Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Đọc và nghe lời tre khô

Nguyên Hải
Thứ ba ngày 13 tháng 3 năm 2012 9:20 PM

Sinh hoạt hàng ngày trong đời thường dân dã trùi trụi, nông dân nam bộ hay có câu nói tửng tửng rằng: “nói dậy mà không phải dậy”. Tâm ngôn của những  từ ngữ văn nói mộc mạc này luôn phả ra những hơi hám của các nhà tư tưởng, hầu như ai cũng biết, những ai chưa chú ý nội dung hàm súc ý nghĩa của câu trên thì trong mọi  quan hệ với  các đối tác  thông qua  ngôn ngữ sẽ thường bị “hố hàng”… và có thể sẽ đón nhận nhiều hệ quả  không vui  khác.
Bài thơ Cây Đòn Gánh của tác giả Nguyễn Vân Thiên là một dẫn chứng, tựa của  bài thơ thì là Cây đòn Gánh, mà nội dung thì lại nói  về mẹ, trong khi nêu lên hình ảnh người  mẹ thì lại ẩn hiện bóng dáng cây đòn gánh, đúng là:  “nói dậy mà không phải dậy, không phải dậy mà nó là dậy”
Nếu  máy  móc phê phán, và khắc khe một cách ích kỷ, hời hợt với  nghệ thuật nhân cách hóa,  ước lệ, cú pháp xây dựng hình tượng, thanh ngôn…hoặc đọc hời hợt  thì có thể nói đây là một  bài thơ nội dung không ôm đề.
Có phải vậy không!?
Hoàn hoàn  không,  bởi vì tác giả như nhập thần vào cây đòn gánh, nên đã nghe được tiếng nói của tre khô rồi  phiên dịch  lại cho người  đọc hiểu  thấu nỗi tâm tư của một vật vô tri làm công cụ nhà nông trong sản xuất, làm phương tiện vận tải hàng hóa bán buôn  tảo tần của người mẹ.
“Lưng cây đòn gánh mòn trơn
Lời tre khô nhắc công ơn mẹ già”
Quả thật, Tre như một biểu tượng cây  Việt Nam, khi đã hóa thân thành cái đòn gánh, nó trở nên  khôn ngoan, tế nhị và khéo miệng một cách  khiêm cung đúng mực, mà trong đó  hàm ý bày tỏ công trạng của chính mình.
(Thực chất đây là một nghệ thuật nhân cách hóa điêu luyện của tác giả, ngòi bút tác giả đã đẻ ra cây đòn gánh có lưng, có miệng và có cảm xúc đồng điệu nhằm làm phương tiện kết nối,  nói điều người con luôn nhớ ơn mẹ)
Một đời cơ cực,  lội  suối trèo non, từ bình minh đến hòang hôn, từ trưa cát bỏng đến sương lạnh trăng khuya, tần tảo sớm hôm đưa con qua đèo, vậy mà mẹ không một lời kể lể, từ đầu đến cuối  bài thơ chúng ta chỉ nghe toàn là lời của cây  đòn gánh.
Rồi: ”Một đời gióng đứt đòn cong”, mới  nghe qua  như nó được dán trên vai mẹ nên cái đòn gánh hẳn đã là người bạn tri âm tri kỷ của mẹ, và nó hiều tất cả những tâm tư trăn trở trong cảnh khổ nghèo, những ước mơ tương lai và những yêu thương mẫu tử ngàn đời  của những bà mẹ việt nam trên mọi miền tổ quốc, dọc theo dãi đất  hình cong chữ S này, bên tây điệp điệp, trùng trùng Trường Sơn hùng vĩ, phía đông là biển Thái Bình Dương ngày đâm  nhấp nhô sóng lượn xô bờ,  chạy dài từ bắc xuống nam, nên “ bao lần xuống biển, bao lần lên non” là vậy.
Theo  lát cắt địa lý,  hầu như địa phương nào cũng có rừng núi, trung du, đồng bằng, và vùng ven biển. Vậy thì hình ảnh người mẹ với đôi quang gánh trèo non lội suối, băng cồn  cát trưa, bán than, mua muối là hoàn toàn thật Cây đòn gánh chẳng  điêu ngoa điều gì,  có câu ca dao: “Ai về nhắn với nậu nguồn/ Mít non chở (gánh) xuống, cá Chuồn chở lên” làm chứng. Mít chỉ có nhiều  ở đồng bằng, vùng cao, cá Chuồn thì được ngư dân đánh bắt ở Biển đông. Sự giao thương trong đời sống sinh hoạt của người dân các vùng miền được  thông qua cây đòn gánh trên vai mẹ.
Đôi quang gánh và người mẹ đã hằn dấu  chân trên  từng con đường lớn nhỏ khắp thôn xóm  làng quê, thị thành, biên ải để tồn tại trong yêu thương, trong mơ ước…  gánh đời con qua đèo.
Câu nói gánh con  qua đèo thoát ra từ  lời tre khô mà tác giả phiên dịch lại cho chúng ta nghe, chứng tỏ cây đòn gánh và mẹ như đều  nằm trong tâm tư của nhau, (đi guốc trong bụng của nhau) nó hiểu đường đèo mà mẹ phải gánh con qua không chỉ là một ngọn  đèo cụ thể nào, mà nó là ải đèo của nợ đồng lần nối  kiếp nhân sinh trong những ải đèo nhân thế, cái  đèo phải gánh quang gánh đi qua cho con được ăn no, mặc ấm, cho  con có  tri thức chữ nghĩa  vào đời, cái  đèo  lập chí, lập nghiệp,  lập thân cần phải “có thực mới vực được đạo” lúc nào cũng nặng trĩu trên đôi vai gầy guộc của mẹ bằng  ý chí “ da xương bào cật tre mòn”.
Tất cả ngôn từ trong bài thơ  đều thể hiện công lao, tấm lòng người mẹ Việt Nam do cái đòn gánh tường thuật lại được tác giả diễn giải bằng ngôn ngữ nghệ thuật thơ lục bát truyền thống ngọt ngào  mềm mại, nhiều hình tượng và âm thanh tương phản rát bỏng chát chúa giữa người phụ nữ chân yếu tay mềm phải chống chọi lại với thiên nhiên khắc nghiệt “… Một đời gánh nắng và mưa...Gáng than lửa chạy qua cồn cát trưa… da xương bào cật tre mòn …”  nhưng lại rất mướt mát vần điệu, nhẹ nhàng đưa người đọc vào tâm niệm chín chữ cù lao, hiếu đạo làm con.
Phải chăng sau khi nghe hết những lời tre khô tâm sự, cùng với  những hồi tưởng riêng tư từ thuở ấu thơ,  tác giả lặng người trong cảm xúc yêu  thương, kính trọng mẹ già tần tảo nuôi mình để cuối cùng thốt lên  cùng nhịp với cái đập nhẹ tay và chép miệng than ôi rằng:
” Một đời…
              gióng đứt…
                            đòn cong…
Vì ai… vai lệch… lưng còng? …
                                                   Mẹ… ơi !!!”
                                                                   
CÂY ĐÒN GÁNH
Lưng cây đòn gánh mòn trơn
Lời tre khô nhắc công ơn mẹ già
Chợ chiều chợ sớm bôn ba
Hái gieo tất bật đồng xa đồng gần
Bán than mua muối tảo tần
Bao lần xuống biển bao lần lên non
Da xương bào cật tre mòn
Trăm năm mẹ gánh đời con qua đèo
Gánh yêu thương, gánh khổ nghèo
Gánh mơ ước lẫn gieo neo đi - về...
Gánh bình minh lội bến quê
Gánh hoàng hôn dọc chân đê bước dồn
Gánh trăng khuya giếng đầu thôn
Gánh than lửa chạy qua cồn cát trưa...
Một đời gánh nắng và mưa
Mòn vai mà mẹ vẫn chưa yên lòng
Một đời gióng đứt đòn cong
Vì ai vai lệch lưng còng? Mẹ ơi!
                                                                         
Nguyễn Vân Thiên