Trang chủ » Văn học nước ngoài

Tiếng hát đói nghèo

Trần Lực Kiều
Thứ năm ngày 29 tháng 11 năm 2012 9:01 PM

Tốt nghiệp trung học cơ sở, Mễ Lạp tạm thời chưa có việc làm, ở lì trong nhà      cùng mẹ làm bánh khoai tây.
Làm bánh khoai tây rất nhiều việc lặt vặt, lại mất thời gian tốn sức, buồn bã khó chịu, có lúc hơi lơ đãng, còn bị bàn mài cứa rách ngón tay, những lúc máu chảy, Mễ Lạp cũng không muốn làm nữa, nhưng khốn nỗi chạm phải ánh mắt nghiêm nghị của mẹ.
Ngày hôm ấy, người cứu Mễ Lạp đã đến, đó là cô Tăng, cán bộ đường phố. Cô Tăng vừa đến, mẹ em đã mặt mày tươi tỉnh chào đón cô.
Cô Tăng nói với mẹ em: “Nghe nói Mễ Lạp nhà chị hát rất hay, tôi đến mời em đi tham gia Hội diễn hát mừng “Mùa hè thành phố ven sông”, muốn Mễ Lạp giành được giải nhất!”
Vừa nghe nói, mẹ em đã vui mừng, nói: “Mễ Lạp nhà tôi hát hay thật, nhưng chỗ các chị các anh có lo cơm ăn cho chúng tôi được không? Mễ Lạp đi rồi, nặn bánh khoai tây không có người làm, nhà tôi lại còn có người phải trông chờ cơm ăn nữa!”
Mẹ Mễ Lạp vừa nói, vừa đưa mắt nhìn vào anh trai của Mễ Lạp ốm nặng đang nằm liệt giường.
Cô Tăng vội nói: “Chính vì lo chuyện cơm ăn cho gia đình ta, tôi mới đến tìm Mễ Lạp, tôi biết gia đình chị khó khăn, lương thực không đủ ăn, Mễ Lạp đi tập hát, nửa tháng đã có thể tiết kiệm được sáu cân lương thực, như vậy còn lợi hơn làm bao nhiêu    bánh khoai tây chứ?”
Mẹ em không nói không rằng, bà làm sao tính toán giỏi bằng cô Tăng. Cô Tăng  là Chủ nhiệm khối phố, mấy nghìn hộ trong khối phố đều thuộc sự quản lý của cô, mẹ em dù không muốn, cũng không dám nói năng tuỳ tiện.
Ngày hôm sau, Mễ Lạp đã đi tập hát. Giọng hát của Mễ Lạp, có chất giọng trời cho, âm vực cao vang mà tròn, các ca khúc nói chung đều hát đúng âm điệu, khi hát bài “Sông Cái” của Quách Lan Anh, em không phải hạ giọng, vừa mềm vừa mượt, dư âm du dương, những người trong nghề nhắm mắt vừa nghe, bỗng như thấy đang thưởng thức giọng hát ngọt ngào của Quách Lan Anh, bất giác trố mắt ngạc nhiên lườm Mễ Lạp.
Các nhạc công lâu lắm rồi không nghe thấy âm thanh như vậy, ca khúc vừa dứt, họ buông nhạc cụ trong tay đều im lặng, họ hoàn toàn trầm lặng, họ bị tiếng hát của cô   gái trẻ này chinh phục.
Cô Tăng đứng ngay bên cạnh, tận mắt nhìn thấy mọi chuyện, cô tuy không hiểu âm nhạc, song Mễ Lạp hát rất hay thì cô biết, các nhạc công ngây người ra, cô cũng     nhìn  thấy cả.
Cô Tăng hứa hẹn ngay tại chỗ: “Mễ Lạp luyện giỏi hát hay, Hội thi nếu đoạt giải nhất, cô sẽ giới thiệu em đi Đoàn Văn công!”
Lời nói của cô Tăng khuấy động tâm tư của Mễ Lạp, nằm mơ em đều muốn vào Đoàn Văn công, như vậy em sẽ không phải ngày ngày làm bánh khoai tây nữa. Mễ Lạp sung sướng hát hết bài này đến bài khác, giọng hát của em có năng lực thích ứng mạnh, có thể hát hay nhiều ca khúc lạ lẫm, còn hát rất đúng những giọng ca tuyệt vời Hồ Truyền Khấu, An Khánh Tẩu, Điêu Đức Nhất.
Trong một thời gian, Mễ Lạp đã trở thành minh tinh. Khi mọi người ăn cơm đều muốn ngồi sát bên Mễ Lạp, hỏi em bắt đầu tập hát từ bao giờ, bắt đầu thích loại ca khúc này từ bao giờ. Mễ Lập thận trọng trả lời, nhưng có lúc tư tưởng mất tập trung. Ăn uống ở trong nhà ăn rất tốt, mỗi bữa một món ăn, hai chiếc bánh bao. Mễ Lạp bỗng nhớ đến anh trai. Anh trai bị bại liệt nằm trên giường, từ trước đến giờ chưa từng được ăn bánh bao bột trắng. Vừa nghĩ đến anh, Mễ Lạp bèn ăn không nổi nữa. Em bèn hỏi cô Tăng: Có thể đem một chiếc bánh kia của mình đem về cho anh trai của mình không?
Nếu là người khác, thì cô Tăng đã không đồng ý, nhưng em là Mễ Lạp, một ca sĩ có hy vọng nhất giành được giải thưởng lớn. Cô Tăng bèn gật đầu. Bắt đầu từ hôm ấy, mỗi bữa Mễ Lạp đều chỉ ăn một cái bánh bao, để giành một cái bánh bao kia mang về cho anh trai.
Một cái bánh bao tiêu hoá hết rất nhanh, Mễ Lạp rất nhanh cảm thấy đói, song em biết chuyển hướng, hễ đói là em bèn hát, hễ hát là quên béng tất cả mọi chuyện. Biện pháp này đã giúp ích Mễ Lạp rất nhiều, vừa đuổi nhanh cái đói vừa tập hát tốt hơn. Mễ Lập trở thành cục cưng của mọi người.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, Hội diễn mừng “Mùa hè về thành phố ven sông” đã đến gần, tập luyện cũng càng khẩn trương ráo riết. Hôm hợp luyện ấy, thực tế là lãnh đạo kiểm tra tiết mục.
Cô Tăng rất coi trọng buổi hợp luyện, cô nói: “Chủ tịch huyện trực tiếp phụ trách công tác văn hoá, tới xem; Trưởng phòng Văn hoá đến xem, lần diễn xuất này, không     thua kém gì diễn xuất chính thức!”
Mễ Lạp lên sân khấu đầu tiên, cô Tăng cổ vũ động viên em: “Hát cho tốt, Chủ tịch huyện thấy em hát hay, sẽ đặc cách phê chuẩn em vào Đoàn Văn công!”
Mễ Lạp là một em bé ngoan, chỉ cần có thể vào Đoàn Văn công, em chẳng sợ gì cả, đừng nói lên sân khấu hát một hai bài.
Mễ Lạp thoải mái tư tưởng, quả nhiên khiến tên tuổi của em vượt trội lên, tiếng  hát như một con chim xinh đẹp, bay vào lòng của mỗi người có mặt, khiến mọi người mãi mãi không quên. Chủ tịch huyện bước lên sân khấu, khi chụp ảnh chung với các diễn viên, còn ưu ái kéo Mễ Lạp lại gần, hỏi han thân mật, ngoài ra còn bảo phóng viên nhiếp ảnh chụp riêng cho hai chú cháu một kiểu ảnh.
Trước biểu diễn thành công của Mễ Lạp, cô Tăng phấn khởi khỏi phải nói nhiều.
Ba ngày sau, Hội diễn hát bắt đầu. Thứ tự biểu diễn của đơn vị cô Tăng xếp vào buổi chiều. Để tăng cường sĩ  khí của các diễn viên, bữa cơm trưa, cô Tăng đổi bánh bao thành miến. Lại ưu ái xếp Mễ Lạp cùng ngồi chung một bàn ăn với một diễn viên nhí. Nhưng, diễn viên nhí ấy đột nhiên bị đau bụng, miến cũng không ăn nổi, mặt tái xanh trở về nhà. Mễ Lạp rất tiếc bát miến ấy, nếu như là bánh bao, em sẽ để giành mang về cho anh trai.
Diễn viên nhí đột nhiên rời khỏi đội tuyển khiến cô Tặng rất không vui, song nghĩ đến Mễ Lạp cứng cỏi, có thể một giỏi thắng trăm kém, đám mây đen trong lòng cô Tăng rồi cũng tan biến. Nhưng, sự tình thường không chiều theo lòng người, thường là chỉ biết con không biết công dưỡng dục của cha mẹ, biết làm ruộng mà không quan tâm đến gặt lúa. Chẳng ai ngờ Mễ Lạp có ưu thế như vậy, lại có thể làm vỡ mộng lần diễn xuất này. Khi Mễ Lạp biểu diễn, âm vực cao không tài nào lên được, hơn nữa âm thanh khản đặc, lại còn phá hỏng âm điệu nữa.
Cô Tăng thất vọng quá, lúc ấy nhăn mặt. Bản thân Mễ Lạp cũng thất vọng, rời khỏi sân khấu, chưa kịp tẩy trang, bèn một mình khóc mếu trở về nhà. Chẳng cần nói chuyện vào Đoàn Văn công đã trở thành bong bóng xà phòng nữa.
Mễ Lạp lại bắt đầu làm bánh khoai tây rồi, chẳng có một ai hỏi ra nguyên nhân thất bại của em, và nó đã trở thành một câu đố, nhức nhối ám ảnh lòng người.
Cho đến tận mười năm sau, Mễ Lạp thi đỗ vào Học viện Âm nhạc. Một cơ hội ngẫu nhiên, Mễ Lạp gặp lại một nhạc công năm ấy, nhạc công mời Mễ Lạp ăn cơm.  Trong bữa ăn, nhạc công dò hỏi đến chuyện này.
Nghe câu hỏi của nhạc công, trầm tư mặc tưởng hồi lâu, cuối cùng Mễ Lạp mới   hóm hỉnh nói: “Bát miến ấy, bỏ đi thật đáng tiếc!”

                                                   VŨ PHONG TẠO giới thiệu và dịch
                                              (Theo www.xiaoxiaoshuo.com, 8-2-2010)


** Tác phẩm “Tiếng hát đói nghèo” của nữ nhà văn Trần Lực Kiều (Hội viên Hội Nhà văn Trung Quốc, Chủ nhân “Giải thưởng Chim sẻ vàng Truyện cực ngắn Trung Quốc”) đã công bố lần đầu trên tạp chí “Văn học Sơn Đông” số 12-2009, chuyển tải trên tạp chí “Truyện cực ngắn chọn lọc” số 4-2010, tạp chí “Nguyện san Tiểu thuyết” số 5-2010 và tạp chí “Thanh Niên văn trích” số 13-2010.