Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Những câu thơ chắt từ mồ hôi và nước mắt

Trần Vân Hạc
Thứ bẩy ngày 26 tháng 7 năm 2014 5:04 PM

Đọc tập thơ đầu tay: “Người thứ ba” của Đinh Thị Hường, NXB Hội Nhà văn năm 2014 người đọc có cảm giác những câu thơ của chị như được chắt ra từ mồ hôi, nước mắt, chắt ra từ những sóng gió của cuộc đời và ẩn sâu trong nỗi đau buồn về cuộc đời đa đoan là niềm khát yêu và khát sống, như một mạch ngầm nuôi những vần thơ và giúp chị đứng lên, vững vàng trong bể khổ.

Tác giả Đinh Thị Hường tuy mới bước vào nghiệp làm thơ nhưng đã có những bài được đăng trên báo Văn nghệ như bài: “Mất”, “Sao”, “Trộm”... và một số bài đăng trên các báo trung ương và địa phương. Chị đã đặt những bước đi đầu tiên trên thi đàn. Thơ của chị dễ đi vào lòng người bởi trong thơ của chị chứa đầy tâm trạng, những trăn trở, suy ngẫm và chiêm nghiệm rút ra từ cuộc sống không chỉ cho riêng chị mà còn như tiếng lòng của nhiều người phụ nữ có cùng cảnh ngộ.

Đây là tâm trạng cô đơn đến lạnh lòng khi phải dứt áo xa quê đi tìm cuộc sống mới:

Quê xa mấy độ xuân rồi

Người xưa không cũ trong tôi bóng hình

Cây đa bóng đổ trời xanh

Con đường vắng, bước chân thành cô đơn

(Màu ta)

Tưởng rằng cuộc ra đi ấy có thể làm nguôi ngoai hình ảnh một con người, một cuộc tình dang dở nhưng làm sao có thể quên được. Câu thơ: “Người xưa không cũ trong tôi bóng hình” như vết hằn ứa máu và những “bước chân thành cô đơn” như bắt đầu cuộc hành trình đơn côi của người phụ nữ mảnh mai trước giông bão cuộc đời. Trên đường đời ấy những gì đang đợi ở phía trước, có ai lường trước được, chỉ biết rằng chặng đường đã qua đầy đau thương mất mát, đến mức chính tác giả cũng không ngờ khi đối diện:

Ta ngỡ ngàng nhìn ta không chớp mắt

Tìm lại ta trong ngày cũ xa rồi

Giật mình soi gương chải tóc

Tóc mây theo gió cuốn trôi

Ẩn hiện pha màu trắng tiếc

Đợi gì ở phía xa xôi?

(Tóc)

Tiếng thở dài tiếc nuối ẩn sau mỗi câu, mỗi chữ và dấu hỏi như cứa vào lòng người. Cũng cái tứ đó bài “Trắc ẩn” lại đưa người đọc đến với sự đan xen của chiêm nghiệm từ chính số phận của mình và cảnh đời đang diễn ra trước mắt:

Đối diện em

Mây trời đi hoang lang thang

Đối diện em

Ngòi bút sững im

Sau đôi mắt tròn ngơ ngác

Em biết nghĩ suy gì?

Sau nụ cười ngu ngơ

Ai biết đời khúc khủy!

Câu hỏi như thoát ra khỏi khuôn khổ của câu chữ, đầy trăn trở, ám ảnh, thức tỉnh lương tri. Không dừng lại ở đó tác giả đưa người đọc đến một sự so sánh đặc biệt:

Có người bắt chước em giả điên trên sân khấu

Còn em cứ lơ ngơ giữa phố

Phố thân quen, em không phải giả vờ

Cái sân khấu cuộc đời đầy cạm bẫy ấy vẫn hiện lên nhân vật trữ tình: “Em” trong trắng, tinh khôi. Dù “Em” có tự nhận:

Em – giọt rượu sót trong chai đóng cặn

Nhưng không ngoài tiệc rượu

Thấm lòng người tất cả vị thơm cay

Sự dâng hiến hết mình cho đức tin dẫu thu về cay đắng vẫn thơm ngát một tình yêu và cháy hết mình.

Thật bất ngờ khi đọc những vần thơ lục bát khá nhuần:

Em đi rớt lại mùa xa

Tiếng mưa lộp độp như là nhớ nhung

Trời neo mây ở lưng chừng

Xanh rêu lối ngõ cầu vồng bắc qua

 

Bây giờ ngơ ngẩn mình ta

Kiễng chân níu gió trượt qua bên trời

Hất cơn mưa, hết sụt sùi

Cơn ta trở lạnh, bùi ngùi nắng hao

(Thu đi)

Nỗi buồn vạn cổ một khi đã ngấm vào thơ sao khó bứt đi đền nhường vậy, mà bứt đi sao được khi cái giá phải trả là những gì đẹp nhất của đời người. Bài thơ nhẹ nhàng, hàm súc, chặt chẽ trong cấu tứ, niêm luật và mang nặng nỗi niềm.

Nỗi đau, cuộc tình tan vỡ được tác giải trải lòng trong bài: “Người thứ ba” cũng là tên tập thơ:

Lại hiện về cái khoảng xa xôi ấy

Anh nắm tay em dung dăng giữa tháng năm hạnh phúc.

Rồi người thứ ba bất chợt

Đến bên anh, dắt anh đi mất

Em ngập lòng những con sóng bạc trôi..!

Câu thơ như hiện thực cuộc sống, không cần chau chuốt, từ “dắt” khá đắt khi nói về sự thụ động dễ bị cám dỗ, sa ngã của người đàn ông và xót xa thay khi:

Đến một chiều mây tàn gió lạnh

Anh tha thẩn một mình, em bắt gặp

Công viên xưa, ghế đá cũ đây rồi

Ta nhìn nhau như người mới quen

Người thứ ba lúc này

Là em

Anh có biết?

Câu thơ như mũi khoan xoáy vào lòng người. Từng nếm trải những đắng cay nhưng trong lòng người phụ nữ không lúc nào vơi những hy vọng, nhưng mỗi lần hy vọng lại thêm một lần xót đau:

Ta đứng chôn chân nhìn mưa

Cuốn đi những niềm thương nhớ

Còn sót lại những gì sau khung cửa

Khoảng trống lặng thinh tím tái chiều thu

 

Bóng người đi dần khuất trong mưa

Một người đợi... dẫu biết rằng không thể

Tất cả theo mưa dạt vào dâu bể

Còn lại ta thổn thức niệm mùa

 

Sau cơn mưa trời đất đẹp như mơ

Ta đẫm nước nép mình trong lặng lẽ

Cầu vồng bắc vào ai nơi bậu cửa

Khoảng trống dắt tìm cơn lũ ngày xưa!

(Nơi cầu vồng đón đợi)

Ánh cầu vồng bảy sắc lung linh nơi bậu cửa tưởng chừng khẽ giơ tay là cầm nắm được vậy mà lại tạo ra một khoảng trống đáng sợ của những ngày đã qua, những sắc màu của hy vọng vụt hóa thành ảo ảnh. Thật xót xa khi chứng kiến cảnh:

Hai ta tự nhốt

Chung một mái nhà

Bồ hòn làm ngọt

Bóng thời gian qua

(Mất)

Con người tự cầm tù trong chính ngôi nhà của mình. Hai câu cuối như hai vế câu đối mang đầy sức nặng của đức hy sinh của người vợ và cái giá phải trả khi cuộc đời như bóng câu qua cửa sổ. Cứ tưởng tất cả sẽ qua đi nhưng làm sao quên được khi tuổi xuân với bao khát vọng đã tan thành mây khói:

Em đi mải miết

Lạc vào tim anh

Quẩn quanh suốt thời con gái

Cửa đóng then cài bức bối

 

Le thê mệt mỏi

Đoạn tuyệt chân trời tã lót

Ngày tháng dài

Gồng gánh nỗi niềm đắng đót khôn nguôi

(Cũ)

Những câu thơ mang những hình ảnh lạ nhưng đa nghĩa. Xót xa thay khi: “Chân trời tã lót” thường là niềm hạnh phúc thì nay là nỗi buồn đau bức bối.

Một người phụ nữ đẹp, lại tự do tất yếu có những cánh chim kể cả đã có tổ vẫn cất lên những tiếng hót mật ngọt nhằm chinh phục nhưng những gì đã trải qua luôn làm người phụ nữ lo sợ không dám đón nhận:

Anh đừng nhắn tin nữa nhé

Em không mong đợi gì đâu

Nẻo về mây đen chặn lối

Tóc xanh bạc cả mái đầu

Tình cũ nay đà phai nhạt

Hững hờ chết cả tin yêu...

(Đừng)

Có ai không khao khát một tình yêu chân thành, một gia đình hạnh phúc, nhưng những gì đã trải qua luôn làm cho người phụ nữ lo sợ, thậm chí lạnh lòng, biện pháp tu từ ẩn dụ chuyển tải nội dung thật tinh tế và sâu sắc.

Có lúc người phụ nữ “Tự vấn”, nghi ngờ cả thực tại cùng quá khứ:

Thời gian đôi khi để quên vài thứ

Cái sót lại dằn vặt và thôi thúc

Đôi khi ta tự hỏi:

Ta là ai trong quá khứ

Dẫu có lúc hát lên nhưng những lời hát bị nỗi buồn đau trì níu:

Trong quạnh vắng tiếng hát cất lên

Câu cuối bài hát buồn

Bầu không gian vón lạnh

Lạnh hơn

...

Bất an những con chữ cựa quậy

Hít thở, dẫy giụa

Bật mầm thơ

Bốn bức tường như mùa xuân thức dậy.

(Tiếng hát)

Tứ thơ hay quá, những tưởng những gì đã trải qua làm cho người phụ nữ trong thơ của Đinh Thị Hường suốt cuộc đời chỉ đầy nước mắt và lo sợ nhưng kiêu hãnh thay sự “dẫy giụa”“hít thở” ấy chính là nghị lực và ý chí của những con người luôn nhìn về phía trước, vươn lên trong cuộc sống.

Thơ của Đinh Thị Hường có thể nói là tiếng lòng của chị. Tuy những cảm xúc bắt nguồn từ chính cuộc đời nhưng nhiều người phụ nữ và cả đấng mày râu thấy mình trong đó. Đặc biệt khi tính hai mặt của thời mở cửa đang nhẹ nhàng len vào từng ngôi nhà, từng con người. Trong thơ chị ta thấy đầy tâm trạng, màu sắc, âm thanh và nhạc điệu và bật ra khỏi câu chữ là thông điệp về tình yêu và lối sống, trách nhiệm của mỗi người với hạnh phúc gia đình và tương lai con cháu. Vượt lên những u ám, của cuộc đời bất hạnh le lói lòng vị tha, đức hy sinh, chịu thương chịu khó và nghị lực vươn lên chiến thắng số phận của người phụ nữ.

 

Hà Nội 23.7.2014