Trang chủ » Tin văn và...

Về Giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM năm 2012

Phạm Sĩ Sáu
Thứ hai ngày 4 tháng 2 năm 2013 6:02 AM

Tại lễ tổng kết, trao giải thưởng và kết nạp hội viên mới diễn ra vào ngày 31.01.2013, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu - Phó Chủ tịch Hội kiêm Chủ tịch Hội đồng Thơ đã thay mặt Ban Chấp hành Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh báo cáo kết quả xét trao Giải thưởng Văn học năm 2012. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc…

Năm 2012 là năm thứ hai, Giải thưởng Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh áp dụng quy chế mới: xét chọn các tác phẩm có thời gian xuất bản từ ngày 01.10 năm trước đến ngày 30.9 năm sau.

Có tất cả 23 tác phẩm, gồm 9 tập văn xuôi và 13 tập thơ và 1 tập lý luận phê bình của hội viên và người ngoài hội gởi về dự giải. Các Hội đồng Văn xuôi, Thơ và Lý luận phê bình đã tiến hành làm việc một cách nghiêm túc và khẩn trương, đã chọn được 6 tác phẩm chuyển lên Hội đồng chung khảo giải thưởng gồm 4 tập thơ và 2 tập văn xuôi. Cuối cùng Hội đồng chung khảo giải thưởng đã quyết định và đề nghị lên Ban chấp hành thông qua kết quả Giải thưởng Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh năm 2012 gồm 1 giải thưởng và 1 tặng thưởng dành cho Thơ. Không có tác phẩm của nhà văn trẻ nào.

Về văn xuôi, có thể nói năm 2012 không để lại dấu ấn ở thể loại nầy. Các tác phẩm tham gia giải thưởng dù có gây một số dư luận trên một số phương tiện truyền thông khi mới xuất bản nhưng không đạt được tiêu chí và yêu cầu của giải thưởng của Hội là viết về Thành phố Hồ Chí Minh hôm qua và hôm nay với nhiều chiều cạnh của cuộc sống. Một thành phố năng động và không ngừng sáng tạo, vươn lên cần phải có những tác phẩm văn học thể hiện được sức sống của nó, cái anh hùng đau thương trong quá khứ và cả cái trăn trở băn khoăn vượt lên khó khăn trong hôm nay. Hai tác phẩm của hội đồng văn xuôi đề nghị lên Hội đồng chung khảo đề nghị tặng thưởng gồm tập truyện ngắn Thủy Cơ của Lại Văn Long và tập truyện ký Dương Kỳ Hiệp - tình biển nghĩa sông của Diệp Hồng Phương. Tập Thủy Cơ là một tập hợp của nhiều truyện ngắn cũ, trong đó truyện Kẻ sát nhân lương thiện đã từng nhận được giải thưởng cao nhất của báo Văn Nghệ Trung ương từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước với những lời nhận xét đánh giá của các nhà lý luận phê bình và 13 truyện ngắn khác được viết từ những năm trước thế kỷ 21. Tập truyện ký của Diệp Hồng Phương viết về nhà cách mạng lão thành Dương Kỳ Hiệp, là một nguyên mẫu đủ sức làm lay động người đọc. Nhưng thật tiếc, tác giả đã bám quá sát cuộc đời thật của nhân vật làm hình tượng văn học vì thế không được bật lên để lay động lòng người.

Về thơ, số lượng tác phẩm tham gia giải thưởng là nhiều nhất, và may mắn là chất lượng năm nay có sự vượt trội. Hội đồng Thơ chuyển lên 4 tác phẩm, trong đó có 2 tác phẩm đề nghị trao giải thưởng và 2 tác phẩm đề nghị trao tặng thưởng. Đó là các tập thơ Chất vấn thói quen của Phan Hoàng, Thơ tuyển của Nguyễn Đông Nhật, Chim Lạc trở về của Nguyễn Công Bình và Người mong khoảng cách để mà nhớ thương của Trần Hoàng Nhân.

Thơ tuyển của Nguyễn Đông Nhật là một tập thơ khá đầy đặn và có nhiều bài hay, nhưng đây là một tập thơ không phải sáng tác mới của tác giả mà là tập tuyển từ những tập thơ đã xuất bản trước đây của tác giả. Chính vì lý do đó, tập thơ không hội đủ tiêu chí của giải thưởng Hội hàng năm. Còn tập thơ của Trần Hoàng Nhân là một tập tuyền lục bát, có một số bài hay nhưng nhìn chung toàn tập là chưa đủ độ đồng đều cần thiết để được công nhận là một tác phẩm có chất lượng cao.

Phan Hoàng với Chất vấn thói quen lại phả hơi thở hiện đại vào thơ bằng những cảm nhận sâu sắc về cuộc sống, về tình người. Đời sống đang cuộn chảy những thác ngầm, những khúc cua tâm lý, những đứt gãy suy tư và nó làm cho thơ mang nhiều hình ảnh mới, không còn những hình ảnh đã trở thành công thức, lối mòn. Chúng ta bắt gặp trong thơ Phan Hoàng sự vượt lên về hình ảnh và ngôn ngữ mới, về cung bậc trong cảm xúc, sự sáng tạo, yếu tố xã hội và công dân được thể hiện một cách bình tĩnh và có trách nhiệm, tuy có nhiều phách nghịch nhưng lại thật gần gũi, thật dung dị. Những cảm xúc trong thơ Phan Hoàng được tác giả đẩy lên trên nhiều biên độ, tuỳ vào hoàn cảnh và điều kiện của vấn đề tác giả lựa chọn. Người đọc đồng cảm với những băn khoăn, trăn trở, ưu tư... của tác giả trước những vấn đề thời cuộc của đất nước và dân tộc.

Chim Lạc trở về của Nguyễn Công Bình là một tập thơ có cái nhìn riêng, diễn đạt riêng, trong việc phản ánh tính đa dạng, nhiều chiều, nhiều góc của cuộc sống. Nhiều bài trong tập, tác giả kiểm soát được câu chữ, để không bị quá đà khi viết về những dòng thơ mang tính nhạy cảm.

Tư cách và trách nhiệm công dân của nhà thơ trước cuộc sống được thể hiện khá rõ trong 2 tập thơ Chất vấn thói quen và Chim Lạc trở về.

Hội đồng chung khảo giải thưởng, sau khi thảo luận đã nhất trí trao giải thưởng cho tác phẩm Chất vấn thói quen của Phan Hoàng và tặng thưởng cho tác phẩm Chim Lạc trở về của Nguyễn Công Bình.

Thông qua Giải thưởng Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh năm nay, tưởng cũng cần lưu ý một điều là: để giải thưởng năm sau có thêm nhiều giải thưởng và tặng thưởng hơn thì sự tham gia tích cực của hội viên gởi tác phẩm về tham gia dự giải và giới thiệu tác phẩm của hội viên tham gia xét giải sẽ làm cho giải thưởng ngày thêm hấp dẫn và giá trị hơn. Ban chấp hành Hội xin được một lần nữa nhắc lại: tác phẩm tham gia giải thưởng là tác phẩm mới sáng tác của hội viên và được xuất bản trong thời gian từ ngày 01.10 năm trước đến 30.9 năm sau, không chấp nhận tác phẩm là hợp tuyển hay tập tuyển.

Năm 2013 đang trôi qua từng ngày hối hả. Chúng ta không buồn vì năm 2012, văn học thành phố chưa gặt hái được mùa bội thu về tác giả và tác phẩm. Đời sống không phải lúc nào cũng cao trào, cũng phấn khởi, nhưng bằng niềm tin vào một tương lai tươi sáng chung của thành phố và cả nước, chúng ta hy vọng sẽ gặt hái được những mùa vàng văn học trong những năm sau.

PHẠM SỸ SÁU