ tống hùng mạnh, áp đảo. Vấn đề là Mỹ có chịu “dí” hàng không mẫu hạm từ Hạm đội 7 vào vụ này không? Hỏi chưa chắc đã là trả lời. Nhất là trong chiến tranh…
Tọa độ A, kinh độ B vĩ độ C, từ vùng biển tỉnh Khánh Hòa nhìn ra, gần giữa khu vực hai quần đảo nghiêng về phía Trường Sa. (Té ra là nơi thuyền viễn dương Tây Phong của Ðô đốc Thái giám Trịnh Hoa bị đắm vào năm 1434). Hạm đội tàu sân bay Liêu Ninh vào sâu tới 3 hải lý thì dừng tại đó; và từ Văn phòng Quân ủy Trung ương tại Trung Nam Hải phát ra:
“Lệnh phát động chiến tranh đại dương Nam Hải để dạy cho tiểu bá quyền Đại Việt bài học thứ hai
Nhật lệnh của
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung,
Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Trung,
kiêm Chủ tịch Quân ủy Trung ương Quân giải phóng Trung
Cùng toàn thể tướng lĩnh, sĩ quan và chiến sĩ Quân giải phóng!
Từ bài học thứ nhất dạy cho tiểu bá quyền di man phương Nam mà Đặng Tiền bối xuống tay vào ngày 17 tháng Hai năm 1979, thấm thoát đến nay đã 35 năm 5 tháng 29 ngày. Bao nhiêu nước chảy qua cầu biên giới lãnh thổ Trung-Việt rồi? Người Trung nguyên không cần biết. Chỉ biết, nay tới lúc chúng ta cần nước trên đại dương hướng ra toàn cầu với biển Nam Hải là sinh tử lộ. Nam Hải phải là ‘vùng nội thủy’, là ‘vùng nước lịch sử’ của Trung nguyên! Từ nay…
Không ai khác, sinh thời chính Mao Lãnh tụ đã phải gọi những người cầm đầu láng giềng phương Nam tới mà nói thẳng: ‘Các đồng chí, tôi muốn các đồng chí biết việc này. Tôi sẽ là Chủ tịch của 500 triệu bần nông, và tôi sẽ mang một đạo quân đánh xuống Đông Nam Á.’ Công cuộc hành phương Nam của Người chưa thành hiện thực. Nay chúng ta đang hiện thực hóa. Bằng đường biển. Tứ đó, làm chủ khu vực biển phía đông Ấn Độ Dương và phía tây Thái Bình Dương, để ngăn chặn đường tiếp liệu của Nhật và phòng ngừa Ấn Độ tiến về phía đông.
Hãy nhớ! Giải phóng quân là lực lượng vũ trang chính yếu của Cộng hoà Dân chủ Trung. Đây là quân thường trực lớn nhất thế giới, bao gồm các quân chủng: lục quân, hải quân, không quân, và lực lượng hạt nhân; trong chiến tranh, cảnh sát vũ trang sẽ là nhánh thứ 5 của Quân giải phóng.
Dù biến cố chiến trận biên thùy 1979 đã không thành chủ đề quan trọng cho các cuộc thảo luận công khai và nghiên cứu tại Trung thì dường như một bóng ma ‘kiêng nể đặc biệt Đại Việt’ ở sự thành thạo tác chiến toàn diện của họ đã bao phủ tâm lý một bộ phận không nhỏ các tướng lĩnh, sĩ quan và chiến sĩ Quân giải phóng. Đã tới lúc bóng ma đó sẽ bị tiêu biến. Tại đây. Trên biển Nam Hải này. Đúng là từ lâu Đại Việt đã chứng tỏ có khả năng sử dụng hữu hiệu lực lượng bộ binh, nhưng cho đến nay về không quân và nhất là về hải quân còn bị hạn chế vô cùng, trừ cái khoản tàu ngầm vừa mới tậu được. Mặc dù Quân giải phóng phải nói là yếu kém hơi bị lâu trong binh pháp chống tàu ngầm, song cho đến thời điểm này ‘gót chân Achilles’ của Trung chưa thể bị suy suyển.
Hội nghị Quốc tế về Chính sách hải dương của Trung do Viện Đại học Ma Cao tổ chức trong tháng trước đã nhằm vào câu hỏi ‘Với thực lực quân sự hiện nay, liệu Đại Việt có thể ngăn cản Trung tiến vào biển Nam Hải không?’ Câu trả lời của một số chuyên gia là khả năng duy nhất của Đại Việt chỉ ở mức răn đe, và ngay cả trong vấn đề này vẫn còn nhiều ý kiến nghi ngờ. Cho đến 8 giờ sáng ngày 15 tháng Tám này, họ vẫn chưa sắm nổi một hạm đội 6 chiếc tàu ngầm Kilo mà theo dự tính phải tới năm 2016-2017. Hiện 2 chiếc mang tên Hà Thành và Sài Thành đang ngày đêm tập tành cái trong Nam cái ngoài Bắc; chiếc thứ ba tên là Hải Phòng sẽ được giao trong tháng Mười Hai tới; chiếc thứ tư Đà Nẵng đã được Nga hạ thủy vào tháng Ba mới rồi và còn phải chạy thử chán chê. Hai chiếc cuối cùng mang tên Khánh Hòa - đang được đóng - và Bà Rịa Vũng Tàu (chắc mới còn là đống thép) sẽ hạ thủy vào tháng Chín năm 2015 để được giao vào năm 2016 (mà từ nay đến đó quan hệ Nga-Việt liệu có còn cơm lành canh ngọt?)
Đành rằng tàu ngầm Kilo của Đại Việt cho phép đánh những cú chí mạng bằng ngư lôi hay tên lửa hành trình chống hạm, song một số nhà phân tích quân sự phương Tây vẫn nhìn ra khiếm khuyết trong chiến lược quốc phòng của nước này. Đặc biệt là họ gần như chưa biết vận hành hệ thống vũ khí cực kỳ phức tạp như tàu ngầm Kilo. Nhưng chúng ta đủ tỉnh táo nhìn bằng con mắt của mình khi nghe một số chuyên gia khác lại đánh giá cao hơn chiến lược chống xâm lấn của Đại Việt nhờ lợi thế địa dư, đòi chủ quyền ngay ‘sân nhà’, mà trong tiếng Việt có câu ’Chó cậy gần nhà gà cậy gần chuồng’. Ai cũng biết Đại Việt hiện nắm giữ nhiều đảo nhất tại vùng Nam Sa, nên để đánh chiếm lại vùng này tàu Trung phải qua một hải trình nhiều thử thách.
Vậy:
Chúng ta phải hạ thủ trước khi đội tàu ngầm Nga loại Kilo đáng gờm cho phép Đại Việt năng lực hữu ích chống tiếp cận khu vực khi tàu chiến của ta cần đánh chiếm lại các đảo thuộc quần đảo Tây Sa và Nam Sa (bị gọi trong tiếng Việt là Hoàng Sa và Trường Sa) vẫn đang bị Đại Việt cùng các tiểu bá khác chiếm đóng bất hợp pháp trong vùng biển Nam Hải linh thiêng của Tổ quốc.
Chúng ta phải hạ thủ trong khi Washington còn đang tiến gần đến việc phá bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Đại Việt rất có thể vào cuối năm nay. Theo đó, máy bay do thám hải quân P-3 được xem là một trong những mặt hàng đầu tiên họ bán cho Hà Thành, để tăng khả năng giám sát và phòng vệ bờ biển. Dù Đại Việt đã tiến hành hiện đại hóa quân đội bằng rất nhiều tỷ đôla, nhưng khả năng do thám của nước này vẫn còn í ẹ lắm.
Ngày trước, như Đặng Tiền bối nhiều lần nhắc nhở: ‘Thời chiến tranh Lạnh, chúng ta có thể dung thứ việc Liên Xô giữ 70% ảnh hưởng ở Đại Việt, miễn là 30% còn lại dành cho Trung.’ Nay, nếu không khống chế được 100% (như với Bắc Triều Tiên) thì Trung ít nhất phải thay thế Liên Xô. Cái 30% còn lại chúng ta không quan tâm: cứ cho đó là quả thực chia nhau của Mỹ, Nga (nay đang giảm rồi), ASEAN, Nhật, Pháp, Ấn, Đức, v.v… - tức là của một danh sách dài thoòng ‘làm bạn bốn phương’, ‘đối tác toàn diện’ của Đại Việt.
Hãy nhớ! Khoảng 200 năm trước, khi dân số loài người vừa đạt mức 1 tỷ thì đất nước Trung đã là một đế quốc lục địa thông suốt với 300 triệu dân, sinh sống bằng các điều kiện hoàn toàn tiền kỹ nghệ trong một khuôn khổ chính trị nhất quán và hợp lý về nội bộ mà không một chính thể tương tự nào từng hiện diện trong lịch sử phương Tây. Thế mà Thanh đình, một chính quyền Hán do ngoại tộc Mãn Châu làm chủ, vừa nhát vừa nát đã gây bao thất bại nhục nhã kể từ năm 1840 sau các cuộc chiến tranh Nha phiến, chiến tranh Thanh-Nhật, và đỉnh cao là để Liên quân 8 nước kéo vào cướp bóc Bắc Kinh năm 1900. Nỗi nhục khổng lồ trong lịch sử Đại Hán của cha ông khiến chúng ta phải rửa!
Đặng Tiền bối từng chỉ bảo các thế hệ Chủ tịch Quân ủy Trung ương thừa kế: ‘Có 5 ngày làm việc, hãy dành 4 ngày cho các tướng lĩnh chóp bu’. Tôi dành 4 ngày rưỡi, để sao cho ‘nỗi nhục lịch sử’ phải thuấn nhuần trong toàn quân, từ tướng đến sĩ.
Trong giờ phút chinh phạt cập kề này, tưởng cũng nên nhắc lại, khi chính quyền vô sản Trung vừa phôi thai, Mao Lãnh tụ đã tinh anh đề thuyết ‘Thế giới ba chân vạc’. Theo đó để loài người thế kỷ 20 được hòa bình, thế giới phải chia ba phần quả thực: Liên Xô một, Mỹ một; và Trung cũng phải có một, cho dù Trung ‘vừa là đồng chí vừa là anh em’ song không đồng tình đồng ý với ‘đàn anh’ Liên Xô. Thế kỷ 21 khác hẳn! Hạ tuần tháng Hai năm 2012, ngay chính tại Mỹ - hang của ‘hổ’ mà Mao Lãnh tụ thời ấy giả đò coi như ‘hổ giấy’ - tôi đã tuyên ngôn về một ‘Quan hệ đại cường mới’ để cho Mỹ thấy Trung nhìn thế giới hiện tại ra sao và vị trí của Trung ở đâu. Nói huỵch toẹt, đó là kiểu ăn chia thế giới mới giữa ‘hổ’ Trung và ‘con hổ không giấy’ Mỹ. Bữa đó, trong tiệc rượu bằng hữu kiểu Tàu dưới mái hiên Tòa Bạch Ốc, nhân lúc vị chủ nhà Fraser Obama lả rả toa moa, tôi lấy tay trỏ vào Obama rồi lại trỏ vào mình, nói y chang cái câu xưa Tào Tháo từng làm Lưu Bị đánh rơi xuống đất đôi đũa đang cầm trong tay: ‘Anh hùng trong thiên hạ ngày nay, chỉ có Tổng thống với Tập này thôi!’
Hãy nhớ! Đã đến lúc mãn hạn 4 chữ vàng tinh ròng ‘Thao Quang Dưỡng Hối’ (che giấu ánh sáng của mình chờ thời cơ) mà Đặng Tiền bối từng nín thở thực thi. Chúng ta đã kiên trì Bốn hiện đại trong bóng đen; không phô trương thanh thế, không chém gió diễn đàn, không nổ văng miểng hội thảo; tuyệt đối nhũn nhặn mềm dẻo, nằm gai nếm mật ẩn mình đợi thời cơ; che giấu mưu sự võ hiểm, nuôi đủ nanh vuốt mới hành động. Chúng ta đã vờ ngu giả dại trước thế gian hậu hiện đại, đã nín thở dưới biển Nam Hải 25 năm rồi! Một chiến lược an ninh hải dương hệ thống và dài hạn như thế nhưng lại bị dư luận coi là ‘ngược chiều văn minh, khiến một góc của thế giới rơi vào cảnh bất an’.
Với kẻ láng giềng phương Nam dưới nách, 40 năm qua đã 5 lần chúng ta phải xử lý tranh chấp biên giới và biển đảo. Mà vẫn chưa ra tấm ra miếng!
Giới bình luận thế giới thật là tài khi cho rằng, rất khó đoán được những hành động trong tương lai của chúng ta ở các vùng tranh chấp. Đúng! Chúng ta đã duy trì một mâu thuẫn nhất định ở biển Nam Hải, vừa đủ khiến người Mỹ không thể can thiệp sâu đậm nhưng cũng vẫn đủ để người Trung đạt đích thắng lợi có tính giai đoạn. Tiếng Mỹ gọi là ‘Steps by steps’; tiếng Việt là ‘Kiến tha lâu đầy tổ’; còn tiếng Trung: ‘Ngu Công chuyển núi’. Dư luận bảo đó là một kiểu chiến tranh đặc biệt về không gian và thời gian, về phương thức tác chiến và vũ khí sử dụng. Không! Chúng ta chưa coi đó là chiến tranh. Thích thì gọi là tiền chiến tranh cũng được. Để tới giờ G này! Mỗi khi tình hình leo thang ở đâu đó, báo chí lại tung ra các huyền thoại về sự bất khả chiến bại của Quân giải phóng. Bất chiến tự nhiên thành. Nhưng chưa thành chánh quả. Không đại hải chiến một trận, không xong!
Hãy nhớ! Thế kỷ 21 là Thế kỷ hải dương. Mọi quốc gia sở hữu vùng biển từ nay càng nhăm nhăm giữ chiếm lợi ích và tiềm năng từ biển. Thời cơ để Trung thực hiện giấc mộng ‘Phục hưng kỳ vĩ’. Nếu bỏ lỡ, mộng bá chủ toàn cầu khó có dịp hội tụ nhiều thuận lợi như hiện nay. Xuống Nam Hải để đột phá cửa, người Trung sẽ tung ra thế giới. Tệ hại nhất là Đại Việt từng xâm chiếm Miên, người Việt làm kỳ đà cản mũi người Trung mở rộng biên cương xuống phía nam. Nay muốn thành đại cường quốc, phải phạt quang con kỳ đà bướng bỉnh!
Cuộc chiến chúng ta đang phát động không ra ngoài nhiệm vụ mà Quốc vụ viện tuyên bố từ năm 2011: ‘Lợi ích cốt lõi của Trung bao gồm: chủ quyền quốc gia, an ninh quốc gia, lãnh thổ hoàn chỉnh và quốc gia thống nhất.’ Chỉ vậy thôi. Bốn lợi ích cốt lõi, chẳng nhiều nhặn gì cho cam! Bất kỳ ai làm tổn hại và cản trở một trong 4 lợi ích cốt lõi, đó là kẻ thù của chúng ta, kể cả người trong chúng ta.
Quốc vụ viện Trung coi biển Nam Hải có quyền lợi cốt lõi ngang tầm với Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương. Mà ba cái sau hiện chưa được thiên thời. Biển Nam Hải sẽ phải trở lại mang hình Cán cuốc như đã từng. Cứ mặc người đời gọi nó là Đường lưỡi bò, miễn nơi đó sẽ thành quần thể các căn cứ quân đội mạnh mẽ, nhìn hết tầm tới tất cả các quốc gia trong khu vực, thấy tường minh các tuyến lưu thông hàng hải tỏa ra tứ hải. Ý chí bình thiên hạ của tiên tổ sẽ được thỏa sức tung hoành trong thời hậu hiện đại, mà đích chót là thống trị toàn cầu.
Hãy nhớ! Ba tháng trước, cách khá xa nơi Hạm đội Liêu Ninh của chúng ta đang dừng, một doanh nghiệp Trung ở khu vực phía nam đảo Trung Kiến của Tây Sa (bị Đại Việt gọi là đảo Tri Tôn của Hoàng Sa) có giàn khoan Thạch Du Hải Dương 981 hoạt động dầu khí bình thường trong lãnh hải thuộc chủ quyền của Trung. Nhưng kẻ láng giềng nhỏ bé phương Nam đã liên tục có hành vi quấy nhiễu, khiến phía Trung buộc phải tăng cường lực lượng bảo vệ an ninh tại hiện trường, ngăn chặn sự quấy phá, đồng thời duy trì an toàn sản xuất và tác nghiệp trên biển cũng như đảm bảo an ninh hàng hải quốc tế, trong đó cho cả Đại Việt. Giàn khoan 981 chính là lãnh thổ di động của Tổ quốc và cũng là vũ khí chiến lược về kinh tài của dân tộc; khi đã khai thác xong và cũng để tránh bão lớn chúng ta phải rút giàn khoan về. Âu cũng là ‘binh bất yếm trá’, phép dùng binh đâu quản ngại trá hình.
Về quân sự, họ tạo niềm tin rằng, với lượng quân đội nhỏ hơn so với Trung thì chiến lược quân sự tối ưu cho Đại Việt là tấn công các tài sản nửa cố định của Trung trên biển Nam Hải, như giàn khoan 981; rằng sẽ rất thích hợp dùng tác chiến đặc biệt và chối bỏ trách nhiệm hợp lý. Không gì khác đó chính là các Đội đặc công nước vô cùng tinh nhuệ, mà trong cuộc chiến trước đây người Mỹ hay gọi cho dễ hình dung là ‘người nhái Việt Cộng’.
Đại Việt đã khuyến khích các bài báo ngoài lề nhà nước, các hội thảo quốc tế phi chính phủ để cổ súy những hoạt động đặc biệt và chối bỏ trách nhiệm hợp lý có tiềm năng cao nhất cho các hành vi quân sự chống lại quân đội Trung khi tấn công các tài sản bị coi là ‘xâm phạm lãnh hải’ và tránh được chiến tranh thông thường.
Đại Việt đã a dua với dư luận quốc tế khi cho rằng, những tác chiến đặc biệt đơn phương nhằm vào các tài sản của Trung ở Nam Hải có thể được thực hiện bởi bất kỳ quốc gia riêng nào, như Đại Việt, Philippines, Mỹ, Nhật…
Đại Việt đã thổi phồng huyền thoại dân tộc mình nổi danh về sự kiên gan chống cường quốc và về ‘Binh pháp du kích’ đạt đến chuẩn mực từ xưa đến nay, nhất là trong chiến tranh Mỹ-Việt nửa thế kỷ trước: ‘Bí mật, nhanh chóng, tích cực, nay Đông mai Tây, lai vô ảnh, khứ vô tung.’ Họ, chính thống thì như lời Phó thủ tướng Phạm Bình Sinh hôm mới rồi tại Washington, ‘muốn giữ hòa bình qua sự phát triển quan hệ ngoại giao đa dạng, đa phương trên nguyên tắc giữ độc lập’ và từ hai tháng nay sấp ngửa lá bài đáo tụng đình hòng đưa chúng ta ra Tòa trọng tài quốc tế. Còn phi chính thống, qua các diễn đàn lề trái và lề giữa, lại gieo rắc niềm tin ‘chiến tranh ở Biển Đông dù dưới hình thức nào, sớm muộn chắc chắn phải xảy ra từ phía Trung’. Ai vừa ăn cướp biển đảo vừa la làng? Ai gắp lửa chiến tranh bỏ tay người?
Chuyện cái mũi khoan và bom dị bào - một đỉnh cao hoang tưởng và ngông cuồng viển vông đã được thể hiện qua sáng tác văn chương theo trường phái viễn mơ, trong đó nhân vật chính đã dùng kế mỹ nhân cài Đặc công trứng Việt vào nam nhân Trung có mặt tại giàn khoan Hải Dương 981 để gây nổ bằng bom Dị bào. Ôi chao! Một sản phẩm tưởng tượng, vô cùng thâm hiểm và ác chiến, nhưng không phải là không có cơ sở cho một thứ vũ khí giết người hàng loạt tương tự. Biết bao thế hệ tiền bối trong 4.000 năm và chính chúng ta trong nửa thế kỷ qua đã có quá nhiều kinh nghiệm xương máu trước các thành quả quân sự của Đại Việt vượt ra khỏi tri thức và tiềm năng con người bình thường. Không chỉ nước Trung, tất cả các cường quốc đều có những bài học từ người Việt trong chiến trận.
Từ thông tin tình báo chúng ta thu được bản nhận xét của một nam văn sĩ Việt, tiểu thuyết gia Nguyễn Thanh Hiên. Đã đành họ viết như là để mèo khen mèo dài đuôi giữa đám sáng tác với nhau, để chim chuột tán tỉnh trong giới văn nghệ sĩ, song văn bản đã tiết lộ nhiều đại sự:
‘Đ.Q. ơi,
Viết hay lắm! Câu đầu tiên anh muốn kêu lên với truyện về Mũi khoan, về Bom trứng. Thật kín. Đọc hết truyện mới thấy thông điệp. Đó là thành công thứ nhất. Thành công thứ hai, phải nói là truyện đã thành thể loại mới. Một thể loại thật khó gọi tên. Thôi, cứ gọi là ‘thể loại Đ.Q.’ (theo cách chơi chữ của em, Đỗ Quyên của anh ạ): một thứ chính luận được văn chương hóa; một cách tuyên truyền khoa học trong văn chương; một kiểu khoa học giả tưởng và thời sự.
À, giả như Đại Việt ta biến chuyện đó thành sự thật thì Einstein tái sinh hay bất cứ một nhà khoa học hiện đại nào cũng đều sửng sốt: Chỉ một cái trứng phụ nữ đã làm nên chuyện. Ôi, nàng Đỗ Quyên bị ức chế sao đó trong lĩnh vực khoa học bỗng chạy sang đất nước thi ca để chế tạo Bom trứng?! Ôi một cái trứng phụ nữ!
Đọc vài hồi đầu bị mê hoặc bởi tài ‘miêu tả việc ái ân’ của tác giả, người đọc mới chưng hửng. Không phải đem khoe chuyện cái dâm dục, mà là khoe một sáng kiến khoa học: Bom trứng. Kể từ đây, nhân loại bắt đầu lo sợ, rất lo sợ, khi giao hợp với phụ nữ: coi chừng Bom trứng đấy! Thật khoái khi đọc truyện.
Tất nhiên, truyện sẽ rất kén người đọc; phải có tay nghề viết lách thì đọc mới thấy dễ đọc, còn không sẽ khó. Bởi: Cách kể chuyện cứ ngoái đi ngoái lại, đang năm 3014 lại nhảy sang 3029, rồi lại ngoái lại 3011; Không phải chương hồi theo thời gian, mà theo sự việc (người đọc hiện nay vẫn quen với chương hồi theo thời gian); Sẽ khó tiếp thu những kiến thức khoa học, nhưng ở đây phải nắm được ‘kiến thức khoa học’ ấy mới thấy được thông điệp của truyện; Thông điệp của truyện lại rất kín.
Xin đề nghị một chút: bớt cái diễn văn của ngài Thứ trưởng Quốc phòng; và đẩy hài hước lên chút nữa.
Quyên, em đã có một cách kể chuyện của riêng mình: vẻ nôm na, chẳng ra vẻ gì là làm văn cả, nhưng gây được ấn tượng ở độc giả. Kể chuyện văn chương mà như đang thông báo một tin tức. Đó đã là một thương hiệu. Đừng sợ ít người đọc. Bởi vương quốc thi ca bao giờ cũng dành cho một thiểu số hạnh phúc.
Rất vui gửi đến em những tình cảm chân thành khi đọc ‘truyện Đ.Q.’.
Nguyễn Thanh Hiên’
Thực ra, truyện về Bom dị bào chỉ là biểu lộ tột độ của nhiều hoạt động văn học khác hòa trong mọi sinh hoạt xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa văn nghệ đang phản ánh trung thực và hùng hồn mưu đồ tiểu bá của Đại Việt trên cõi Đông Nam Á và biển Nam Hải (bị họ gọi là Biển Đông).
‘Cũng bởi điều kiện thời tiết không thuận lợi, cách mạng ở Đức đành phải diễn ra trong âm nhạc’, văn sĩ châm biếm người gốc Do Thái là Tucholsky còn khẳng quyết vậy; huống hồ chúng ta - những người Trung chính gốc.
Tạo tác nền tiểu thuyết kinh điển nhất, sinh động nhất của văn minh nhân loại, người Trung hiểu rất rõ công dụng chiến trường của văn chương tiểu thuyết trong thế kỷ Đại dương. Thế kỷ ‘con hổ Trung’ không chỉ trỗi dậy về sức mạnh kinh tế và tiềm lực quân sự, hải quân mà cả trên vương quốc chữ nghĩa ngàn năm với hai chủ nhân ông của giải thưởng Nobel văn học chỉ trong thập niên đầu tiên của thế kỷ - hai tiên sinh tiểu thuyết gia Cao Hành Kiện và Mạc Ngôn.
Hãy nhớ! Cũng như chúng ta, tuyệt đại đa số trang thiết bị và vũ khí trên biển, như tàu ngầm, khu trục hạm, hộ tống hạm cùng không lực hải quân của Đại Việt đều từ ‘lò’ Nga Xô mà ra; khác và thua chúng ta ở chỗ số lượng chỉ có tới ba bảy hai mươi mốt cái với chất lượng mèng mèng.
Vì thế:
Chúng ta ra tay trước trên đại dương là để lôi át chủ bài của đối phương là các lữ đoàn Đặc công nước lên ra khỏi mặt biển và vô hiệu hóa.
Chúng ta ra tay trên đại dương trước khi Đại Việt được Mỹ bán cho vũ khí sát thương và hiện đại hóa hải quân, trong đó có nhiều vũ khí đặc trị chống đỡ Hải quân Trung.
Chúng ta ra tay trên đại dương trước khi quan hệ Mỹ-Việt được biến hóa thành liên minh đặc biệt mà không ai có thể hình dung nổi.
Chúng ta là người Trung, quyết không để cho ai làm nhục!
Như thế đó, cuộc chiến tranh giới hạn trên biển Nam Hải để chúng ta dạy cho tiểu bá quyền Đại Việt bài học thứ hai có duyên cớ châm ngòi về mặt văn học và các nguyên nhân sâu xa, lâu dài về việc mở rộng đất nước Trung, về sự tăng ảnh hưởng toàn cầu của Đại Hán Tộc chủ nghĩa, về an ninh khu vực toàn cõi châu Á, về quân sự quốc phòng trên biển Thái Bình Dương!
Hãy nhớ, này các nhà chế tạo vũ khí quân sự Trung!
Thời nhà Đường, thế kỷ thứ 7, chỉ ngẫu nhiên mà Đường Thế Dân tiên sinh, một bậc tiền bối kỳ tài đã phát minh ra yên ngựa có chân đứng và làm đảo lộn thiên hạ. Trước phát minh này, kỵ sĩ chỉ ngồi trên ngựa với hai chân buông lỏng, không thể vững vàng và kỵ binh chỉ là phương tiện giao thông vận chuyển. Với phát minh này, người ngựa như dính liền một khối thép và kỵ binh trở thành một khí giới tiến công nhanh mạnh như vũ bão. Đúng thế, chính nhờ hai sợi dây da thô sơ buộc vào yên ngựa mà nhà Đường đã đảo ngược thế cờ: từ sự lâm nguy của Trung nguyên trước đe dọa xâm chiếm của lũ man di du mục Trung Á chuyển sang chinh phục các lãnh thổ lân bang, lập nên đế quốc hùng cường với nền văn minh chói lọi toàn cầu suốt 300 năm. Đến lượt mình, man di du mục Trung Á sau khi thành chư hầu Đại Hán đã thâu tóm kỹ thuật phát minh yên ngựa có chân đứng để chinh phục tiếp các dân tộc láng giềng phía Tây chiếm gần hết phần đất bao quanh Địa Trung Hải, tạo nên làn gió Đông thổi bạt gió Tây đầu tiên trong lịch sử chiến tranh và văn minh loài người. Muôn sự là nhờ cặp chân đứng yên ngựa Đường Thế Dân!
Hãy nhớ, này các nhà chế tạo vũ khí quân sự Trung!
Tuần trước, con tàu Xiaofei thăm dò Mặt trăng của Trung đã trở về Trái đất bình an. Sự kiện lớn đã đưa Tổ quốc Đại Hán của chúng ta trở thành quốc gia thứ 3 trên thế giới phóng thành công tàu thám hiểm lên mặt trăng. Tính đến nay, chỉ có Mỹ và Liên Xô/ Nga đưa được tàu thăm dò lên mặt trăng và trở về an toàn. Mà Nga Xô thì đã tịt ngòi ‘sứ mệnh anh Cả vũ trụ’ từ những năm 1970. Trung đã, đang và sẽ thượng phong ở vị trí thứ 2. Vả lại, chúng ta không hoài hơi mà đấm bị bông, nghiên cứu vũ trụ chỉ vì vũ trụ. Chúng ta chinh phục vũ trụ là để chinh phục con người - con người bằng xương bằng thịt trên địa cầu này, trên đại dương này. Con Hổ Trung đã, đang và sẽ trỗi dậy trên vũ trụ theo hướng đó. (Mở ngoặc. Trong khi với tay lên vuốt má Hằng Nga, chân người Trung không hề buông lơi mặt đất. Chuyện đã hết còn bí mật, chúng ta có thể công khai tuyên bố tại đây: Trung đã làm xong dự án thiết lập một tuyến đường sắt siêu tốc liên lục địa dài 13.500 km nối liền Trung với Nga, Mỹ và Canada đi qua eo biển Bering. Thế là Bắc Băng Dương cũng sắp trở thành một sân sau của Trung! Đóng ngoặc.)
Qua triệu lý trường chinh dài 840.000 km sau 8 ngày bay, chiến mã Xiaofei đã phi vòng quanh mặt trăng và chụp được nhiều hình ảnh tuyệt vời về bề mặt trái đất cũng như mặt trăng. Các dữ liệu thử nghiệm từ Xiaofei sẽ tạo ra nền tảng vững mạnh để thăm dò và chinh phục mặt trăng trong nay mai. Trong khí thế hào hùng của trận Hải chiến Nam Hải dạy cho tiểu bá cứng cựa Đại Việt và các tiểu bá lau nhau khác một bài học mới, chúng ta có thể bật mí rằng: Tàu Xiaofei dù xuất sắc đến thế cũng chỉ để thử nghiệm một công nghệ vũ trụ mang bản sắc Trung được dùng cho tàu Hằng Nga-8, sẽ phóng lên không gian trong năm 2017. Khi đó thiên hạ bá tánh phải chống mắt lên mà nhìn mỏi cổ trước một tàu vũ trụ không người lái made in China êm ái đậu xuống mặt trăng, trong khúc nhạc Đông Phương Hồng và thu thập mẫu đất đá rồi trở về trái đất trong lòng khu tự trị Nội Mông thân thuộc của Đất Mẹ Trung nguyên.
Hãy nhớ, này các tướng lãnh chiến lược Trung!
Gần đây thôi, mới 200 năm trước, lãnh thổ Trung từng sở hữu một siêu bản đồ (meta-map). Vương triều nhà Thanh, suốt giai đoạn phát triển trong thế kỷ thứ 18 của bản thân mình đã bành trướng đất nước Trung tới lãnh thổ rộng cực đại trong lịch sử 5.000 năm. Như một thiên triều, chúng ta từng cai quản mặt đất bao la dải dài từ Viễn Đông băng ngang nam Siberia đến tận hồ Baikal, rồi quay xuống phía nam chéo qua Kazakhstan, chuyển về phía đông dọc theo đỉnh trời Himalaya. Nào đã hết, và đây mới là phần màu mỡ lúa gạo thực phẩm của Đại Hán: Đại Việt, Lào cùng toàn bộ bán đảo Đông Nam Á cũng như bắc Miến Điện, rồi Hàn Quốc, Nepal đều đã chịu quyền bá chủ của Trung qua triều cống.
Đâu phải vô cớ, ngay từ năm 1949 khi Đảng Cộng sản Trung vừa tay ướt tay ráo nắm quyền trên toàn cõi giang san, Mao Lãnh tụ đã giương hai mắt đau đáu về các cựu lãnh địa từ thời triều Thanh. Siêu bản đồ từng bị rách tung ra tứ phương sẽ là ngọn hải đăng cho các thế hệ nhà lãnh đạo hậu sinh của Trung hôm nay và ngày mai.
Đâu phải vô cớ, ngay từ năm 1996 học giả xuất chúng người Mỹ là Samuel Huntington với cuốn sách lừng danh Cuộc Chiến Giữa Các Nền Văn Minh, khi lý giải trật tự thế giới mới sau thời Chiến tranh lạnh đã như ‘đi guốc trong bụng’ người Trung chúng ta.
Học giả xuất chúng đó đã đưa ra một kịch bản giả tưởng về Đệ tam Thế chiến xảy ra vào năm 2010 với trận khai hỏa là xung đột Trung-Việt tại vùng biển Hoa Nam/ Biển Đông kéo theo sự tham chiến của Mỹ qua đề nghị cầu viện của Đại Việt. (Trận hải chiến cục bộ chúng ta đang xuống tay tuy chậm vài năm, song cũng chứng tỏ sự tiên tri không xoàng của học giả xuất chúng).
Học giả xuất chúng đó đã mở rộng quan niệm của Trung rằng, ‘tương lai nền chính trị Đông Á chính là quá khứ của nó’ (tức là Trung sẽ tái thiết lập vai trò của của mình trong khu vực như quốc gia hạt nhân với nền văn minh Khổng giáo) đến quan niệm rằng, ‘tương lai nền chính trị thế giới chính là quá khứ của nó’ (tức là Trung sẽ quay trở lại vai trò trung tâm văn minh thế giới, như đã từng từ trước thời Phục Hưng và chủ nghĩa tư bản Tây phương).
Học giả xuất chúng đó đã vẽ lại bản đồ thế giới gồm các cực là 8 nền văn minh lớn tạo mâu thuẫn giữa các nền văn minh có thể vẫy gọi xung đột vũ trang trên chiến trường; có nghĩa chiến tranh trong thế kỷ 21 không còn bởi vì mâu thuẫn giữa các thể chế và quốc gia riêng rẽ như thế kỷ 20 nữa. Tám cực đó là: phương Tây, Mỹ La Tinh, Hồi Giáo, châu Phi, Chính thống giáo, Hindu, Nhật và Sinic. Sinic là vùng nào? Là 3 nước: Trung, Triều Tiên, và cái nước mà chúng ta đang tiến hành hải chiến tự vệ: Đại Việt!
Vì thế, trước thềm của thiên niên kỷ thứ 3, đầu năm 2000 chúng ta đã ra Sách trắng mang tên ‘Thống trị châu Á và thế giới: Đại kế hoạch của Trung’, và nay đã sắp qua giai đoạn 1 là thời kỳ 15 năm lần thứ nhất. Về nội dung, đại kế hoạch của Trung gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1: Bá quyền cơ bản, bằng việc hoàn tất khống chế và làm chủ biển Nam Hải; Giai đoạn 2: Bá quyền khu vực, bằng các việc: thống nhất Đài Loan và các khu tự trị; thu hồi hoặc phục chế tự trị tất cả lãnh địa từng thuộc cai quản của tất cả triều đại Trung trước đây; Giai đoạn 3: Bá chủ toàn cầu, xây dựng trật tự thế giới mới với sự thống lĩnh của Trung như một tân đế quốc trong hoàn cảnh hậu hiện đại, tức là thế giới sẽ bước sang thời kỳ toàn cầu hóa lần thứ tư: Trung hóa!
Đã gần 15 năm rồi, bất cứ người Trung nào dù ở quốc nội hay ra hải ngoại, đều thấm nhuần Sách trắng với các kịch bản về 6 cuộc chiến tranh trong tương lai nhằm thu hồi các vùng đất nói trên.
Đầu năm nay, 53 tướng lãnh cao cấp Quân giải phóng đã công khai và tự nguyện tuyên ngôn trên báo chí những cam kết hậu thuẫn đối với cá nhân Chủ tịch Quân ủy cũng như Ban lãnh đạo Trung ương. Trong lịch sử chính trị và quân đội Trung, lễ tuyên thệ trung thành theo nghi thức này chỉ diễn ra 3 lần trước đó. Theo định hướng từ Chủ tịch Quân ủy thì Đảng và Quân đội đã tái phối trí tầng lớp chỉ huy cao cấp Quân giải phóng, như việc bổ nhiệm trực tiếp và đồng thời các Tư lệnh Hải quân, Không quân, Đệ nhị Pháo binh và 7 quân khu. Động thái chưa từng thấy như vậy trong việc nhà binh của đất nước quả là đã làm sáng sủa lòng trung trinh của Quân đội đối với Chủ tịch Quân ủy.
Hãy nhớ! Như người mẹ con đàn, chúng ta không khi nào hoàn toàn rảnh tay đối phó ngoại bang khi nội tình chưa êm thấm. Không chỉ ở các khu tự trị Tân Cương, Tây Tạng, Nội Mông mà vài năm gần đây, nổi hơn cả là từ tháng Giêng năm ngoái, Hồng Kông - thành phố lãnh hội sự ưu ái bậc nhất đất nước như ‘một quốc gia, hai chế độ’ – cứ nóng lên nóng xuống từ sau khi trở về Đất Mẹ năm 1997.
Chúng ta hãy dừng lại lâu hơn ở vấn đề Hồng Kông. Bởi từ đây có thể dẫn tới một trong những khủng hoảng chính trị ảnh hưởng nhất cho Trung nguyên với một phần tư thế kỷ qua. […] Bầu cử phổ thông? Đúng, và với cử tri từ đám chính khách dân túy theo sự bình duyệt của chính quyền và Đảng trung ương tại Bắc Kinh. Hồng Kông là con đẻ của Bắc Kinh, nhưng không phải là một ‘Bắc Kinh con’. Giản dị, vì Hồng Kông không phải là một quốc gia độc lập! Bất kỳ vùng đất, khu tự trị, đô thị, hải đảo nào khác có người Trung sinh sống đều mang thân phận đó. […] Nhược bằng không, Hồng Kông sẽ chứng kiến cảnh dư luận quần chúng chuyển ý, quay sang phản đối và cô lập học sinh, sinh viên. Rồi có thể một số bạn sẽ bị bắt, và kinh phí của thành phố giành cho biểu tình sẽ tăng. […]
Hướng về trận hải chiến đang tới để dạy cho Đại Việt bài học thứ hai, chúng ta tạm gạt ra nan đề Hồng Kông.
Hãy nhớ! Như một siêu cường quốc đang trên con đường trở thành đệ nhất đại cường quốc, chúng ta phải trả bản đồ Trung về lại hình dạng nguyên thủy của nó, tức là phải tái thống nhất toàn thể lục địa Đông Á, trong đó vòng cổ Đông Nam Á là trọng điểm. Các quốc gia láng giềng biển cả và đất liền khác nằm ngoài bán kính Hán hóa cần phải được trung lập hóa để trở thành phi đồng minh của Mỹ. Tức là, đẩy đệ nhất siêu cường Mỹ rời khỏi các căn cứ quân sự ngoài khơi hiện hành tại châu Á. Giang sơn đâu, anh hùng đấy. Châu Á không phải và không thể là lãnh địa và lãnh hải của chú Sam. Thế kỷ 21 còn là thế kỷ ‘người châu Á giải quyết các chuyện ở châu Á’!
Người nước Trung chúng ta chỉ cảm thấy thoải mái khi hành xử theo cung cách riêng. Và cũng tin rằng, một khi ‘ta không động đến mi, mi sẽ không động đến ta’ thì siêu cường kia đủ tài kiểm soát lý trí lành mạnh, tránh hai bên xung đột thật sự và song phương. Với các xung đột chỉ để bảo vệ đồng minh của họ, chúng ta không quan ngại. Chúng ta không cần và cũng không nên ‘đánh tay bo’ với họ. Cả hai quốc gia còn rất nhiều việc phải làm riêng và phải làm chung.
Hãy nhớ! Tuần trước, Quân đội Đại Việt bất ngờ đề nghị và đã cử phái đoàn hơn một tá tướng quân chóp bu do Đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương dẫn đầu thăm viếng Trung để cầu hòa, hòng kéo dài thời gian được Mỹ bỏ cấm vận vũ khí.
Tất nhiên quân đội hai nước vẫn đã đạt thỏa thuận ‘nguyên tắc 3 điểm’ phát triển quan hệ quân sự và quốc phòng Trung-Việt. Nhưng không phải ở vị thế như đang có của Đại Việt.
Tất nhiên chúng ta vẫn đã dành mọi khoảng trống để hai bên cùng:
Giữ phương châm 16 chữ vàng ‘Ổn định lâu dài, hướng tới tương lai, láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện’ và tinh thần 4 tốt ‘Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt’;
Giữ tinh thần giao hảo ‘Chung một Thái Bình Dương mối tình hữu nghị sớm như rạng đông”;
Giữ lý tưởng cách mạng ‘Chung một ý, chung một lòng đường ta đi hồng màu cờ thắng lợi’.
Nhưng không phải ở thái độ như đang có của Đại Việt.
Từ đầu năm 2014 đến nay, quan hệ Trung-Việt Việt-Trung sau nhiều lần sinh sự sự sinh đã tiếp tục bị thách đố trầm trọng. Hơn bao giờ hết, tạm kể từ sau Hội nghị Thành Đô, lúc này giới lãnh đạo Đại Việt luôn thể hiện cương nhu bất thường, nhất là ở tư thế quyết không nhượng bộ trong vấn đề biển Nam Hải. Cớ chi họ trổ mòi xấc xược? Chỉ vì từ khi Mỹ thực hiện chiến lược quay trở lại Châu Á - Thái Bình Dương vào tháng Bảy năm 2010. Trong khối ASEAN, hai nước lập tức vuốt mặt Nam Hải không nể mũi Trung là Philippines và Đại Việt.
Đối với Philippines, chúng ta đâu có chấp. Nếu không ỷ thế Mỹ đóng quân ở nước này thì thực lực của họ yếu xìu. Mấy năm qua Philippines càng giãy khỏi Trung, đất nước này bị thiệt hại về kinh tế càng lớn. Chỉ được cái vẻ vang hão qua vụ lôi Trung ra Tòa trọng tài của Liên Hiệp Quốc về chủ quyền biển đảo. Họ đâu hiểu trong ‘dân chơi’ luật pháp quốc tế, luật biển chỉ là ‘luật rừng’, là nơi trú ẩn cho các nước nhỏ và yếu. Với các cường quốc có tham vọng xóa đi nỗi hận lịch sử thì luật quốc tế chỉ thêm bất tiện, phiền toái. Ngay cả khi Tòa trọng tài cho ra phán quyết chống lại Trung thì chúng ta cũng sẽ lờ lớ lơ cái phán quyết đó mà tâm niệm mục tiêu kiểm soát hoàn toàn biển Nam Hải.
Đại Việt khác hẳn Philippines:
Đó là láng giềng gần về địa lý, có thực lực quân sự phải nói là đáng ngại khi đe dọa an ninh của Trung ở trên biển cũng như đất liền;
Đó là quốc gia bành trướng lãnh thổ đến mức chiếm đảo, đá nhiều nhất của Trung ở Nam Hải;
Đó là nước có rất nhiều mỏ dầu ở biển Nam Hải; chỉ trong năm 2010 giá trị kinh tế của chúng đã chiếm gần 1/3 GDP quốc gia này.
Ba lý do trên cũng cho thấy, khi giàn khoan Hải Dương Thạch Du của chúng ta đầu tháng Năm vừa rồi mới chỉ thăm dò dầu mỏ mà Đại Việt đã liều lĩnh nhảy lên đong đỏng bằng mấy cái tàu Cảnh sát biển bé tí hon loi choi đối đầu quấy rối.
Thiên truyện ân oán Trung-Việt Việt-Trung đâu chỉ là ba điều sáu điểm giản đơn. Tuyệt nhiên không chỉ là vấn đề kinh tế hay mâu thuẫn lãnh thổ. Trang sử máu và hoa Việt-Trung Trung-Việt cũng giống cái nồi lẩu Thái thập cẩm, pha trộn nhân tố lịch sử, nhân tố địa lý-chính trị và cả nhân tố nội bộ Đại Việt.
Của đáng tội, về nhân tố lịch sử thì dễ thông hiểu. ‘Mối tình hữu nghị Việt-Hoa’ trong thời kỳ hai vị Chủ tịch tối cao ‘vừa là đồng chí vừa là anh em’. 84 năm trước, ra đời trên đất Trung, ‘như đứa trẻ sinh nằm trên cỏ/ không quê hương, sương gió tơi bời’, những người cộng sản Đại Việt đã lớn khôn dưới sự dìu đỡ của Đảng Cộng sản Trung. 64 năm trước, ngày 18 tháng Giêng năm 1950, Cộng hòa Dân chủ Trung chính là nhà nước đầu tiên trên địa cầu đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Đại Việt, đặt cột mốc lịch sử trọng đại trên vạn lý quan hệ Trung-Việt Việt-Trung. Trong cả hai cuộc chiến Pháp-Việt và Mỹ-Việt, chúng ta dù nghèo rớt mồng tơi vẫn lãnh vai trò hậu phương lớn bao la, dốc hết sức viện trợ trị giá lên đến 20 tỷ nhân dân tệ, cùng mấy trăm nghìn quân chi viện. Lúc này, ôn nghèo không để kể khổ hay tâng công. Mà để hiểu quan hệ Trung-Việt Việt-Trung bắt đầu xấu tệ sau khi quan hệ Trung-Xô đoạn tuyệt và quan hệ Trung-Mỹ nở hoa vào cuối những năm 1960 đầu 1970. Tự cắt giao hảo với chúng ta, vào khoảng 1973-1974 dưới hỗ trợ của Liên Xô, Đại Việt vừa toan tính thống nhất đất nước vừa chuẩn bị chiến tranh kiểm soát toàn bộ bán đảo Đông Dương trong khi xâm lược nước khác, hòng làm mũi xung kích của ‘anh Hai Xô’ bao vây chiến lược Trung từ phía nam. Nhưng ‘chí lớn chưa về, bàn tay không’, như bá tánh đều đã thấy!
Của đáng tội, bởi thế và bởi nhiều hơn thế, cực chẳng đã Trung phải phát động cuộc chiến tranh phản kích tự vệ với Đại Việt vào tháng Hai năm 1979, theo lý luận chiến lược Đặng Tiền bối mà cho đến nay chiến lược này vẫn còn nghiệm đúng. Báo họa cho kẻ phản bội, liền sau chuỗi các nước Xã hội chủ nghĩa Đông Âu đổ cái rụp cả đám, Liên Xô tan hàng tả tơi hoa lá vào năm 1991. Như lẽ tất nhiên, chỉ khi đó Đại Việt mới chịu sức ép của Trung và vun đắp lại quan hệ, cũng là quán triệt lý luận Đặng Tiền bối ‘kết thúc quá khứ, mở ra tương lai’.
Của đáng tội, kể từ đó bói cũng không ra đối tác nào của Đại Việt có nhiều cơ chế giao lưu, hợp tác rộng lớn giữa hai Đảng, Chính phủ, Quốc hội và các tổ chức chính trị, xã hội, địa phương như Trung. Khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1991, thánh cũng chẳng hình dung nổi chỉ 23 năm sau, vào năm 2014 này, tổng kim ngạch thương mại Việt-Trung tăng tới hơn 1.500 lần (đạt hơn 55 tỷ USD so với mức 32 triệu USD năm 1991). Từ con số không rất tròn trĩnh, đầu tư của Trung đã đạt tổng số vốn đăng ký khoảng 8 tỷ USD, nâng Trung lên vị trí thứ 9 trong tổng số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Đại Việt. Nào đã hết, đang có hơn 13 nghìn sinh viên Đại Việt tung tăng học hành tại Trung và Trung cũng có hàng nghìn sinh viên cần mẫn đang học tập tại Đại Việt. Khúc xương khó nhằn sau đây mới đáng kể: Chưa tới 20 năm sau khi bình thường hóa quan hệ, hai nước đã giải quyết ngon ơ 2 trong 3 nan đề do lịch sử để lại khiến quan hệ Trung-Việt vô cùng phức tạp và quan hệ Việt-Trung cực kỳ rắm rối: đó là hoàn thiện toàn bộ công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền và phân định Vịnh Bắc Bộ. Đang ngon lành như thế đấy, mà trời không chịu chiều lòng người. Nhân tố lịch sử khắc nghiệt quá: mối bang giao kỳ khu Trung-Việt Việt-Trung thiếu chữ Tín, vốn là nền tảng văn hóa ứng xử của Đại Hán ta.
Của đáng tội, không hiểu sao Ông Trời lại trao cho cái dẻo đất ẻo lả như tàu lá ấy một vị thế địa lý có tầm chiến lược đến thế! Đại Việt đang lạm dụng cơ hội Mỹ quay trở lại Châu Á - Thái Bình Dương hòng mượn thế lực của Mỹ để cân bằng với Trung chăng? Biển Đông, theo cách gọi của họ, quả là cái yết hầu thương mại giữa Đông Á với phần còn lại của thế giới. Chưa kể vấn đề an ninh và quân sự, riêng về thương mại tàu bè Mỹ và phương Tây muốn xuất khẩu hàng hóa tới Đông Á và nhập khẩu hàng hóa của Đông Á, đều phải đi qua cái gọi là Biển Đông ấy. Tức mình với Ông Trời là ở chỗ đó là biển Nam Hải của Trung. Cái giá cho sự quan trọng địa-chính trị của Đại Việt tăng vọt. Nếu cần thiết Đại Việt có thể sẽ được kết nạp vào đồng minh quân sự để đối đầu với Trung. Chúng ta phải coi chừng, trên vùng biển này Mỹ có thể đánh Trung đến người Việt cuối cùng! Bỡn sao?
Của đáng tội, Đại Việt vụt trở nên cứng cựa với Trung cũng vì nhân tố chính trị nội bộ trong giới lãnh đạo của họ. Bốn cơ cấu Đảng-Nhà nước-Chính phủ-Quân đội của họ có 4 cấp độ phản ứng khác nhau mà phía Đảng và Quân đội không mạnh mẽ như phe Chính phủ, chẳng ào ào như bên Nhà nước. Vùng miền cũng thế, các anh Hai miền Nam có hành động chống Trung dữ dằn hơn những bác Cả ngoài Bắc vốn nặng về tư tưởng bài bản. Nhưng thôi, lại sắp một phen sống mái rồi. Chúng ta mặc kệ chuyện nhà người. Chỉ biết rằng nhân tố nội bộ này ảnh hưởng không nhỏ đến cái đèn cù Việt-Trung Trung-Việt.
Của đáng tội, việc phục hồi quan hệ Trung-Việt từng bị vỡ bể bởi cái giàn khoan đã được thực thi khá thuận chèo mát mái với chuyến công du Trung của Đặc sứ Thường trực Ban bí thư Lê Hồng Ảnh. Để rồi hai bên sẵn sàng ngồi xuống đàm phán, tìm cách thức thỏa hiệp tương đối có lợi và cùng thắng trên cả ‘hai biển’ - Nam Hải và Biển Đông - như lời bài hát nhi đồng Việt ‘Bông hoa này là của chung’…
Thế rồi, khi không Mỹ lại xía vô qua lời Ngoại trưởng Kerry tuyên bố úp úp mở mở chuẩn bị dỡ bỏ cấm vận vũ khí vào cuối năm 2014. Thế là Phó thủ tướng Đại Việt Phạm Bình Sinh dùng phong cách ‘ngoại giao chợ Đồng Xuân’ mà rằng ‘Trung chớ lo Việt-Mỹ liên minh, vì Đại Việt không mua vũ khí Mỹ thì cũng mua vũ khí của nước khác cơ mà’. Lộ tẩy, nước này ắt sẽ vũ trang hóa quốc gia xăn tay áo đọ phải quấy với Trung tại Biển Đông của họ đây!
Của đáng tội, chúng ta đã hơn một lần khuyên can Đại Việt không nên làm quá ầm ĩ tranh chấp mảnh vườn cái ao như chuyện nội bộ gia đình, cũng không nên lôi Trung ra tòa quốc tế làm gì, càng không nên công bố tư liệu mà họ tuyên nhận các quần đảo Tây Sa/ Hoàng Sa và Nam Sa/ Trường Sa để bạn bè thế giới hiểu nhầm, và - cuối cùng - rất không nên xích lại gần Mỹ. Chúng ta đã tận tình cử đồng chí Dương Ủy viên Ngoại vụ cất công hành phương Nam hơn hai lần để kêu gọi ‘đứa con hoang đàng trở về’.
Hãy nhớ! Tư duy cổ truyền của người Trung không nằm trong hai chữ quốc gia. Chúng ta chỉ biết một thiên hạ mà xứ sở này luôn là trung tâm. Thiên hạ chủ nghĩa, đó là tài sản của tổ tiên Hán.
Hiểu theo nghĩa bóng, Trung là thế giới, không phải là một nước trong thế giới. Tộc người Hán chúng ta có 5.000 năm oai hùng trên vó ngựa, có cường quốc Trung rộng lớn trong các năm từ 1100 đến 1800 với đội tàu thương mại lớn nhất thế giới. Vào thế kỷ 15, khi các cường quốc châu Âu chế ngự kỹ thuật đại dương thì cuộc xâm chiếm toàn cầu lần đầu tiên bằng pháo thuyền bắt đầu. Không trừ nước nào, tất cả các nước có biên giới biển ngoài phương Tây đều bị họ tấn công mãnh liệt. Giang san Trung của chúng ta khi đó vẫn chưa bị suy suyển đáng kể, trong khi hai láng giềng cứng cỏi là Nga và Nhật thì rúm ró cả lũ. Năm 1400, lần đầu tiên và duy nhất trước thời đương đại, chỉ trong thời gian ngắn Trung đã trở thành cường quốc biển, gửi các đội tàu lớn tới Ấn Độ, Đông Phi. Vào khoảng năm 1600 các tàu Anh quốc chỉ có tải trọng nước rẽ 400 tấn trong khi tàu Trung đã là 3.000 tấn. Ngay tới cuối thế kỷ 18 các thương gia của chúng ta đã làm chủ 130.000 tàu vận tải, gấp nhiều lần so với nước Anh. Lịch sử còn ghi rành rành: Trung giữ vị trí ưu việt này trong nền kinh tế thế giới cho đến đầu thế kỷ 19, tới mức các nhà đóng tàu của Anh và châu Âu phải học theo, vay mượn công nghệ tiên tiến và hấp dẫn của hàng hải Trung. Thế rồi, đáng thương thay! Quốc nhục là ở thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, sự chậm tiến về hàng hải của chúng ta khiến các giống dân ngoại bang kéo tới xâu xé, xâm chiếm trung nguyên bằng đường biển, dễ dàng phá vỡ hàng trăm lần phòng thủ biên giới trên bộ và trên biển của Trung, đẩy đất nước Trung đến đáy vực của thảm họa. Theo mệnh Trời, lẽ ra Trung đã thống lãnh toàn bộ vùng biển Nam Hải, nếu không bị Nhật và các cường quốc phương Tây xâm lược.
Nảy mầm từ đống đổ nát của ngôi nhà dân tộc chủ nghĩa, từ nền kinh tế bị tàn phá bởi cuộc chiến tranh đế quốc, từ sự cướp bóc đầy quốc sỉ bởi bọn tư bản phương Tây và Nhật, cuộc cách mạng vô sản Trung vào giữa thế kỷ 20 đã biến một đất nước Trung đói khát và lạc hậu dần dần lớn mạnh và hùng hậu, mà tới thập niên qua đã ngự trị nền kinh tế thế giới như đệ nhị quốc gia.
Hãy nhớ, các tướng lĩnh, sĩ quan và chiến sĩ Quân giải phóng!
Không ai khác, cùng toàn thể nhân dân Trung, chính thế hệ tiền bối của chúng ta đã đánh tan tành đội quân xâm lược là quân hoàng gia Nhật, kế đó là quân đội Quốc dân đảng với yểm trợ của Mỹ. Một quốc gia Trung có chủ quyền độc lập đã ra đời. Một nhà nước Trung hiện đại được thành lập. Chính quyền cộng sản đã rửa vết nhục cho dân Trung trên thế giới khi bãi bỏ đặc quyền ngoài lãnh thổ của đế quốc phương Tây; khi triệt tiêu lãnh địa, lãnh hải của đám lãnh chúa và lũ hảo hán bá vương khu vực; khi trục xuất các thứ hạng ông chủ triệu phú buôn thuốc phiện và phụ nữ sang các lục địa Âu-Mỹ…
Mỗi người Trung chúng ta dần dần phục hồi niềm tự hào và phẩm giá Đại Hán của mình. Nay con hổ Trung đã trỗi dậy, sau 150 năm bị lăng nhục.
Hãy nhớ, đầu năm 2011, trang mạng Nhân Dân nhật báo - tiếng nói chính thức và trung thực của mọi người dân Trung - đã thăm dò độc giả rằng, liệu biển Nam Hải có phải là ‘quyền lợi cốt lõi’ của Trung hay không. Kết quả: 97% trong khoảng 4.300 người đồng thanh ‘Có!’’
Hãy nhớ, học thuyết chiến lược của quân đội Trung dựa trên 6 nguyên tắc chiến tranh:
Bất ngờ, là nguyên tắc 1. Chúng ta coi trọng vô ngần yếu tố bất ngờ. Kẻ thù của người Trung phải bị bất ngờ về chính trị và tâm lý, để người Trung giành chiến thắng nhanh gọn trên chiến trường. Chiến thuật bất ngờ tấn công là tiêu chí truyền thống hàng đầu trong lý luận quân sự Tôn Tử: ‘Tiến công vào nơi kẻ thù không phòng ngừa. Tiến công lúc kẻ thù không lường được. Ấy là những yếu tố tiên quyết của chiến công’.
Tập trung toàn lực, là nguyên tắc 2. Các tướng quân Trung đều ưa thích đòn tấn công nhanh mạnh và chớp nhoáng. Kết thúc bất ngờ vừa là nguyên tắc 1 vừa là nguyên tắc 2. Trong cả hai cuộc phản kích tự vệ Trung-Ấn 1962 và Trung-Việt 1979, quân đội Trung đã thu quân khi đối phương được đặt về đúng chỗ của họ với ‘bài học’ vừa thu hoạch.
Tiến công phủ đầu, là nguyên tắc 3. Không quá hiếu chiến, song người Trung chưa bao giờ lăn tăn dùng vũ lực nếu cần san bằng các nhấp nhô trong chính trị và ngoại giao. Chúng ta luôn sẵn sàng chủ động ‘dạy một bài học’ cho đối phương, để đối phương không dám khiêu khích chúng ta trong tương lai gần cũng như xa.
Đợi chờ thời cơ, là nguyên tắc 4. Dân tộc Đại Hán mạnh bởi chữ Nhẫn. Chúng ta biết phải chờ đến thời điểm thích hợp. Cả hai cuộc phản kích tự vệ Trung-Ấn 1962 và Trung-Việt 1979 đều là hai ví dụ đẹp cho nguyên tắc này.
Luận lý kèm theo hành động, là nguyên tắc 5. Chiến tranh bằng súng đạn luôn đi sau khẩu chiến. Chúng ta biết cách nói cho thiên hạ hiểu rằng người Trung khi lâm trận đều có mục đích phòng vệ. Chính Ngũ Giác Đài hồi năm 2010 từng đệ trình lên Quốc hội Hoa Kỳ những lời sau: ‘Trong lịch sử chiến tranh đương đại của Trung, giới lãnh đạo Bắc Kinh đã gọi các cuộc tiến công phủ đầu là các chiến dịch tự vệ chiến lược.’
Sẵn sàng mạo hiểm, là nguyên tắc 6. Không đối mặt, không phiêu lưu - không là chiến lược quân sự Trung. Các chiến dịch quân sự mang tinh thần đó rất rõ ở thời Mao Lãnh tụ, thoạt kỳ thủy là Vạn Lý Trường Chinh, cho đến thời Đặng Tiền bối với xác quyết phản kích phòng vệ Đại Việt 1979 bất chấp khả năng Liên Xô can thiệp. Quả nhiên, ‘ông anh Cả’ đã chỉ múa may từ xa chứ có động chân động tay gì đâu! Quân đội Trung ra quân trong mạo hiểm, nhưng bách chiến phiêu lưu đều được ‘bảo kê’ nhờ tính đích đáng của phương pháp và tính đích thực của kết quả. Quân đội Trung không chỉ phải chiến thắng quân đội đối phương (nhiều khi đó chỉ là cái cớ) mà còn phải chinh phục bản thân, thuyết phục nhân dân của mình và khuất phục kẻ thù quốc nội. Sẵn sàng mạo hiểm, chết sống vạn quân nhẹ như lông hồng. Một lần mạo hiểm, một lần tự tin, một lần thử thách. Bách chiến mạo hiểm, hàng chục triệu chiến sĩ anh hùng ngã xuống để ngày nay, với tiến độ nhanh chóng, chúng ta có một quân lực đủ khả năng đánh trả bằng vũ khí hạt nhân dựa trên tiềm lực quân sự và hậu thuẫn kinh tế chưa từng có trong lịch sử dân tộc Đại Hán.
Hãy nhớ, hai câu:
‘Kích thước dịch chuyển vị thế của Trung trong thế giới đương đại đang to lớn đến nỗi trong 30-40 năm tới thế giới phải tìm kiếm sự cân bằng mới. Không thể giả ngây bảo đây chỉ là một tay chơi lớn nào đó. Đây là tay chơi lớn nhất trong lịch sử con người!’
Ai nói thế? Cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, một người gốc Trung. Nói khi nào? Ngay từ năm 1994.
‘Những kẻ tuyệt hảo trong việc phòng thủ tự chôn mình sâu dưới điểm thấp nhất của Đất. Những kẻ tuyệt hảo trong việc tấn công di chuyển từ bên trên các đỉnh cao nhất của Trời.’
Ai nói vậy? Không ai khác ngoài Tôn Tử của 500 năm trước Công nguyên.
Theo tinh thần đó, chúng ta trương nở thế giới của Trung. Chúng ta sẽ phải đạt được sự mở rộng cương thổ lớn nhất, hơn bất kỳ quốc gia nào kể từ nửa đầu thế kỷ 20 khi Nhật chiếm đóng những vùng đất châu Á bao la.
Các chính trị gia đều cho rằng, người đang nắm giữ 3 vị trí tối cao - Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quân ủy - của đất nước Trung là người sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao hơn, mạnh hơn so với tất cả các vị lãnh đạo Trung trước đây. Chúng ta sẽ chứng tỏ họ không sai.
Cuộc hải chiến hạn chế với Đại Việt lần này sẽ khởi đầu Kỷ nguyên đại dương!
Cho đến nay với tổng số lực lượng vũ trang chính quy là 2 triệu rưỡi quân nhân, kể từ khi thành lập Quân giải phóng Trung đã kinh qua 12 cuộc chiến lớn: Chiến tranh thế giới thứ 2 chống đế quốc Nhật (1931-1945); Quốc Cộng nội chiến chống Quốc Dân Đảng, và thiết lập quyền hành ở Tây Tạng (1945-1950); Chiến tranh chống Mỹ viện Triều - bán đảo Triều Tiên (1950-1953); Khủng hoảng Eo biển Đài Loan (1954-1958); Chiến tranh Trung-Ấn (1962); Đại Cách mạng văn hóa (1966-1976); Giao tranh biên giới Trung-Ấn (1967); Xung đột biên giới Trung-Xô (1969-1978); Hải chiến Tây Sa/ Hoàng Sa (1974); Chiến tranh đánh trả tự vệ biên giới Trung-Việt (1979); Sự kiện Thiên An Môn (1988); Giao tranh biên giới Trung-Việt (1981-1991).
Đây sẽ là cuộc xuất quân lần thứ 13 của Quân giải phóng!
Cho đến nay với một phần tư triệu quân nhân, Hải quân Quân giải phóng Trung đã trải qua 4 trận chiến lớn: Nội chiến Trung; Tây Sa/ Hoàng Sa; Chiến tranh tự vệ biên giới Trung-Việt; Chống hải tặc Somalia.
Đây sẽ là đợt xuất quân lần thứ 5 của Hải quân Quân giải phóng!
Đã hết rồi kỳ hạn của câu thơ Giang Thủy mà Giang Trạch Dâng từng biểu thị với Đại Việt: ‘Độ tận kiếp ba huynh đệ tại/ Tương phùng nhất tiếu mẫn ân cừu’ (‘Qua kiếp nạn, anh em còn đó/ Gặp nhau cười, quên hết ơn thù’)!
Đã tới rồi thời cơ lặp lại lời răn của Đặng Tiền bối ngõ hầu dạy cho tiểu bá Đại Việt một bài học mới!
Các tướng lĩnh, sĩ quan và chiến sĩ,
Hãy biến hóa quân ca Quân giải phóng Trung theo từng con sóng ngọn gió Nam Hải:
Tiến lên! Tiến lên! Tiến lên!
Quân đội giải phóng tiến về đại dương
Bước trên mặt biển của quê hương,
Mang niềm hy vọng Đại Hán
Chúng ta là một sức mạnh không thể đánh bại.
Chúng ta là con em của công nông,
Chúng ta là lực lượng võ trang từ nhân dân,
Dũng cảm kiên trung,
Không khuất phục,
Ngoan cường chiến trận
Cho đến khi chúng ta tiêu diệt tất cả bọn tiểu bá quyền
Ngọn cờ Tập Cần Bính phất tung bay.
Nghe kìa! Gió đang gầm và sóng hô vang,
Tiến tới giải phóng toàn Nam Hải!
Hướng tiền! Hướng tiền! Hướng tiền!
Hãy cho ánh sao xán lạn quân kỳ Bát Nhất đang chiếu rọi khắp Trung sẽ tiếp tục rọi chiếu toàn biển Nam Hải!
Nay khởi động cuộc Hải chiến Nam Hải dạy cho tiểu bá Đại Việt một bài học trên biển!
Quân lệnh như sơn! Nhật lệnh như vũ!
Tập Cần Bính
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung,
Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Trung,
Chủ tịch Quân ủy Trung ương Quân giải phóng Trung”.
Vancouver (16/5/2014 - 17/2/2015)
Đỗ Quyên