Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

17 người dân “cõng” một ông cán bộ

Lê Thanh Phong
Thứ năm ngày 19 tháng 12 năm 2013 9:08 AM
Theo Lao động

Phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) có hơn 400 “cán bộ” hưởng lương, phụ cấp trên 19.000 dân. Quá khủng khiếp. Còn nữa, thị trấn Mạo Khê (huyện Đông Triều) của tỉnh này với 50.000 dân, có 639 người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách. Thất kinh.

    Sốc với phường có 475 “cán bộ”

Đó là hai trường hợp điển hình. Còn cả tỉnh Quảng Ninh có 68.000 người được hưởng lương theo ngân sách trong tổng số 1,2 triệu dân. Bình quân cứ 17 người dân có 1 người được hưởng lương. Và tất nhiên, số tiền trả cho cán bộ không nhỏ, chỉ riêng Quảng Ninh mỗi năm ngốn mất 4.120 tỉ đồng. Nếu địa phương nào cũng công bố công khai như Quảng Ninh, chắc chắn bức tranh “dân cõng quan” cũng tương tự. Cán bộ đông như vậy, nhưng chất lượng của nền hành chính công và năng lực quản lý như thế nào thì quá rõ.
Tình trạng cán bộ công chức ăn không ngồi rồi nhiều đến ba - bốn chục phần trăm thì ai cũng hiểu. Vậy thì, chứng cứ rành rành do UBND tỉnh Quảng Ninh tự công bố về thực trạng cán bộ “cắp ô” của địa phương, xin hỏi những người chỉ nhận 1% công chức vô tích sự đã hiểu chưa?
Ông Nguyễn Văn Đọc - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - nói dứt khoát: “UBND tỉnh sẽ rà soát lại biên chế của tỉnh, dứt khoát từ nay sẽ không tăng biên chế tới năm 2016”. Nói như vậy, có nghĩa là không cắt giảm ai trong số cán bộ đông đúc của tỉnh. Nói như vậy, có nghĩa là sau cái mốc 2016 có thể sẽ tăng.
Vấn đề đặt ra hiện nay cấp bách hơn nhiều, đó là phải tinh giản biên chế  đến mức tối đa và ngay lập tức, để nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy nhà nước và tăng lương cho người làm việc thực sự. Không chỉ với Quảng  Ninh, mà với đất nước này, không cắt giảm được 30% số cán bộ “vác ô” coi như là một sự thất bại trong quản lý. Không có bất cứ cách giải thích nào khác.
Và chắc chắn rằng, nếu như không giảm mà còn tăng biên chế cán bộ công chức, thì chất lượng hoạt động của bộ máy nhà nước sẽ không được cải thiện, thậm chí còn xấu đi.
Nói xấu đi là vì, “dân cõng quan” trên lưng không chỉ bằng cái việc è cổ ra đóng thuế nuôi các ông “quan” vô tích sự ấy, mà cõng trên lưng sự quan liêu, hách dịch, cửa quyền, nhũng nhiễu của những cán bộ công chức hư đốn. Loại quan lại này không chỉ hưởng đồng lương mà còn tìm mọi cách để moi tiền của Nhà nước cũng như của dân.
Còn những cán bộ công chức “cắp ô” và ăn cắp tiền trong bộ máy, thì mọi chính sách tốt đẹp của Nhà nước, Chính phủ sẽ khó thực hiện thành công. Biết là vậy, nhưng tại sao vẫn bắt “dân cõng quan” ngày càng nhiều như thế?