Một giai thoại thời trước kể rằng có một ông đầu tỉnh hăm hở đánh xe ra báo cáo với Trung Ương: “ Nói, chung, về cơ bản tỉnh tôi đã phá xong rừng và di tích lịch sử”. Giai thoại có thể không thật nhưng rừng và di tích lịch sử bị tàn phá thì đã rõ. Người ta bình luận bằng cách nhắc lại một công thức quen thuộc: nhiệt tình cách mạng cộng với dốt nát thành phá hoại.
Khắp nơi đang cất lên những tiếng nói, tiếng thét đau lòng về việc trùng tu di tích lịch sử. Nhà văn Nguyên Ngọc thảng thốt: “.Đi đền Đô mà biết thêm cái gọi là trùng tu di tích văn hóa lịch sử đang gây tai họa tới mức nào. Quả thật có điều gì đó hầu như không thể tưởng tượng nổi. Ngay trước cổng đền là hai con sư tử... Tàu. Vậy người ta định làm gì ở đây, các nhà trùng tu? Triển lãm văn hóa Trung Hoa chăng? Đố ai hiểu được!” Họa sĩ Lê Thiết Cương, cấp tập chất vấn ( chắc là sẽ không ai trả lời) với nhiều “tại sao”. Tại sao Cục Di sản của Bộ Văn hóa - thể thao & du lịch lại “dỡ trắng” Đền Và ra làm mới? Tại sao phá đi bức tường đất nghìn năm của chùa Bổ, tại sao xây một bệ tượng bêtông cốt thép che toàn bộ những bức phù điêu đất nung chùa Trăm Gian (Hà Nội)? Tại sao bức tường thành cổ Bắc Ninh lại bị phá đi làm chỗ nuôi lợn? Cục Di sản biết những điều đó không? Rồi ông kêu thét: “Nếu cứ đà này có lẽ nên tạm dừng lại việc trùng tu chính là bảo vệ di tích.“ Giáo sư Phan Huy Lê thì thấy xấu hổ khi những bức tượng La Hán chùa Tây Phương bị quét lại toàn bộ bằng sơn Nippon sơn đâu cũng đẹp!
Người viết bài này đã tận mắt chứng kiến người ta cũng dùng sơn Nhật quét lại hơn 180 bức tượng cổ chùa Mía ở Sơn Tây. Cũng chứng kiến bức ông Ác cao ba mét, được hai anh thợ hồ dùng chổi lông 2 ngàn một chiếc sơn lại trong vòng một giờ! Tôi hỏi sao làm vội vậy, đáp để kịp hoàn công chào mừng ngày gì đó. Một nhà nhiếp ảnh Pháp đi cùng tôi hôm ấy bảo:anh ta đã thấy người ta lau chùi sửa sang (chứ chưa phải trùng tu) một bức tượng ở vườn Luxembourg trong sáu tháng! Đến Đường Lâm hôm nay, nhiều người bảo tượng chùa Mía của họ bị quai bị hết rồi. Mặt ông Phật nào cũng béo ra vì sơn Nhật.
Tôi cũng muốn hỏi như Lê Thiết Cương: Tại sao? Tại sao? Tại sao? Tôi cũng đồng ý với người họa sĩ tâm huyết với di sản cha ông, nếu còn đổ tiền vào di tích lịch sử trong cái tầm quản lý văn hóa hiện nay thì di tích ngàn năm tuổi sẽ chỉ còn một tuổi nếu không nói là sẽ biến mất. Hãy ngừng lại để kịp cứu vãn vài thứ. Đêm qua tôi nằm mơ thấy Lý Thái Tổ về bảo với ai đó: “Ngàn năm Thăng Long ta chỉ cần hương hoa với lòng thành tưởng nhớ của con cháu là vui chứ xin đừng khênh hai con sư tử Tàu về đặt trước cổng đền Đô! Ta hãi lắm lắm rồi!”
Trước đây, ở nơi nào đó, nếu nhiệt tình cách mạng cộng với dốt nát đã “cơ bản phá xong rừng và di tích lich sử” thì thời nay, sẽ nguy hiểm hơn nhiều lần, nếu dốt nát lại công với nhiệt tình “ăn di tích”, làm giàu!
Để kết thúc bài báo nhỏ này, tôi đề nghị ông Bộ Trưởng Bộ VHTT&DL kiểm tra lại xem, nếu như toàn bộ tượng La Hán chùa Tây Phương bị quét lại bằng sơn Nhật như GS Phan Huy Lê cho biết trên báo Tuổi Trẻ thì ông Cục Trưởng Cục Di Sản đã ngồi trên cái ghế ấy để làm gì?
Nguồn: http://tacpham.googlepages.com/153323224