Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MẤY MẨU CHUYỆN BÊN LỀ HỘI NGHỊ VIẾT VĂN TRẺ

Vũ Xuân Tửu
Chủ nhật ngày 11 tháng 9 năm 2011 9:18 PM

Nét đẹp văn nhân trẻ

Hội nghị lần này nhiều cây bút trẻ, những hơn một trăm, nhưng có em đã ra mấy đầu sách rồi. Thật đáng nể.
Khi họp tập trung ở hội trường Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang, hay lúc chia tổ văn, thơ thảo luận ở hội trường Nhà khách Kim Bình, tất thảy đều rất trật tự, không ai bỏ ra hành lang chuyện vãn, muốn phát biểu đều giơ tay xin phép ban tổ chức, không ai giành giật, tranh nhau. Ban tổ chức không phải nhắc nhở về chuyện mất trật tự. Các ý kiến không tỏ ra đao to búa lớn, nhưng đều rất tâm huyết, sâu sắc, thể hiện sự trăn trở với nghề.
Cách ứng xử có văn hóa của lớp viết trẻ hôm nay, khiến các đại biểu dự hội nghị, ai nấy đều mừng, văn nhân trẻ có khác.

Đốt lửa làm hiệu

Nhà thơ trẻ Vi Thùy Linh nhưng lại dự cuộc thảo luận văn xuôi. Cô phát biểu rằng, sẵn sàng xin đánh giày, lau nhà cho các nhà văn nổi tiếng: Nguyễn Khắc Trường, Hoàng Quốc Hải, Xuân Khánh… (Cười). Thời gian tới, cô sẽ viết văn xuôi. Nhà văn Khắc Trường bảo, cô từng có truyện ngắn in rồi đấy.
Theo chương trình, buổi tối mùng 10, sẽ đốt lửa trại, tại sân Nhà khách Kim Bình, nhưng cơn mưa chiều làm cho sân bị ướt sũng, nên ban tổ chức dự định sẽ chuyển địa điểm lên sân thượng tầng chín nhà khách. Ngồi cùng mâm cơm chiều, Vi Thùy Linh thắc mắc:
- Sao lại đốt lửa trên nóc nhà?
Tôi bảo:
- Đốt lửa làm hiệu cho máy bay. Ngày mai, Mỹ kỷ niệm 10 năm, vụ 11 tháng Chín mà! Linh cười ha hả.

Bảo vệ nhà văn trẻ

Nhà thơ Hữu Thỉnh tuyên bố:
- Hội Nhà văn  rất quan tâm bồi dưỡng và bảo vệ các thế hệ cầm bút trẻ. Đó là vấn đề chiến lược của Hội. Đại hội toàn quốc nhà văn Việt Nam, vừa qua, về tổ chức, đã bỏ một số ban, lập ban chuyên đề, nhưng ban công tác nhà văn trẻ vẫn duy trì và củng cố.
Trường hợp nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư, khi viết Cánh đồng bất tận, có một số phản ứng gay gắt ở địa phương. Ban Tuyên giáo Trung ương gọi tôi (H.Th.) sang, cho xem dự thảo công văn về vụ này, liền hỏi:
- Tôi có sửa được không?
- Được!
Thế là tôi sửa đỏ cả bản dự thảo công văn ấy.
Kết quả là Nguyễn Ngọc Tư bé nhỏ được bảo vệ. Hội Nhà văn Việt Nam tặng giải thưởng, rồi ASEAN cũng trao giải thưởng văn chương...
Hội Nhà văn Việt Nam luôn bên cạnh các bạn. (Hoan hô kéo dài).

Tổ quốc nhìn từ biển

Trong đêm giao lưu những nhà văn trẻ với chủ đề biển đảo, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến dẫn chương trình, và lại còn đọc thơ nữa, với bài Tổ quốc nhìn từ biển. Ông đọc vo cả bài thơ dài, giọng hào sảng, khiến cả hội trường lặng đi vì xúc động.
Một khán giả trẻ, tò mò hỏi tôi:
- Chú ơi, có phải ông này là nhà báo, bị tù trong vụ PU18, phải không?
- Thói đời, có khi diệt người này, để giữ thể diện cho người kia.
- Cười nhỉ?
- Khi ông ra tù, người ta đón như thượng khách. Vừa rồi, ông lại được bầu vào Ban Chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội đấy.
- Văn nghệ sỹ các bác tinh nhỉ, không nhìn lầm người như mấy ông “Nhóm lợi ích”?

Văn Công Công

Buổi trưa mùng mười, lẽ ra, vẫn ăn cơm cùng đoàn tại Nhà khách Kim Bình, nhưng có ông doanh nghiệp địa phương, do mến mộ giới cầm bút, mời mấy anh em ra quán cá nhà nổi trên sông Lô, chiêu đãi rượu cao hổ cốt, với các món cá đặc sản. Người quen là Nguyễn Hồng Hải-VTV2, Trịnh Thanh Phong-Ma làng… nhưng khi nghe giới thiệu cái tên Văn Công Hùng, từ tận Tây Nguyên ra, mấy người thắc mắc:
- Sao không đảo lại, gọi là Hùng Văn Công cho thuận?
- Ôi giời, người ta còn gọi là Văn Công Công nữa đấy. – VCH vừa xoa cái đầu trọc như nhà sư của mình, vừa tếu táo khoe.
Mọi người nâng chén, vừa chúc và gờm cái ông “công công”, da đỏ như đồng hun này.

 Học để làm gì? Viết để làm gì?
 
Giáo sư Hồ Ngọc Đại phát biểu, tại hội trường:
 - Đây là Hội nghị viết văn, nhưng tôi lại xin phát biểu về giáo dục. Trong tất cả chúng ta, ai chẳng là sản phẩm của giáo dục. Học để làm gì? Trả lời tưởng dễ mà lại khó đấy. Học để làm rất nhiều thứ, nhưng tóm lại, học để làm người, làm chính bản thân mình, không phải noi gương ai cả... (Giáo sư cười sảng khoái. Cả hội trường nhìn nhau và cùng cười). Nhà văn cũng vậy, viết để làm gì? Câu trả lời không dễ đâu. (Cả hội trường im lặng).
 Giáo sư lại tiếp:
 - Làm khoa học và viết văn là hai thứ khác nhau, làm khoa học để tìm ra quy luật, nhưng làm văn chương là sáng tạo ra cái mới. Tôi không thể làm văn chương, nên chỉ làm dám khoa học thôi. (Cười. Hoan hô).

Tuyên Quang, 11/9/2011
V.X.T