Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Người đến từ vùng động đất

Dương Đức Quảng
Chủ nhật ngày 18 tháng 3 năm 2012 10:58 AM

Nước Nhật vừa tưởng niệm một năm trận động đất và sóng thần tàn phá cả một vùng rộng lớn ở vùng biển đông bắc nước này. Ngày 11/3/2011, một trận động đất mạnh 9,0 độ richter đã xảy ra ở đây, gây ra một cơn sóng thần cao tới trên 15m đổ bộ vào bờ biển đã làm 15.854 người thiệt mạng và 3.271 người khác đến nay vẫn mất tích.
Động đất/sóng thần còn gây ra cuộc khủng hoảng hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima I, khiến nhà máy bị hư hại nặng và buộc hàng chục nghìn người phải đi sơ tán.
Động đất/sóng thần và cuộc khủng hoảng hạt nhân đã đẩy Nhật Bản vào thảm họa tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II.
Sau trận động đất và sóng thần tháng 3/2011, trên blog này tôi có bài viết “Động đất ở Nhật Bản và cách ứng xử văn minh của con người trước thảm hoạ”.Tôi nghĩ mình sẽ chẳng bao giờ có dịp trở lại Nhật Bản và đến được vùng bị động đất và sóng thần ấy, nhất là được gặp gỡ và tiếp xúc với  những con người đã trải qua một thảm họa khốc liệt chưa từng có.
Thế rồi, cuối năm 2011, tôi có cơ may được gặp hai vị giáo sư và một đoàn sinh viên Nhật Bản từ vùng vừa trải qua trận động đất kinh khủng tháng 3/2011 đến Việt Nam, không phải là đi du lịch mà đi làm từ thiện, giúp đỡ các gia đình và trẻ em Việt Nam bị chất độc da cam trong chiến tranh. Người chắp mối và tổ chức chuyến đi ấy là vợ chồng nhà báo Nhật Bản Hajime Kitamura.
Ông Kitamura, nguyên  là Trưởng văn phòng đại diện Hãng Truyền hình ASHAHI, Nhật Bản tại Hà Nội từ năm 1994 đến năm 1997. Ngay từ những ngày còn làm Trưởng Văn phòng Hãng Truyền hình ASHAHI tại Hà Nội, ông đã cùng bạn bè Nhật Bản tìm đến Làng Hòa Bình, các trung tâm nuôi dưỡng trẻ em tàn tật và trẻ em nhiễm chất độc da cam ở Hà Nội, Thanh Hóa, Hà Tây, Bắc Giang, Thái Bình, Phú Thọ… để tìm cách giúp đỡ họ. Ông đứng ra vận động việc quyên góp tiền để mua xe lăn, máy trợ thính, máy vi tính… gửi cho các trung tâm này. Ông cùng bạn bè Nhật Bản giúp Làng Hòa Bình ở Hà Nội làm bể bơi lý liệu pháp, kết hợp bơi lội với chữa bệnh; mời cả chuyên gia Nhật Bản hướng dẫn dạy âm nhạc kết hợp tập vật lý trị liệu cho các cháu.
Năm 1997, sau khi kết thúc nhiệm kỳ công tác ở Việt Nam, ông Hajime Kitamura được cử sang phụ trách Văn phòng đại diện của Hãng Truyền hình ASHAHI tại Sydney, Australia. Năm 2001, ông nghỉ hưu. Ông là nghiên cứu sinh danh dự của Trường đại học Tây Sydney, hiện  là nhà báo tự do, tiếp tục các công việc làm từ thiện để giúp đỡ trẻ em tàn tật và nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam.
Ông là một trong những người sáng lập tổ chức từ thiện giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, đặc biệt là trẻ em, của tỉnh SHIZUOKA quê hương ông. Những người trong Hội từ thiện SHIZUOKA phần đông là giáo viên, công nhân, viên chức, một số là các ông bà già đã về hưu và có cả các cháu học sinh. Thu nhập của họ không cao nhưng năm nào họ cũng dành tiền để giúp đỡ trẻ em khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Từ năm 1995, ông đã vận động và hàng năm đều giúp đưa nhiều bạn bè của ông từ Nhật Bản sang Việt Nam, đến các cơ sở  nuôi trẻ em khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam để giúp đỡ các em, các cháu. Từ năm 2001, sau khi về hưu và sinh sống tại Australia, năm nào ông Hajime Kitamura cũng cùng vợ sang Việt Nam một, hai lần, để làm từ thiện và tiếp tục tìm kiếm, thu thập tài liệu về hậu quả chiến tranh Việt Nam, nhất là về các nạn nhân chất độc da cam để viết sách về Việt Nam.
Hơn 10 năm qua, số tiền và hiện vật mà ông bà Hajime Kitamura cùng các bạn người Nhật của mình làm từ thiện giúp đỡ trẻ em khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam và những người có hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam là gần 400.000 USD, số tiền chưa phải là nhiều, nhưng tấm lòng của họ thì không thể đong đếm được.
Tuy năm qua quê ông trải qua trận động đất kinh khủng như thế, nhưng ông Kitamura vẫn không quên làm công việc từ thiện, giúp các trẻ em và gia đình nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam. Lần này ông tổ chức đưa đoàn sinh viên của trường Đại họcTohoku Gakuin do Giáo sư Akira Nozaki dẫn đầu sang Việt Nam, đến thăm Văn Miếu, trường đại học đầu tiên của Việt Nam, thăm gia đình bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, thăm và giúp đỡ hai gia đình bị chất độc da cam ở Vĩnh Phúc, thăm và tặng quà cho các cháu ở trường trẻ em SOS Ninh Bình...
Cách đây 4 năm, trong một lần sang Việt Nam, ông Kitamura nhờ Trung tâm báo chí Bộ Ngoại giao tìm gặp vợ tôi, Cao Tân Hòa, nữ phóng viên chiến trường miền Nam thời chống Mỹ, để tặng vợ tôi một tờ báo của Nhật có in bài kèm ảnh viết về cô ấy. Do chỗ quen biết như thế, nên ông Kitamura mời vợ chồng tôi tới gặp gỡ, trò chuyện với đoàn sinh viên trường Đại họcTohoku Gakuin do giáo sư Akira Nozaki dẫn đầu, giúp các em sinh viên hiểu thêm về đất nước và con người Việt Nam.
Trong buổi gặp gỡ ấy, tôi được các em sinh viên kể về những ấn tượng sâu sắc trong lần đầu đến thăm Việt Nam, nhất là các chuyến đi thực tế làm từ thiện ở các gia đình và trường học vùng quê Việt Nam. Các em hòa cùng cuộc sống của các gia đình và trẻ em tật nguyền Việt Nam, dọn dẹp nhà cửa, tự tay nấu các món ăn của Nhật Bản mời mọi người cùng ăn…Những việc làm đó chẳng mấy ai biết đến vì ông Kitamura cùng các bạn, các em sinh viên Nhật Bản làm từ đáy lòng mình, từ sự đồng cảm, quý trọng và sự sẻ chia với những người, những hoàn cảnh khó khăn, không phải làm để khoe mẽ, phô trương.
Những dòng trên đây tôi viết ra hôm nay quả thật là đã muộn kể từ hôm tôi được gặp lại vợ chồng ông nhà báo Nhật Bản Kitamura, vợ chồng giáo sư Akira Nozaki và các em sinh viên trường Đại họcTohoku Gakuin cách đây gần ba tháng. Nhân tưởng niệm một năm thảm họa động đất và sóng thần tháng 3/2011 ở vùng đông bắc Nhật Bản, nhớ tới ông bạn nhà báo Kitamura tôi viết những dòng này như một lời cảm ơn của riêng tôi đối với những tấm lòng quý mến của bạn bè Nhật Bản.
 D.Đ.Q

Chú thích ảnh: Ông Kitamura (bìa phải) và vợ (thứ 3, phải sang), cùng hai nhà báo Việt Nam, hai giáo sư và các em sinh viên Nhật Bản (Ảnh chụp cuối tháng 12.2012 tại Hà Nội)