Trang chủ » Tin văn và...

GIÁM SÁT NHƯNG PHẢI DÁM NÓI

Đặng Vương Hạnh thực hiện
Thứ bẩy ngày 16 tháng 5 năm 2009 6:08 AM
 
Bên cạnh việc kiểm tra, thanh tra, công tác giám sát ngày càng được chú trọng, sắp tới, Bộ Chính trị sẽ ban hành quy chế giám sát trong Đảng. Tiền Phong trao đổi với nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa T.Ư Hữu Thọ xung quanh vấn đề này.

Nên xem xét cả đơn thư nặc danh
 
Ông Hữu Thọ nói: “Tôi đã tham gia hai khóa T.Ư. Trong một kỳ đại hội, có ý kiến đề nghị thành lập Ủy ban Kiểm tra T.Ư do đại hội bầu nhưng không thành. Nhiều người muốn thực hiện việc này vì T.Ư quyền lực rất lớn nhưng ai kiểm tra, giám sát T.Ư? Bây giờ cứ nói toàn Đảng giám sát T.Ư, như thế rất mơ hồ. Phải có cơ chế như thế nào để giám sát. Không phải chỉ giám sát quá trình thực hiện cương lĩnh chính trị, điều lệ Đảng mà còn cả việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng cho nên phải có một cơ quan giám sát do đại hội bầu mới có khả năng giám sát Ban Chấp hành T.Ư. Tuy nhiên lúc đó còn nhiều ý kiến khác nhau nên vấn đề này bị gác lại.
Trong bối cảnh tình hình mới hiện nay, đề cao chức năng giám sát là hoàn toàn đúng. Những mục tiêu cần tập trung giám sát bao gồm việc quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản hiện đang nổi cộm; vấn đề sử dụng ngân sách, chi tiêu công; cấp phép đầu tư; quản lý xây dựng cơ bản và giám sát những người đứng đầu.
Tôi nghĩ Ủy ban Kiểm tra T.Ư hiện nay đang thể chế hóa, quy chế hóa những nội dung mà văn kiện Đại hội X đã quy định, tức là giám sát những gì, quy trình giám sát ra sao
Thanh tra, giám sát nói chung đều là những việc khó. Người ta bảo: “Thanh tra ngoài da, giám sát đến thịt, điều tra thì đến xương”. Trong việc thanh tra, giám sát thường gặp một vấn đề là đơn thư nặc danh. Từ trước đến nay ta không xem xét đơn nặc danh, nhưng cá nhân tôi rất băn khoăn về chuyện này.
Có hai nguyên nhân khiến người ta viết đơn thư nặc danh: Một là, những người vu cáo muốn giấu tên; hai là, trong cơ chế như chúng ta hiện nay, người ta ngại ký tên mình vì sợ bị trù dập. Cho nên có những đơn thư nặc danh có nguyên nhân, động cơ rất chính đáng nhưng vì người ta sợ bị trù úm nên không dám ký tên. Theo tôi, chúng ta nên xem xét cả những đơn thư nặc danh nếu trong đó nêu những vấn đề cụ thể”
@ Trước đây, các cơ quan chức năng vẫn tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra nhưng tại sao gần đây lại đề cao vấn đề giám sát như vậy?
Hữu Thọ: Nói đến chức năng giám sát trước hết phải hiểu khái niệm giám sát. Giám sát trong Đảng là gì cũng phải có định nghĩa. Đã giám sát trước hết anh phải sát cái đã, phải sát cuộc sống. Sự hiểu biết cũng phải sát cuộc sống, bởi lẽ lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội hiện nay rất rộng và phức tạp.
Cơ quan chính quyền nào cũng có những ban cán sự Đảng hoặc Đảng Đoàn hay các tổ chức quần chúng. Với tư cách Đảng, tôi có thể giám sát anh vì có thể giám sát các cơ quan chính quyền trên cơ sở tổ chức Đảng. Chức năng, quy trình, đối tượng, cách thức giám sát như thế nào, khả năng giám sát ra sao cần phải quy định rõ. Lĩnh vực nào cũng cần có chuyên môn rất sâu, cán bộ giám sát phải là người am hiểu những lĩnh vực đó thì mới đủ khả năng phân rõ được đúng sai. Chẳng hạn lĩnh vực tài chính công đòi hỏi phải có sự hiểu biết rất sâu về tài chính, về luật.
Quan trọng nhất là giám sát rồi có dám nói không vì có những người đứng đầu là cấp dưới của anh nhưng cũng có người đứng đầu ngang cấp, thậm chí, trên cả anh. Vậy anh có dám nói một cách thật sự không? Có những việc cá nhân dám nhưng tập thể đó có dám hay không, nhất là khi đụng đến ông to nào đó hoặc đụng đến uy tín của cả một tập thể? Các triều đại phong kiến trước đây có chức gián quan là những người can ngăn nhưng cũng có giám quan là những người giám sát việc thực thi quyền lực. Khi người ta có quyền lực bao giờ cũng có khả năng lộng quyền, cho nên phải quy định cụ thể để buộc anh thực thi đúng quyền hạn chứ không được nhút nhát nhưng đồng thời cũng ngăn ngừa sự lộng quyền.
Vì thế, tôi rất ủng hộ việc ban hành quy chế giám sát trong Đảng. Việc gọi một ủy viên T.Ư lên làm việc là quyền của Ủy ban Kiểm tra T.Ư. Anh vi phạm kỷ luật Đảng, tôi có quyền hỏi nhưng, đôi khi họ muốn làm nhưng ngại. Giám sát là việc cực kỳ khó và phức tạp nhưng không phải không làm được. Vấn đề là phải có kiến thức, sát với thực tiễn và, về mặt ý thức, phải dám dũng cảm đấu tranh vì chân lý, vì kỷ luật Đảng.
Sợ cấp dưới vì lo mất phiếu
@ Theo ông, nếu có đội ngũ giám sát có kiến thức, tâm huyết và dũng cảm, liệu chúng ta có thể hạn chế được những vụ tiêu cực gây bức xúc dư luận như PMU 18, PCI…vừa qua không?
Hữu Thọ: Thực ra không phải đến Đại hội X mà các Đại hội VIII, IX đã có chủ trương về việc giám sát người đứng đầu rồi. Nếu người đứng đầu tốt thì không bao giờ để quân của mình, tập thể mình lãnh đạo xấu cả vì, trước hết, là hỏng việc, thứ hai là người đó phải chịu trách nhiệm cá nhân. Khổ nỗi trong cơ chế của ta là có khi người đứng đầu lại không được quyết định tất cả. Ta muốn nhưng vẫn chưa dám làm.
Thứ nhất do sự nể nang lẫn nhau hay ngại xử lý mà mất uy tín của cả một tập thể; Thứ hai mới thực sự khó xử là giữa công và tội, tình và nghĩa. Ta thường vẫn nói công thì thưởng, tội thì phạt, kỷ luật tùy mức độ vi phạm. Về lý là thế nhưng làm rất khó.
Tôi nói trường hợp một vị chủ tịch UBND tỉnh ở miền Trung bị kỷ luật chủ yếu do vợ là một đầu mối buôn rượu lậu ở cửa khẩu Lao Bảo. Tôi từng chiến đấu ở Khe Sanh biết ông này trong chiến tranh từng được mệnh danh là Hùm Xám Đường 9 chứ không phải loại xoàng. Ngày xưa cùng là đồng đội chiến đấu vào sinh ra tử, bây giờ anh ở cấp có thẩm quyền quyết định sinh mạng chính trị của tôi, anh có nghĩ gì đến thời gian sống chết có nhau?
Chuyện tình và nghĩa đâu phải chuyện đơn giản. Bác Hồ còn nói phải có lý có tình cơ mà. Vấn đề đấu tranh, phê bình và tự phê bình tôi đã nói nhiều lần. Bây giờ phê bình cấp trên thì ngại bị trù úm; phê bình ngang cấp thì sợ bị mất đoàn kết; phê bình cấp dưới thì sợ mất phiếu. Cho nên có tâm lý sợ cấp dưới, từ giờ đến đại hội các cấp, nhiều cán bộ lãnh đạo sợ cấp dưới chứ không phải cấp dưới sợ cấp trên vì nó liên quan đến chuyện phiếu bầu.
@ Cụ thể câu chuyện cán bộ sợ cấp dưới là như thế nào, thưa ông?
Hữu Thọ: Về  chuyện phiếu bầu, tôi từng tâm sự với một số đồng chí lãnh đạo cao cấp rằng trong tình hình hiện nay tôi thích anh nào đạt 60-70 phần trăm phiếu hơn những anh phiếu cao tới 90-100 phần trăm, bởi kết quả như vậy đáng tin hơn. Khi Ban Tổ chức T.Ư hỏi ý kiến về chiến lược cán bộ, tôi cũng đã phát biểu vấn đề này. Trong nhiều trường hợp phiếu bầu không liên quan đến năng lực mà liên quan đến tình cảm yêu ghét. Do vậy, bỏ phiếu chưa chắc chọn được đúng người tài. Thứ hai, lá phiếu cũng chỉ mang tính chất thăm dò còn quyết định ra sao phải do lãnh đạo.
Đó là quy trình từ trước đến nay, giờ vẫn chưa thay đổi. Dù chỉ là thăm dò nhưng ít vị lãnh đạo nào dám vượt qua chuyện thăm dò đó cho nên phiếu thăm dò nghiễm nhiên trở thành phiếu quyết định. Điều này rất đáng suy nghĩ và cần phải thay đổi.
Công tác cán bộ của ta cũng còn nhiều điều phải bàn. Có lần gặp một doanh nghiệp thuộc hàng đại gia, tôi hỏi sao không trở về đóng góp cho quê hương, ông ấy nói với tôi một câu khiến tôi rất trăn trở: “Tỉnh em thói thường giàu thì ghét, nghèo thì khinh, thông minh thì diệt. Em trót vừa giàu lại vừa thông minh, đáng chết đến hai lần nên không sống ở quê hương được”. Nếu còn tồn tại tâm lý như thế thì người tài rất khó có chỗ dụng võ.
Giám sát không có vùng cấm.
@ Đã có quy định về việc cán bộ, đảng viên giữ chức vụ nhất định phải kê khai tài sản. Theo ông có nên đưa vấn đề này vào nội dung giám sát không?
Hữu Thọ: Cần phải nhớ rằng tài sản cá nhân thuộc về bí mật cá nhân mà không xã hội nào động đến bí mật cá nhân vì vi phạm nhân quyền. Nhưng một khi anh đã bước chân vào cơ quan quyền lực, ở cấp nào thì phải kê khai tài sản. Việc thực hiện kê khai tài sản bây giờ cũng rất phức tạp, không chỉ có nhà đất mà còn các tài sản khác, rồi tài sản gửi ở nước ngoài. Ta cứ nói dân kiểm tra nhưng dân làm sao kiểm tra được. Anh có mấy miếng đất, tài khoản gửi ngân hàng này ngân hàng kia đứng tên người khác, làm sao dân biết? Dân làm sao biết được mặt mũi gói thầu Dung Quất như thế nào để giám sát. Phải thẩm quyền đến cỡ nào, trình độ cao cỡ nào, mới đủ khả năng giám sát. Bây giờ những kẻ tham nhũng ngày càng mưu mô, tinh vi và am hiểu luật pháp chứ không phải kiểu tham ô thô thiển như mấy tay thủ quỹ, thủ kho ngày xưa đâu.
@ Ông vừa nói người ta có thể có vô số cách để che giấu tài sản cá nhân như cho vợ con, họ hàng, người thân đứng tên chẳng hạn. Vậy quy chế giám sát có nên nhắm tới những đối tượng trên?
Hữu Thọ: Cán bộ phải báo cáo công khai tài sản với tổ chức Đảng và những cơ quan anh ứng cử. Nếu giấu giếm nhưng sau này phát hiện anh có sai phạm thì phải kỷ luật. Việc có nên coi vợ con, người nhà của cán bộ có chức quyền như đối tượng giám sát hay không cũng cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Tại sao nhiều luật của ta cứ luôn phải sửa đổi, bổ sung? Chính vì thủ đoạn ngày càng tinh vi. Người ta tìm mọi cách lách luật, còn những người làm luật cần phải bổ sung để bịt những lỗ hổng. Đây là cuộc đấu tranh thường xuyên, xã hội nào cũng thế thôi.
Việc ban hành quy chế giám sát là điều đáng mừng. Làm được như vậy thì không cấp nào có thể loại mình ra khỏi đối tượng bị giám sát và không có vùng cấm nào cả. Đấy thực sự là tiến bộ nhưng còn rất nhiều việc phải làm. Tuy nhiên cũng đừng hy vọng trong một nhiệm kỳ có thể làm tốt ngay mà phải làm dần từng bước một.
@ Hiện nay không phải chúng ta không có những cơ quan có chức năng giám sát như MTTQ tham gia giám sát cán bộ ở khu dân cư chẳng hạn nhưng hiệu quả không cao. Theo ông, đấy là do thiếu chế tài hay vì nguyên nhân gì?
Hữu Thọ: Giám sát ở khu dân cư là điều tốt nhưng nội dung còn nhiều bất cập, vẫn chỉ loanh quanh những chuyện để ý lặt vặt nhưng xã hội hiện nay đâu có như ngày xưa. Bây giờ giả sử họ nhận phong bì, chuyển khoản hoặc có cổ phần đâu đó làm sao kiểm soát nổi. Tôi cũng sống ở khu dân cư thì thấy việc giám sát ở khu dân cư mất hiệu lực chính vì sự nể nang. Sống cùng nhau, cùng sinh hoạt tổ dân phố, đi ra đường hàng ngày gặp nhau, nhiều thứ ràng buộc cho nên, tâm lý người Việt, bên cạnh những cái tích cực cũng có mặt tiêu cực. Người Việt trọng tình hơn trọng lý vốn là một cơ sở nhân văn nhưng hiện nay lại đang là một cản trở của sự minh bạch và pháp quyền.
Ai cũng thấy cần sự minh bạch và trong công tác giám sát càng phải tính đến chuyện đó nhưng vấn đề giám sát cán bộ hiện còn bị ràng buộc nhiều thứ lắm. Động đến lãnh đạo cấp cao là động chạm đến uy tín của cả một tổ chức chứ không phải chỉ cá nhân người đó. Đánh giá con người lại càng phức tạp, bởi lẽ con người trong chính có tà, trong tà có chính cho nên ngay người tà cũng có phần chính, mình phải trân trọng và phải khuyến khích để cho phần nhỏ nhoi ấy tăng lên.
@ Xin cảm ơn ông. 
      
Nguồn: Tiền Phong Cuối Tuần số 20