Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Tình yêu Nam – Nữ trong thơ Hoàng Gia Cương

Mạc Văn Trang
Thứ hai ngày 13 tháng 1 năm 2014 7:33 PM

Mạc Văn Trang

Tôi vừa được Hoàng Gia Cương (HGC) tặng tập Thơ tuyển chọn, với tựa “THEO DÒNG THỜI GIAN”(nxb Văn học, 2013); tập thơ gần 500 trang khổ 20 x16cm, với gần 300 bài thơ. Quả là tinh chất của tâm hồn, được chắt chiu cả một đời, gửi gắm vào thơ. Theo dòng Thời gian phản ánh tâm tư của HGC về mọi khía cạnh của cuộc sống theo dòng đời mà anh từng trải nghiệm. Nhưng điều tôi thấy thú vị là phát hiện ra “Dòng tình yêu nam nữ” xuyên suốt trong đường đời HGC. Không phải nhà thơ hay nhà phê bình, nên không dám phân tích nội dung, nghệ thuật, chỉ chia sẻ cảm nhận của một bạn đọc về một khía cạnh lý thú của tập thơ, hay của HGC cũng được.
Các nhà thơ là những người nhạy cảm, hay mơ mộng, lại thường bầy tỏ cảm xúc rất thật, nên khó mà che giấu được suy nghĩ, tình cảm thực của mình. HGC mang đặc tính chân chất dân quê Quảng Bình nên càng “lộ” hết! Cái lộ đầu tiên mang họa vào thân, như lời tự bạch của anh, là vào năm 1962, HGC được dự tuyển vào lính Không quân, học xong ngoại ngữ, chuẩn bị ra nước ngoài học tập, nhưng chỉ vì thơ mà hỏng mọi việc. Chẳng là lớp học của HGC đi thực tế ở thao trường, anh làm bài thơ “Nắng và gió” đăng trên báo liếp của đơn vị. Trong bài thơ có câu “Ta ôm súng nằm giữa đồng cô quạnh”. Chết vì hai chữ “cô quạnh”! Đáng lẽ phải viết “Ta ôm súng giữa đoàn quân hùng dũng”, hay “… giữa nhân dân trùng điệp”… thì mới đúng “yêu cầu chính trị, tư tưởng của trên”. Thế nên HGC phải viết kiểm điểm, bị đem ra kiểm thảo trước tập thể như “đấu tố” suốt ba giờ liền, bị khai trừ ra khỏi Ban chấp hành Đoàn của đơn vị, và tất nhiên cơ hội đi học nước ngoài cũng bị cắt. HGC uất ức và thề không bao giờ làm thơ nữa! Nhưng “Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng”, nên chẳng bỏ được thơ…Thơ như là duyên nghiệp với HGC…
Trở lại chủ đề Tình yêu. Giữa tập thể đơn vị trẻ trung, sôi nổi, hối hả giữa thao trường, thế mà HGC lại thấy “cô quạnh”, chẳng qua vì nhớ một cô gái nào đó, thiếu một bóng hình người thiếu nữ nào đó nên mới cảm thấy “cô quạnh”. Mà ôm súng giữa thao trường bừng bừng khí thế, lại mơ màng “cô quạnh” thì … “lộ” quá còn gì, kiểm điểm cũng chẳng oan lắm đâu nhé! Nó cũng giống như bài “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan thời chống Pháp, chẳng qua là thể hiện những rung động tâm hồn với xúc cảm chân thật quá, xúc động quá, làm xao xuyến bao chiến sĩ trên đường hành quân ra chiến trường…
Đây là bằng chứng không thể chối cãi nhé. Năm 1961, trước “Vụ cô quạnh” một năm, HGC mới 19 tuổi, đã viết trong bài “Trăng Khuya”:
Voan mây lấp ló, khuôn vành vạnh
Như thể mắt ai đắm đuối nhìn!
Và đây nữa nhé:
Anh thầm ghen tia nắng đầu tiên
Cứ len lỏi vào tìm em náo nức
Và cả ánh trăng đêm huyền hoặc
Cứ theo em trên suốt mọi con đường!
Chưa một lời trao gửi tiếng yêu thương
Mà như đã chung một phần máu thịt
Anh ghen cả những gì anh từng biết
Cả những gì chưa biết, cả vu vơ…! (Ghen thầm, Hè 1961)
Cái gì cũng có nguyên nhân sâu xa của nó cả. Có cái “Ghen thầm” từ trước, mới bỗng thấy “cô quạnh” giữa thao trường chứ!
Thế mà có “chừa” đâu, Trong bài “Khi em tròn mười tám”, (1963) lại:
Chờ đợi mãi em cũng tròn mười tám
Muốn ngỏ lời…
Sao chẳng dám cầm tay?!
Đôi mắt ấy mải nhìn hoa đăm đắm
Để tim anh như muốn bật ra ngoài!
Rồi năm 1969, đang “Trên đường đi tìm quặng” tận Cao Bằng, Lào Cai cũng vẫn:
Rừng trưa lảnh lót tiếng chim
Chạnh nhìn ngọn suối…
Nhớ em cuối dòng!
Rồi:
Chia tay, lòng bâng khuâng
Biết bao giờ em nói?
Một câu anh chờ đợi
Dài dài theo tháng năm!... (Chờ một câu em nói, 8/1969)
Mà không phải đến 19 tuổi, sau khi tốt nghiệp tú tài HGC mới biết “Ghen thầm” đâu. Từ lúc 14-15 tuổi đã “một thời” tò mò khối chuyện rồi cơ:
Một thời ngấp nghé làm quen
Một thời vụng dại kiếm tìm thẩn thơ
Một thời đứng ngẩn ngồi ngơ
Một thời  thắc thỏm đợi chờ
 buồn
 vui…
Gặp nhau bất chợt…
Người ơi!
Sao như sét nổ giữa trời nắng chang?

Cái thời lún phún lưa thưa
Cái thời nhu nhú núm cà núm cau
Ngàn lần lúng búng nửa câu
Ngàn lần định…
Khất lần sau…
Một thời!

Giá đừng đợi gió chờ mưa
Khát khao thuở ấy
Bây giờ…
Biết đâu?! (Một thời, 1987)
Đây là năm 1987 bồi hồi nhớ lại thời mới lớn. HGC còn hơn cả Hoàng Cầm! Hoàng Cầm năm 13 – 14 tuổi phải lòng một chị thôn nữ hơn mình mấy tuổi. Nhiều lần lẽo đẽo đi theo “người tình” mà chẳng dám tỏ tình. Chị thôn nữ tinh quái bảo Hoàng Cầm: bao giờ “đấy” tìm được cái là Diêu bông trao cho “đây” thi đây sẽ yêu. Thế là Hoàng Cầm cả đời đi tìm cái là “Diêu bông” mà chẳng thấy! Còn HGC thì tuy chưa làm được gì, nhưng táo tợn hơn Hoàng Cầm nhiều, biết rõ cả “lún phún lưa thưa”, rồi “núm cà, núm cau” cơ mà! Lúc này HGC chắc cũng 14 – 15 thôi, đang tuổi dậy thì nên “cái Tôi” cũng còn nhút nhát, “cái Nó” thì chưa đủ năng lượng bùng nổ nên cứ ngập ngừng, sau này nhớ lại cứ tiếc hoài, tiếc mãi! Thế nên năm 19 tuổi niềm ẩn ức ấy mới buột ra cái “cô quạnh” giữa thao trường!

Thế rồi năm 1975, sau những ngày hòa bình, HGC về thăm “Làng xưa”, lại thấy:
Đường về như thể chiêm bao
Nơi đâu uyển hót, chào mào chuyền cây?
Ngập ngừng tay nắm bàn tay
Tìm trong đôi mắt tháng ngày trẻ trung!
“Chết” ở cái “ngập ngừng”! Lâu ngày bạn bè gặp nhau thì tay bắt mặt mừng, hồn nhiên ôm nhau nói cười vô tư, chứ sao phải “ngập ngừng”? Lộ rồi! Đúng là trước đây “hai đồng chí” đã có tình ý gì với nhau rồi dang dở, nay gặp lại “nàng xưa”, mới xao xuyến, bối rối, “ngập ngừng” chứ!? Không khéo HGC gặp lại cái “lún phún lưa thưa, núm cà, núm cau” ngày chưa biết chừng!
 
Đất nước mới thống nhất, bình yên được ít lâu thì năm 1979 lại xảy ra cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Tây Nam rồi biên giới phía Bắc của Tổ quốc với bao tàn khốc. HGC lại:
Nỗi xa cách trải dài theo chiến trận
Đêm nhìn sao tìm ánh mắt giao nhau…
…………………….
Niềm khắc khoải như triều dâng vời vợi
Ánh đèn nào rọi chiếu bến bờ xa? (Đợi một dòng tin, 1979).
Lúc này HGC đã có vợ. Đây là nhớ vợ, mong tin vợ, chứ không phải một em nào đó… Nhưng giữa “chiến trận” yêu cầu người chiến sĩ phải “lạnh lùng vung gươm ra sa trường”, “Ra đi không vương thê nhi”, “Ra đi, ra đi mang hồn sông núi”…thế mà HGC cứ  “khắc khoải, nhìn sao, tìm ánh mắt giao nhau”… thì còn nặng hơn cái vụ “cô quạnh” ấy chứ!
Chiến tranh biên giới bao đau thương đã qua đi, năm 1985 HGC chắc lại về thăm “chốn xưa” nào đó, và:
Mai anh ra thành phố
Chưa biết tới bao giờ
Muốn chia em nỗi nhớ
Chiều nay trời bỗng mưa!
…..
Anh muốn băng qua đó
Mặc người chê khùng điên (Mưa, 1985)
Có vợ rồi mà dám “máu” như vậy thì HGC cũng liều thật đấy! Mà rất nhiều lần cơ! Cứ ở đâu thấy “bóng hồng thấp thoáng nẻo xa”, thấy con mắt “lúng liếng”, “Má núm đồng tiền, nụ cười “bẽn lẽn”, áo mớ ba mớ bảy “thướt tha”… là HGC lại ngẩn ngơ, rạo rực… Bắt quả tang chứ không phải phịa đấu nhé:
Em có đón thu về - thu Hà Nội?
Sao chiều nay em chẳng tới Hồ Tây!
Con thuyền nhỏ tay ai chèo bối rối
Để lòng anh với Hà Nội xốn xang!...( 10/1992)

Rồi: Em ở đâu, sao để biển buồn tênh?
Con sóng cứ lăn dài theo nỗi nhớ…
….
Em ở đâu – con thuyền nhỏ lênh đênh?
Biển thăm thẳm cho lòng anh vời vời… (Chiều biển, 1993)

HGC lại yêu vu vơ đến mức:
Vụng về tôi mải buông câu
Phao nông chờ cá lặn sâu dưới hồ

Thả câu vào giếng tâm hồn
Chờ con tim lạc thinh không đớp mồi! (Buông câu, 1994)

Đến vào cõi Phật, ngắm nhìn ni cô mà HGC cũng chẳng thể cầm lòng:
Tóc xanh đã nhuốm bụi trần
Bên thiền, bên tục phân vân đôi đường
Dẫu cho khấn vái mười phương
Cây bồ đề vẫn … trông chừng cây si! (Một thoáng bên chùa, 1994)

Ra phố, đi cùng đoạn đường với một cô gái, cũng:
Sao em vội rẽ Tạm Thương
Để anh hẫng hụt ngược đường Hàng Gai?
Gió đêm se buốt phố dài
Thuyền trăng neo tận cuối trời chờ mong! (Ngõ Tạm Thương, 1994)

Có lần HGC hỏi thăm đường, mà:
Hỏi người, người cứ lặng im
Chớp cười ranh mãnh,
Chớp nhìn lúng liêng…
Ác thay cái núm đồng tiền
Bốn phương tám hướng làm nghiêng ngửa trời! (Giữa ngã tư Canh, 1996)
HGC đúng là “mới mê cái núm đồng tiền đã muốn cưới cả một cô gái”!

Nghe câu quan họ cũng:
Người ơi hát nữa làm chi
Câu ca níu giữ…
Tôi đi sao đành?
Giá tôi làm được “liền anh”
Cho dù sáu khắc, năm canh…
Tôi ngồi. (Câu ca “Giã bạn”, Xuân Đinh Sửu)
Vẫn là người đó, người ơi
Mà tôi hờn giận
Mà tôi mong chờ!... (Hai trong một, 1997)

Vào tuổi U 60, HGC vẫn đầy mơ mộng, ước ao… nhưng nếu người ta yêu thật thì sợ cuống lên:
Lẽ nào em buông xuôi
Yêu như cuồng như dại
Yêu như chưa từng trải
Giữa tuổi đời bốn mươi? (Tình yêu tuổi bốn mươi,1997)
Trước kia thì “mặc người chê khùng điên”, băng qua mưa bão đến với em, nay thì thấy người kia “yêu như cuồng như dại” lại hoản lên!
Bây giờ HGC viết:
Gió lùa…
    Sao lặn…
       Sương buông…
 Lần tìm…
   Tay chạm…
          Run run…
                Đêm tàn! (Chợ tình SaPa, 2000) không phải viết về mình, mà là thấu cảm, “suy bụng ta ra bụng người”, viết hộ những đôi tình nhân đi Chợ tình.
Đến ngoài 60 thì HGC “tịt hẳn”! Có một nữ sĩ trẻ nào đó mến mộ nhà thơ, muốn hòa điệu tâm hồn cùng nhau “Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên”…mà HGC vội “xua tay”, đạo mạo:
Anh già rồi quen ngó trước nhìn sau
Anh không thể chạy theo tình chốc lát
Em còn trẻ, em cần tìm hướng khác
Con đường dài xa lắc phải thênh thênh (Gửi một cô gái trẻ yêu thơ).
Từ đó thơ tình yêu nam nữ của HGC đôi lúc có lập lòe, nhưng không còn sức cháy lên nữa!
Như vậy thì so với thi hào Nguyễn Trãi hay Nguyễn Công Trứ… HGC quả là hơi bị “yếu”. Cụ Trứ lúc 73 tuổi còn mê một ca nương 17 tuổi, cưới làm thiếp bằng được. Đêm tân hôn Cụ còn đùa với nàng: “Năm mươi năm trước anh hai ba”! Còn nếu so với thi hào Gớt (J.W. Goethe) hay văn hào L.N. Tolstoi lại càng quá “yếu”. Các cụ này ngoài 80 vẫn còn đắm đuối… Phải chăng vì thế, các cụ mới thành Đại thi hào, Đại văn hào!?
HGC cũng viết nhiều bài thơ về vợ rất hay, nhưng với sự hài hước hoặc triết lý về  tình cảm vợ chồng, tình nghĩa gia đình, khác về chất với những gì anh viết về tình yêu nam nữ. Quả là đặc biệt HGC!
Hà Nội 6/1/2014