Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THẺ NHÀ VĂN – CÓ NÊN CHỈ MỘT ĐẦU MỐI?

Bùi Văn Bồng và Lâm Bình Thái
Thứ bẩy ngày 14 tháng 1 năm 2012 5:19 PM

 Trang báo mạng tại địa chỉ Link: http://baoquangnam.com.vn/van-hoa-van-nghe/cau-chuyen-van-nghe/33810-mua-ket-nap-hoi-vien.html, ngày 29-10-2011 có đăng bài:: “Mùa kết nạp hội viên” như sau: 

  “Hằng năm, cứ vào cuối thu...”, xin mượn đoạn mở đầu câu văn của Thanh Tịnh để phản ánh về việc kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (NVVN). Hằng năm, cứ vào cuối thu... không ít người viết văn làm thơ chẳng quản tuổi cao sức yếu, đường sá xa xôi tụ hội về thủ đô Hà Nội, gặp từng thành viên Ban Chấp hành (BCH) Hội NVVN để “xin” một lá phiếu ủng hộ! Một nhà thơ đã kể câu chuyện cười ra nước mắt. Đến “mùa” kết nạp hội viên, có người làm thơ nọ đến nhà chơi, nói rất thật lòng: “Em biết thơ em dở, chả có thành viên nào trong BCH Hội NVVN chịu bỏ phiếu ủng hộ đâu.Thôi thì, xin bác cho em một phiếu an ủi cho đỡ tủi...”. Nhà thơ gật đầu, vì nghĩ rằng chỉ mỗi mình cho anh ta một phiếu ủng hộ cũng chẳng sao! Ông đâu có biết, với chiêu thức “xin bác cho em một phiếu an ủi cho đỡ tủi...” được áp dụng cho tất cả thành viên BCH Hội NVVN, kết quả, mùa kết nạp hội viên năm đó, người làm thơ nọ đạt số phiếu tuyệt đối và trở thành hội viên Hội NVVN! Các thành viên BCH không thể hủy bỏ kết quả do mình chọn lựa, đành ngậm đắng nuốt cay với cú lừa ngoạn mục. Thế nên mới có câu thơ của Bảo Sinh viết theo “trường phái Bút Tre”: “Đêm nằm nghĩ mãi không ra/ Tại sao thằng ấy lại là nhà thơ?”.
            
Cứ ngỡ chuyện xin xỏ kia sẽ không còn tiếp diễn, nào ngờ bây giờ vẫn có không ít người làm thơ viết văn thiếu lòng tự trọng. Đi dự hội thảo “Thơ Việt Nam hiện đại nhìn từ miền Trung” do Hội NVVN tổ chức vào đầu tháng 10 tại thị xã Sầm Sơn - Thanh Hóa, tôi lại được nghe kể lắm chuyện bi hài. Nhà thơ N.H bảo: “Năm nay, số lượng người làm thơ có đơn xin vào Hội NVVN ngót nghét 400 người. Trong khi đó, chỉ có trên dưới mươi người được xem xét kết nạp, thành ra...”. Còn nhà thơ T.T cười nói: “Bởi vậy, có người đã “nằm vạ” trước cửa Hội NVVN!”. Nữ nhà thơ nọ đã có thơ in ba, bốn tập, giấy trắng, bìa đẹp và nội dung... nhạt hoét, nhưng vẫn cố. “Thơ em, các cụ cao tuổi cùng sinh hoạt trong câu lạc bộ thơ ở phường nức nở khen hay. Năm nay, Hội NVVN không xét kết nạp em vào hội, lỡ em có mệnh hệ nào thì Hội NVVN phải chịu trách nhiệm!”. Nữ nhà thơ nọ tuyên bố khiến không ít vị trong BCH Hội NVVN “xanh mặt”.
           
Những người làm thơ viết văn chưa có “cái thẻ đỏ” (thẻ hội viên Hội NVVN) thì đến mùa kết nạp hội viên, họ cố tìm mọi cách chạy chọt, đi ngõ sau, những mong được chen chân vào cánh cổng chật hẹp của ngôi nhà số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hà Nội. Họ quên mất tiêu chí quan trọng hàng đầu để được kết nạp là tác phẩm có nội dung và nghệ thuật đạt chất lượng tốt, được dư luận bạn đọc đánh giá cao. Khi vào Hội NVVN rồi, không ít người quay lại chê bai cái hội mà mình đã tự nguyện làm đơn xin. Và cũng đã qua hai kỳ đại hội Hội NVVN, chưa thấy ai làm đơn xin ra khỏi hội.
            Đội ngũ những người viết văn làm thơ hiện nay chưa phải là hội viên Hội NVVN hiện nay khá đông đảo. Trong khi đó, hằng năm, Hội NVVN chỉ xem xét kết nạp tối đa không quá 50 người. Vì thế, mùa kết nạp hội viên bao giờ cũng ồn ào sôi động với bao tiếng chì tiếng bấc.
LÂM BÌNH THÁI
          
• Ý kiến của Bùi Văn Bồng: 
        
Nguồn thông tin này do bạn Hòa Văn tại blog Link: http://yume.vn/121954 - đã gửi đến hộp thư của tôi hôm qua, sau khi anh đọc bài “Thư ngỏ gửi ông Hữu Thỉnh” đăng trên trang web trannhuong.com, tại Link:
http://www.trannhuong.com/news_detail/12431/THƯ-NGỎ-GỬI-ÔNG-HỮU-THỈNH.
Sau khi đọc bài trên đây của tác giả Lâm Bình Thái trên báo Quảng Nam Online, tôi suy nghĩ: Hội Nhà văn Việt Nam cũng như nhiều hội khác, là hội nghề nghiệp, cũng là hội phong trào. Nhiều khi nguồn kinh phí do Nhà nước cấp hàng năm và nguồn huy động khác không thể bằng một số hội cùng ngang bậc. Người sáng tác văn học vào Hội để thêm phần vui vẻ, có nơi giao lưu, bồi bổ kỹ năng và trao đổi kinh nghiệm, cũng là chuyện thường tình. Nhưng việc gì mà phải chạy chọt cho khổ, có khi tốn tiền tốn quà cáp, hạ cố nịnh nọt đến mức đánh mất cả nhân cách mình và làm hỏng nhân cách người khác. Cái thủ tục, đơn từ, thống kê tác phẩm để vào Hội NVVN cũng nhiêu khê, mỗi ông một cách, mỗi năm mỗi khác, mỗi hội địa phương đưa ra một mẫu bộ hồ sơ không giống nhau.

Hiện nay, tại Văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam còn tồn lại hơn 600 ứng viên do các hội địa phương gửi đến chưa được kết nạp vào Hội. Lại mỗi năm bổ sung thêm mấy chục hồ sơ mới nữa. Trong khi đó, mỗi năm cũng chỉ kết nạp cao lắm khoảng 50 hội viên (năm 2010 kết nạp 40 hội viên, năm 2011 kết nạp 41 hội viên). Như vậy, tình trạng tồn đọng hồ sơ vẫn còn và kéo dài với cấp số cộng. Nhiều ứng viên muốn là hội viên Hội Nhà văn VN nhưng làm hồ sơ, rồi hăng hái sáng tác, rồi cạy cục in sách, chờ dài cổ nhiều năm, sáng tác cũng khá chất lượng nhưng vẫn không được kết nạp. Có ứng viên chết bệnh, chết già mà hồ sơ còn nằm ở Văn phòng Hội. Nhà thơ nổi tiếng như Việt Phương, đến 82 tuổi (cuối năm 2010) mới được kết nạp vào Hội.

Từ lâu, Hội Nhà báo Việt Nam tập trung chỉ một đầu mối kết nạp hội viên hàng năm. Làm báo địa phương, báo ngành, báo hội chuyên ngành hay báo Trung ương cùng chung một đầu mối cấp thẻ nhà báo. Chỉ cần Tổng biên tập và thêm Hội nhà báo địa phương đề xuất, duyệt hồ sơ gửi lên Hội Nhà báo VN là được hội Trung ương xem xét cấp thẻ. Nhưng chỉ riêng Hội Nhà văn đến nay vẫn phân biệt thứ bậc hội viên Trung ương và hội viên địa phương. Cứ gì phải phân ra thẻ hội viên Trung ương, thẻ hội viên địa phương? Các hội nghề nghiệp và hội quần chúng khác như: Hội nông dân VN, Hội liên hiệp Thanh niên, Hội CCB, Hội Liên hiệp Phụ nữ VN, cả Hội Liên hiệp Khoa học-kỹ thuật VN đâu phải phân ra ai là hội viên Trung ương, ai là hội viên địa phương, mà họ vẫn mạnh, hoạt động có hiệu quả.
Tổ chức hội nghề nghiệp thì cũng phải có, nhưng nay cả nước người viết văn, thơ đông như thế (danh sách của các hội địa phương đã có khoảng gần 8.000 người), mỗi năm Hội NVVN chỉ kết nạp mấy chục, hiện tồn kho hồ sơ khá nhiều như đã nêu trên, bao giờ xét kếp nạp cho hêt?

Cho nên, cá nhân tôi đề nghị việc kết nạp Hội viên nên giao quyền tự chủ cho hội các địa phương. Mà cũng chỉ nên một thứ hội viên thôi, hơn nhau gì mấy mà cũng phân ra thứ bậc? Hội Nhà báo hiện nay do Bộ Thông tin-Truyền thông cấp thẻ. Hội Nhà văn (Thẻ Nhà văn – thơ và các loại hình, thể loại khác cũng nên gọi chung như vậy) do Liên hiệp Các hội Văn học-Nghệ thuật toàn quốc, hoăch Hội Nhà văn Việt Nam cấp. Tên chung là Thẻ Nhà văn, bên dưới nên ghi thuộc hội địa phương hoặc chuyên ngành nào.

Trong bài “Thư ngỏ gửi ông Hữu Thỉnh”, tôi cũng đã đề xuất đã đến lúc nên “tái cơ cấu”, hoặc “tái cấu trúc” Hội Nhà văn Việt Nam, tóm lại là nên làm một cuộc cách mạng đổi mới chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, biên chế, tổ chức hoạt động của Hội Nhà văn Việt Nam, không thể cứ để cái nếp đã lỗi thời với cơ cầu và phương thức hoạt động cũ mèm từ xưa đến nay, chỉ thêm rối, khó hoạt động, kém hiệu quả, để rồi đại hội nào cũng sinh ra những tranh cái, bất đồng mà chẳng đi đến đâu. Nước ta có 63 tỉnh, thành phố, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam nên hội đủ đại diện cần thiết các vùng, miền, tỉnh thành, mảng chuyên ngành. Mấy lời đề xuất chân thành và có va chạm thực tế rồi, kính mong ông Chủ tich Hữu Thỉnh và Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam xem xét. Có câu: “Danh thơm qua tác phẩm, uyên thâm nhờ học lực, đạo đức qua nhân cách, trong sạch nhờ thanh liêm”. Và qua đây cũng mong bạn đọc gần xa (không riêng nhà văn) góp ý xây dựng chung để tìm ra những giải pháp hữu hiệu nhằm cải tổ, chấn hưng nền văn học nước nhà.