Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nghĩ về cụm từ "Nhóm lợi ích" trong việc phòng chống tham nhũng hiện nay

Nguyên Hải
Thứ tư ngày 14 tháng 3 năm 2012 9:19 PM
 
Thời gian một vài năm gần đây cụm từ “nhóm lợi ích” được xuất hiện nhiều trên các bài viết, và trên nhiều phương tiện thông tin, truyền thông đại chúng. Nhất là trong các văn bản nói về Phòng chống tham nhũng, rất dễ tạo ra khái niệm phòng chống tham nhũng là đề cập đến nhóm lợi ích.
Bản chất, nội hàm sâu xa của ba từ nhóm lợi ích  không gợi lên một điều gì xấu xa, trái với  luân thường đạo lý nhân văn, đạo đức cộng đồng xã hội hay vi phạm pháp luật …
Thực chất nhóm lợi ích đã hình thành lâu đời trong xã hội loài người từ thời nguyên thủy, chỉ có hình thái, qui mô, tổ chức… ngày càng tiên tiến hơn..
Trong cuộc sống luôn luôn có mối quan hệ cộng sinh, không ai sống riêng lẻ một mình được, từ các sinh hoạt bầy  đàn, sinh hoạt bộ tộc cũng đã là nhóm lợi ích với nhau. Không người nào tự mình săn bắn, hái lượm và tự mưu sinh trong một cá thể độc lập tuyệt đối, mà họ phải liên kết lại thành tổ nhóm để đấu tranh với thiên nhiên và tồn tại, phát triển.
Quá trình đấu tranh sinh tồn, và xã hội ngày càng tiến bộ, lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất , tư liệu sản xuất, các ngành khoa học càng phát triển thì nhóm lợi ích càng hình thành nên nhiều “đơn vị” riêng lẻ, theo những chức năng của từng nhóm nghành nghề… và các nhóm có mối quan hệ khắng khít, vừa có sự đồng thuận vừa có sự mâu thuẩn với nhau trong một cộng đồng luôn luôn đấu tranh dân sinh, dân chủ, bình đẳng để tổ chức đời sống xã hội ngày càng văn mình hơn, các nhu cầu hạnh phúc của con người ngày càng được thỏa mãn nhiều hơn.
Vậy cụm từ nhóm lợi ích  luôn hợp thời, hợp lẽ và mang ý nghĩa tích cực, nó góp phần vào quá trình tiến hóa nhân văn, cải tạo cấu trúc hình thái xã hội từ sơ khai đến hiện đại ngày nay, qua các chế độ thống trị xã hội hình thành các chủ thể sở hữu của từng  nhóm lợi ích trong quần thể chung, của tiến trình tiến hóa nhân loại.
Trên thế giới quốc gia nào cũng có những nhóm lợi ích, dưới các danh xưng khác nhau: hội đoàn,  tập đoàn, công ty, xí nghiệp, tổ hợp, hợp tác xã nhóm (Group) … nhiều nhóm lợi ích có ảnh hưởng toàn cầu như G7, G20, các tổ chức thương mai, y-tế,  lương nông…v.v  và  v.v….
Việt Nam, từ sau đêm trước đổi mới, đất nước ta mở cửa, hội nhập cùng các nên kinh tế phát triển, thoát ra “vườn hẹp” của hàng rào chính sách kinh tế hoạch định, tuân theo quy luật điều tiết của nền kinh tế thị trường, các nhóm lợi ích cũng đã nẩy nở bùng phát, các thành phần kinh tế tư nhân được chấp nhận và từng bước được hoạt động bình đẳng với đơn vị kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể.
Từ đó đến nay các tổ chức đơn vị sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ, các “nhóm lợi ích”  nầy đã vực dậy nền kính tế, của đất nước ta vốn cạn kiệt như đang vét những miếng cơm cháy dưới đáy nồi.  Nay thoát ra khỏi đói nghèo, từ một nước phải nhập khẩu  lương thực, thì năm 1988 bắt đầu xuất khẩu  lương thực, hiện giờ là nước xuất khẩu  gạo đứng thứ nhì thế giới… GDP hàng năm đều tăng trưởng trên 6%.. Các nhóm lợi ích cùng cả nước đang tiến lên xây dựng đất nước ta cơ bản thành  nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 (Theo nghị quyết đại hội ĐCSVN lần thứ 11)
Các nhóm lợi ích tồn tại bình đẳng, đồng hành với nhau và cọ xát nhau, giải quyết các mâu thuẩn phát sinh trong sự giám sát, chế tài của hệ thống quản lý nhà nước, thể chế điều hành vĩ mô, nhằm tạo ra sức mạnh từ đồng thuận xã hội để phát triển đất nước.
    Buổi làm việc của Bộ Tài Chính và Bộ Công Thương ngày 20 tháng 9 năm 2011 là một điển hình. Một nhóm lợi ích vì hơn 80 triệu dân, và một nhóm lợi ích vì 11 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu. Cả hai nhóm đều thảo luận nhằm tìm một điểm chung cho lợi ích kinh doanh xăng dầu hài hòa và phục vụ cho lợi ích kinh tế quốc dân.
Những dẫn đắt trên cho thấy bản thân nhóm lợi ích không phải là nhóm tham nhũng, chỉ có những đương  sự tham nhũng nằm trong các nhóm lợi ích. Những người nầy dùng mọi  hình thức, thủ thuật vừa tinh vi, vừa quỷ quyệt với nhiều hình thức tế nhị để lũng đoạn các quy hoạch, hoạch định kinh tế, các thể chế quản lý quốc gia, nhằm thu lại lợi ích nhiều nhất cho mình, gây  ra bất công xã hội, kéo theo những hệ lụy làm suy thoái, hủy hoại đạo đức nhân bản, niềm tin trong nhân dân với  chế độ ngày càng giảm sút, cuộc sống bất an.
Nên chăng!?  trong công tác phòng chống tham những, không nên dùng cụm từ nhóm lợi ích mang tính chung chung, nhập nhằng giữa tổ chức và cá nhân. Dùng từ nhóm lợi ích là vô tình dung dưởng, thỏa hiệp, che chắn cho người tham nhũng núp bóng, khó phát hiện.
Nhiều năm qua trong phòng chống tham nhũng, không phát hiện ra tổ chức, cơ quan, nhóm lợi ích nào tham nhũng cả, chỉ có những con người cụ thể câu kết móc ngoặc với nhau trong từng vụ việc cụ thể để xâm hại đến lợi ích công, họ là nhóm tư lợi, nhóm móc ngoặc, nhóm tham ô… chứ không phải là nhóm lợi ích.
Thiết nghĩ trong phương pháp đấu tranh phòng chống tham nhũng nên cụ thể hóa từng con người cụ thể , từng vụ việc cụ thể, không nên dùng những cụm từ nhóm lợi ích chung chung, khó hiểu, khó nhìn thấy, vô hình trung lại kêu gọi những người tham nhũng chống tham nhũng thì kết quả chỉ luôn luôn ở điểm khởi đầu, hay nói như Thiếu tướng Lê Văn Cương:
“ không ai tự lấy đá ghè vào chân mình”
Nguyên Hải