Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NĂM THÌN TẢN MẠN VỀ CON RỒNG VIỆT NAM

Trần Vân Hạc
Thứ sáu ngày 20 tháng 1 năm 2012 7:23 AM
Rồng được coi là chúa tể cai quản vùng sông nước, linh vật gắn với nền văn minh lúa nước phát triển, ẩn chứa những yếu tố Âm – Dương, Lửa – Nước… từ bao đời luôn đồng hành với người Việt, từ tâm linh đến mọi hình thức sinh hoạt văn hoá. Trên thế giới duy nhất có người Việt ta nhận Rồng (và Tiên) là tổ tiên nòi giống của mình.
Có thể khẳng định Rồng xuất hiện từ rất sớm ở đông nam Á, cái nôi của nền văn minh lúa nước của nhân loại và phát triển khắp châu Âu… Với người Việt Nam, hình tượng rồng ra đời từ thời Hồng Bàng, gắn với truyền thuyết Con Rồng – cháu Tiên, trong đó Tiên và Rồng là một cặp đôi – vật tổ theo lối tư duy từ triết lý Âm Dương mà có, Tiên được trừu tượng hóa từ giống chim để rồi Mẹ Âu Cơ đẻ trứng, còn Rồng là linh vật được trừu tượng hóa từ hai con vật phổ biến ở Đông Nam Á là rắn và cá sấu. Rồng không cần cánh vẫn bay vút lên trời cao, miệng phun ra nước, mũi phun ra lửa. Rồng là linh vật các vua Việt Nam phải xăm lên đùi mình để giữ truyền thống của cư dân ven biển, mãi đến đời vua Trần Anh Tông (1293-1314) mới chấm dứt tục xăm hình rồng đó. 
Các nhà nghiên cứu đã làm một thống kê khá thú vị: theo dòng chảy của lịch sử, hình tượng Rồng ngày càng “hoàn thiện” hơn, “thật” hơn cả những vật có thật, là biểu tượng của sự cao quý, của sức sống vĩnh hằng và sức mạnh vũ trụ. Rồng còn là biểu tượng của mưa thuận gió hòa, là linh vật đứng vào hàng bậc nhất trong tứ linh “long, lân, quy, phụng”. Rồng là tượng trưng cho quyền uy tuyệt đối của các đấng thiên tử (bệ rồng, mình rồng). Vì thế, hình tượng con rồng Việt Nam đối nghịch với hình tượng con rồng độc ác, tượng trưng cho cái xấu của các nước phương Tây. Qua hình rồng ta có thể hiểu được phần nào bộ mặt của xã hội lúc đó. Thời Hùng Vương, rồng mang nguyên mẫu cá sấu được khắc trên những chiếc rìu lưỡi xéo bằng đồng từ thời Đông Sơn. Đến thời Lý, một vương triều phồn thịnh, rồng đã có sự kết hợp hài hòa của cá sấu và rắn với thân hình uốn lượn nhịp nhàng, uyển chuyển, tượng trưng cho sự ổn định của xã hội và mây mưa sóng nước, mưa thuận gió hòa. Đến thời Trần, một thời kỳ lịch sử đất nước phát triển năng động, cường thịnh với chế độ quân chủ trung ương tập quyền. Thời Hồ, rồng với những chính sách cải cách táo bạo, rồng có thân hình mập mạp, to khỏe hơn cho thấy sự sung sức, táo bạo của vương triều vừa mới sáng lập bằng cuộc cải cách của Hồ Quý Ly. Thời Lê, khi xã hội phong kiến phát triển, uy lực của Vua lên tới tột đỉnh thì Rồng dũng mãnh, dữ tợn hơn với móng quặp, sừng dài, râu rậm, mặt mũi đanh, sắc, bờm dựng. Thời Mạc khi xã hội nhiễu nhương và những cuộc tranh chấp liên miên thì rồng uốn khúc tuỳ tiện, hình dáng chắp vá. Triều Nguyễn được thiết lập, rồng có hình dáng vẻ uy nghi tượng trưng cho sức mạnh thiêng liêng …
Rồng Việt Nam khác hẳn rồng của các nước khác,  hoàn hảo về mỹ thuật, có cá tính rõ ràng và đặc trưng cho dân tộc Việt. Thân rồng uốn lượn 12 khúc, đại diện 12 tháng trong năm, tượng trưng cho sự thay đổi thời tiết năm tháng, sự trù phú và phồn vinh của nền văn hóa nông nghiệp lúa nước. Thân mềm mại uốn lượn thể hiện sự biến hóa và khả năng thay đổi, dịch chuyển thiên nhiên của con rồng cai quản thời tiết, mùa màng… 
Rồng đi vào đời sống tâm linh của người Việt ta với sự tích “con Rồng, cháu Tiên” vô cùng độc đáo. Cha Lạc Long Quân là vị thần mình rồng, con trai của thần Long Nữ đã lấy nàng Âu Cơ đẻ ra bọc trăm trứng…  Để rồi trải 4.000 năm lịch sử, dòng máu Tiên Rồng, tình nghĩa đồng bào, Làng – Nước dần hình thành và trở thành truyền thống “Nhiễu điều phủ lấy giá gương”. Và cũng từ đó mỗi người Việt Nam đều mang trong mình ý niệm về “Nguyên khí quốc gia, Hồn thiêng sông núi, Địa linh nhân kiệt”.
Rồng luôn gắn bó với Đất – Trời, con người và cảnh vật của non sông đất Việt. Khắp đất nước ta đâu đâu cũng có địa danh mang tên Rồng: Thăng Long, Hạ Long, Bái Tử Long, Bạch Long Vĩ, Long Biên, Long Đỗ, Long Điền, Hoàng Long, Hàm Long, Hàm Rồng, Long An, Vĩnh Long, Phước long, Cửu Long… Chưa nói bao sản vật ăm ắp hương vị Việt cũng mang tên rồng: Nếp rồng, khoai rồng, quả thanh long, quả đậu rồng, cây xương rồng (hàng trăm loại), hoa móng rồng…
Rồng là vận hội của non sông, của nhân tài, là bản mệnh của vua chúa, của triều đại. Rồng từng giúp nhiều triều đại chống giặc ngoại xâm: giúp Triệu Quang Phục đánh giặc Lương, giúp Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân, phò Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long… và nhiều mặt liên quan đến sinh mệnh và sinh hoạt của vua đều có rồng: Long nhan, long thể, Long sàng, Long xa, Long ngai, sân rồng, kiệu rồng. Long mạch…
Rồng là biểu tượng của sự cao quý, của sức sống vĩnh hằng và sức mạnh vũ trụ nên hình tượng rồng được sử dụng nhiều trong kiến trúc cung đình, đình chùa, trang phục vua chúa. Việc xác định phong cách thể hiện con rồng qua các thời kỳ sẽ là một căn cứ để xác định niên đại công trình kiến trúc nào đó. Ngày nay, trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, con rồng không còn mang ý nghĩa thiêng liêng, tối thượng nữa, nhưng nó vẫn là đề tài sáng tác trong các lĩnh vực kiến trúc, điêu khắc, hội họa, mỹ nghệ… đem lại một vẻ đẹp dân tộc và hiện đại.
Trong dân gian, rồng có nhiều loại và có những so sánh, ví von thú vị:
- Thanh long (rồng xanh): Tả thanh long, hữu bạch hổ.
- Hoàng long (rồng vàng): “Rồng vàng tắm nước ao tù”.
- Hắc long (rồng đen) và Bạch long (rồng trắng), dân gian có câu: 
 Rồng đen lấy nước thì nắng
Rồng trắng lấy nước thì mưa.
Hoặc:
“Rồng đen lấy nước được mùa
Rồng trắng lấy nước thì vua đi cày”.
 Từ hiện tượng thiên nhiên như “rồng hút nước” đến nết người: “Ăn như rồng cuốn, uống như rồng leo”. Thậm chí râu rồng đựơc coi là loại cao lương mỹ vị, xưa chỉ dành cho vua chúa: “Nem công, chả phượng, râu rồng”.
 Trong tình yêu đôi lứa, rồng được xuất hiện trong nhiều so sánh thú vị, đây là những cung bậc của nỗi nhớ mong:
“Nhớ chàng như vợ nhớ chồng
Như chim nhớ tổ, như rồng nhớ mây”.
 Hoặc:
“Nhớ chàng như vợ nhớ chồng
Như chim nhớ tổ, như rồng nhớ mây
Mấy khi rồng gặp mây đây
Để rồng than thở với mây vài lời
Nữa mai rồng ngược mây xuôi
Biết bao giờ lại nối lời rồng mây”.
 - “Thiếp xa chàng như rồng nọ xa mây
 Như con chèo bẻo xa cây măng vòi”.
Và cái cách so sánh hiện thực của nhiều đôi lứa thật là thi vị và tinh tế:
           “Thế gian được vợ hỏng chồng
Có đâu như rồng mà được cả đôi”.
 Thật ngoa ngoắt khi so sánh:
 “Lỗ mũi em mười tám gánh lông
Chồng yêu, chồng bảo râu rồng trời cho”.
Và khi nói về nòi giồng:
“Trứng rồng lại nở ra rồng
Liu điu lại nở ra dòng liu điu”.
Đây là cuộc gặp gỡ niềm mơ ước:
 “Tình cờ anh gặp mình đây
Như cá gặp nước, như mây gặp rồng”.
 Lúc giận hờn, trách cứ:
“Rồng nằm bể cạn phơi râu
Những điều anh nói dấu đầu hở đuôi”.
 Còn đây là khi nói về lòng chung thuỷ và hạnh phúc gia đình:
Trăm năm ghi tạc chữ đồng
Dù ai thêu phụng vẽ rồng mặc ai”.
 Hình tượng con rồng còn là nơi gửi gắm niềm ước ao và khát vọng của người phụ nữ trong hôn nhân:
 - Gái có chồng như rồng có vây
 - “Phận gái lấy được chồng khôn
Xem bằng cá vượt vũ môn hoá rồng”.
-  “Một ngày  tựa mạn thuyền rồng
Còn hơn muôn kiếp ở trong thuyền chài”.
 Ngày xưa đi thi tiến sĩ, ai đỗ được ghi tên lên bảng, gọi là “long bảng” - bảng rồng:
“Bao giờ cá lý (chép) hoá long
Đền ơn cha mẹ ẵm bồng ngày xưa”.
 Rồng Việt Nam còn hiền hoà, bình dị, gần gũi trong những hội hè, đình đám, liên hoan cho thêm phần hấp dẫn, sinh động: múa rồng, bơi thuyền rồng… Rồng còn vui đùa cùng trẻ nhỏ, trò: rồng rắn lên mây mãi đồng hành với mỗi người dân đất Việt trong suốt cuộc đời.
 Trong thời kỳ đất nước phát triển và hội nhập, hình ảnh con rồng Việt hội tụ lương tri, trí tuệ và khát vọng vươn tới những đỉnh cao của những người dân trên dải đất hình rồng, đang trở thành một con rồng châu Á ngày một cường thịnh. Con rồng Việt Nam cao quí nhưng bình dị, thân thương như thế đó, rồng đi từ đời sống hàng ngày vào thế giới linh thiêng, hội tụ vẻ đẹp của 4.000 năm lịch sử. Rồng không chỉ là niềm tin tâm linh nguyên thủy của cư dân văn minh lúa nước thuở xa xưa, mà gần gũi thân thương với mỗi người dân “Con Rồng, cháu Tiên”.

Xuân Nhâm Thìn
Trần Vân Hạc