Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Thủ giống thủ xôi giống xôi.

Y Ban
Chủ nhật ngày 1 tháng 12 năm 2013 5:44 AM

Lời đầu tiên tôi xin tự nhận là: Một ca tâm thần nữa trong làng văn, để anh Nguyễn Hoàng Sơn đỡ mất công phải viết thêm. Và một cơ may nữa cho anh Sơn đang trong quá trình phục hồi sức khỏe là anh chưa từng “hạ cố” đọc và viết về tác phẩm của tôi nên anh sẽ không có cái gì để “nâng lên hạ xuống”, đau đầu lắm.
Khi đọc bài viết Nhân kỷ niệm 60..của nhà văn Tạ Duy Anh tôi mới lục lại trong trí nhớ của tôi những kỷ niệm với tờ báo này. Và  ngẫu nhiên có một sự trùng hợp,một kỷ niệm có liên quan đến nhà báo “quèn”( như anh tự nhận), nhà thơ, nhà lí luận phê bình Nguyễn Hoàng Sơn.
Việc là như vầy, năm 2007 liên quan đến một vụ việc của cơ quan, tôi có nguy cơ bị đuổi việc. Tôi làm đơn kêu cứu gửi đến một số báo, trong đó có báo Tiền Phong. Tôi cầm đơn mang trực tiếp đến trình bày với anh Nguyễn Hoàng Sơn, khi đó là Trưởng ban tờ cuối tuần của báo Tiền Phong. Vì sao tôi lại trực tiếp đến gặp anh Sơn, vì trước đó thi thoảng tôi có ngồi nói chuyện với anh, thấy anh có tư tưởng đổi mới. Điều này mới quan trọng hơn tôi mang thơ của anh về in ở tờ báo tôi đang làm. Vì điều này anh có “cảm tình” với tôi hơn.
Tôi đưa đơn kêu cứu cho anh và trình bày thêm. Anh nhận đơn và bảo sẽ đăng. Anh còn đưa ra những nhận xét “khủng”về nhân vật đang đàn áp tôi. Khi chào anh ra đến cửa tôi gặp nhà thơ Dương Kỳ Anh, tôi đã đứng lại để nhờ anh ( như chết đuối vớ được cọc). Anh bảo, nhờ Nguyễn Hoàng Sơn là đúng rồi.
Ngày ngày tôi chờ. Tôi chờ không phải là bài báo đăng bênh vực tôi mà chờ một cuộc điện thoại của anh. Chỉ là lời động viên của anh em đồng nghiệp. Anh Sơn đã chọn bài im lặng. Tôi đến gặp anh thêm lần nữa, anh lảng vấn đề của tôi, chuyển qua chuyện lăng nhăng lít nhít thằng nọ con kia. Tôi tự biết, việc mình nhờ thế là hỏng.
Tôi bèn nhờ một phóng viên khác của báo. Nhà báo này bảo tôi: Chị ơi, em không giúp chị được rồi, giá mà chị đưa cho em từ đầu. Đưa qua Nguyễn Hoàng Sơn rồi thì em không giúp chị được nữa.
Đấy câu chuyện của tôi là thế. Sao mà thủ giống thủ xôi giống xôi với câu chuyện của nhà văn Tạ Duy Anh.
Y Ban