Trang chủ » Tin văn và...

"QUÀ CỦA CHUA" ĐẾN VỚI BẠN ĐỌC VIỆT NAM

Thu Nga
Thứ năm ngày 21 tháng 5 năm 2009 7:46 PM
     Nhà xuất bản Phụ nữ và dịch giả Lê Bá Thự vừa cho ra mắt bạn đọc Việt nam cuốn tiểu thuyết đương đại  "Quà của Chúa" của nữ nhà văn Ba Lan, Dorota Terakowska, người được bạn đọc Ba Lan, nhất là bạn đọc trẻ, tôn vinh là Joanne Rowling của xứ sở "sương trắng nắng tràn".
          Adam và Ewa là cặp vợ chồng lí tưởng, có cuộc sống lí tưởng với những kế hoạch lí tưởng cho tương lai. Công ty của họ làm ăn phát đạt, họ đã xây nhà to, nội thất sang trọng, chỉ còn thiếu mỗi đứa con nữa thôi là hạnh phúc của họ viên mãn. Thế mà tất thảy mọi tuyệt hảo đó đã biến khỏi cuộc sống của họ khi đứa con tật nguyền ra chào đời. Ngày con gái ra chào đời cũng là ngày toàn bộ kế hoạch đường đời của họ bị sụp đổ, cuộc sống của họ hoàn toàn bị đảo lộn, họ phải đương đầu với những thử thách mới cực kì cam go.
           Ewa, một người vợ, một người mẹ khiến chúng ta tỏ lòng khâm phục bởi nghị lực, lòng can đảm và sự hi sinh vô bờ bến của chị. Ewa nhẫn nhục và chịu đựng. Bị buộc phải chọn giữa chồng và con gái, chị đã chọn con gái. Ewa hiểu rằng, đứa con gái tật nguyền của mình rất cần tình yêu và chỉ có chị, người mẹ, mới làm nổi việc này mà thôi. Nuôi dưỡng đứa con tật nguyền, Ewa luôn luôn đơn độc (chỉ duy nhất một lần gặp Anna), không một ai đỡ đần, chẳng biết dựa vào ai. Nếu là người đàn bà khác thì chắc đã gục ngã. Và chính tình yêu đối với đứa con phận hèn đã cho chị nghị lực. Trong quá trình nuôi dưỡng, dạy dỗ, tìm hiểu con, càng ngày chị càng thấy yêu con, chấp nhận con, sẵn sàng vì con mà hi sinh tất cả. Ewa là biểu tượng của tình mẫu tử.
     Adam là một người đàn ông tuy làm ăn giỏi, lắm tham vọng, song thiếu bản lĩnh trong cuộc sống. Adam chỉ nhìn thấy trong đứa con gái của mình sự đổ vỡ tất cả mọi toan tính, mọi tham vọng và mọi ước mơ. Adam sợ nhất là những cái nhìn mà anh cảm thấy tuy nhìn con gái anh, nhưng cũng là nhìn anh.... Đến nỗi Adam đã dứt khoát ruồng bỏ Myszka. Và phải mất tám năm trời thì người cha này mới dám chấp nhận bé Myszka là con gái của mình. Thái độ của Adam là thái độ không nhất quán. Trong sâu thẳm con tim của người đàn ông này có dấu ấn của tình cha con. Việc Adam thường hay núp sau cánh cửa quan sát con gái, bí mật theo dõi bệnh tình của con, luôn luôn trăn trở về con, đã chứng tỏ điều này.
     Trong cái đầu tật nguyền của Myszka, con gái của Adam và Ewa, tiềm ẩn nhiều ma thuật. Cô gái đi tìm chỗ cho mình, kiến tạo cho mình một thế giới riêng: đẹp, an toàn, không có cái ác và cái không hoàn thiện. Thậm chí bé còn giúp Đức Chúa Trời trong công việc sáng tạo. Myszka tựa hồ một con nhộng, bên trong lớp vỏ bọc của con nhộng này đang náu mình một con bướm đẹp, một tâm hồn đẹp nhiều khát vọng, chẳng khác gì người bình thường. Có điều, con bướm náu mình trong cơ thể Myszka sẽ không bao giờ bay đi được.  Phòng áp mái là chốn riêng tư đầy bí ẩn của bé, là nơi cho phép bé được vào vườn địa đàng, được sống cuộc sống thứ hai của mình, được gặp Adam và Ewa, được trò chuyện với Rắn và Đức Chúa Trời. Ở đây bé cảm thấy, cho dù chốc lát, mình có giá, thậm chí rất được việc. Tại phòng áp mái, sau khi tắt đèn bé có thể rời bỏ vỏ bọc của mình, bé trở nên nhẹ nhàng, thanh thoát và nhanh nhẹn, nhảy múa như một nghệ sĩ múa ba lê thực thụ, không còn phải vất vả với thân thể nặng nề, dị dạng của mình nữa. Chỉ có ở đây, tức trên thiên đường, Myszka mới có thể thoả mãn mọi mơ uớc của mình, mới là mình thật sự. 
          Tiểu thuyết Quà của Chúa chứng tỏ khát vọng của con người muốn vươn lên làm chủ số phận và thế giới của mình. Tuy chưa thành hiện thực, nhưng khát vọng này vẫn tồn tại, vẫn cháy bỏng. Cuốn tiểu thuyết đầy tính nhân văn và gây xúc động lòng người này cho chúng ta thấy, người ta phải tốn  bao nhiêu thời gian để hiểu được rằng, tình yêu thực sự không đặt điều kiện, và rằng, thực khó phá vỡ bức tường vô hình của sự xa lạ mọc lên ngay trong một con người, bức tường ngăn cách con người này với thời thơ ấu của mình. Nhiều tình tiết của tiểu thuyết chứng tỏ, chúng ta thấy còn quá ít, hiểu còn quá ít, nhận ra còn quá ít, chúng ta thường hay hổ thẹn với những điều nhẽ ra chúng ta phải tự hào... và chính vì thế mà chúng ta đã để uổng phí, đã bị mất rất nhiều, có khi đánh mất chính mình. Thế giới nội tâm của Myszka vô cùng phong phú và đẹp tuyệt vời. Tác giả muốn chứng minh một điều: Cái đẹp kín đáo hay hơn cái đẹp phơi bày.
     Quà của Chúa là tiểu thuyết hiện đại, dẫu „hàm lượng ma thuật” khá cao, nhiều chương đoạn đậm mầu sắc thiên chúa giáo (Tiêu đề của các chương trong tiểu thuyết chứng tỏ điều này). Quà của Chúa đưa người đọc vào thế giới huyền ảo, hư hư, thực thực, khi trần thế, lúc thiên đường, khi vườn nhà, lúc Vườn địa đàng, nơi con người được trò chuyện với Đức Chúa Trời. Quà của Chúa giúp chúng ta khám phá chính mình, biết được nhiều điều bí ẩn của chính mình. Dẫu đề tài của tiểu thuyết là loại đề tài khó viết, song với tri thức uyên thâm, lối quan sát và cảm nhận tinh tế, khai thác rất hiệu quả ”thẩm mĩ” từ ”cái xấu”, văn phong mượt mà, gợi cảm, bút pháp trữ tình, hư thực đan xen, kịch tính cao, các nhân vật giầu nội tâm, người đọc bị cuốn hút từ đầu đến cuối. Có lẽ lần đầu tiên trên thế giới có một cuốn tiểu thuyết viết về bệnh Đao hấp dẫn đến như vậy. Quà của Chúa mang lại cho người đọc những ấn tượng mạnh, cảm xúc sâu lắng, nhiều suy tư, trăn trở. Câu chuyện của Adam, Ewa và con gái của họ kết thúc có hậu, lạc quan, như một truyện cổ tích hay, cho dù đây không phải là truyện cổ tích. Cuối truyện Adam yêu con, Ewa yêu đời, đứa con gái thứ hai ra chào đời. Nói cách khác, Quà của Chúa lần này là món quà đổi đời cho họ.
    Thông điệp mà cuốn sách muốn gửi tới chúng ta là, phải thương yêu, phải cưu mang và đùm bọc những người khuyết tật. Quà của Chúa đã làm rơi nước mắt của rất nhiều bạn đọc Ba Lan, những người, như chính họ tự thổ lộ, chưa bao giờ khóc trong đời. Nhiều bạn đọc Ba Lan cho đây là một trong những cuốn tiểu thuyết hay nhất, được họ thích nhất, trong thập niên cuối thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI, một số người còn cho đây là một kiệt tác văn chương. Có một điều chắc chắn, ngay sau khi ấn hành, Quà của Chúa đã trở thành thiên tiểu thuyết best seller hàng đầu và từ năm 2001 đến nay cuốn sách đã liên tục được tái bản với số lượng bản in rất lớn, được dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài.
     Sau tiểu thuyết Hoang Thai, xuất bản năm 2006, tiểu thuyết Quà của Chúa là tiểu thuyết thứ hai của nữ nhà văn Dorota Terekowska được Nhà Xuất bản Phụ nữ và dịch giả Lê Bá Thự gửi tặng  bạn đọc Việt Nam.