Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Bản di chúc

: Bùi Văn Phúc
Thứ hai ngày 13 tháng 1 năm 2014 8:36 PM

          Truyện ngắn


Tôi bỗng nhận được một cú điện thoại giọng thều thào, suy sụp: “Thụ ơi, về ngay với anh, có chuyện cần kíp lắm...”
Lặng đi mấy giây, rồi tôi cũng “đọc” ra giọng người đàn ông gốc Hưng Yên ấy.
Đã lâu rồi, phải đến chục năm nay, hình bóng anh vẫn thường xuyên dựng tôi dậy trong những giấc ngủ chập chờn mỗi khi tôi nghĩ về “chuyện ấy”...
Câu chuyện lâu rồi. Nhưng lâu vẫn còn hơn không, hôm nay đây, tôi thấy mình cần phải kể.
Nơi đất mỏ, nhà anh và nhà tôi sát nhau vì có chung một bức tường. Cái gian nhà tập thể cấp bốn tuyềnh toàng ấy đã gắn kết chúng tôi qua những năm tháng nhọc nhằn nhưng không phải không có những kỉ niệm êm đềm.
Tôi thực sự mê anh Lượng ở cái khoản “triết lí”.
Ta hãy nghe anh thuyết giáo về đường gia tộc, về việc phải phấn đấu hết mình cho “chuyện ấy”.
- Chú mày, anh nói với tôi, chú mày còn trẻ mà không lùng sục để cho ra đời một đứa con trai, anh cho chú mày là kém cỏi. Kém cỏi quá đi chứ! Chú mày thấy đấy, ở trên cõi đời này có bao nhiêu đỉnh cao cần phải chinh phục. Kiếm được thằng con trai cho mình cũng là một cái mốc hết sức vinh quang.
- Con nào mà chả được anh ơi, thời buổi này... - tôi lí sự ta đây có vẻ là người hợp thời nhưng thú thực cũng không được tự tin lắm - miễn sao dạy bảo chúng cho ngoan, lúc đó mình mới hết bổn phận.
Anh xua tay phản đối:
- Chú nói dở bỏ mẹ, đứa con nối dõi tông đường là một kiệt tác của nhân loại dành cho lũ đàn ông chúng ta. Nó không chỉ là người thừa kế khối của cải của chúng ta để lại, mà hình bóng của chính ta sẽ được chúng lưu giữ. Nói câu này hơi nguy hại, dù ta có là thằng phản nghịch.
Chà chà, đến nước này tôi đành bó tay.
Năm ba mươi tuổi anh Lượng lấy vợ. Đó là người đàn bà có cái tên rất tình cảm: Thắm. Chị Thắm là con của người đàn bà thọt chân ở cuối phố Xuồi. Thú thực, chị  là một phụ nữ không nổi trội về nhan sắc, nhưng nhờ có thân hình vạm vỡ, ngay lập tức đã lôi anh Lượng vào một cuộc tình chớp nhoáng.
Vú nở, mông to, anh Lượng tâm sự thật lòng, đó là tiêu chuẩn số một đối với người phụ nữ. Vì những bộ phận ấy, - vẫn theo lí luận của anh, - nó phi thường thì những đứa con sinh ra cũng phi thường. Cuộc tình của anh Lượng với chị Thắm được đúng mười năm hai tháng thì chấm dứt. Con cái không. Chị mất vì tai nạn đò ngang trên chính con sông Luộc.
Người vợ thứ hai của anh Lượng là chị Hạnh. Chị Hạnh sát nhà tôi ở Cẩm Phả, Quảng Ninh. Về tuổi tác, chị Hạnh ăn đứt chị Thắm khi xưa. Vì chị kém anh Lượng những hai mươi tuổi. Người tuy cũng cao to, cho nên hình thức chị  rõ ràng không được “ăn” cho lắm. Da chị Hạnh ngăm đen, chị có cái tật cứ “diễn thuyết” một hồi là hai bên miệng chị sùi ra toàn bọt mép. Về nghề nghiệp, chị Hạnh khiêm nhường chỉ là cô công nhân dọn dẹp vệ sinh quanh khu vực nhà máy. Cuộc tán tỉnh lần này cũng chả mất nhiều công khổ nhọc, anh Lượng chiếm được chị, như người ta nói, là do anh bị giăng bẫy. Chỉ một lần  cùng nhau đi xem bộ phim “Người báo thù bị bắt” ở rạp Công Nhân là anh Lượng bị mắc câu ngay.
Hệt như vợ chồng tôi, anh Lượng và chị Hạnh đẻ liền hai cô con gái. Cô nọ cách cô kia ba tuổi. Càng tiến đến cái  tuổi về hưu, anh Lượng càng có ý định kiếm ngoài một cậu con trai. Chao ôi, lúc ấy tôi nghĩ, một người đàn ông đã tưng ấy tuổi mà vẫn con nung nấu ước mơ cháy bỏng như vậy thì, trên cõi đời này, thử hỏi, có bao nhiêu điều tưởng không làm được nhưng tại sao con người vẫn cứ làm được?
Chiến thắng! Chiến thắng! Những con người đầy nghị lực sẽ hoàn toàn chiến thắng.

+++


Đã nói là làm, ngay trong năm đó, anh Lượng tiến hành một bước thật rốt ráo ra chính quyền làm cái sổ đỏ. Cầm quyển sổ đỏ xinh xắn trong tay, anh Lượng đi khoe cả phố Xuồi: “Tiền đây chứ đâu. Tiêu mệt nghỉ...”
Chính sự huyênh hoang ấy của anh mà phía “bên kia” xuất hiện. Phía bên kia, đầu tiên là thằng con trai của bà chị cả anh Lượng. Cu cậu là nhân viên phòng thuế huyện. Chính cu cậu đã một lần phát hiện ông bác mình dẫn một cô bồ về nhà ngủ. Lập tức cu cậu tóm được cô kia. Rồi họ hàng nhà anh Lượng xúm vào “kiểm điểm” anh. Họ đưa ra bao nhiêu là lí giải. Rằng, từ đường là nơi thờ tổ, nơi khói hương cho những bậc tiên liệt, dẫn gái về nhà ngủ ngay trên phản (bên trên là buồng thờ) là làm ô uế nhà thờ...
Thoạt đầu anh Lượng cũng thấy rát mặt. Đường đường chính, mình là người chủ sổ đỏ, người giữ từ đường. Bực không chịu được. Nhưng anh xét thấy mình cũng có cái sai. Nên anh thay đổi phương kế. Lần này anh bảo với tôi: “Có khi tớ phải chơi xa. Được thằng cu rồi ẵm về cũng được”. Tôi an ủi anh: “Việc gì anh phải làm thế! Nhà của anh, vườn đất của anh, anh cứ cho cô ấy về đây mà sống, sợ qué gì, chính quyền người ta dứt khoát ủng hộ anh, ai người ta can thiệp...”
Anh Lượng lắc đầu:
 - Bọn bên kia - Anh chỉ tay qua phía cái ao rộng trước nhà - bọn bên kia kinh lắm.
Chứng minh lời anh nói. Một lần tôi ở Quảng Ninh ra thăm anh, sau khi trò truyện, tôi và anh mang bàn cờ ra chơi. Một cô bạn gái của tôi ở Trường Viết văn đi thực tế tạt vào chơi, thế là cuộc truy sát của những người trong họ hàng nhà anh bắt đầu. Họ cử những đứa trẻ khoẻ mạnh sang “thám thính”, cần thiết thì can thiệp bằng sức mạnh. Thằng cháu phòng thuế huyện đang từ bên cái ao vội chạy sang ngay. Nó sà vào bàn cờ nghe ngóng. Anh Lượng nháy mắt về phía tôi ý chừng bảo: “nó đang nghe đấy, đừng tiết lộ điều gì!”. Hiểu ý, tôi lái câu chuyện về con sông Luộc, những ngôn từ  lan man của tôi hướng về nơi phát nguyên của con sông,  rằng dòng chảy của nó đi  từ địa phận A đến địa phận B, cuối cùng rồi mới đến đất Hưng Yên tại phố Xuồi này.
Vậy mà thằng cháu phòng thuế kia vẫn kiên trì ngồi nghe. Bập vào chuyện trai gái là hôm sau có phản hồi ngay.
Khi tàn cuộc (tức là khi cô gái Viết văn kia xin phép ra khỏi nhà) thằng cháu anh Lượng mới về. Và  tôi thấy có rất nhiều những cái đầu lấp ló quanh cầu ao  bên kia cũng giải tán.
- Khiếp thật, - tôi bảo.
- Chưa ăn thua đâu - Anh Lượng nhướn mắt lên nói - Bọn nó có ý phải chiếm mảnh đất này sau khi tôi chết - Anh thở ra làn hơi ngao ngán - Nhưng còn lâu, chín mươi tuổi tao mới chết!
- Chín mươi tuổi?- tôi hỏi lại.
- Chứ sao! - Anh tiết lộ - Dạo này tớ phấn đấu rất ghê gớm! - Anh bỗng chỉ tay vào cái vật quý nằm giữa hai ống quần một cách không ngượng ngập - Bồi bổ liên tục. Để mà thắng lại mưu mô của chúng nó chứ! Phải thế! Phải thế!


+++


Anh Lượng say sưa kể về một ông thày tên Chỉnh. Thầy Chỉnh là một người định cư  trên chợ Gạo thuộc tỉnh Bắc Giang. Tiếng tăm ông vang dội nhờ có nghề luyện thuốc “chuyển đổi tinh trùng”.
Ông Chỉnh có một quyển sổ bìa da viết run rẩy trong đấy hàng trăm địa chỉ những người đã dùng thuốc của ông. Ông cho rằng, những người như anh Lượng là dạng phải “làm chuyện ấy”. Theo ông Chỉnh, người chuyên đẻ con gái, chứng tỏ anh mang tinh trùng đuôi X. Vậy  phải chuyện hẳn sang mang tinh trùng đuôi Y mới đẻ được con trai. Đó là những viên thuốc được cô lại to như những hột lạc, màu đen thẫm. Uống liền ba tháng, ngày bốn mươi viên, sáng hai mươi, chiều hai mươi, không được bỏ ngày nào. Có thai, nếu không phải con trai, đầu ông sẵn sàng lìa khỏi cổ.
Ông gõ tay bồm bộp vào quyển sổ đọc tên bao nhiêu người đã dùng thuốc của ông mà thành tựu. Chuyến đi thật kì công. Anh Lượng theo một anh bạn rành rẽ con đường từ phố Xuồi lên Bắc Giang. Đó là một tay lái trâu kì cựu khi xưa. Họ phóng xe máy qua những nẻo đường chật chội, nhưng giăng mắc đường sá như những đường cờ lắt léo. Người lái trâu xưa kia bảo: “Đi đường này là đường tắt, ngắn hơn so với Quốc lộ Một chừng bốn mươi cây số”. Trời ơi, anh Lượng thốt lên, chuyến đi ấy có một không hai. Họ đi qua thành phố Bắc Ninh, qua cầu Đáp Cầu, rồi rẽ vào một làng Động. Lấy  được thuốc về, anh Lượng thực hiện “lệnh” của ông thầy thuốc Chỉnh nghiêm ngặt. Vậy mà cũng được việc.
Anh Lượng bảo:
- Tớ uống liên tục đến tháng thứ hai thì thực hành “việc ấy” ngay. Em Muộn làng Cao Xạ có chửa đến tháng thứ ba đấy. Nhưng...
Chuyện của anh như sau:
Cô Muộn bị sảy thai. Mà đúng ra là cô Muộn cho cái thai ra.
- Cho ra như thế nào? Tôi hỏi.
- Cô ấy lấy cành dâu chọc vào âm hộ cho nó ra.
- Ai bảo cô ấy làm thế?
- Một bà lang trên chợ Bộc.
Trời đất ạ, anh Lượng bảo, anh như người trên mây trên gió. Anh đầu tư vào cô Muộn khác chi những tay anh chị Quảng Ninh dốc toàn bộ tiền của vào những cái lò than thổ phỉ.
- Sao em lại làm thế?- Rồi anh Lượng cũng tìm cách hỏi cô Muộn câu này.
- Em không muốn có con với anh nữa! Em già rồi. Cái chính là... em xấu hổ.
Anh Lượng bảo: Cô Muộn là người đàn bà đã ngoài bốn mươi tuổi. Mối tình  trước đó của cô Muộn với một người đàn ông tên H kết quả có một người con gái. Nhưng vẫn là phụ nữ chưa chồng vì có đăng kí gì đâu. Cô Muộn đã thề thốt đẻ cho anh Lượng một đứa con trai. Vì anh Lượng hứa mọi cơ ngơi của cải anh sẽ dành cho đứa con trai ấy. Nhưng nhìn cái bụng ngày càng to, người làng nói ra nói vào, cô Muộn sợ. “Em hãi lời đồn của thiên hạ lắm”, cô Muộn bộc bạch. Từ ngày ấy anh Lượng sợ ra mặt. Anh bảo, từ bây gìơ đến chết, anh sẽ không dây vào đàn bà nữa.
Tôi tuyệt nhiên không thấy anh Lượng đả động gì đến người vợ thứ hai của anh ở Vùng mỏ. Khi tôi gắng gượng nói về cuộc sống của chị Hạnh ở Cẩm Phả, anh mới buột lời:
- Kệ nó, nó đang đi làm có lương, có mỗi hai đứa con gái lo gì.
Anh Lượng thừa biết là có một anh chàng lái xe Castơ 58 tuổi của mỏ Đèo Mây chờn vờn với vợ mình, anh kệ.
- Cho nó, tớ đếch cần...
Vậy lần này, anh gọi tôi về, có việc gì?
Gặp tôi ngay cổng ngõ, anh phấn khởi ra mặt:
- Vào đây, vào đây, - anh giục.
Rồi anh vào chuyện ngay:
- Tớ nói tin này, cậu đừng nói với ai - anh lập cập sà đến bên tủ lôi ra một cái phim chụp to bằng một phần tư tờ báo Nhân Dân - Ung thư trực tràng chú mày ạ... giai đoạn cuối...
Tôi lặng người.
- Tớ biết, tớ không sống lâu được. Chả biết bao giờ sẽ đi. Nên có chuyện muốn nhờ cậu.
- Anh cứ nói.
- Gia cảnh tớ cậu biết rồi đấy. Hai đứa cái Lanh, cái Ngọc rồi chúng nó cũng có nơi có chốn. Cô Hạnh ở ngoài đấy cũng có nhà có cửa. “Nó” cũng chẳng thèm về đây đâu. Khi nào tớ chết. Cậu giúp tớ...
- Giúp anh việc gì?
Anh vỗ hai bàn tay bồm bộp vào nhau:
- Cứ nói toạc móng chó ra, là nhờ cậu đưa cái di chúc cho những người có chức có quyền.
Tôi ngớ người. Anh chết. Di chúc. Tôi ở xa hàng trăm cây số. Di chúc lúc ấy lấy ở đâu? Hay anh đưa lúc này? Anh nhìn tôi chăm chú.
- Ấy vậy! Cậu cứ ở đây một vài ngày đã. Rồi tớ nói.
Hôm ấy anh dẫn tôi xuống cái nhà ngang. Cạnh cái giếng nước khoan sâu kéo cần tay là cái bếp. Bếp chia ba ngăn. Ở ngăn cuối là nơi chứa những cành nhãn khô đã chặt ngắn bó thành mấy bó để nấu nướng, mấy cái chậu, cái nồi chất ngổn ngang. Anh chỉ tay lên một cây tre ngà óng mượt, phía đầu hồi tiếp giáp sang gian bên, anh gõ gõ tay vào cái ống tre mấy cái:
-  Trong cái ống tre này, anh nói, có thể đút lọt một cái hộp nhỏ.
Rồi lên nhà, anh lấy cái hộp chè be bé, có nắp hẳn hoi, anh bảo: Đây, chính cái hộp này đây.
Tôi nhìn cái hộp hồi lâu, mở nắp tôi thấy bên trong chả có gì. Tôi ngơ ngác.
-  Tớ đã chết đâu, nói phòng xa vậy, - anh bảo.

+++


Chị Hạnh, cạnh bức tường tôi ở chạy túa sang:
- Chú Thụ ơi, anh Lượng chết rồi!
Tôi thốt lên:
- Thế ạ! Chết bao giờ? Ai báo tin cho chị?
- Thằng con trai bà chị anh ấy!
- Chết bao giờ?
- Sáng nay! Nó gọi điện thoại.
Đôi mắt hốt hoảng. Người đàn bà có khuôn mặt đầy tàn nhang như cần lắm một đồng minh.
- Chị phải về ngay đây! - Chị thăm dò tôi - Chú có về không?
Tôi trả lời ngay. Em có chứ!
Nhưng tôi phải đi xin phép cơ quan. Tôi bảo chị cứ về trước đi. Nội nhật trong ngày hôm nay tôi sẽ có mặt.
Chị Hạnh đi rồi, những đứa con của chị đi rồi, tôi bắt đầu hình dung công việc của mình. Cái hộp đựng chè ấy, liệu anh Lượng có cho vào ống tre dưới nhà ngang? Trong hộp chè ấy có gì? Liệu có ai phát hiện ra “bảo bối” ấy trước tôi...
Bao nhiêu là câu hỏi. Nhưng rồi tôi cũng có mặt đúng vào giờ Ngọ của một ngày mùa đông năm đó.
Cái cổng ngõ lần trước tôi về còn xây dựng dở, nhưng hôm nay trông gọn gàng lắm. Cái rạp đám ma bắc trước cửa ngôi nhà với tấm bạt màu xanh phía dưới kê đầy bàn ghế. Hàng xóm đến viếng đã đông đủ. Tôi thoáng chột dạ: cái ngăn bếp cuối cùng anh Lượng bảo để cái hộp chè hôm nay lại là nơi làm bếp. Cứ tấp nập những người ra vào, điều này, khiến tôi khó có thể thực hiện được ý định.
Thằng con trai phòng thuế hôm ấy tỏ ra vô cùng xăng xái. Tuy trên đầu cũng chít khăn tang, nhưng ánh mắt, giọng nói của anh chàng xem ra hết sức tỉnh táo. Cậu chỉ huy đám nấu nướng, hò hét những người phục vụ, y như một ông chủ. Thì rõ ràng, ai chẳng biết, phần của cải sau khi anh Lượng chết, chẳng vào tay cậu thì tay ai?
Nó chào tôi lí nhí:
- Chú vừa về...
Chị Hạnh khóc chồng cũng không được nhiệt thành lắm. Điều đó tôi hiểu. Tôi còn biết chắc chắn “cuộc chiến” sẽ xảy ra phía sau cái đám ma này. Nghĩa là: tôi linh cảm một điều không yên lành khi tôi đã lấy được cái bảo bối là bản di chúc của anh Lượng. Chắc gì tôi đã lấy được?
Nhưng thực sự tôi đã lấy được. Tôi nhắm lúc khi đám tang vừa ra khỏi ngõ. Trong cái gian bếp ám khói tối tù mù ấy, đúng theo lời anh Lượng dặn, thò tay vào ống, tôi đã thấy cái hộp nằm trong đó. Một cảm giác lạnh buốt sống lưng khi tay tôi chạm vào nó. Bằng một phản xạ rất nhanh, tôi cho nó luôn vào túi quần sau. Rồi giữ nó như một vật thiêng, sau khi tan đám ma, tôi xin phép chị Hạnh và người nhà của chị tôi về. “Em phải về trước chị ạ” tôi nói “ Mai em có công chuyện quan trọng ở cơ quan. Chị thông cảm...”
Chị Hạnh nắm lấy hai tay tôi, cảm ơn rối rít.

+++


Tôi phải chép ra đây thật chi tiết, không được sai một dấu chấm phẩy, để bạn đọc không thể nghi ngờ gì sự trung thực của tôi. Vì tôi nghĩ rằng, một bản di chúc được chính quyền công nhận, mọi người là công dân nước Việt phải tuân thủ nó. Vì nó là “ý chí” của người quá cố.
“Tôi là Nguyễn Văn Lượng, 72 tuổi, vợ cả đã mất, vợ hai là cô Nguyễn Thị Hạnh, hai cô con gái là Nguyễn Thị..., Nguyễn Thị...  Tôi có mảnh đất 2000 mét vuông, tôi để lại cho bà chị gái của tôi 500 mét vuông (Cho không, nơi có khu nhà từ đường, có sơ đồ kèm theo). Còn lại 1500 mét vuông, tôi nhượng cho Hội Người cao tuổi làm câu lạc bộ 500 mét, còn 1000 mét tôi chia đều cho hai con gái tôi là... không người nào ngoài những thành phần trên được quyền tranh chấp khu đất đứng tên tôi...”
Cầm cái di chúc ấy về, tôi hoang mang lắm. Bàn với ai chuyện này đây. Hay không nói với ai. Không! Không thể không nói với ai. Nếu bí mật chuyện này thì tôi là kẻ quá ư phản bội. Phản bội với người đã quá tin cậy mình. Nếu tôi đưa tờ di chúc ra chính quyền  thì đứa con trai bà chị anh Lượng sẽ thù ghét tôi ghê gớm lắm.
Tôi rơi vào tình trạng thật khó xử.
Nhưng qua một đêm suy nghĩ, tôi quyết định vấn đề rất chóng vánh. Tôi phô tô bản di chúc của anh Lượng ra thành nhiều bản. Bản chính tôi giữ. Một bản tôi gửi cho chính quyền xã nơi trước đây anh Lượng cư trú. Một bản tôi gửi cho chị Hạnh. Tôi còn gửi hai bản nữa cho chính quyền cấp cao hơn. Tôi hy vọng...
 Cuộc đời trôi đi theo những dòng xoáy tất bật. Lòng thật thanh thảnh khi sáu tháng sau tôi thấy cái mảnh đất hai nghìn mét vuông ấy đã hoàn toàn có chủ. Hai đứa con gái của anh Lượng vốn lập nghiệp và lấy chồng ở Quảng Ninh  đã có nơi có chốn. Hội Người cao tuổi cũng không dám lấy số đất tuy có bút tích của anh Lượng trong di chúc, nay qua thương lượng, anh con trai phòng thuế quyết định tung tiền ra mua bằng hết. Nghe đâu anh ta phải nôn ra những hơn một tỷ đồng.
Chà chà, thời thế đổi thay, tôi nghĩ, họ ứng xử với tiền của  một cách thật mau lẹ. Thật không ngờ!
Nhưng anh Lượng ơi, xin anh yên nghỉ, vấn đề chính yếu là, thằng em dại của anh đã giữ trọn lời hứa với ông anh./.