Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Hà Nội tiếu lâm truyền kì (kì 39)

Vũ Duy Chu
Thứ ba ngày 6 tháng 3 năm 2012 9:46 PM

( Sưu tầm và sáng tác)

BỆNH RĂNG MIỆNG
CỦA CẢNH SÁT GIAO THÔNG

Tổ chức Nha khoa Thế giới khảo sát bệnh răng miệng của người dân tại các quốc gia chậm và khó phát triển. Nước V là nơi họ dừng chân cả năm trời, do có những phát hiện rất… đặc biệt, làm kinh ngạc các Giáo sư đầu ngành Nha khoa nhiều nước.
Người ta không thể hiểu được tại sao hầu hết cảnh sát giao thông nước V làm việc ở các giao lộ thành phố S và H bị bệnh răng miệng. Số bệnh nhân bị bệnh nặng tăng tỷ lệ thuận với thời gian công tác của họ.
Rất nhiều cuộc hội thảo quốc tế về bệnh răng miệng của cảnh sát nước V được tổ chức. Cuộc hội thảo cuối cùng sáng nọ cũng khép lại với kết luận: Chờ nghiên cứu tiếp. Đúng lúc ấy, một cựu cảnh sát giao thông xuất hiện bước lên bục diễn giả:
- Thưa Chủ tịch đoàn và các ngài Hội thảo viên!
Tôi từng là một cảnh sát giao thông của thành phố này nhưng đã nghỉ hưu 2 năm nay. Hai hàm răng của tôi đã rụng sạch. Hai năm qua tôi đã dành toàn bộ sức lực, tâm huyết, tiền bạc để làm sáng tỏ nguyên nhân bệnh răng miệng mà tôi và anh em cảnh sát giao thông đang mắc phải.
Tôi vô cùng sung sướng và cảm động khi ngài Tân Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải của đất nước chúng tôi đang trình những phương án và biện pháp quyết liệt lên Chính phủ, nhằm chống ùn tắc giao thông đô thị, trong đó có phương án thu phí các loại xe chạy trên đường. Theo tôi, nên nâng mức thu phí lưu thông xe máy lên 5 triệu quan/ năm. Ngài Tân Bộ trưởng chỉ đề xuất mức 500 ngàn quan xe máy/ năm là ít xịt. Vì tính ra mỗi tháng phí lưu thông chỉ bằng có 2 lít xăng, không bõ bèn gì hết. Muỗi!
Nếu nhờ biện pháp tăng thu phí lưu thông xe cộ mà giao thông hết ùn tắc, thì ngài Tân Bộ trưởng là vị cứu tinh của lực lượng cảnh sát giao thông. Vì bệnh răng miệng của cảnh sát sẽ vĩnh viễn chấm dứt, mà không cần đến các cuộc hội thảo và các loại thuốc đặc trị siêu đắt…
- Lạc đề, nói lạc đề! Mời xuống đi!
- Đề nghị cựu cảnh sát xuống đi! Nói năng khích bác, xúc phạm người khác thế à?
- Cựu cảnh sát không được phát ngôn bừa bãi!
Có một giọng nói rất to và gay gắt:
- Các vị hãy để cựu cảnh sát trình bày xem sao chứ! Hội thảo đâu có cấm tranh luận, phản biện, hả?
Vị cựu cảnh sát xốc lại cổ áo rồi trịnh trọng:
- Các vị hãy ra các vòng xoay, các giao lộ thành phố H và S vào giờ cao điểm xem sao. Hàng nghìn, hàng chục nghìn xe máy, hàng nghìn ô tô chen chúc nhau tại các điểm đó. Bằng ấy ống xả khói của xe, bằng ấy động cơ nổ rền rĩ, bằng ấy thân nhiệt tỏa ra, nắng chang chang, khói bụi mù mịt, tiếng la hét, cãi cọ, rủa xả. Tất cả làm nên môi trường tác nghiệp của cảnh sát giao thông trong nhiều giờ liền mỗi ngày.
Các vị biết không, cảnh sát giao thông chúng tôi luôn háo nước, miệng khô rang. Giả sử có nước uống chúng tôi cũng không nên uống. Phải giữ cho miệng khô rang, càng khô rang càng tốt cho việc thổi còi. Nếu trong vòm miệng đầy nước bọt tiết ra, làm sao chúng tôi thổi còi được cơ chứ? Làm sao thổi được những tiếng còi vang rền, uy phong, quyền lực để lập lại trật tự giao thông?
Thế nhưng, thưa các vị, trong miệng không có nước bọt sẽ rất khó khăn trong việc ăn uống và nói năng. Vị giác bị thay đổi, răng miệng bị nhiễm trùng. Môi trường răng miệng bị a-xít hóa, làm mất các chất khoáng, mất luôn các chất men có vai trò miễn dịch bảo vệ răng… Vị cựu cảnh sát tháo hai hàm răng giả giơ lên khỏi đầu huơ huơ…
Hội trường chợt nổ tung những tràng pháo tay vang dội. Phát biểu của vị cựu cảnh sát về răng miệng có giá trị thực tế hơn cả những luận án tiến sĩ về Nha khoa. Những lập luận và khẳng định của ông về nguyên nhân gây ra bệnh răng miệng là không thể chối cãi, phủ nhận...
Vị giáo sư Nha khoa nổi tiếng người Pu-éc-tô-ri-cô đầu không còn một cọng tóc, đeo kính cận dày cộp, bước lên bục, vừa khóc vừa ôm cựu cảnh sát nước V, trong khi hàng nghìn người đứng cả dậy hò reo. Giáo sư nghẹn ngào:
- Xin cám ơn ngài cựu cảnh sát đã cứu vớt ngành Nha khoa thế giới!
Bỗng một tiếng nói như hét làm mọi người ngơ ngác:
- Thế thì ai sẽ chữa bệnh răng miệng cho cảnh sát chúng tôi đây?
Một vị cảnh sát khác phăm phăm bước lên bục diễn giả:
- Thưa đồng nghiệp và các Ngài Hội thảo viên kính mến!
Qua chứng cứ rành rành mà vị cựu cảnh sát của chúng tôi trình bày, tôi nghĩ không cần đến y học, ngài Tân Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sẽ chữa bệnh răng miệng cho cảnh sát chúng ta. Tôi kiến nghị với ngài Bộ trưởng hãy đề xuất thu phí xe máy lưu thông lên mức cao nhất có thể, 10 triệu quan/ năm chẳng hạn. Và ở mức cao nhất ấy, người dân sẽ không đi xe máy nữa. Đi bộ thì làm gì có chuyện ùn tắc giao thông? Nghĩa là cảnh sát giao thông không cần dùng còi nữa? Không dùng còi thì làm sao có bệnh khô răng miệng, thưa các ngài?
Thật bất ngờ, một rừng cánh tay vung lên trời khi vừa nghe tiếng hô:
- Ủng hộ thu phí cao vọt!
Đồng thanh hào hùng:
- Cao vọt! Cao vọt! Cao vọt!
Tiếng hô:
- Nhất định chống được ùn tắc giao thông!
Lại đồng thanh hào hùng:
- Chống được! Chống được! Chống được!
Những tràng pháo tay rền như sấm mùa mưa bão….
Hí…hí…hí…
NÀO, EM NGOÉO TAY CÁC CHỊ CÁI!
Ba bà ngồi nói chuyện gia đình chồng con. Bà thứ nhất bảo:
- Lão nhà tôi sắp xin về hưu vì bị nhận xét “năng lực hạn chế” nên chán, không muốn làm nữa. Lão làm việc ở Ban Phòng chống tham nhũng bao nhiêu năm nay mà chả phát hiện được trường hợp tham nhũng nào. Lão về hưu lương 3 triệu bạc một tháng, nhà sáu cái tàu há mồm, chả biết lấy gì sống. Có muốn làm thêm kiếm tí tiền chợ lão cũng chả biết nghề gì mà làm.
Bà thứ 2 thở dài đánh sượt:
- Ông nhà tôi gần hai mươi năm nay chỉ đứng ở ga tàu hỏa vẫy cờ đón tàu đến, vẫy cờ đưa tàu đi. Bằng ấy năm vẫy mỏi tay, chả thấy ông ấy được lãnh đạo ai. Tôi đang lo nay mai người ta cao tốc tàu hỏa, toàn làm việc bằng vi tính, tinh vi lắm, không khéo họ cho ông ấy nghỉ hưu non thì có mà chết toi.
Bà thứ nhất lại bảo:
- Gớm, lên cấp lãnh đạo người ta sàng lọc tuyển lựa kỹ lắm, phải đủ các mặt tốt ấy chứ. Dễ dàng thì ai cũng làm lãnh đạo hết, có mà loạn. Hí…hí…
Bà thứ 3 phấn chấn:
- Thế thì chỉ có ông xã nhà em là kịp tính toán lo xa. Ông xã em làm trưởng bộ phận thẩm định các dự án đầu tư. Ông ấy bảo mình già rồi, phải nhường ghế cho lớp trẻ năng động, sáng tạo. Thế là thằng cháu lớn nhà em gánh vác công việc thay bố, còn ông xã em chuyển sang làm công tác Đảng.
Hai bà kia ngẩn tò te một hồi, rồi cùng hỏi:
- Kịp tính toán lo xa là thế nào hả em?
Bà thứ 3 hồ hởi hơn:
- Ông xã nhà em bảo về hưu sẽ mở lớp bồi dưỡng cảm tình đối tượng Đảng cho thanh niên. Đảm bảo sẽ có nhiều học viên đến học, em thu học phí bộn bạc. Nhà em mà giảng Chủ nghĩa Mác - Lê Nin vô địch muôn năm thì… kiến trong lỗ cũng phải bò ra cả lũ. Anh ấy nhà chị phất cờ ở ga mãi mà không lên cấp lên chức là do không chịu phấn đấu vào Đảng. Phải là Đảng viên thì người ta mới… gọi là… cái gì ấy nhỉ? À, người ta mới cơ cấu, cơ véo mình, nghĩa là giao cho mình lãnh đạo quần chúng í. Có bằng cấp trình độ ngon mà chưa có Đảng thì…
Bà có chồng phất cờ cướp lời:
- Đúng rồi! Thảo nào… Nhà em mấy chục năm nay vẫn là cái anh quần chúng lọ mọ…
Bà thứ 3 như reo lên:
- Ôi! Thôi, thôi, thôi! Hai chị khỏi lo đi. Nhà em mở lớp học mà đông thì em mời anh bên phòng chống tham nhũng giữ chức Trưởng ban Ghi danh học viên. Còn anh nhà chị phất cờ thì chúng em bố trí làm Trưởng ban Bảo vệ lớp học, kiêm giữ xe máy luôn. Vợ chồng nhà em có tí cơm, thế nào các anh chị chả có tí cháo…
- Ối giời ơi! Ừ nhá! Ừ nhá. Em cho ông xã chị giữ chức Trưởng ban Ghi danh học viên nhá!
- Này em! Còn ông xã chị dứt khoát là em phải bố trí làm Trưởng ban Bảo vệ kiêm giữ xe máy nhá! Sao mà các chị may mắn thế chứ lị! Lo xa là cha lo gần em nhỉ. Em tốt quá! Em giữ lời hứa nhá. Nào, em ngoéo tay các chị cái!
Hí…hí…hí…

Sài Gòn, 6.3.2012
VDC
( Còn tiếp)