Trang chủ » Văn học nước ngoài

THÁNG BA NHỚ NGHĨA ĐỒNG BÀO

Trần Nhương
Chủ nhật ngày 10 tháng 4 năm 2022 1:54 AM



Sáng nay, dâng hương Giỗ Tổ tại Đền Hùng

Quê tôi làng Sỏi, xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, nằm trong vùng đất cổ Phong Châu. Theo đường chim bay thì từ quê tôi đến núi Nghĩa Lĩnh chỉ vài cây số. Mỗi ngày khi bình minh lên nhìn về núi Tổ xanh thẫm như đổ bóng xuống sân nhà. Núi Hùng là một phần đời ấu thơ mà khi lớn lên tôi mang đi trên những nẻo đường đất nước. Ngày tôi ở Trường Sơn dáng núi nào cũng gợi nhớ núi Hùng quê hương.

Hồi kháng chiến chống thực dân Pháp, vùng quê tôi là vùng tự do nên năm nào tôi cũng đi hội Đền Hùng.. Tuy kháng chiến nhưng dân làng Cổ Tích, xã Hy Cương và các làng lân cận vẫn không bỏ giỗ Tổ. Ngày ấy ngày giỗ Tổ không hoành tráng như bây giờ, thường tiến hành từ sáng sớm để tránh máy bay Pháp oanh tạc.

Bố tôi hay kể chuyện truyền thuyết Vua Hùng, cha Rồng mẹ Tiên đẻ ra một bọc trăm trứng, sinh ra trăm người con nên gọi là đồng bào (cùng một bào thai). Có lẽ không có dân tộc nào trên thế giới lại có một truyền thuyết có tính huyết thống như vậy. Bố tôi bảo dân nước mình như anh em một nhà, giọt máu trên giọt máu dưới giống anh em nhà con bố mẹ sinh ra. Các cụ nói “Một giọt máu đào hơn ao nước lã” là nói cái tình cốt nhục. Tôi hỏi bố tôi sao lại có người Mán người Mường, người Kinh… sao anh em một nhà mà lắm dân tộc thế. Bố tôi giải thích thuở xa xưa ấy 50 người con theo mẹ lên núi, năm mươi người con theo cha xuống biển rồi trở thành những tù trưởng, những thủ lĩnh cát cứ từng vùng rồi lâu thành những nét văn hóa, phong tục, bản sắc riêng mà chia ra lắm dân tộc. Chắc vậy nên các dân tộc anh em bây giờ đều mang hồn cốt Việt, vẫn là đồng bào.

Có một chuyện các bô lão làng tôi kể rằng năm 1946 chính phủ kháng chiến có về Đền Hùng dâng lễ. Cụ Phó Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng dẫn đầu. Khi ấy bố tôi là Phó chủ tịch Liên Việt huyện Lâm Thao được giao chuẩn bị bài Chúc văn giỗ Tổ. Cụ Huỳnh đọc khen hay nhưng khi dâng lễ cụ Huỳnh đã nâng tầm Chúc văn đó lên tầm Quốc gia. (dựa theo tài liệu cuốn Làng Sỏi của Trần Ngọc Duệ, NXB hội nhà văn)

Khi lớn lên đi bộ đội tôi qua nhiều vùng đất nhiều nơi có đền thờ Vua Hùng. Chỉ riêng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 326 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương. Trên khắp nước ta có tới 1.417 di tích thờ cúng Hùng Vương. Vua Tổ theo bước chân con dân nước Việt trải suốt dải đất hình chữ S. Tinh thần "đồng bào" thấm đẫm trong văn hóa, trong ứng xử, trong đời sống của 54 dân tộc anh em.

Tôi còn nhớ ngày 2-9-1945, khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, Người hỏi: "Tôi nói đồng bào nghe rõ không ?". Hai tiếng đồng bào giữa ngày trọng đại và thiêng liêng đó ấm áp thân gần nhường nào. Bác Hồ không dùng từ nhân dân hay bà con mà Bác gọi đồng bào là Người luôn nhắc nhở "một bọc trăm trứng". Ngày 20-12-1946 Bác kêu gọi toàn quốc kháng chiến, ngày 17-7-1966 Bác kêu gọi toàn dân chống Mỹ, cứu nước, lời đầu tiên bác thưa là "đồng bào"

Đồng bào hàm chứa cả ý nghĩa truyền thống cả ý nghĩa hành động đoàn kết gắn bó cho nhân dân ta.

Đất nước với những số phận nghiệt ngã, với bao tao loạn suốt cả chiều dài lịch sử. Nào Nam Bắc phân tranh, đằng trong đằng ngoài sông Gianh thành phân giới, rồi cầu Hiền Lương phân chia hai miền Nam Bắc. Nhân dân trở thành hai phe đối nghịch và chịu bao nhiêu li tán, bi kịch của chiến tranh. Dù bị cuốn vào cơn lũ của loạn lạc nhưng 90 triệu nhân dân vẫn là nghĩa đồng bào nên khi hoàn thành thống nhất đất nước chúng ta lại vẫn là con một nhà, không ai chia cắt nổi.

Phải nói tinh thần yêu nước, uống nước nhớ nguồn thì dân ta từ Bắc chí Nam không khi nào phai nhạt. Những đội quân tóc dài, những cuộc đấu tranh đường phố, những Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Thái Bình... là khí phách và hồn cốt Việt. Ngay năm 1974 vào ngày 19 tháng 1 những người con đất Việt đã bảo vệ Hoàng Sa đến giọt máu cuối cùng và họ đã ngã xuống vì ngày hôm nay.

Thời hội nhập quốc tế, chúng ta đã bỏ qua quá khứ với phương châm đa dạng hóa, đa phương hóa làm cho vị thế của Việt Nam ngày càng vững vàng trên trường quốc tế.0 triệu nhân dân Việt Nam và hơn 4 triệu người Việt định cư trên toàn cầu, hơn lúc nào hết hãy gắn kết để phát huy sức mạnh Việt Nam. Hãy làm tất cả để xóa đi những vết thương chia cắt với tinh thần khoan dung hòa hiếu của tiền nhân.

Tháng Ba khi hoa gạo nở đỏ những triền sông Thao, sông Lô, sông Đà là dịp Giỗ Tổ Vua Hùng, nhân dân ta lại hướng về nguồn cội nơi núi Nghĩa Lĩnh đất Phong Châu với tinh thần "một bọc trăm trứng", với tinh thần “đồng bào” đã cho ta 4000 năm văn hiến...

"Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng"