Trang chủ » Tin văn và...

HIỆU QUẢ DỰ ÁN BAUXITE, ALUMINA NHÂN CƠ

Châu Xuân Nguyên (Úc)
Thứ sáu ngày 22 tháng 5 năm 2009 11:46 AM
 TNc: Tác giả bài viết này là một chuyên gia về xây dựng, thiết kế nhiều công trình sản xuất alumina. Ông đã tính toán nhà máy Nhân Cơ sẽ lỗ to. Cái quan trọng là bị một khối bùn đỏ độc hại khổng lồ sẵn sàng đổ ra Tây Nguyên và vùng Đồng Nai Sài Gòn. Vậy mà nhiều người vẫn ham món Bauxite..Mời các bạn tham khảo     
 
Chào độc giả,
Có một người bạn tôi là anh Đặng Ngọc Khoa, yêu cầu tôi bàn luận chuyên đề về hiệu quả của dự án Alumina Nhân Cơ ở Tây Nguyên, nên bài viết này ra đời.
Theo thói quen, tôi thường kết luận trước rồi mới dẫn giải sau, để độc giả nào cần tham khảo thêm.
 
Kết luận
1. Dự án Alumina Nhân Cơ thu vào lợi nhuận ước tính khoảng 92 triệu đô la Mỹ/năm và chi phí là 92+172+92 = 356 triệu đô la Mỹ/năm. Vậy là mỗi năm ước tính bị âm vào là 264 triệu đô la Mỹ.
 
2. Mỗi 5 năm nâng cấp nhà máy lên 600.000 tấn mỗi lần với giá 200 triệu đô la Mỹ (tức là lần 1, lợi nhuận thành 92 X 2= 184 triệu, thêm 200 triệu nâng cấp, khấu hao và tiền lời là 23% trên 200 triệu là 46 triệu). Vậy mỗi lần nâng cấp, lợi nhuận sau tiền lời và khấu hao là 92-46 = 46 triệu đô la, sau thuế la 31 triệu. Vậy để không bị âm thì cần phải thực hiện 8.5 hay 9 lần nâng cấp, mỗi lần là 5 năm là 45 năm sau mới có thể phá thế cân bằng, chuyển từ âm sang lời.
 
3. Bất cứ một số tiền đầu tư nào từ vài trăm ngàn đến vài trăm triệu đô la Mỹ, nếu thời gian hoàn vốn (rate of return) trên 3 năm thì được coi là là dự án không khả thi.
 
4. Bùn đỏ có hại cho môi trường khủng khiếp, tốc độ gia tăng là bằng với lượng alumina sản xuất hàng năm (50-50%), tức là 600 ngàn tấn/năm và nếu nâng cấp nhà máy thì càng thêm nhiều mà số bùn càng ứ ra càng không thể giải quyết được. Tây Nguyên ở Việt Nam, địa thế đất rất cao so với mặt nước, hơn nữa diện tích giới hạn rất nhiều so với vùng lưu trữ bùn đỏ Gladstone của Queensland, Úc.
 
Dẫn giải
 
1. Nhà máy Alumina Nhân Cơ có công suất 600 ngàn tấn alumina/năm, sử dụng 1.2 triệu tấn bauxite từ ngay mặt đất với rất ít đất dư thừa (overburden).
 
2. Nhà máy này không xử dụng 1 lượng điện lớn như lầm tưởng.
 
3. Alumina là dạng bột trắng, thành phẩm trung chuyển giữa bauxite và nhôm thỏi. Giai đoạn 2 là giai đoạn chế biến từ alumina đến nhôm thỏi mới cần 1 số lượng điện lớn.
 
4. Nhà máy này đã được ký xây dựng theo dạng chìa khóa trao tay với 1 công ty con của Chalco với số kinh phí là 650 triệu đô la Mỹ.
 
5. Ngoài chi phí nhà máy, cơ sở hạ tầng gồm có đường ray đến cảng Đà Nẵng để vận chuyển alumina, bồn chứa alumina, hệ thống tải và nhận LPG (Liquidfied Petroleum Gas) để sấy khô alumina, chuyển tải điện, nước, khí nén, chi phí xây đập chứa bùn đỏ. Những chi phí này là 500 triệu đô la Mỹ, mà công ty Chalco từ chối cung cấp trên cơ sở bị từ chối tham gia 60% cổ phần của Nhân Cơ khi mới thương lượng.
 
6. Tổng kinh phí cho dự án này là 1.15 tỉ đô la Mỹ.
 
7. Giá alumina hiện thời là 230 đô la Mỹ/tấn, 600 ngàn tấn sẽ đem lại nguồn thu là 138 triệu đô la Mỹ/năm.
 
8. Tiền lợi nhuận trước thuế và khấu hao thường là 1/3 của những dự án dạng như thế này, tức là EBIT (Earning Before Interset and Tax), được ước tính là 92 triệu đô la Mỹ.
 
9. Tiền lời (dù là vốn của nhà nước, thì tiền lời vẫn phải tính vì chúng ta vay nợ trên thị trường tài chính thế giới để thực hiện dự án) trên số vốn ban đầu là 8%/năm của 1.15 tỉ là 92 triệu đô la Mỹ/ năm.
 
10. Khấu hao (Depreciation) là 15% năm theo Luật Kế Toán, ước tính là 172 triệu đô la Mỹ.
 
11. Thuế doanh thu (Turnover Tax) là 30% trên 138 triệu/năm,  là 92 triệu đô la Mỹ.
 
Kinh nghiệm bản thân
Tôi tham gia thiết kế nâng cấp nhà máy Queensland Alumina Ltd (QAL) năm 80~83 với vai trò Kỹ sư Cơ khí trưởng (Lead Mechanical Engineer) thuộc công ty thiết kế Raymond Engineers của Mỹ (Oakland based,California). Nhà máy alumina này nâng cấp từ 2 triệu tấn/năm lên 2.75 triệu tấn/năm. Trong lần nâng cấp này,  thêm vào 1 bauxite bin + hệ thống băng tải, 1 Ball/rod Mill, 1 thickeners, 1 Calciner (thiết bị của Đức) Lurgi, hàng trăm ống dẫn, van, và các thiết bị khác.
Nhà máy tinh luyện alumina bao gồm hệ thống băng tải đem quặng bauxite vào những silo chứa đứng thẳng, đường kính từ 4 đến 6 m, chiều cao 30 m hay hơn. Những quặng này được nghiền nát bằng Ball/rod mill hình trụ, nằm ngang, đường kính từ 10 đến 12m, chiều dài 20m trở lên, bên trong chứa hàng ngàn viên đạn bằng sắt lớn hơn bida và những thanh sắt tròn đường kính 200mm và dài 5 hay 6m. Quặng bauxite đã nghiền nát được cho thêm nước, rồi được bơm qua hệ thống Acid Leaching để hút alumina ra từ trong hỗn hợp, rồi qua các thùng trôi (flotation cells), bàn rung (vibrating tables), trống (drum) và đĩa lọc (disc filters), cho thêm phụ gia bằng hệ thống bơm (dosing pumps). Còn bùn đỏ không được xử lý mà chỉ đưa vào hệ thống cô đặc có đường kính 10m, cao 4 hay 5m, quay rất chậm, 2 hay 3 vòng/phút, làm cho bùn lắng đọng xuống, và bùn đặc này được đưa vào đập chứa bùn đỏ mà chúng ta thường thấy, đây là loại bùn có hại cho môi trường khủng khiếp, tốc độ gia tăng là bằng với lượng alumina sản xuất hàng năm (50-50%) tức là 600 ngàn tấn/năm và nếu nâng cấp nhà máy thì càng thêm nhiều mà số bùn càng ứ ra càng không thể giải quyết được. Úc là một đất nước rộng lớn (7 triệu cây số vuông, rộng gấp khoảng 25 lần diện tích Việt Nam),  nên họ chọn vị trí và chỉ lưu trữ số bùn này trên vùng đất thấp, trong khi đó vùng Tây Nguyên ở Việt Nam, địa thế đất rất cao so với mặt nước, hơn nữa diện tích giới hạn rất nhiều so với vùng lưu trữ bùn đỏ Gladstone của Queensland Úc.
 
Bài do bạn đọc Ngô Minh Kh. chuyển đến từ nguồn : 13nguyenxc.vnweblogs.com 
Được sự đồng ý của tác giả
ĐN Mạng Bauxite biên tập và trình bày lại