Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TỨ BÌNH YẾN LAN - LỜI BÌNH CỦA VÂN LONG

Yến Lan-Vân Long
Thứ bẩy ngày 21 tháng 1 năm 2012 4:51 PM
Đến với thơ hay
 
                                    Quan họ 
                                  Rạo rực bờ ao, lả trúc tre
                               Ơi người ơi! người ở đừng về
                               Một câu quan họ mành như chỉ
                               Xuyên suốt tâm hồn mọi nẻo quê
                                             
                                                      
                                      Em lý hay em cưỡi ngựa ô
                                 Bờm tung, vó dựng, lạc đồng khua
                                 Hồn anh như cuốn theo sau gót
                                 Xốc dạy thanh âm lớp bụi mờ
                                                  Tuồng
                            Chưa xuông Tiết Nghĩa, mẹo gian hùng
                                Đâu dễ nhìn ra lớp “sóng tùng”
                                Binh lửa vừa lui, đèo núi dựng
                                “Gian nan là nợ khách anh hùng”
                                                     Chèo
                               Vò rối tơ rồi gỡ rối tơ
                                  Gỡ không ra mối lại đem vò
                                  Nàng Vân giả dại, nàng Vân dại
                                  Vân dại nên đời cũng ngẩn ngơ

                          Yến Lan
          
  Người giới thiệu và bình : Vân Long
     
Chùm thơ về nghệ thuật cổ của nhà thơ Yến Lan như một bức tứ bình treo tết, trên tường phòng khách của bạn chẳng hạn, xin mời các bạn thưởng ngoạn. Tôi không dám bình gì nhiều. Tôi chỉ điểm cái thần của từng bài, mà thiếu nó, bài thơ lui ngay xuống hạng trung bình.

Ở Quan họ, theo tôi, nó nằm ở câu thứ ba Một câu quan họ mành như chỉ. Sự so sánh cho ta mường tượng điệu hát quan họ là một cái gì rất mảnh mai, tinh tế. Từ đó để nói tâm hồn người dân quê mình cũng tinh tế lắm, chọn   lọc lắm, nhỏ như chôn kim thì chỉ mới xuyên suốt được. Chưa nói đến cái tài cụ thể hoá một giọng hát không nhìn thấy thành một vật thể nhìn thấy được là    sợi   chỉ.
       Bài Lý thì tài vẽ tranh của tác giả nằm ở câu hai: Bờm tung, vó dựng, lạc đồng khua. Chỉ một câu, ta như được ngắm bức tranh Ngựa của Từ Bi Hồng. Nét bút tung hoành bờm tung, vó dựng còn thêm cả âm thanh lạc đồng khua. Câu Lý ngựa ô của cô gái không chỉ cho ta thấy cô, mà cô đã hoà vào một khối hình. Kỵ sĩ, kỵ mã chỉ còn là một. Tốc độ phi đã cuốn người nghe sau gót, xốc dậy một lớp bụi đường, nhưng đây là bụi âm thanh. Hai câu sau dù hay, cũng chỉ là sáng tạo nhỏ được suy ra từ bức vẽ bằng âm thanh ở câu trên.
       Bài Tuồng, xin lưu ý bạn đọc ở âm hưởng tiếng trống tuồng. Nếu nhà thơ    dùng vần a, hẳn hiệu quả bài thơ sẽ giảm đi nhiều lắm! Sóng tùng, anh hùng!
Nghệ thuật tuồng thường được cô đặc trong các biểu tượng, về đạo lý thì Tiết Nghĩa, về triết lý thì “gian nan là nợ khách anh hùng”, một triết lý tự tin ở sức mạnh bản thân. Chinh chiến có cái gian nan của chinh chiến, dặm đường hiểm    trở có cái gian nan của hiểm trở, nhưng đã mang khí phách anh hùng thì...ta đâu há sợ! Nguyên việc lẩy ra những biểu tượng của Tuồng hòa vào tiếng trống tuồng đã đủ rộn rực một đêm diễn!
        Đến Chèo thì nghệ thuật chữ nghĩa của Yến Lan đã đến  tầm ảo diệu! Tâm trạng của Xuý Vân bị dằn vặt trăn trở giữa phận chim lồng với người chồng hờ để được tiếng thuỷ chung hay phá cái lồng lễ nghĩa để hưởng hạnh phúc đời thường mà chịu búa rìu dư luận? Sự trăn trở quẩn quanh ấy thể hiện tài tình ở hai câu Vò rối tơ rồi gỡ rối tơ - Gỡ không ra mối lại đem vò. Những    mối tơ rối vào nhau, những con chữ cũng rối vào nhau! Và Vân giả dại hay        Vân dại cũng là sự luận bàn ngơ ngẩn của nhiều thời.
       Thất ngôn tứ tuyệt chỉ gồm 28 âm tiết, thông thường người ta cố tránh sự điệp ngữ trong số từ ít ỏi như vậy. Thế mà, ta đếm có đến hai chữ vò, hai chữ    rối, hai chữ tơ, hai chữ gỡ, ba chữ Vân dại, hai chữ nàng. Đây là sự điệp ngữ cố ý rất nghệ thuật. Có thể nói tác giả đã vò rối chữ lên để thể hiện tâm trạng rối như tơ vò của nhân vật.
       Nhà thơ Yến Lan thời trẻ đã được tiếng là một nhà thơ, nhà biên tập kỹ lưỡng về chữ nghĩa. Cấu trúc câu của ông bao giờ cũng chặt chẽ, giầu tính sáng tạo. Cao tuổi, ông lui về thể thơ tứ tuyệt, thể thơ cần nhiều đến tâm trạng và hàm nghĩa chữ hơn là cảnh và sự. Chiếc lá cuối mùa, cơn gió đầu thu đều là cớ để ông  nói về sự chiêm nghiệm cả đời của mình. Càng những người cao tay nghề, càng dễ sử dụng thể loại này, nhưng hễ non tay là nhược điểm lộ ra liền. Chả thế, có người cho rằng: chỉ cần lật tập thơ, đọc những bài tứ tuyệt là biết trình  độ chữ nghĩa của tác giả!