Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Lòng tham và sự trả giá

Nguyễn Duy Xuân
Thứ ba ngày 28 tháng 10 năm 2014 9:24 PM


Cuối cùng thì vụ “anh hùng khai man” lùm xùm dư luận bấy lâu nay cũng đến hồi kết. Ngày 24/10/2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký Quyết định số 2721/QĐ-CTN về việc hủy bỏ Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đối với ông Hồ Xuân Mãn, cựu bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế.
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương hồi đầu năm nay: Trong 17 thành tích mà ông Mãn báo cáo để nhận danh hiệu anh hùng, chỉ có 2 thành tích đúng, 8 thành tích là khai man, 3 thành tích chỉ với vai trò người tham gia phối hợp chứ không thể là người chỉ huy. Ngoài ra, có 4 thành tích khác của ông Mãn không đủ cơ sở xác định.
Tại sao với bản thành tích có đến 15/17 nội dung man khai, ngụy tạo như vậy mà ông Mãn vẫn lọt qua các cửa ải xét tặng danh hiệu cao quí vốn rất nghiêm ngặt về qui trình này? Tại sao với những “thành tích” lẫy lừng như bản tự khai (Tham gia chiến dịch Mậu Thân 1968, tấn công TP Huế và dẫn đường cho Quân đoàn 2 tấn công từ phía bắc vào giải phóng Huế tháng 3-1975. Từ năm 1969 đến ngày 26-3-1975 tổ chức đánh gần 100 trận, tiêu diệt 150 tên địch, phá hủy một máy bay và 37 xe quân sự, phá tan chiến dịch Phượng Hoàng, diệt ác ôn Nguyễn Công Đảng ở xã Phong Sơn…) mà phải đợi đến 30 năm sau ông Mãn mới làm hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu anh hùng?
Không khó để nhận ra cái sự khôn khéo của ông Mãn: thời điểm làm hồ sơ xét tặng, ông đương chức Bí thư tỉnh ủy. Ông đã tính kĩ cho nước cờ “án binh bất động” này. Bây giờ với bản “thành tích” chói lọi cộng với quyền uy của người đứng đầu tỉnh, ai dám phản đối danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang dành cho ông?
Nhưng ông Mãn chỉ có thể làm cái chuyện “cả vú lấp miệng em” đối với tập thể lãnh đạo dưới quyền để rồi “ép” họ  kí giấy xác nhận bản thành tích và đề nghị xét tặng danh hiệu anh hùng cho ông còn với nhân dân ông không thể lấy tay che mặt trời được. Nhân dân ở đây trước hết là những cựu chiến binh, đã từng vào sinh ra tử nay bị ông cướp công, lường gạt. Bất chấp tính mạng bị đe dọa, họ đã chiến đấu kiên cường như ngày nào trên chiến trường đối mặt với kẻ thù để giành lại sự thật, vạch trần cái xấu, bảo vệ sự trong sáng của một danh hiệu cao quí của nhà nước ta.
Từ vụ việc của ông Mãn, có thể thấy đã xuất hiện một dạng tham nhũng mới: tham nhũng danh hiệu. Loại tham nhũng này thậm chí còn nguy hiểm hơn cả tham nhũng vật chất, tiền bạc. Nó làm băng hoại những giá trị tinh thần và đạo đức xã hội. Do đó vụ này không đơn giản chỉ là việc tước danh hiệu anh hùng đối với ông Mãn.
Phải nhận diện những kẻ tham nhũng và tiếp tay cho tham nhũng danh hiệu và mức độ gây hại đối với xã hội mà loại hình tham nhũng này gây ra.
Bản thân ông Mãn đã không dưới hai lần tham nhũng danh hiệu. Đầu tiên là danh hiệu cá nhân điển hình tiên tiến toàn quốc về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh mà ông được tôn vinh đầu năm 2010. Tám tháng sau ông trở thành anh hùng. Có lẽ trong hàng ngũ cán bộ cao cấp – bí thư tỉnh ủy cả nước thì ông là người duy nhất gặt hái cả hai danh hiệu cao quí này.
Vì sao ông Mãn dễ dàng được vinh danh như vậy? Câu hỏi này sẽ không được đặt ra nếu như ông xứng đáng là anh hùng. Nhưng thực tế lại không phải thế. Ông Mãn không chỉ khai man thành tích trong kháng chiến mà ngay cả sau này, khi đương chức, ông cũng đã lắm điều tiếng trong dư luận ở địa phương rồi.
Nhưng một mình ông Mãn dù quyền cao chức trọng vẫn không thể tham nhũng danh hiệu được. Tiếp tay cho ông còn có nhiều người khác. Bởi qui trình xét tặng rất nghiêm ngặt, phải qua nhiều khâu, nhiều người, nhiều cấp. Nhưng cái qui trình tưởng như nghiêm ngặt ấy té ra vẫn có kẽ hở. Một ông chánh văn phòng Tỉnh ủy đương nhiệm (dưới quyền ông Mãn) lại có thể kí xác nhận vào bản thành tích thời đánh Mỹ xa lắc xa lư của ông Mãn mà ông ta không phải là người trong cuộc?
Hồ sơ đề nghị phong tăng danh hiệu anh hùng của ông Mãn nhìn bề ngoài có vẻ rất bài bản, đúng qui trình: có đầy đủ con dấu và sự xác nhận của các cấp chính quyền nhưng lại thiếu một sự xác nhận hết sức quan trọng. Đó là nhân dân, là đồng đội thời đánh Mỹ cùng chứng kiến những “thành tích” của ông Mãn. Nếu lúc bấy giờ, họ tôn trọng dân, tôn trọng những người bạn chiến đấu của ông Mãn mà tham khảo ý kiến thì chắc chắn không xảy ra chuyện lùm xùm này. Nhưng, ở đời làm gì có “nếu”, bởi có “nếu” thì ông Mãn đã không là anh hùng!
Chuyện “anh hùng khai man” của ông Mãn làm tôi nhớ đến một câu chuyện khác mà cái sự bi hài cũng không kém. Số là ở cơ quan nọ có vị lãnh đạo đang tính giật cái danh hiệu Nhà giáo ưu tú để đời trước khi mãn nhiệm kì. Nhưng ngặt nỗi, thành tích của ông bết quá, lấy gì mà đắp cho đủ tiêu chuẩn. Biết là bầu chọn một cách minh bạch thì ông chả được mấy phiếu ngoài đám đệ tử, cho nên một chiến dịch vận động ngầm cùng các chiêu trò được ráo riết thực hiện. Ông cũng đưa ra danh sách hai người để bầu bán cho có vẻ dân chủ nhưng thiên hạ biết tỏng vị kia góp mặt chỉ để làm chim mồi dồn phiếu cho ông. Nhưng oái ăm thay, dù đã tìm mọi phương cách, số phiếu bầu cho ông vẫn không quá bán. Ông bèn chỉ đạo cấp dưới thay biên bản, sửa số liệu; đơn vị nào không tổ chức họp thì lập biên bản khống. Hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú của ông đầy đủ, sạch sẽ, đẹp như mơ kèm theo bản thành tích tự khai với không ít nội dung thêu dệt. Việc phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú cho ông chỉ còn chờ đợi về mặt thời gian. Nhưng may cho cơ quan mà cũng là cho cả ngành, cấp trên đã tỉnh táo nhận ra “trò hề” sau khi có đơn khiếu nại của quần chúng. Thật hú vía, vì chỉ sau đó vài tháng, ông bị “trảm” bởi tội tham nhũng và lạm dụng chức quyền.
Cách đây vài năm, báo chí cũng đã từng lên tiếng về việc phong tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc hằng năm. Nhìn vào danh sách những tấm gương tiêu biểu của đất nước, chỉ thấy hình bóng các quan chức. Người lao động trực tiếp nơi hầm than, xưởng máy hay trên đồng ruộng dường như không có cơ may với tới những danh hiệu cao quí này.
Tục ngữ có câu: “Trăm năm bia đá thì mòn/Ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ.” Những người như ông Mãn vì tham lam vô độ mà mất hết cả liêm sỉ, chỉ tổ làm bia miệng cho người đời khinh bỉ mà thôi!
23-10-2014
Nguyễn Duy Xuân