Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BIÊN PHÒNG DU KÝ

Phùng Văn Khai
Thứ bẩy ngày 21 tháng 1 năm 2012 5:58 PM
 
1. Nơi cực Bắc

Chốt biên phòng - Đường lên trời thì gần - Đường xuống chợ thì xa - Mỗi lần tuần tra - Lính gỡ mây giăng đầy tiếng mõ - Chốt biên phòng - Tiếng gió hú thì gần - Tiếng suối reo thì xa - Đồng đội chia nhau từng lon nước nhỏ - Chốt biên phòng - Cánh chim bay thì gần - Vó ngựa thì xa...
Không hiểu sao, cứ mỗi khi tết đến, tôi lại tìm đến với các chiến sĩ Biên phòng. Trong năm, từ nhiều năm, đã đi rất nhiều đồn biên phòng trên mọi miền Tổ quốc, ăn ở hàng tuần, có khi hàng tháng với chiến sĩ các đồn, đi miên man tuyến đường tuần tra biên giới Trung - Nam - Bắc, có lần bị lạc ở Sông Mã, tạt sang đất bạn Lào ăn lương khô không nước, có lần cùng chia thịt lợn rừng với các chiến sĩ biên phòng Camphuchia ở Tây Nguyên, có đêm thức trắng, hát hò với chiến sĩ biên phòng đảo Nhơn Châu - Bình Định, ngủ ở cửa khẩu Tân Thanh, thắp hương cho liệt sĩ Ngô Văn Vinh hy sinh khi truy bắt tội phạm ma túy ở Lạng Sơn. Về Hà Nội, nhiều khi vừa rời đồn đấy lại muốn đi. Biên phòng sao thân thiện dễ gần, từ những vị tướng đến binh nhất binh nhì thảy đều giản dị, ấm áp và tin cậy. Chính ủy Võ Trọng Việt, người luôn tạo mọi điều kiện cho những chuyến đi của tôi thường nói: Các nhà văn ở Văn nghệ Quân đội thời nào cũng gắn bó với bộ đội Biên phòng, các nhà văn trẻ phải tiếp tục phát huy đấy nhé, bộ đội Biên phòng luôn chờ đón các nhà văn. Tôi biết anh từ lâu. Tâm sức anh đã và đang dồn cả cho những người lính biên phòng. Những vết suy tư hằn trên trán, mái tóc phong sương đặc thù chất biên cương. Và tôi còn thấy ở bên trong, cái phần tâm can nhất, nơi sâu nhất cũng là dành cho những chiến sĩ, đồng đội của anh nơi biên giới.
Nhiều người biết đến địa danh Lũng Cú, nhất là cột cờ Lũng Cú trên đỉnh núi Rồng của cao nguyên đá nổi tiếng Đồng Văn. Nhưng có lẽ không phải ai cũng biết tới sự nhọc nhằn của các chiến sĩ biên phòng ở đây, ngày đêm quản lý đường biên cột mốc và canh gác cột cờ Lũng Cú. Lá cờ Tổ quốc hiên ngang bay trên đỉnh núi Rồng rộng tới 54m2 đại diện cho 54 dân tộc anh em đã trở thành biểu tượng khẳng định chủ quyền địa đầu đất nước nơi cực Bắc. Nơi biên ải xa xôi, các chiến sĩ biên phòng đang từng ngày từng giờ cùng bà con dân tộc H’mông, Lô Lô, Giáy ổn định đời sống, phát triển kinh tế, văn hóa và đặc biệt là quản lý 25,5km đường biên với 26 cột mốc chủ quyền trên địa bàn hai xã Ma Lé và Lũng Cú của huyện Đồng Văn tỉnh Hà Giang. Dòng Nho Quế như sợi chỉ bạc uốn lượn chảy đi bao nhiêu nước thì dường như cũng là bấy nhiêu mồ hôi công sức của con người ngàn đời ở nơi đây. Chuyện kể rằng, ngay sau khi đại phá quân Thanh, Hoàng đế Quang Trung đã cho đặt một chiếc trống lớn ở trạm gác trên đỉnh núi Rồng. Mỗi khi tiếng trống vang lên, loang xa đến mấy dặm. Đây cũng là cách khẳng định chủ quyền, đĩnh đạc đàng hoàng, thể hiện uy linh của Đại Việt, nhắc nhở những kẻ có dã tâm xâm lược hãy học lại những bài học từ lịch sử. Tiếng trống hào hùng ấy như còn ngân vang đến tận hôm nay và mai sau.
Đồn biên phòng Lũng Cú được thành lập năm 1978 với phiên hiệu Đồn 161. Năm 1990, theo yêu cầu nhiệm vụ, Đồn biên phòng Lũng Táo giải thể và nhập vào Đồn Lũng Cú với phiên hiệu 169 như bây giờ. Hiện nay, đồn quản lý từ cột mốc số 411 đến số 428 cũng là phần nhô ra xa nhất của Đồng Văn. Tiếng là cao nguyên đá nhưng trong 25,5km đường biên đã có tới 8km là biên giới đường sông. Ở đây đá chồng lên đá. Mồ hôi nhỏ xuống mồ hôi. Địa hình bị chia cắt nhiều. Có những khi đi tuần, chiến sĩ ta cơm đùm cơm gói hoặc đào củ rừng, bắt cá suối nhiều ngày là chuyện bình thường. Khí hậu ở nơi đây rất khắc nghiệt. Mùa mưa thối đất thối đá, đường sá sạt lở liên miên. Mùa khô sương mù dày đặc, cách nhau bảy tám bước chân đã không nhìn thấy người. Nhiệt độ có lúc xuống bằng 00C, có tuyết rơi là chuyện thường ngày ở Lũng Cú. Trong 5.000 ha của hai xã Ma Lé và Lũng Cú, núi đá chiếm trên 73%. Không ít lúc con người chỉ biết nhìn đá mà khóc vì gieo trồng hết sức khó khăn. Ước gì chuyển đá về xuôi làm xi măng chẳng hạn cũng có bội tiền. Nhưng điều đó quá viển vông. Cục đá chuyển được về xuôi giá thành đắt chẳng kém vàng. Nên bạt ngàn đá xám cứ mãi ở với cao nguyên Đồng Văn là vậy.
 
2. Ở Tây Nguyên

Đã đi nhiều nơi nhưng mỗi khi đến với Tây Nguyên mảnh đất này vẫn cho tôi vẹn nguyên một cảm xúc mãnh liệt và khó tả. Đến với các chiến sĩ biên phòng đồn 731 còn có tên là  Ya Lốp, một đồn mới thành lập, thuộc diện khó khăn nhất trong các đồn biên phòng tại xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai trời đã ngả sang chiều. Đồn mới thành lập nên cái gì cũng thiếu, đặc biệt là nước. Chúng tôi chỉ kịp tiếp tế một chút thực phẩm và bây giờ đây đang có mặt tại một trạm gác tuềnh toàng của đồn biên phòng 731. Trạm gác đơn sơ nằm heo hút nơi biên viễn trong một chiều ào ào gió chướng khiến những người đàn ông thoáng chút chạnh lòng. Từ thành phố Plâycu lên đến đây trên 100 ki lô mét, đường sá vẫn còn rất khó khăn. ở dưới đó phồn hoa, tấp nập, xập xình. ở nơi đây lặng lẽ, đơn sơ và im lặng. Nhiều nơi không có điện, nước phải gùi từ hàng chục ki lô mét, cũng là thứ nước không được sạch vẫn phải dùng. Những chiếc nồi đen nhẻm nằm úp ngược trên cái chạn gỗ đẽo gọt sơ sài càng tăng thêm vẻ khắc nghiệt của chốt. ở đây có bốn cán bộ, chiến sĩ. Ba người đã có vợ. Trẻ nhất là binh nhì Rơ Chăm Sư người Jơ Rai hai mươi mốt tuổi quê ở Ia Zôm - Đức Cơ - Gia Lai lấy cô vợ là Rơ Mah Phơm mới mười tám tuổi đang làm rẫy ở nhà. Gia đình Rơ Mah Phơm có bảy anh em, cứ đến mười tám, mười chín tuổi là lấy vợ lấy chồng. Ngày trước còn sớm hơn, có khi chỉ mười ba, mười bốn và điều đó đương nhiên gắn với đói nghèo, bệnh tật. Nhìn chàng trai biên phòng bồn chồn trông ra phía ngoài vạt đồi thấp lố nhố những cây dầu, cây khộp, nơi ông mặt trời đang lặn xuống, tự nhiên trong tôi dâng lên một cái gì nghèn nghẹn. Chốt dã chiến biên giới của đồn 731 có bốn cán bộ, chiến sĩ mang bốn quê hương hội tụ về đây. Nguyễn Chí Thiết quê Sơn Tây, nơi xứ Đoài mây trắng. Nguyễn Văn Hảo quê Thanh Hóa, nơi xứ Thanh bất khuất, kiên cường và binh nhất Chu Đức Xăm quê ở Măng Giang - Gia Lai. Đối với những người lính ở đây, Tây Nguyên hôm nay là mảnh đất ấm lành với bàn chân của mọi người từ các nơi tìm đến. Tây Nguyên in hằn trên đôi vai người chiến sĩ, trong đó có những người chiến sĩ biên phòng. Đến hôm nay, tỷ lệ con em người dân tộc Tây Nguyên trở thành bộ đội biên phòng đã khá nhiều, đang làm chủ những vùng đất của mình.
Buổi sáng, khi ở bên đồn 729, đồng chí đồn phó cho biết: Đồn có năm đồng chí lấy vợ người dân tộc trên địa bàn. Vợ dạy chữ, khám chữa bệnh, chồng vận động quần chúng. Tiếng là lấy vợ gần có khi hàng tháng mới gặp nhau. Chàng trai Kinh bên cô gái Bana, Jơrai, Êđê hay chàng trai Suđăng, Mơnông bên cô giáo Kinh xinh đẹp dạy chữ ở bản đã trở thành chuyện bình thường ở các đồn biên phòng Tây Nguyên. Điều đó cách đây hai, ba mươi năm chắc ít ai ngờ đến.
Biên giới Tây Nguyên mọi thứ như đang sinh sôi. Đây đó những triền hoa dong riềng, chuối rừng đỏ lựng, những rừng lá khộp chín thẫm, thi thoảng sót lại những vạt cúc quỳ vàng rực. Bên vách gỗ lán chốt sát đường biên những nhánh lan rừng thô mộc còn vương mùi rừng thẳm đang hé ra những nụ tròn đầy đong đưa trong ánh trong chiều muộn như có ý sẻ chia với người lính biên phòng. Cũng không biết là ai nghĩ gì nữa. Tất cả đang như hòa mình với đất trời cây cỏ, miên man với những suy nghĩ của riêng chung.
Chúng tôi đến với đồn 747 (đồn Po Heng) thuộc xã Krông Na - huyện Buôn Đôn - tỉnh Đắk Lắk. Đây là đồn xa xôi và khó khăn nhất tỉnh. Đường đi phải vòng vèo qua các vạt rừng, triền đồi, sông suối các huyện của tỉnh Đắk Nông. Dọc đường đi, bên rất nhiều đồn biên phòng Đăk Nông, những đàn bò Tây Nguyên lúc lắc nối nhau tràn kín con đường 14C vốn rất xấu, khó đi. Chiếc xe U oát cuốn bụi đỏ mù mịt. Trong xe, phóng viên và cán bộ tuyên huấn ai nấy đỏ khé những bụi, đồ đạc nhuộm kín một lớp bụi cao nguyên. Lạ lùng thay, hai bên đường, những dãy rừng già, phần nhiều trong số đó thuộc rừng quốc gia Y Zoóc Đôn rất nhiều khóm bằng lăng lớn trắng muốt như tuyết, có những cây cao gần trăm mét không một mảnh bụi, thanh thản đo cùng trời xanh, mây trắng.
Đồn 747 đối diện xã Krông Te - Huyện Pách Chăn Đa - tỉnh Mon Đun Ki Ri -Campuchia. Trưởng đồn đi vắng. Hai đồng chí đồn phó niềm nở tiếp chúng tôi. Công việc rất nhiều. Phải quản lý 15 ki lô mét đường biên với quân số còn thiếu nên công việc lúc nào cũng bận bịu nhất là khi con đường hành lang biên giới đang được tiến hành khẩn trương theo tiến trình ký kết của hai chính phủ Việt Nam và Campuchia. Ngồi trò chuyện nơi biên cương, mọi người như gần nhau hơn. Bên ấm trà xanh, chuyện dồn về, ăm ắp, từ vợ con, làng xóm, từ tập tục, văn hóa đến tăng gia, sản xuất, ước vọng riêng tư… trong mỗi người lính trẻ của các vùng đất trên cả nước cứ rì rầm, thủ thỉ.
Tôi vân vi nhìn những chàng trai trẻ, người Kinh, người Thượng tuổi đôi mươi đã gắn bó hai năm với đồn 749. Hai năm! Khoảng thời gian không dài nhưng đã đủ để tạo ra những thương yêu khó nói hết thành lời của đời người chiến sĩ. Một chàng trai Êđê hai mươi tuổ mang quân hàm binh nhất quê ở huyện Krông Pắk đang bối rối nhìn chiếc máy ảnh mà anh bạn đồng nghiệp giơ lên. Nụ cười của chàng trai dân tộc có nước da đen sạm và mớ tóc xoăn cháy khét cứa vào chúng tôi một sự khắc khoải, bồn chồn. Đi khá nhiều đồn, chúng tôi thấy một thực trạng là do thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự ngắn (mười tám tháng) nên mặc dù có nhu cầu và đã có sự phấn đấu của các chiến sĩ người dân tộc, sự quan tâm của lãnh đạo thì tỉ lệ được kết nạp Đảng trong quá trình tại ngũ của anh em là chưa cao. Điều này là một thiệt thòi cần khắc phục ngay bởi số anh em dân tộc sau khi thực hiện nghĩa vụ quân sự trở về nếu được kết nạp Đảng sẽ là nguồn cán bộ cho vùng sâu, vùng xa rất tốt sau này.
Ngay sau chuyến đi tôi đã báo cáo điều này với chính ủy Võ Trọng Việt.

3. Đêm đảo Nhơn Châu.

Tôi nhiều lần nói bộ đội biên phòng rất quý trọng và mong đợi các nhà văn quân đội đến với các đơn vị, nhất là ỏ nơi vùng sâu vùng xa là có lý do riêng. Tháng 4 năm 2011, Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức trại viết ở Quy Nhơn - Bình Định. Không riêng gì những người lính Biên phòng, các nhà văn quân đội cũng có rất nhiều khó khăn, nhất là khi mở các trại viết. Cuộc ấy, được giao nhiệm vụ lo về công tác tổ chức hậu cần cho trại, tôi rất lo lắng, có lúc là căng thẳng. Từ khi trại chưa khai mạc, còn ở Hà Nội, tôi đã báo cáo Tổng Biên tập và Trưởng Ban thơ một số hoạt động của trại, trong đó có một đêm giao lưu với cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên đảo Nhơn Châu. Được các anh ủng hộ và tin tưởng, tôi mạnh dạn điện thoại báo cáo xin tầu của Biên phòng Bình Định đưa các nhà văn nhà thơ ra đảo. Tôi hình dung việc sẽ khó khăn vì một lúc chở cả đoàn trên 20 người ra biển. Ăn ở ra sao? Phục vụ ra sao? Còn xăng dầu, chi phí, lệnh xuất tàu, lý do công tác. Thật bất ngờ, phía bên kia đầu dây, anh Châu, Phó Chỉ huy trưởng Tham mưu trưởng Biên phòng Bình Định rất sốt sắng nhận lời và hỏi tôi cặn kẽ, tỉ mỉ từng yêu cầu của đoàn. Anh niềm nở mời các nhà văn nhà thơ đến với bộ đội Biên phòng tỉnh. Tôi thực sự xúc động trước sự quý mến của các anh. Bộ đội Biên phòng là thế. Ấm áp. Chân tình. Trọng người. Quý khách. Khi chuẩn bị lên tàu, các chiến sĩ Biên phòng đã đứng đón từ lâu. Những cái xiết tay rất chặt. Những ánh mắt, nụ cười sạm màu nắng gió. Những câu hỏi câu chào thiệt tình, giản dị thôi sao mặn mòi như muốn biển. Sống mũi tôi cay cay. Các anh các chị trong đoàn cũng thế. Trên hành trình ra đảo, chúng tôi cùng các chiến sĩ Biên phòng Nhơn Châu luôn cất tiếng hát vang, đủ cả giọng Thanh, giọng Nghệ, xứ Quảng, xứ Đoài, xứ Đông... Có điều gì sảng khoái hơn được hát và nghe đồng đội hát trên mặt biển.
Đêm ấy, chúng tôi giao lưu với cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên xã đảo Nhơn Châu.
Lần đâu tiên tôi đảm đương cương vị dẫn chương trình.
Thật lạ, tôi không hề bối rối. Tôi cởi mở tấm lòng mình, tấm lòng của người viết với đồng đội, đồng nghiệp, đặc biệt là những người lính, trong đó có những người lính biên phòng đang ngồi kia. Và những em nhỏ tóc cháy khét màu nắng biển, với thầy cô giáo lênh đênh ra đây dạy chữ, dạy người đang như tiếp thêm cho những người cầm bút chúng tôi một cái gì lắng sâu, hồn hậu. Các nhà văn nhà thơ Phạm Trọng Thanh, Bình Nguyên, Nguyễn Dự, Ngọc Tuyết, Mạnh Hùng, Trần Trí Thông, Thai Sắc, Phạm Xuân Phụng, Ninh Đức Hậu, Du An... được mời lên sân khấu đã hát, đọc thơ, tâm sự những điều sâu nhất, thật nhất với những người lính ăn gió nằm sương trên đảo. Đêm cứ sâu dần. Chúng tôi cứ hát, đọc thơ và tâm sự. Ngoài xa kia là biển. Trên cao kia là những vì sao đang rì rào, nhấp nháy cổ vũ những người lính, các nhà văn nhà thơ. Chúng tôi ngồi lẫn vào nhau, thật gần, hát mãi những bài ca về cuộc sống, về cuộc đời người chiến sĩ.
Đêm đảo Nhơn Châu ấy, hẳn nhiên là một kỷ niệm đẹp, sâu với mỗi người có mặt, hẳn nhiên cho tôi cái nhìn gần hơn, gắn bó hơn với người chiến sĩ Biên phòng...