Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Một gia định cựu binh khánh kiệt

Trần Đình Hằng
Thứ bẩy ngày 26 tháng 7 năm 2014 5:08 PM

 

Ký.

Tại tổ dân phố 9 phường Khánh Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh DakLak có một gia đình mà người chồng là: ông Dương Văn Quý sinh năm 1944 tại Nga Sơn, Thanh Hóa. Nhập ngũ tháng 9 năm 1965 ở C12 D6 E95 F325B chiến đấu tại các chiến trường Khe Sanh, Lao Bảo, Làng Vây, được tặng thưởng Huân Chương Kháng Chiến Hạng Nhì và người vợ là:bà Bùi Thị Tới sinh năm 1950 (cùng quê), gia nhập Thanh Niên Xung Phong năm 1967 ở C3 F864, đã từng phục vụ tại vùng biên giới Việt – Lào, tới tận Mường Xén, Xiêng Khoảng.

Theo lời bà Tới kể: Năm 1992 gia đình bán toàn bộ “gia sản” được 1 200 000đ. Phần thì trả nợ, phần thì trang trải tầu xe, ăn uống dọc đường. Khi vào đến DakLak chỉ còn lại vỏn vẹn 240 000đ.

Với số tiền trên thì vợ chồng ông bà không mua nổi đất (kể cả đất thổ cư cũng như vườn ruộng)

Sẩy nhà ra thất nghiệp, gia đình bà phải đi ở nhờ. Số lưng vốn ít ỏi, đành mua một chiếc xe đạp cũ giá 100 000đ để ông Quý có phương tiện đi làm thuê, số còn lại để bà Tới làm vốn chạy chợ.

Do bị sức ép bom và di chứng của những trận sốt rét rừng, nên sức khỏe của ông Quý rất yếu, ít người thuê làm, khi được nhận làm thì phải nhận tiền công thấp.

Bà Tới chạy chợ cũng xằng xì, không mua may bán đắt nên vẫn chịu cảnh bữa đói bữa no, thiếu trước hụt sau, nên không thể mua sắm gì được.

Thông cảm với hoàn cảnh gia đình chính sách, chính quyền và các đoàn, hội địa phương bố trí để gia đình bà ở tạm trên nền của “Xí nghiệp sửa chữa xe, máy móc Xây dựng, mà người dân địa phương quen gọi là khu 18 gian”. Cơ ngơi này là do Liên Xô cũ viện trợ từ những năm 1976-1980 cho bộ Xây Dựng, nhưng vì nhiều lý do khó nói nên công trình đồ sộ này chỉ còn lại dấu tích là những trụ BêTông trơ trọi cùng mưa nằng. Sự quan tâm của địa phương còn có thêm sự động viên: “Nếu gia đình tự lo được đất thổ cư thì địa phương sẽ làm nhà tình nghĩa. Hoặc khi nhập khẩu chính thức thì địa phương sẽ xem xét để cấp đất”.

Nhờ có sự bảo lãnh của một gia đình cựu chiến binh ở cùng tổ dân phố, nên ngày 27 tháng 8 năm 2008, gia đình ông Dương Văn Quý và bà Bùi Thị Tới đã có sổ hộ khẩu chính thức tại 240 đường Nguyễn Thị Định, phường Khánh Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột. SHK số: 1600 38990. Sổ đăng ký thường trú số 99 tờ số 56, do Thượng tá Hồ Bắc ký.

Ngày 05 tháng 7 năm 2014 ông Dương Văn Quý đã vĩnh viễn ra đi, mang theo nỗi khát khao của suốt cả một chặng đường đời nghèo đói: 22 năm ở nhờ, trong đó 6 năm đã nhập khẩu chính thức – có được “tấc đất cắm dùi”,

Chốn ở của bà Quý vẫn nguyên chỗ cũ. Một cái chòi thấp lè tè giữa hai hàng cột Bêtông có vai (mỗi hàng 19 cột) 280x380x6 000 và một hàng cột Bêtông lửng ở phía sau.

Bà Tới cho biết thêm: “Ngày ông Quý mất, bà con xóm giềng lại một lần nữa gom góp giúp đỡ, nên mới có tấm bạt lớn, màu xanh phủ trên toàn bộ mái, chứ không thì gặp lúc trời mưa ở trong chòi cũng như ở ngoài! Những lớp áo mưa che xung quanh vách là do bà nhặt của người ta vứt bỏ sau mỗi trận mưa”.

Buôn Ma Thuột đang mùa mưa bão, lối đi vào (đi nhờ qua đất của gia đình phía trước) bùn đất ngập bàn chân, có chỗ ngập sâu phải dùng những miếng ván nhỏ để lót.

Đứng ở con đường liên thôn cách căn chòi chừng hơn 50m, nhìn căn chòi của vợ chồng bà Tới chẳng khác gì nơi tá túc của cánh sơn tràng. Hoặc tựa hồ một miếng mồi trong vòm miệng của một quái vật với hai hàm răng dữ tợn là những trụ Bêtông.

Đứng ở khoảng đất trống trước chòi thì không thể biết chất liêụ của mái lợp bằng gì. Nhìn công trình phụ úp xúp có treo ngói móc, hỏi thì bà Tới nói là của vợ chồng chú Thiệp ở phía bên kia đường cho.

Bước vào trong căn chòi 2 gian một chái, nóc cao chưa tới 3m, cột kèo đều phải chống chéo, giằng xiêu. Mái của hai gian lợp cả bằng loại tôn hạt mè và tôn sống tròn. Mái trước có 1 cây đòn tay ở đầu cột, mái sau có 2 cây. Gian chái vẫn đang còn phủ tranh. Dứng vách xung quanh được ghép bằng đủ loại ván to, nhỏ, dầy, mỏng, tạp nham. Số ván này là của các quán, các công phụ người ta gỡ bỏ, ông bà xin về. Các loại áo mưa tận dụng ốp bên ngoài, tạo cho anh sáng lọt qua các khe hở, làm cho căn chòi loang lổ các màu: xanh ngắt, đỏ lòe, tím tái, vàng nhợt. Chắc chắn nó làm cho người yếu bóng vía phải dợn người.

Lăn lóc ở gầm giường có đủ loại bếp ga, bếp đôi và bếp đơn, bà Tới cho biết đó là của những nhà hàng xóm thay đồ mới, họ cho, chứ nhà đây hoàn toàn sử dụng chất đốt là những cây, que của người ta rong tỉa, chặt bỏ khi cải tạo vườn.

Khi ông Quý còn sống, hàng tháng gia đình được trợ cấp 15kg gạo.

Thứ quý giá nhất trong căn chòi này chỉ có thể kể đến là: Tấm Huân Chương Kháng Chiến hạng Nhì mang tên Dương Văn Quý, và cuốn sổ hộ khẩu gia đình.

Bà Tới –Cựu Thanh niên Xung phong, tuy mới 64 tuổi nhưng cũng chỉ nhúc nhắc được việc nhẹ. Hoài tưởng về cuộc “lỡ bước, bỏ quê cha đất tổ, đến với miền đất hứa”, bà nói: “Kể như cứ ráng rau cháo ở quê (Nga Bạch, Nga Sơn, Thanh Hóa) dễ chừng còn được địa phương quan tâm hơn ở thành phố Buôn Ma Thuột này!”