Bút ký
Sinh sống trên vùng cực Bắc, trên Công viên địa chất toàn cầu, mỗi mùa xuân về không thể không kể đến tiếng khèn Mông mùa xuân. Dù ai nói thế nào thì nói, tiếng khèn Mông vẫn cứ theo tôi vào các lễ hội trên vùng đá, mà tết Nguyên đán là trong những lễ hội ấy.
Nghe kể ngày xửa, ngày xưa con gái người Mông khi đi lấy chồng phải giỏi tay thêu thùa, may vá, ít nhất cũng biết dệt vải, se lanh, may cho bố mẹ chồng, anh em nhà chồng những bộ quần áo trong ngày cưới của mình. Còn người đàn ông Mông khi muốn trở thành người đàn ông thực thụ của cộng đồng, thành người chồng chính thức của một cô sơn nữ xinh đẹp nào đấy, là cha của những đứa con sau một mùa xuân “kéo vợ”, sau mấy mùa tra ngô, trỉa bắp thì ít nhất cũng phải biết làm cho mình một cây khèn, dù biết rằng chàng trai có thể kém cô gái tới vài ba tuổi và cũng không ít chàng trai kém cả chục tuổi. Đấy là chưa kể đến chuyện “ném áo, làm chồng” khi anh mất, để lại bà chị dâu cô đơn, mà vẫn là “con ma” của nhà mình.
Cây khèn và tiếng nói của khèn đã gọi trăng, đón gió, gọi cô gái có đôi mắt đa tình xinh đẹp vượt qua mùa xuân xanh, vượt qua mênh mông đá xanh, trời xanh về với mình. Gọi là “kéo vợ” hay vợ chạy theo thì cũng chẳng ai biết rõ, chỉ có cô gái, chàng trai, đôi bàn tay “dính” vào nhau trong mùa xuân, “qua lăm đồi, bảy suối” mới biết, rồi tình nguyện thả hồn vào tiếng khèn của chàng trai trên vùng đá đã bao đêm trăng thả hồn gọi bạn.
Cũng có người cho rằng cây khèn Mông chỉ được dùng trong đám tang, đám hiếu của người Mông, nhưng tôi thì không thấy thế. Tôi đã đi hàng trăm phiên chợ tết trên khắp vùng người Mông sinh sống, chợ nào chẳng có tiếng khèn nơi “đầu đường, cuối chợ” mà réo rắt mời gọi bạn tình. Chợ nào, lễ hội nào chẳng có hàng chục, thậm chí là hàng trăm cô gái Mông vây quanh những chàng trai Mông vừa thổi khèn, vừa nhào nộn. Để đường về say mèn vì rượu, vì tình mà đôi má đỏ ửng, mắt long lanh, căng chiếc ô che cho chàng trai với cây khèn đã bóng khói bếp, bóng mồ hôi năm tháng.
Đó ít nhất cũng là ấn tượng khèn Mông trong tôi, một tiếng nói tâm tình, gửi lóng gió qua thân gỗ, gióng trúc để đón tay nhau chạy theo những mùa xuân trên vùng đá. Còn khèn Mông trong đám tang, đám hiếu của người Mông thì tôi chưa được “mục sở thị” bao giờ. Nên với tôi cây khèn Mông, tiếng gió trong gióng trúc vẫn mãi là âm hưởng của lễ hội, của tình yêu, âm hưởng của mùa xuân khi tìm về vùng đá, vùng người có mùa xuân “kéo vợ”.
Đã rất nhiều lần tự hẹn với mình, rồi lại tự thất hứa với mình, đi tìm hình hài của cây khèn Mông, cây khèn đã mang âm sắc của một vùng văn hoá. Tiếng khèn gọi bạn, gọi tình yêu, tiếng khèn nói lên lòng mình, thổi hồn vào đá, gọi gió, gọi trăng để tìm đến nhau. Vậy mà mãi đến hôm nay, trong cái rét cắt da, cắt thịt trong chiều cuối năm tôi mới trở về với tiếng khèn bằng hình hài chân chất của bầu gỗ, lóng trúc, lưỡi đồng, quấn vỏ đào rừng vàng óng trong đôi tay người nghệ nhân già, nơi xóm núi. Nơi ấy là xóm Tả Cù Ván thuộc xã Hố Quáng Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Xóm Tả Cù Ván nằm lọt thỏn trong thung lũng đá mênh mông, sau lưng là đồi trúc “lạc hồn thu thảo” trải dài như được ai treo vào mây lưng núi. Đúng là một bản đá, những ngôi nhà tường đá, bờ rào đá gắn vào hồn đá, trong lòng chảo đá trên điệp trùng biên cương nơi tận cùng đỉnh cao Tổ quốc. Đây cũng là một trong những huyện khó khăn nhất của Hà Giang, một huyện có tới hơn tám mươi phần trăm là người dân tộc Mông sinh sống. Đặc biệt xã Hố Quáng Phìn một trăm phần trăm dân số là đồng bào Mông, trừ những giáo viên và cán bộ tăng cường của tỉnh, của huyện và lực lượng công chức xã được điều động hằng năm.
Đi theo tiếng khèn mùa xuân, mùa “kéo vợ”, từ phố huyện Đồng Văn tôi quyết tâm hành quân bộ đến xóm Tả Cù Ván, xã Hố Quáng Phìn để được bước những bước chân trên lưng đá. Đi qua mùa đông đón mùa xuân, tôi muốn xuống tận nơi, nhìn tận mắt, được sờ tay vào gióng trúc, sợi vỏ đào rừng, thân gỗ kim giao và chiếc lưỡi gà bằng đồng mỏng tang như váng ngô nổi trên chảo cháo. Để được chứng kiến những nghệ nhân làm khèn, làm ra cái cây tâm tình mang lời của gió ở nơi đỉnh gió này. Đây cũng là một ân huệ ngàn đời của một dân tộc, chắt chiu những tinh hoa, để lại cho đời, cho nhân loại một di sản vừa là vật thể vừa là phi vật thể. Cây khèn Mông, một nhạc cụ không thể tách rời với đời sống văn hoá người Mông và cũng là sự kết tinh, là sự thẩm thấu, sự giao thoa của bao ngàn đời để lại.
Qua gần một buổi sáng cuốc bộ, lên đèo, xuống thung, ngồi thở bên vách đá, uống những giọt nước tinh túy được chắt ra từ đá. Lời khuyên của cô gái văn phòng huyện ủy huyện Đồng Văn mới quý giá biết chừng nào: “Đi đường anh nhớ mang theo nước uống nhé, đường vùng đá không quán bán hàng mà cũng ít khi gặp được nguồn nước tự nhiên trong đá...”. Đường vào Tả Cù Ván như đi trong “hậu trường” của bộ phim Tây Du Ký, có chỗ con đường chỉ như chiếc cầu đá treo vào lưng đá. Vực vẫn sâu thẳm thẳm, vách đá vẫn cao ngời ngời, nhọn hoắt như cắm vào trời. Đôi chân trong giày hình như đã bật máu, đôi bánh chè như bị ai tháo ốc hay quên lắp long đen cho pu lông bị “đề-xe”. Nhưng đi, đi chứ, không thể cứ khất nợ với mình mãi được. Mệt, mệt lắm nhưng tôi vẫn say sưa ngắm những bông hoa tầm xuân leo trắng muốt, to bằng bàn tay em bé, đu mình vào vách đá, một loại tầm xuân sống trên đá mà chỉ ở Đồng Văn, Hà Giang mới có.
Xế trưa, chúng tôi tìm đến gia đình ông Mua Sính Pó, một lão khèn vùng đá mà được nhân dân trong vùng gọi là “thần khèn”. Một con người mà mấy chục năm qua đã chuyên tâm truyền nghề và chế tác những cây khèn, những cây khèn mang cả một nền văn hoá dân tộc ở nơi ông. Năm nay ông Mua Sính Pó đã trên sáu mươi tuổi, có gần bốn mươi năm làm nghề gọt cây, chắp gió, thành lời yêu, lời nhớ. Ông đã gửi gắm cả lòng mình, đời mình vào thân gỗ kim giao bóng nước, vào những thân trúc già vàng óng trước sườn non, tạo nên một âm thanh đặc biệt cho một vùng văn hóa.
Ông Pó ngồi trước một đống gióng trúc vàng óng đã được chọn lựa kỹ càng, tay cầm con dao mác sắc lẹm, gõ gõ vào thân cây, nói với chúng tôi, bằng tiếng Mông: “Muốn có một cây khèn mang đúng những âm thanh của người Mông bao đời nay thì phải chọn được thân gỗ kim giao vừa ý, chọn được những gióng trúc vừa tầm và không thể thiếu tính kiên nhẫn của người làm ra nó. Khèn của người Mông được làm hoàn toàn bằng những kinh nghiệm cha truyền, con nối, áng chừng bầu gió khoét rộng dài bao nhiêu là vừa đủ, áng chừng gióng trúc to nhỏ thế nào là đến tầm...”.
Nói rồi ông Mua Sính Pó nhìn tôi cười, tay ông với cây khèn mới làm xong đêm qua treo trên vách đưa lên môi, ngón tay ông lần lần đưa vào những khuyết gió để cây khèn thả vào không gian đá trầm ấm một âm thanh đến mê hồn. Tôi đứng lặng như chôn chân vào đá, mắt như được dán vào đôi bàn tay của ông, nó không dẻo như tay nhạc công thường thấy trên sân khấu, nó cũng không nuột nà như tay con gái, con trai ở chốn đô thành, mà những ngón tay bẹt ra vì đốc dao, những móng tay đen nhẻm vì than bếp ấy cứ mở ra, đạy vào chập chờn theo ánh lửa trong gian nhà “tranh sáng, tranh tối”. Vẫn thổi, vẫn lấy hơi, mắt ông lờ đờ như người say, ông từ từ đứng dậy, đôi bàn chân làm mòn lưng đá của ông bắt đầu rót vào mặt đất những tiếng dậm thưa hay dày theo lóng hơi ông nhả trên môi.
Trời ơi, vẫn tiếng khèn, tiếng khèn không thánh thót như sáo, không trầm hùng như tiêu, không réo rắt như kèn, chỉ mang cái âm hưởng đến mềm lòng của người Mông, mang câu ca dao Mông ném vào vách núi, ném vào rừng trúc rì rào, ném vào bếp hồng than đang độ.
Say... rất say... Vai ông đặt xuống mặt đất, hai chân ông vuốt lên trời “trồng cây chuối” đối xứng với cây khèn mà lóng gió vẫn cứ mở đều theo điệu chân ông đạp, theo những ngón tay ông mở lóng hay đóng khuyết. Anh con trai ông ở đâu về thấy bố đang biểu diễn khèn cho khách xem, anh cũng với cây khèn trên gác ngô, lau đầu bầu gió vào áo, quệt ngang lưỡi đồng, lấy hơi và hai cây khèn “bố con” bắt đầu chờ nhịp hay chọn nhịp.
Kỳ diệu, chao ơi thật là kỳ diệu, sao không say, không chìm mình vào nốt nhạc người Mông mà tôi chưa một lần được nghe ai giảng giải. Nhưng cũng chẳng cần biết tiếng khèn ấy nói gì, chỉ cần tận hưởng tiếng dài, tiếng ngắn, lời trầm, lời bổng mà hiểu cõi lòng người vùng đá đang vui hay buồn. Để rồi chân tôi cũng muốn nhún nhảy, tay tôi cũng mở gió, đóng khuyết trên thân cái máy ảnh và mồm tôi cũng bong lên muốn thoát ra một lời ca nào đấy...
Sau một màn “biểu diễn đón khách” có một không hai ấy, ông Pó treo cây khèn vào chỗ cũ, ngồi xuống vừa thở, vừa vuốt ống điếu, làm tiếng kêu của chiếc điếu ục đứt quãng như khi còn đói khói. Rồi ông nhả khói thuốc loãng như mơ màng vào không gian giữa trưa mà vẫn sền sệt sương mây. Đang thỏa cái say nơi tiếng khèn, ông chỉ tay vào anh con trai có lẽ cũng gần bốn mươi tuổi: “Thằng này nó cũng đang học làm khèn đấy, nó làm tốt lắm, mỗi tháng nó làm được từ bốn đến lăm cây khèn, chợ nào nó cũng có khèn bán đấy...”. Đấy là Mua Vạn Tủa, một trong những người con của ông mà ông cho là có tiềm năng học nghề làm khèn nhất. Đến giờ anh Tủa đã theo được nghề cha, ngoài làm nương rãy, anh đã cùng ông chọn gỗ, chọn trúc làm khèn cung cấp cho cả vùng, cho những chợ phiên, chợ tình trên Cao nguyên đá.
Nghe bố nói về mình, anh Tủa đứng lên với cái bình tông trên góc gác ngô xuống lắc lắc, rồi rót thứ rượu ngô nhờ nhờ trắng ra cái bát. Anh bưng bát rượu đi về phía tôi:
- Hôm nay vui lắm đấy, có được nhà báo tới thăm, đồng bào vùng đá không quen uống nước, chỉ có rượu thôi. Bố tao vui thì bố tao mới thổi khèn đón mày, mày có uống hết bát nước rượu này thì bố tao mới vui...
Chết tôi rồi, tôi chẳng biết uống rượu bao giờ, mà cũng không thể không uống. Tôi nhìn anh cán bộ huyện, rồi anh cán bộ xã đi cùng để cầu cứu. Nhưng xem ra không ổn, nhìn bát rượu ngô sóng sánh trên tay anh Tủa rồi tôi cũng nghĩ ra cách thoái thác của riêng mình:
- Theo người Mông, đồng bào vùng đá là như thế, nhưng theo người Kinh thì phải “kính lão đắc thọ” mà. Chúng ta đều là người Việt Nam, đều là con một nhà nên tập quán nào cũng là của chung cả thôi. Một bát rượu chia lăm là hợp lý, bởi chúng ta có lăm người. Nhưng bây giờ để “kính lão đắc thọ” mời cụ Pó nhiều tuổi nhất uống trước...
Thế là tôi đã giải quyết được “bốn phần lăm” bát rượu, chứ không thì đêm nay chắc ngủ lại ở Tả Cù Ván mà nghe tiếng thử khèn đêm quyện vào hồn đá để vừa say rượu vừa say những lóng gió ngọt ngào cùng hồn đá thức thâu canh.
“...Nghề chơi cũng lắm công phu, nghề làm khèn cũng đầy dẫy những gian truân, vất vả, đêm quên ngủ, ngày quên ăn, đôi lúc phải uống rượu thật say để quên đi tiếng khèn...”. Ông Pó bảo vậy chẳng biết có đúng không, chỉ biết rằng đêm nào tiếng thử khèn trong nhà ông cũng vắt lên đỉnh núi. Ông lại bảo: “Nói là nói vậy thôi, nhưng rồi khi tỉnh rượu, khi hết mùi men có quên được đâu, lại chặt, lại đẽo, lại gọt, rồi lọng khuôn, lọng trúc, luồn, ốp, quấn, treo, cân gió, mở hơi...”. Cứ thế để bàn tay bóng nước theo gióng khèn, theo thân gỗ, theo những sợi "chét" bằng vỏ đào rừng vàng óng... Qua thân gỗ Kim Giao để làm lóng chia gió, còn vỏ cây đào rừng được tuốt sạch, phơi khô, cho uống no khói bếp để quấn “chét” trên thân khèn thì phải đi tìm trong rừng, trên núi. Nhưng bây giờ thì núi đã cạn, rừng đã gần hết, đa số phải nhờ người mua mãi tận huyện Yên Minh hay bên chợ phiên Quản Bạ, cách xa xóm ông đến vài ba ngày đi bộ. Duy chỉ có cây trúc, gỗ kim giao là được nhiều gia đình trồng ngay trong xóm, sau nhà nhưng đôi khi vẫn không đủ được.
Vậy đấy, nhưng cũng không thể không làm khèn, không thể quên cái đam mê từ khi còn để chỏm, cởi truồng, mặc áo không có cúc. Cây trúc tuy trồng được nhưng cũng không dễ chút nào, không phải cây trúc nào, đoạn trúc nào cũng dùng được vào khèn. Có khi cả cây trúc chỉ lấy được một đoạn ưng ý, cũng không ít lần khi đẵn cả cây xuống rồi chẳng dùng được đoạn nào, gióng nào cả. Nhìn cây trúc, thương con dao, tiếc cho "lóng" gió mà ngao ngán nghề khèn để đêm về lại được gửi vào tiếng khèn nơi cõi đá.
Rồi gỗ kim giao phải chọn cây chỉ nhỉnh hơn thân khèn một chút, khi mang về sơ chế, rồi để lên gác bếp sấy cho khô. Những gióng trúc khi đã được chọn lựa kỹ càng để làm “lóng” so hơi cũng phải trải qua quy trình sơ chế ấy. Vừa để lấy màu, lấy nước, cho uống sương đêm, bồ hóng bếp, chống mối mọt, vừa để có độ chính xác cao khi khoét gióng đưa vào thân khèn được khít, không lọt gió và khi gặp thời tiết thất thường ít bị co giãn, nứt nẻ.
Ngồi xem nghệ nhân Mua Sính Pó dùng con dao xoay nhỏ, nhọn hoắt trong tay, đưa từng đường dứt khoát vào thân gỗ Kim Giao. Rồi tay ông vuốt nhẹ trên thân cây trúc vàng óng, đã chuốt hết mắt luồn thử trên thân khèn, hết lần này, sang lần khác, qua đầu nhỏ, đến đầu to, những gióng trúc dần dần được đưa khít vào những nơi đã định. Nếu người không có nghề, tháo ra còn khó, mắt thường khó mà nhìn rõ mép ghép giữa thân khèn với những “lóng” trúc so hơi. Nếu không có tâm, có lòng yêu say đắm cây khèn, cố công giữ gìn một nét văn hóa, tính bền bỉ, tỷ mẩn và kinh nghiệm lâu năm thì khó lòng làm nổi. Một “thần khèn”, một nghệ thuật chế tác nhạc cụ mà theo tôi thì không có loại máy móc nào thay thế được con người và cũng chẳng máy móc nào có được lòng tự hào trong dòng chảy văn hóa mấy ngàn đời của một dân tộc trên Cao nguyên đá.
Vừa làm việc, ông vừa nói chuyện cởi mở với tôi, chỉ tiếc một điều ông không nói được nhiều tiếng đa số, còn tôi thì lại "mù tịt" tiếng người Mông. Anh cán bộ xã tạm thời làm "phiên dịch". Anh bảo, theo ông Pó kể, mấy năm gần đây, mỗi năm gia đình ông có tổng thu nhập từ cây khèn hơn ba mươi nhăm triệu đồng, nếu trừ hết mọi chi phí đi thì gia đình ông cũng thu lãi từ cây khèn gần hai mươi triệu đồng một năm. Ông cũng đang giúp đỡ nhiều gia đình trong xóm làm khèn theo cách truyền nghề của người Mông là “tự xem-tự làm và tự rút kinh nghiệm”. Hiện tại trong xóm Tả Cù Ván đã có gần ba mươi gia đình đang làm khèn và cũng không ít tư thương tìm đến xóm đặt mua khèn để bán trong huyện và cung cấp cho các huyện bạn hay tỉnh bạn.
Chiều xuống nhanh hơn trên vùng đá, tôi theo đường về huyện. Đứng trên “võng gió” nơi đỉnh dốc Tả Ván chân thuốc hút cho đỡ rét, rồi ngoái lại nhìn xóm Tả Cù Ván trong sương, trong mây. Nơi ấy có một trăm hai mươi tám nóc nhà, đằng sau xóm trên lưng chừng núi là một rừng trúc chạy dài trên sườn đá một màu vàng óng ánh khi hoàng hôn tím sẫm.
Lời ông “thần khèn” Mua Sính Pó lại trầm trầm mà vang lên đâu đó: “Cái nghiệp làm khèn nó khác với cày nương đá, khác với chăn nuôi dê bò, cũng khác với cạy đá xếp nương ngô, nương bí. Nếu không yêu, không thích tiếng khèn từ nhỏ, không say cái lóng gió gọi người yêu, không say những chợ phiên có bầu trời nộn ngược khi nhảy khèn chống vai xuống đất, giơ chân lên trời “trồng cây chuối” thì không bao giờ làm được. Vẫn biết rằng, ít nhất trong đời, các đứa con trai người Mông cũng một lần biết vuốt bầu gió, xoa lóng trúc, kiếm vỏ đào rừng hong khói bếp để làm cho mình một cây khèn tìm vợ hay chờ mùa xuân đi kéo vợ...”.
“Sinh nghệ, tử nghệ, có giàu nghèo gì thì tôi vẫn làm khèn”, ông Pó bảo với tôi như thế. Và để có được cây khèn ưng ý, ông đã phải bỏ ra mười ngày, mười đêm ngồi tỷ mẩn bên bếp lửa mà nghe tiếng thở dài của vợ lúc đêm khuya. Cũng nghe anh cán bộ văn hóa xã Hố Quáng Phìn bảo đã có nhiều công ty du lịch tìm đến khảo sát muốn đưa làng khèn, cây khèn, nghề làm khèn trở thành một điểm đến của Tuor du lịch văn hoá, một tiềm năng du lịch trên vùng đá. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là cách giữ gìn và phát triển làng khèn, một nơi đang lưu giữ hồn cho đá, cho bản sắc của người Mông vùng đá.
Rồi sau tiếng thở dài của anh cán bộ văn hóa xã: “Một nghệ nhân, một làng nghề đang cần sự quan tâm, đầu tư, giúp đỡ không những của ngành văn hoá ở Đồng Văn, ở Hà Giang, mà còn ở các bộ, ban, ngành Trung ương, các công ty du lịch. Đây cũng là một di sản mang “lời của đá” trên Công viên địa chất toàn cầu...”.
Đang mải suy nghĩ về câu nói của người đồng hành thì tiếng thử gió, thử khèn từ xóm Tả Cù Ván cất lên, chắc vẫn của ông Mua Sính Pó đang quánh trong hoàng hôn muộn còn dắt lại trên kẽ đá. Cái âm điệu bằng hơi, bằng lưỡi đưa qua lá đồng mỏng tang, vào thân gỗ kim giao rồi được chia ra trên những lóng trúc nghe mới xuân, mới ấm áp làm sao. Hình ảnh chàng trai Mông cưỡi ngựa khoác cây khèn xuống núi, để tiếng khèn bay lên từ đường xuân, chợ xuân mà dắt vào tai cô gái Mông ở tuổi đang thì. Hỏi tại sao mùa xuân không tìm về làng khèn trên Tả Cù Ván, một làng cổ, tường xếp đá, bờ rào đá rêu phong, mái ngói âm dương cũng rêu phong lấp mình trong rừng trúc cổ xưa, dưới điệp trùng của đá cũng rất cổ xưa trên bạt ngàn xứ đá mà nghe tiếng khèn mùa xuân gọi bạn.
Nguyễn Quang
Tổ 8- Ngọc Hà- TP. Hà Giang- T. Hà Giang
ĐT: 0915395249