Dẫu xã hội có văn minh và hiện đại đến mấy thì Tết Nguyên Đán cổ truyền vẫn là Quốc lễ lớn nhất của dân tộc Việt Nam chúng ta và hoa Đào Hà Nội vẫn khoe sắc thắm, vui xuân cùng cả nước. Xuân của Thủ đô tưng bừng, hồ hởi, ùa vào nơi tháp cao, dinh thự, nơi ngoại ô rực sáng ánh đèn…Nhưng xuân còn đằm thắm, sóng sánh nơi phố cổ bởi những bức thư pháp tươi màu giấy đỏ, như phảng phất hơi ấm hoài niệm xưa, bâng khuâng gợi nhớ những câu thơ tài hoa của Cụ Vũ Đình Liên: Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Trên phố đông người qua... Có lẽ, từ cổ chí kim ở xứ ta chưa một thi nhân nào làm thơ về ông đồ hay và đẹp đến thế. Hồn phách bài thơ là nỗi ám ảnh đến cồn cào tâm can, nén dồn cảm hứng, bỗng thăng hoa từ những đường nét, sắc màu “Phố Phái” để danh họa Bùi Xuân Phái xuất thần tái hiện chân dung Ông Đồ hóa thân từ những câu thơ của thi sĩ Vũ Đình Liên. Thi và Họa tìm được nhau, cùng hòa quyện đến chín dền thành hương sắc ngày Xuân, đắp bồi cho nếp riêng của người Hà Nội. Bởi vậy, Hà Nội đã có riêng một phố Xuân mang tên “Phố Ông Đồ” - phố chỉ họp vào dịp tết Nguyên Đán, rực rỡ sắc màu như điểm tô cho vẻ đẹp cổ kính, đức đạo nơi Văn Miếu - Quốc Tử Giám tôn nghiêm, trường đại học đầu tiên của trí tuệ Việt Nam.
Phố Ông Đồ bao giờ cũng nhộn nhịp, vui tươi với những câu chào hỏi, chúc mừng hoan hỷ. Tiếng là phố chợ, nhưng tịnh không một tiếng kì kèo, mặc cả tiền bạc, không giống những chợ Tết mua sắm hàng hóa ồn ã ở những nơi khác. Phố chữ, nổi bật hình ảnh những ông đồ tận tình hiếu khách hoặc cặm cụi, cẩn trọng đặt bút viết lên những vuông giấy Điều để rồi con chữ thành đức tin, thành tín ngưỡng được treo ở nơi tôn nghiêm của mỗi nhà để đón mừng năm mới. Việc cho chữ, tặng chữ đã trở thành nét văn hóa của dân tộc, là nhu cầu và cũng là thú chơi tao nhã của nhiều gia đình Hà Nội. Dáng hình của những ông đồ ấy, nói như nhà thơ Vũ Đình Liên - họ là “những người muôn năm cũ”, nhưng giờ đây những ông đồ, đặc biệt là “Cô đồ”, “Cậu đồ”, những tài năng trẻ được đào luyện công phu, bài bản ở các lớp, các câu lạc bộ thư pháp xuất hiện ngày một nhiều, góp phần điểm tô cho nét đẹp văn hóa độc đáo, sang trọng, cổ kim hài hòa thanh bình và hạnh phúc.
Những người yêu mến và sành chơi thư pháp đều biết đến danh thơm của thầy Hương nam Trần Đức Cảnh - một nhà Hán học uyên thâm đã dày công đào tạo nhiều thế hệ ông đồ. Một trong số học trò giỏi của Thầy Trần Đức Cảnh là môn sinh Vũ Ngọc Kỳ (bút danh Nam Phương Vũ Ngọc Kỳ), là cháu ruột của nhà thơ, Nhà giáo Nhân dân Vũ Đình Liên. Ông đồ Vũ Ngọc Kỳ cho biết: Để viết được thành công một bức thư pháp thì người viết phải am tường về mỗi con chữ, về ý nghĩa sâu sắc của từng con chữ với cuộc đời, cách ứng nhân xử thế, về triết lý nhân sinh… và để viết chữ tâm đắc, phải có thời gian ngẫm nghĩ, để khi tâm hồn thư thái, đốt trầm thơm, thưởng trà, thưởng rượu rồi mới vận bút trên giấy gửi gắm cả tâm hồn mình vào hình và nét chữ, những chữ ấy bao giờ cũng có thần.
Tết Nhâm Thìn năm nay rất đặc biệt - năm con Rồng, theo quan niệm truyền thống, linh vật Rồng tượng trưng cho sự may mắn và tinh thông nhất trong 12 con giáp. Rồng là biểu tượng của danh dự, quyền lực và sự lỗi lạc, nó cũng còn mang hàm nghĩa là “con trời”. Bởi vậy, rất nhiều bậc cha mẹ mong muốn sinh con trai và xin thầy đặt tên cho con mình thật hay, thật đẹp để cho thỏa tâm nguyện lớn lao của bậc sinh thành.
Ông đồ Vũ Ngọc Kỳ, theo nghiệp viết thư pháp không vì mục đích kiếm kế sinh nhai, mà để thỏa mãn miềm đam mê thư pháp - một thú chơi tao nhã, vừa rèn luyện trí lực để răn mình, vừa làm đẹp cho đời. Bởi vậy, đã thành nếp quen, năm nào cũng vậy, cứ độ trung tuần tháng Chạp, ông đồ Kỳ lại chuẩn bị bút nghiên, giấy, mực… đến đúng vị trí “sạp hàng” ở Phố Ông Đồ trên hè của phố Văn Miếu để thể hiện niềm đam mê cháy bỏng của mình. Với bút danh Nam Phương - Ông Đồ Vũ Ngọc Kỳ mong muốn đem hương thơm của Trời Nam đến với những người yêu thư pháp, yêu thơ và yêu chữ cùng gặp gỡ, trò chuyện và thưởng lãm. “Hữu xạ tự nhiên hương”, nhiều người biết ông đồ Kỳ là cháu ruột Cụ Vũ Đình Liên nên tìm đến tận nơi, hỏi đúng người mới ngỏ lời xin chữ để cầu tài, cầu phúc, lấy may đầu Xuân. Bài thơ Ông đồ của người bác dường như “vận” vào cuộc đời ông. Vũ Ngọc Kỳ đã họa lại bài thơ Ông đồ để ngợi ca mùa xuân của đất nước và cung kính tưởng nhớ bậc tiền nhân danh tiếng một thời.
Lại một mùa xuân mới đang về với đất nước quê hương, tâm hồn mỗi người trước bước chuyển của thời gian qua những nét chữ khoáng đạt trên giấy thắm gợi cho chúng ta niềm tin vào cuộc sống, vào cái thiện và những điều tốt đẹp mà mỗi người sẽ tự thắp sáng.
Để góp thêm một nét đẹp cùng bức tranh Xuân và nhớ về thi nhân Vũ Đình Liên, chúng tôi xin giới thiệu bài thơ “Gặp Ông đồ Mới nhớ Ông đồ Xưa” của tác giả Vũ Ngọc Kỳ thay lời chúc mừng năm mới. Một năm tràn đầy hạnh phúc, niềm tin và hy vọng. Hình ảnh ông đồ xưa với nỗi buồn cô quạnh nhưng mỗi năm mỗi vắng đã dần lui về dĩ vãng nhường chỗ cho hình ảnh ông đồ mới của thời kỳ đất nước hội nhập và phát triển giữa không gian dạt dào cảm xúc trước thềm xuân.
Gặp Ông đồ Mới nhớ Ông đồ Xưa
Tác giả: VŨ NGỌC KỲ
Hôm nay đi chợ Tết
Bỗng gặp lại Ông Đồ
Bao lâu rồi vắng bóng
Tưởng chỉ còn trong thơ
Vẫn mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua
Ngọn bút vờn trên giấy
Thư pháp quả tài hoa
Câu đối chúc ngũ phúc
Cùng Xuân đến từng nhà
Câu đối mừng đất nước
Đổi mới rực trời hoa
Nét văn hóa dân tộc
Tự nghìn xưa đến giờ
Đón Xuân bên câu đối
Thắp sáng bao ước mơ
Giờ giao thừa đã điểm
Trống hội rộn đất trời
Đất nước vào Xuân mới
Vui, vui lắm bạn ơi.
Vũ Thanh Nhàn
Ảnh: Tác giả VŨ NGỌC KỲ