Hồi này trên lethieunhon.com và một số tờ báo có đưa chuyện nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo định tự tử năm 1981. Rồi “ông nói phải, vãi nói hay” đưa câu chuyện sang có súng hay không có súng. Vừa rồi trên Đất Việt, phóng viên Lê Thoa có bài hỏi một số đồng nghiệp để khảng định Nguyễn Trọng Tạo không có súng. Lethieunhon.com có “dinh” bài đó về trang nhà. Đọc xong tôi thấy buồn vì trong lúc đất nước cháy ruột vì bô-xít, về biên ải, về cá lớn nuốt cá bé, về sự hèn kém sợ quỷ sứ ma vương thì mấy ngài văn nhân đủng đỉnh bàn chuyện lặt vặt đời tư.
Nhưng tôi thấy cần nói lên một sự thật dù đã trôi qua gần 30 năm. Ngày ấy cùng thời với cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới.
Vào năm 1976 một số cây bút trong quân đội được triệu tập về dự Trai viết toàn quân để chuẩn bị đi học Nguyễn Du. Chúng tôi gồm rất nhiều nhà văn thành danh bây giờ như Hữu Thỉnh, Chu Lai, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Đức Nậu, Khuất Quang Thuỵ, Tô Đức Chiêu, Trung Trung Đỉnh…dưới sự chỉ huy trực tiếp của trung tá Hồ Phương và trung tá Xuân Thiều. Trường Nguyễn Du mãi đến năm 1979 mới mở nên sau trại văn có một số người trở về đơn vị đến năm 1979 lại tập trung về để theo học. Tổng cục Chính trị mà cụ thể là Đoàn 871 đã xây dựng cho chúng tôi một căn nhà tại ngõ Vân Hồ 3 cùng xưởng hoạ quân đội. Cái ngõ Vân Hồ 3 mà sau này Trung Trung Đỉnh viết tiểu thuyết Ngõ lỗ thủng, vừa rồi thành phim chiếu trên VTV. Sau trại văn một thời gian thì ông Mai Thế Chính được điều đi nhận công việc khác, nên khi đi học Nguyễn Du và ở Vân Hồ 3 không có bác Chính nữa. Đúng là khi ở Trại viết toàn quân thì chúng tôi không được phát súng. Mang thời gian trước nhập vào thời gian sau là sai bét nhè...Ở đời trước là tên du thủ du thực sau làm quan thì chả nhẽ cứ bảo ông quan là du thủ du thực.
Vào năm 1979 người bạn lớn Trung Hoa đã đưa quân tràn sang biên giới phía bắc. Văn nghệ sĩ quân đội được cử đi biên giới phục vụ chiến sĩ và thâm nhập. Tôi còn nhớ anh Mộng Lục cán bộ của Phòng Văn hoá văn nghệ quân đội đã hy sinh tại Đồng Đăng. Nhà thơ Nguyễn Thái Sơn cùng học Nguyễn Du với chúng tôi đã bị các “bạn” Trung Quốc bắn lòi ruột, anh đã nhét ruột vào và úp cái bát lên, buộc chặt lại và bắn trả bọn địch (bây giờ là bạn). Hay đi ra chiến trường nên cấp trên cấp súng lục cho chúng tôi. Chả gì chúng tôi đều là cán bộ, áo bốn túi lại nhà văn đến nơi rồi chứ đâu phải xoàng.
Chính tôi cũng được nhận một khẩu K54 để ra chiến trường. Khi về Hà Nội tôi giữ súng ở nhà. Không biết sơ suất thế nào ông cu lớn của tôi lúc ấy 9,10 tuổi vớ được mang ra doạ bọn trẻ con hàng xóm. Lập tức công an phường Thái Thịnh, Đống Đa đến hỏi thăm và thu khẩu súng đó. Tôi đang đi học chạy nhào về nhà thì ông con trai tôi đang khóc tại trụ sở công an phường. Tôi phải lên Tạp chí Văn nghệ quân đội gặp nhà văn Nguyễn Trọng Oánh, khi đó là phó tổng biên tập TC(lúc này chúng tôi thuộc quyền quản lý của TC VNQĐ). Anh Oánh làm công văn gửi công an phường và cử cán bộ xuống xin cho. May quá thế là thoát hiểm. Quả này mà ông cu nhà tôi biết bóp cò đoàng một phát là cả nhà liên luỵ, có khi đi tù chứ không đùa được.
Dẫn ra chuyện này để minh chứng rằng hồi năm 1981 ta đang chống quân xâm lược biên giới nên mấy thằng viết văn chúng tôi được cấp trên phát súng lục. Tôi khi ấy có gia đình và độc nhất tôi có nhà riêng nên tối về ngủ với vợ không được ăn ngủ với các bạn tại Ngõ lỗ thủng.
Có lẽ chuyện không hay gì xin các bạn khép lại. Vả lại nhắc lại cái thời đánh nhau trên biên giới ngày ấy buộc lòng phải nói đúng sự thật lịch sử. Cuộc chiến tranh đau đớn ấy mà vừa rồi là 30 năm báo chí Việt Nam đã không một dòng nhắc tới. Buồn cho sự vô ơn và bạc nhược...
link đọc bài trên Lethieunhon.com http://lethieunhon.com/read.php/3620.htm