Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nguyễn Viết Lãm tự bạch

Nguyễn Viết Lãm
Thứ sáu ngày 15 tháng 2 năm 2013 6:05 AM

Tiểu sử tự thuật

Dòng tộc Nguyễn Viết chúng tôi di cư từ phía bắc vào ở Phú Xuân đến tôi là đời thứ 7, cho nên nguồn gốc của tôi là ở làng Dạ Lê, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ðây là một làng nghèo sống bằng nghề làm ruộng và đan gót (cót) tre nên tục danh được gọi là Dạ Lê gót để phân biệt với làng Dạ Lê chánh bên cạnh. Nơi này cách thành phố Huế tám cây số, trên bờ một con sông nhỏ gọi là hói.

Cha tôi là cụ Nguyễn Viết Miêu, vì họ nội sa sút, lúc trên 20 tuổi theo ông chú làm giáo viên tiểu học vào Quảng Ngãi. Trên bước đường tha phương cầu thực ấy, cha tôi gặp mẹ tôi là bà Phạm Thị An, người quê Thu Xà, một thị trấn Hoa kiều ở về phía đông tỉnh Quảng Ngãi. Gia đình bên ngoại tôi làm nghề chài lưới, riêng ông ngoại tôi lại lên làm lao động thuê trên tỉnh lỵ.

Tôi là con trai đầu của cha mẹ tôi, sinh tại thị xã Quảng Ngãi ngày 19-5-1919. Ngày tháng sinh này là do cha tôi nghi vào đơn xin cho tôi đi học, có lẽ không chính xác như thói thường thời bấy giờ cần khai đủ tuổi để được vào trường. Sau này, mẹ tôi kể lại lúc tôi ra đời là vào đêm rằm tháng Mười năm Kỷ Mùi (1919), trời sáng trăng ngoài sân. Cha mẹ tôi sinh hạ được bảy anh chị em, 4 người em kề tôi, Nguyễn Viết Tuyết bị nhà binh Pháp kết án tử hình vì chống Pháp, nhưng đêm 9-3-1945 Nhật đảo chính giải thoát được. Ðến tháng 8-1945, em tôi lại bị Nhật giết hại vì cùng nhiều đồng chí khác chống lại bọn phát-xít Nhật. Ðối với gia đình tôi, sự kiện này đã làm cho mẹ tôi vô cùng đau khổ.

Gia tộc chúng tôi sống trong nho phong nhiều đời. Ông tôi là cụ Nguyễn Viết Song, đỗ Ðệ tam giáp Ðồng tiến sĩ xuất thân, khoa Tân Sửu, Thành thái thứ 13 (1901), làm quan đến Thượng thư nhưng nhà vẫn nghèo. Có tài liệu do tạp chí Nghiên cứu lịch sử đăng: Ông tôi khi làm tri huyện Nam Ðàn được cụ Nguyễn Sinh Sắc nhờ dạy tiếng Pháp (cụ có học chữ Pháp) cho Nguyễn Sinh Công tức là Bác Hồ lúc còn bé. Sự kiện này, tôi nhớ mỗi lần về quê nội, không nghe ai nhắc đến. Trong họ còn nhiều nhà nho khác, chỉ thi đến tam trường, rồi lo mưu sinh, không ai đi xa hơn. Dù vậy, cha tôi vẫn giữ phong cách một nhà nho trong nếp sống. Ông là một người đạo đức, phẩm hạnh có tiếng trong vùng.

Mẹ tôi hát dân ca rất hay. Người con gái đẹp ấy yêu cha tôi chỉ vì cha tôi hiền đức. Tiếng hát trữ tình của bà có ảnh hưởng sâu sắc đến tâm hồn non trẻ của tôi, đưa tôi vào thơ ca từ sớm.

Tôi sinh ra, lớn lên, rồi trưởng thành tại Quảng Ngãi, lăng mộ cha mẹ tôi và ông bà bên ngoại cũng ở nơi này, nên Quảng Ngãi đã trở thành quê hương của tôi.

Lớn lên, tôi lập gia đình. Vợ tôi là Nguyễn Thị Minh Trí, con cụ Cử nhân Tu Trai Nguyễn Tao, quê làng Xuân Phô, huyện Tư Nghĩa cùng tỉnh. ảnh hưởng của nhạc phụ tôi đối với vợ tôi rất đậm về nếp sống, về cung cách ứng xử, về sự thảo hiền theo nho giáo. Ðiều này càng củng cố gia phong của chúng tôi nặng nề ý thức hệ Khổng nho.

Do cuộc sống của gia đình tôi gắn bó với sinh hoạt các thầy cô giáo thời ấy hầu hết là mô phạm mẫu mực, thường cùng nhau xướng họa, tôi cũng tập làm thơ từ rất bé và được các thầy chỉ dẫn cho. Khi theo học trường Quốc học Quy Nhơn, một nhà trường có truyền thống đào tạo nhiều nhà thơ lớn trong nước, lại kết thân với Chế Lan Viên cùng học, nên tham gia Nhóm thơ Quy Nhơn cùng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Nguyễn Minh Vỹ, Yến Lan và nhiều bạn khác. Tại đây, trước có Thái dương văn đoàn của các bạn ở Bình Ðịnh (có cả Quách Tấn), sau chuyển thành Nhóm thơ Quy Nhơn gồm những người làm thơ học sinh trường Quốc học và một số bạn khác đã ra làm việc ở ngoài, từ nhiều quê khác nhau. Thời gian này đã khẳng định đường đi của tôi vào văn học. Những năm 1936-1939, được sự hướng dẫn của anh Nguyễn Minh Vỹ lúc ấy đã là Bí thư tỉnh ủy bí mật, chúng tôi tham gia các hoạt động của phong trào Mặt trận dân chủ. Và cũng từ những năm ấy, tôi bắt đầu có sáng tác đăng trên báo chí. Những sáng tác đầu tay của tôi: thơ, truyện ngắn Hận tình ca, tiểu luận Những mối tình của Goethe… đăng ở Tiểu thuyết thứ bảy ký tên Việt Chi, Tiểu thuyết thứ năm ký tên Nguyễn Hạnh Ðàn, bài thơ Thời mơ đăng ở tạp chí Tao đàn cũng vào lúc ấy. ở Nam Bộ, tôi đăng hai bài thơ viết bằng tiếng Pháp Lãng quên, Dạ lan hương trên báo Sài Gòn. Tên ký Nguyễn Hạnh Ðàn không tiếp tục nữa từ sau ngày Cách mạng Tháng Tám và tôi trở về với tên thật của mình dưới những bài viết.

Tham gia Cách mạng, tôi được giao những trách nhiệm sau đây: Thư ký Nhóm Bạn học (1947), tổ chức tiền thân của các Hội, Ðoàn văn hóa văn nghệ ở miền nam trong kháng chiến (do đồng chí Phạm Văn Ðồng gợi ý thành lập và đặt tên); ủy viên Thường trực Liên đoàn Văn hóa Kháng chiến Miền Nam Trung Bộ; ủy viên Ban Chấp hành Chi hội Văn nghệ Liên khu 5; Hội trưởng Hội Văn nghệ tỉnh Quảng Ngãi; Trong Ðảng, phụ trách Bí thư Ðảng đoàn Văn nghệ và Ðảng đoàn Dân chủ Văn nghệ Việt Nam, tham gia thành lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957 và nhận những công tác sau đây:

Thư ký Ban Văn Hội Văn nghệ Việt Nam (1956); Chánh văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam (1957-1960); Biên tập viên Tạp chí Văn nghệ (1960-1962); Tổng thư ký Hội Văn nghệ Hải Phòng.

Từ năm 1980, tôi về nghỉ hưu tại Hải Phòng và tiếp tục sáng tác, nghiên cứu phê bình văn học. Ngoài ra, tôi tiếp tục tham gia hoạt động xã hội theo yêu cầu của Ðảng. Hiện nay, tôi là Chủ tịch Hội Khoa học giáo dục gia đình, ủy viên ủy ban Mặt trận tổ quốc thành phố Hải Phòng và một số công tác xã hội và giáo dục khác.

Tác phẩm chính

Các tập thơ: Ðồng xanh (1949); Chân trời (1960); Mặt trời thân yêu (1970); Những cành hoa hy vọng (1974); Cửa xuân (1980); Thơ Nguyễn Viết Lãm (1991); Tuyển tập Nguyễn Viết Lãm (1997).

Ngoài ra còn mười hai tập truyện ngắn, ký, nghiên cứu cùng nhiều tác phẩm thơ, văn xuôi dịch của các nhà thơ nhà văn danh tiếng thế giới.

Ông đã được Giải nhất cuộc thi Thơ Kháng chiến (do ủy ban kháng chiến Miền nam Việt Nam tặng, 1947); Giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm về Thơ 1990; Giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm về nghiên cứu Khoa học xã hội và nhân văn 1991.

Tự bạch: Nghĩ về thơ

Khi con người bắt đầu có giao lưu trong cộng đồng nguyên thủy, khi họ biết thương yêu đùm bọc che chở cho nhau, chia nhau miếng ăn từ lượm hái, thì thơ ca cũng bắt đầu xuất hiện dưới những hình thức thô sơ. Lúc bấy giờ, thơ ca phản ánh tình yêu và cái đẹp hồn nhiên của con người, của một cuộc sống “đạo đức ở đỉnh cao nhất” như ăng-ghen đã nói. Cho nên từ buổi hoang sơ, trong các biểu hiện tinh thần của loài người, thơ ca có tuổi đời cao hơn cả và cũng là hình thức nghệ thuật hàm chứa những điều đẹp nhất. Theo từ nguyên, văn chương có nghĩa là cái đẹp. Mà đẹp nhất trong văn chương vẫn là thơ ca. Ðó là cái đẹp của tâm hồn, cái đẹp trong quan hệ giữa con người lẫn nhau. Thơ không dung nạp cái ác, cái tàn bạo. Thơ luôn hướng thiện. Cũng có thể qua thơ, phê phán những cái xấu trong đời, nhưng nói cái xấu cũng là để đề cao cái tốt. Chưa có thi sĩ nào ca ngợi một tên trọc phú, một tên bần tiện, chưa có bài thơ nào biểu dương kẻ xâm lược hùng mạnh mà chỉ thấy thơ tôn vinh những anh hùng dù trong bi kịch.

Trong các nhà thơ chúng ta, từ nghìn xưa, thường nhắc đến tài và tâm. Cả hai dều quan trọng, đều là những tố chất làm nên thi sĩ, nhưng tâm vẫn được xem trong hơn. Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài. Có lẽ con số ba ấy chỉ là để giữ đúng vần trong thơ lục bát của Nguyễn Du, nhưng dù sao cũng thấy rằng nhà thơ lớn của chúng ta vẫn đề cao cái tâm, lấy tâm làm chủ đạo. Trong hội thảo Thơ vừa rồi ở Hội Nhà văn (tháng 8-1998), anh Tố Hữu cũng nhấn mạnh điều ấy khi anh trao đổi với tôi về một trường ca của Phạm Tiến Duật nói về những cô thanh niên xung phong thời chống Mỹ xuống tóc đi tu. Anh nói: Duật rất có tài, nhưng ở đây Duật có vẻ lạnh lùng, cho nên cần nâng cái tâm lên hơn nữa.

Trước thời đổi mới, đã có lúc nhiều người phê phán những bài thơ chỉ nói đến nỗi đau, không đồng ý lấy nỗi đau làm cảm hứng. Dần dần, quan điểm này có thay đổi. Thơ có quyền nói cái vui và cái buồn, nhưng trong lịch sử văn học, những kiệt tác về thơ phần lớn đều nói về những nỗi đau lớn. Nhà thơ Pháp Alfred de Musset viết: “Những khúc ca đau khổ tột cùng là những khúc ca đẹp nhất”. Khuất Nguyên nước Sở đau trong Ly tao vì cảnh đời nhiễu nhương đầy bọn Thượng quan tàn ác. Tào Thực đau trong Lục thần phú vì cuộc sống bị chà đạp và tình yêu bị tước đoạt. Nỗi đau của Pablo Neruda trong Khúc ca chung là của hàng triệu quần chúng vô sản bị bóc lột trên thế giới. Những tác phẩm bất hủ như Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngân khúc đều xuất phát từ nỗi bất hạnh trong thân phận người đàn bà. Những nỗi đau ấy không chỉ riêng của nhà thơ mà đó là tiếng nói chung của cả một kiếp người, một cộng đồng người. Duy cũng có điều nên nhắc với nhau ở phạm trù này. Tôi tán thành câu nói của Nazim Hikmet: Sau buồn chỉ là món hàng xa xỉ. Tôi cũng đồng ý với anh Xuân Diệu: trong thơ nên chặt cái bùi ngùi!

Một cặp phạm trù khác cũng thường được nhắc đến. Ðó là cái say và cái tỉnh trong thơ. Không ai đặt ra tỷ lệ giữa tỉnh và say, nhưng nếu không có say mê sẽ không có thơ ca. Nhà văn lớn André Gida nhắc lại nhiều lần trong tác phẩm Chất dinh dưỡng của thời gian: “Hỡi Nathanel, ta dạy cho người niềm say mê!”. Say mê đã trở thành động lực của thơ, nó lay động tim người, nó truyền cảm đến người đọc sâu sắc. Chính sự say mê thúc đẩy chúng ta làm thơ và trong thơ niềm say mê trở thành sức mạnh. Biết bao bài thơ được viết trong trạng thái tỉnh táo, khách quan, nhạt nhẽo đến kỳ lạ, cho thấy người viết không hề có cảm xúc và bài thơ sẽ chỉ là của giả. Nói thế không phải chúng ta hoàn toàn mê đắm như trạng thái lên đồng mụ mị. Nhà thơ vẫn giữ trí tuệ sáng suốt, vẫn huy động vốn sống và chiều sâu tiềm thức trong khi sáng tác. Cảm hứng trong thơ chỉ là giây phút xuất thần kết quả cả một cuộc sống, cả một quá khứ sâu đậm và cả hiện thực những hình ảnh thơ bước vào tác phẩm từ một kỷ niệm nào đó rất xa. Thời Trung cổ ở Pháp, người ta coi nhà thơ như là một hiện tượng siêu nhiên. Ðó là hình ảnh một con người, mắt mơ màng nhìn lên, tay cầm chiếc bút lông ngỗng. Dưới bức tranh, có mấy chữ đề: Phút cảm hứng (Inspiration). Chắc chắn hiện nay, chúng ta không ai làm như thế cả.

Tứ là xương sống của bài thơ. Tứ không phải chỉ là ý, là nội dung chủ đề, là hình tượng nghệ thuật theo nghĩa rộng của mỹ học. Tứ là cơ cấu được tạo nên qua sự tích hợp nhuần nhuyễn của nhiều yếu tố: tình thơ, ý thơ, cảnh, người, sự kiện, cảm xúc và trí tuệ. Nhà thơ tập họp mọi yếu tố ấy, rồi bằng liên tưởng và sức tưởng tượng giàu có của mình, bằng cả cái vốn tích lũy về kiến thức, học vấn, kể cả tiềm thức, tác giả tổ chức lại, nâng lên thành hình tượng cấp độ cao hơn hình tượng ban đầu. Và từ đây, tứ mới thành hình, trở thành lõi cốt, thành sức mạnh độc chiêu, để cho bài thơ có sức ngân vang, có dư âm lâu dài trong người đọc.

Hiện tình, công chúng ít mặn nồng với thơ như trước đây, tuy thơ vẫn là nguồn vui của quảng đại quần chúng trong các câu lạc bộ. Họ ít gắn bó với thơ chuyên nghiệp, có lẽ vì có quá nhiều bài thơ người đọc không hiểu. Họ không biết nhà thơ nói gì. Thơ mà phải giải thích thì sẽ không phải là thơ nữa. Thơ là của nhân dân, nguy cơ của thơ là không có người đọc.

Nguồn: cinet