Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VÀI LỜI GỬI ÔNG NGUYỄN HUY CANH

Dương Đức Quảng
Thứ bẩy ngày 14 tháng 1 năm 2012 7:01 AM

Cho tôi được gọi là ông để viết mấy dòng này trả lời thư ngỏ mà ông - Nguyễn Huy Canh, gửi cho tôi được đăng trên TNc ngày 12/01/2012. Tôi phải có vài lời như thế vì biết đâu cái tên Nguyễn Huy Canh lại là tên một người đàn bà và người đó còn trẻ!
Trước hết tôi xin cám ơn ông vì ông đã đọc bài viết của tôi. Không những thế, ngoài comment bình luận dưới bài viết của tôi trên Blog của ông Phạm Viết Đào (đưa lại bài trên TNc) ông lại còn có thư ngỏ gửi tôi nữa. Sau khi đọc kỹ thư của ông, tôi xin được thưa với ông vài lời:
Thứ nhất, tôi không phải là nhà văn như ông nhầm tưởng mà là một nhà báo, tuy có làm thơ và viết một hai truyện ngắn đã được xuất bản. Như ông biết, nhà văn hay nhà báo cũng là người cầm bút, nhưng xưa nay nhiều người vẫn coi nhà văn “oai” hơn nhà báo. Chả thế mà có vị là nhà báo đồng thời là nhà văn nhưng đến đâu cũng thích được giới thiệu là nhà văn chứ không muốn giới thiệu mình là nhà báo. Cũng chính vì cái danh nhà văn “oai” như thế mà biết bao người xin vào Hội Nhà văn chưa được và không năm nào việc kết nạp Hội viên Hội Nhà văn lại không có chuyện ì xèo. Vì thế tôi xin đính chính chuyện này giúp ông và cũng là cho cả tôi để tránh có sự hiểu lầm là tôi nhận vơ mình là nhà văn.
Tôi cũng xin đính chính giúp ông thêm một điều nữa là, ông đã viết bố tôi là nông dân trong khi bài của tôi không có chỗ nào tôi viết như thế. Không phải tôi không thích thành phần xuất thân là nông dân (trái lại nếu bố tôi là nông dân thì tôi lại thuộc “thành phần cơ bản”, điều “rất quan trọng”, thành phần được tin cậy hơn hẳn thành phần tiểu tư sản trong thời kỳ chủ nghĩa thành phần lên ngôi trước đây), mà cái chính là ông đã viết sai về bố tôi trong thư ngỏ này.
Thứ hai, bài viết của tôi là một cách nhìn, cách cảm, cách nghĩ về một hiện tượng xã hội, về một cách hành xử của con người trong cuộc sống. Tôi nghĩ, đối với những người đã trở thành nổi tiếng, thành người của công chúng, dù họ là chính khách hay văn nghệ sĩ nổi tiếng, cầu thủ bóng đá giỏi hay siêu người mẫu thời trang …thì từng lời nói, việc làm của họ đều để lại dấu ấn trong mắt mọi người, có khi hay và cũng có khi dở. Và họ thường bị dư luận xã hội săm soi cũng là chuyện bình thường. Một khi đã thành người nổi tiếng, người của công chúng như thế thì đâu phải vì cái tôi, vì sự “tự do mưu cầu hạnh phúc, mưu cầu sự sung sướng cho chính mình” (chữ của ông), mà ta muốn làm gì thì làm, bất chấp dư luận xã hội. Dù chẳng có điều luật nào cấm ta làm một việc nào đó nhưng nhiều khi chính ta, từ một nơi sâu thẳm lại bảo ta đừng làm, bởi nếu làm, nhất lại là làm trái với điều mình đã nói, đã răn dạy người khác thì làm sao mình giữ được sự trân trọng của mọi người. Trong thư gửi cho tôi ông cũng thừa nhận việc lấy vợ của “cụ Cốp” (chữ dùng của tôi) đã “có rất nhiều lời đàm tiếu”. Nếu việc đó không xảy ra thì làm gì có sự đàm tiếu ấy!
Tôi nghĩ xã hội nào cũng có chuẩn mực đạo đức riêng của nó. Tôi đánh giá cao đức hy sinh của người Việt, dám hy sinh quyền lợi riêng tư và nhiều khi cả tính mạng của mình vì Tổ quốc. Tôi đánh giá cao sự hy sinh của bất kỳ ai vì cái chung, vì cộng đồng, vì xã hội. Tôi cũng đánh giá cao sự hy sinh quyền lợi riêng và nhiều khi cả hạnh phúc riêng của một ai đó vì gia đình, vì người thân. Đó cũng chính là quyền con người mà mỗi cá nhân lựa chọn, không ai được xúc phạm họ. Vì thế, tôi viết cảm nghĩ của mình chỉ với mong muốn rằng các vị đã và đang giữ cương vị cao cấp trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước làm gì thì làm nhưng chớ có để cho người dân phải “đàm tiếu” về việc làm của mình, nặng hơn là gây ra “búa rìu dư luận” (chữ của ông). Còn ông, ông không coi trọng sự hy sinh quyền lợi cá nhân, coi những người như thế là “lẩm cẩm”, không thức thời, không biết sử dụng quyền con người để “tự do mưu cầu hạnh phúc, mưu cầu sự sung sướng cho chính mình” thì đó là cái nhìn của ông, tôi xin không có ý kiến. Chỉ có điều ông đã “nâng cấp” cái nhìn của tôi đến mức “đậm chất của chủ nghĩa phong kiến” thì tôi e rằng ông đã quá lời.
Trong bài viết về bố tôi, tôi chỉ kể lại những chuyện tôi biết về người đã sinh thành ra tôi, một tấm gương sáng mà anh chị em chúng tôi noi theo (tôi xin nhấn manh: “chị em chúng tôi noi theo”). Nếu ông đọc kỹ bài viết của tôi ông sẽ thấy tôi không có một từ ngữ nào rao giảng (chứ không phải là giao giảng như ông viết) với mọi người. Ai đọc bài tôi viết tìm thấy trong đó điều gì tốt, điều gì có thể đồng cảm và chia sẻ thì là điều rất quý đối với tôi. Còn ai đọc rồi nhận xét, đánh giá “Bố của ông là một nông dân, một trí thức, một nhà giáo đặc sệt phong kiến đi theo Đảng đã không chuyển biến kịp thời cuộc. Đó là một nỗi đau lịch sử còn đang đè nặng lên tư duy của thực tại này…”, như ông viết, thì tôi cũng không thấy đó mà buồn. Bởi vì có như thế mới là xã hội, mới là cuộc sống phải không ông?
Thứ ba, đọc thư ngỏ của ông tôi hiểu được ngay điều gì ông muốn nhắn gửi cho mọi người, nhất là đoạn: “Hãy bỏ ngay đi cái quan niệm rằng, hiện tại là sự nối tiếp, kế tiếp của quá khứ, của lịch sử. Ai đó có ý nói rằng không biết đến lịch sử như là dùng súng bắn vào hiện tại. Tư tưởng ấy hãy để cho các nhà sử học tự sướng, tự ca ngợi mình. Chúng ta, thế hệ hôm nay hãy khẳng định: Hiện tại tự lấy mình làm cơ sở, làm nền tảng cho sự hiện hữu của mình. Lịch sử, quá khứ chính là gánh nặng của nó, là lực cản của nó, cần phải rũ bỏ, không thương tiếc. Quá khứ, nó tồn tại chỉ vì nó tồn tại cũng như hiện tại, thế thôi. Đừng nặng lòng ân huệ,và níu kéo nó”.
Quả thật đọc xong đoạn “thông điệp” (tạm gọi thế) của ông ở trên tôi giật mình và thật sự bất ngờ rồi tự đặt câu hỏi: Tại sao lại có người suy nghĩ như thế trong cuộc sống hiện tại, nhất là người đó lại là đảng viên như ông viết trong comment ở Blog của ông Phạm Viết Đào? Phải chăng ta sống chỉ để cho ta, chỉ biết có ta và hiện tại, chỉ biết có ngày hôm nay, bất chấp quá khứ và tương lai, không cần có “sự nối tiếp, kế tiếp của quá khứ, của lịch sử”? Phải chăng “thế hệ hôm nay hãy khẳng định: Hiện tại tự lấy mình làm cơ sở, làm nền tảng cho sự hiện hữu của mình. Lịch sử, quá khứ chính là gánh nặng của nó, là lực cản của nó, cần phải rũ bỏ, không thương tiếc. Quá khứ, nó tồn tại chỉ vì nó tồn tại cũng như hiện tại, thế thôi. Đừng nặng lòng ân huệ,và níu kéo nó”?….Nếu đúng thế thì cần gì phải biết dân tộc này đã có lịch sử hàng ngàn năm chống ngoại xâm oai hùng, cần gì phải học lịch sử! Và nếu không có điều đó thì làm gì có nước Việt Nam hôm nay để nói về hiện tại! Nếu không cần biết đến quá khứ cũng có nghĩa không cần biết đến tổ tiên, ông bà, cha mẹ thì thử hỏi ta từ đâu sinh ra và vì ai mà sống trên đời này? Nếu chỉ vì ta, sống cho ta, không cần biết lịch sử đã qua, không cần biết đến tổ tiên ông bà, cha mẹ và cả tương lai nữa, bởi “Lịch sử, quá khứ chính là gánh nặng của nó, là lực cản của nó, cần phải rũ bỏ, không thương tiếc” như ông viết; nghĩa là ta được sống hoàn toàn “tự do mưu cầu hạnh phúc, mưu cầu sự sung sướng cho chính mình” thì họa chăng chỉ có lên cung trăng mà sống thì mới làm được như thế!
Tôi không trách ông Nguyễn Huy Canh đã xếp bố con tôi vào trong số “nhiều triệu người lẩm cẩm - một đặc trưng của nền văn hóa (chính thống) trung cổ” và tôi cũng chẳng nhân danh một điều gì như ông viết “mong ông Quảng và thế hệ ông đừng nhân danh cho một điều gì để lên lớp giao (!) giảng thứ triết lí và đạo đức rách nát và trì trệ ấy (cũng tiếc rằng, đó lại là thứ mà nền giáo dục này đang tiếp tục duy trì một cách cảm tính, kinh nghiệm…), mà chỉ một lần nữa muốn nói lại cùng ông rằng: Ông có thể không đồng ý với bài viết của tôi, không tán đồng với cái nhìn của tôi và nhiều người cùng thế hệ với tôi về một việc nào đó nhưng đừng bao giờ nên dùng những lời lẽ có tính chất mạt sát và đao to búa lớn như thế khi cần trao đổi, nhất lại là trong thư gửi cho người mà mình muốn trao đổi. Việc trao đổi, phản biện rất cần sự bình tĩnh và văn hóa ông Nguyễn Huy Canh ạ”.
Viết tại TP HCM ngày 14/01/2012