Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HÓA RA NHÀ VĂN ĐƯỢC GIAI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH ĐỢT MỘT LẠI…THIỆT THÒI!

Nguyễn Thái Sơn
Chủ nhật ngày 11 tháng 9 năm 2011 8:41 PM

Hình như “người ta” đã không làm cái điều có lẽ nên làm: Chỉ giải thưởng trao đợt đầu tiên vào năm 1996 cho những người xứng đáng nhất mới được gọi là Giải thưởng Hồ Chí Minh, còn sau đó đặt tên khác đi - Giải thưởng Vua Hùng, Giải thưởng Nguyễn Du…chẳng hạn. Nước Nam ta thiếu gì người tốt người tài, lại đã được dân tộc này thừa nhận tôn vinh từ hàng ngàn hàng trăm năm, trải qua bao biến thiên lịch sử bao chế độ thể chế khác nhau. Còn nếu giải thưởng cao quý này cứ nhất thiết phải mang tên Cụ - người có sự ngiệp công lao với dân tộc từ năm 1911, thì từ đợt II trở đi gọi là Giải thưởng Nguyễn Ái Quốc Giải thưởng Nguyễn Tất Thành cũng được mà…
1/  Các nhà văn Việt Nam được Giải thưởng Hồ Chí Minh (GTHCM) đợt đầu tiên (năm 1996), xét về tuổi tác, thuộc bậc cha chú của vài nhà văn sẽ được nhận giải thưởng cao quý này trong đợt IV - 2011, và đáng bậc ông nội ông ngoại của những nhà văn mới ra đời sắp ra đời nhưng sẽ được nhận GTHCM trong một hai thập kỉ dăm bảy thập niên tới. Cùng được nhận GTHCM, dù là đợt Một, đợt Mười hay đợt X đợt Y, các nhà văn được và cần phải được xã hội nhìn nhận đánh giá một cách bình đẳng, tương tự như chúng ta đã không hề phân biệt công lao, tầm vóc giữa Anh hùng Phan Đình Giót của thời kháng Pháp với Anh hùng Nguyễn Viết Xuân trong những năm chống Mỹ. Trần Hưng Đạo ra đời sau Lý Thường Kiệt 213 năm và trước Nguyễn Huệ 521 năm nhưng với hậu thế, khoảng cách thời gian ra đời của ba danh tướng ấy chưa và không bao giờ là yếu tố dẫn tới sự nhận định đánh giá khác nhau về tài năng, công lao với dân tộc của các vị - nơi miếu đền, ở sử sách cũng như trong lòng các thế hệ người Việt. Nếu trong Bảo tàng Văn học Việt Nam nay mai có thiết kế một phòng gọi là Phòng GTHCM chẳng hạn, ảnh - tượng của các nhà văn từng được giải thưởng sẽ có kích cỡ như nhau, treo ngang bằng nhau.
   Tên tuổi, tài năng của những người đỗ đại khoa trong bao thập kỷ của các triều đại phong kiến Việt Nam cùng được tôn vinh trong những tấm bia lớn đặt trên lưng rùa đá ở Văn miếu - Quốc Tử Giám, thì chẳng có lý do gì để không thừa nhận rằng ở một nơi nào đó trang trọng linh thiêng không kém, trên những tấm bảng vàng bia đá “Nhà văn được GTHCM”, họ tên văn nghiệp các nhà văn được giải thưởng cao quý này - thời kháng Pháp thời chống Mỹ thời chống nươc lạ nước quen, lại không cùng được viết vẽ khắc trạm trên những bảng vàng bia đá tương tự đặt trên lưng rồng inốc hạc đồng đen, và theo thứ tự AB của bảng chữ cái, tên của các nhà thơ Hữu Thỉnh, Thanh Thảo được viết trên đặt trước tên các cụ Ngô Tất Tố, Chế Lan Viên; ảnh nhà văn Nguyễn Tuân treo sau ảnh nhà văn Lê Văn Thảo…là một sự bình thường không có gì lạ, bởi các anh đều đã được “bảo chứng” bởi cùng một Giải thưởng Hồ Chí Minh đồng hạng không có hạng nhất hạng hai hạng ba như với mề đay huân chương. Sự bình đẳng này do chính “chúng ta” tạo nên thì phải tôn trọng, có cách nào khác đâu.
Hình như “người ta” đã không làm cái điều có lẽ nên làm: Chỉ giải thưởng trao đợt đầu tiên vào năm 1996 cho những người xứng đáng nhất mới được gọi là Giải thưởng Hồ Chí Minh, còn sau đó đặt tên khác đi - Giải thưởng Vua Hùng, Giải thưởng Nguyễn Du…chẳng hạn. Nước Nam ta thiếu gì người tốt người tài, lại đã được dân tộc này thừa nhận tôn vinh từ hàng ngàn hàng trăm năm, trải qua bao biến thiên lịch sử bao chế độ chính trị, thể chế khác nhau. Còn nếu giải thưởng cao quý này cứ nhất thiết phải mang tên Cụ - người có sự ngiệp công lao với dân tộc từ năm 1911, thì từ đợt II trở đi gọi là Giải thưởng Nguyễn Ái Quốc Giải thưởng Nguyễn Tất Thành cũng được mà…
2/ Có một nghịch lý, bất bình đẳng hiển hiện mà hình như chúng ta đã cố không nhận thấy, né tránh không nói đến, là những nhà văn nhà thơ nổi tiếng nhất trong nền văn học Việt Nam, tính đến năm 2011 này, ngoài GTHCM được trao tặng ngay từ đợt đầu tiên, họ không có thêm giải thưởng nào khác nữa, còn các nhà văn nhà thơ được GTHCM đợt này và những đợt sau, thực tế cho thấy họ còn oách hơn danh giá hơn và nhiều tiền vietnamđồng đi kèm giải thưởng hơn các bậc lão làng tiên chỉ của văn học Việt Nam. Nhà thơ HT hơn hẳn nhà thơ Xuân Diệu, nhà văn LVT hơn cả nhà văn Nam Cao, nhà thơ TT hơn đứt nhà thơ Chế Lan Viên vì mấy anh còn có cả GTNN đã nhận trước đây mà các cụ nhà văn tiền bối không có. Sự “tréo ngoe” này chẳng khác gì tình trạng người chiến sĩ có chiến công đặc biệt xuất sắc chỉ được tăng thưởng Huân chương Quân công, còn người ít công trạng hơn “tạm thời” nhận Huân chương Chiến công, trước khi nhận tiếp Huân chương Quân công sau đó mấy năm.
   GTHCM và GTNN, cùng với bằng chứng nhận bảng danh dự, là một khoản tiền mặt kể ra cũng không to lớn gì cho lắm, có lẽ cũng chỉ đủ cho một gia đình nông dân bốn nhân khẩu có thể sống trong ngót chục năm trời, nhưng yếu tố tinh thần, sự chính danh của những người trong cuộc, tưởng không hề đơn giản, không thể xem nhẹ không nên “cho qua”.
3/ Để bảo đảm tính hợp lý, sự công bằng giữa những nhà văn chỉ nhận GTHCM với những nhà văn trước khi nhận GTHCM đã từng nhận GTNN, và để những nhà văn có lòng tự trọng không áy náy phân vân, xin trân trọng đề suất một gợi ý nho nhỏ: các nhà văn nhà thơ (ở các lĩnh vực hoạt động khác nữa) liệu có nên hoàn trả tất cả các quyền lợi về tinh thần, vật chất, do Giải thưởng Nhà nướ (nếu có) mang lại, trước khi nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh.