Trang chủ » Tin văn và...

VP CHÍNH PHỦ KHÔNG TRỰC TIẾP NHẬN KIẾN NGHỊ LÀ VI PHẠM NGHỊ ĐỊNH SỐ 20/2008/NĐ-CP

Hoàng Lê
Thứ ba ngày 19 tháng 5 năm 2009 8:03 PM
 
Ngày 14/2/2008 Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị địinh số 20 ( NĐ -20) về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký.
Điều 1 của NĐ-20 quy định phạm vi điều chỉnh: Nghị định này quy định việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh, đời sống nhân dân…
Điều 2 NĐ-20 quy định đối tượng áp dụng:
1.Các cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền tíêp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính.
2.Cá nhân, tổ chức có phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính.
Căn cứ vào quy định này, đơn của các nhà trí thức, các nhà khoa học do Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Nhà văn Phạm Toàn và Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng đại diên ký và gửi các cơ quan Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.
Điều 6 của NĐ-20 quy định Hình thức phản ánh,  kiến nghị có 3 hình thức: Văn bản, Điện thoại và phiếu lấy ý kiến.
Điều 9 của NĐ20 quy định về Quy trình tiếp nhận phản ánh, kiến nghị:
1.Đối với các phản ánh, kiến nghị thực hiện thông qua hình thức văn bản, cơ quan hành chính nhà nước có  thẩm quyền tiếp nhận phải tuân thủ quy trình sau:
a/ Hướng dẫn cá nhân, tổ chức thực hiện phản ánh, kiến nghị theo quy định tại các khoản 1,2 của Điều 7; ( Điều 7 quy định các cá nhân, tổ chức chuyển văn bản đến cơ quan tiếp nhận thông qua các hình thức: trực tiếp chuyển đến cơ quan tiếp nhận; thông qua dịch vụ bưu điện.)
b/ Nhận phản ánh kiến nghị…
Như vậy, việc Văn phòng Chính phủ đã từ chối không tiếp nhận đơn thư phản ánh vừa qua là vi phạm Điều 7 và Điều 8 của NĐ-20!
Điều 12 NĐ/20 quy định Quyền và trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có phản ánh, kiến nghị:
1.Có quyền phản ánh, kiến nghị với các cơ quan hành chính nhà nước về quy định hành chính.
2.Có quyền yêu cầu cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp nhận thông báo về tình hình xử lý phản ánh kiến nghị.
Khoản 3 quy định nghĩa vụ của người phản ánh: Phản ánh kiến nghị phải được trình bày với các cơ quan hành chính nhà nước một cách rõ ràng, trung thực, có căn cứ. Điều 7 quy định phản ánh kiến nghị phải bằng tiếng Việt.
Điều 15 NĐ-20 quy định hình thức xử lý phản ánh, kiến nghị: Sửa đổi, bãi bỏ, huỷ bỏ các quy định hành chính đã ban hành hoặc kiến nghi các cơ quan có liên quan.
Điều 17-NĐ20  quy đinh trách nhiệm của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trong xử lý kiến nghị: giúp Thủ tướng đôn đốc các Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp xử lý đơn thư kiến nghị; Giúp Thủ  tướng phát hiện và yêu cầu các cơ quan hành chính nhà nước xử lý dứt điểm, kịp thời và đúng thẩm quyền các kiến nghị; Tổ chức nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng xử lý các phản ánh, kiến nghị liên quan tới 2 hay nhiều cơ quan hành chính nhà nước; những kiến nghị liên quan tới thẩm quyền quyết định của Thủ tướng…
Điều 19 quy định: Các kết quả xử lý phản ánh kiến nghị phải được đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng; gửi công văn thông báo cho cá nhân, tổ chức có phản ánh kiến nghị.
Điều 21/NĐ- 20 quy định: Kinh phí thực hiện giải quyết kiến nghị của cá nhân, tổ chức được ngân sách nhà nước đảm bảo.
Điều 24/NĐ-20 quy định Xử lý vi phạm: Cán bộ, công chức, Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước nếu không thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định tại Nghị định này phải chịu trách nhiệm kỷ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
Như vậy, văn bản pháp luật này ban hành chưa được 1 năm nhưng chính cơ quan phục vụ Chính phủ là Văn phòng Chính phủ đã không thực hiện nghiêm túc những quy định do Chính phủ ban hành.