Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐẶNG HỒNG THIỆP VỚI THƠ TỨ TUYỆT

Nhà thơ Trương Vĩnh Tuấn
Thứ bẩy ngày 10 tháng 9 năm 2011 6:03 PM

   Tôi đọc thơ Đặng Hồng Thiệp khá nhiều , bài thơ nào cũng để lại cho tôi một cảm giác khắc khoải muốn khám phá , muốn soi vào những khoảng trống giữa chữ và chữ , giữa câu và câu , thậm chí giữa đoạn và đoạn để xem Đặng Hồng Thiệp còn nén một điều gì chăng ?
     Nhưng thôi đó là chuyện khác trong bài viết này tôi muốn bàn về thơ tứ tuyệt của Đặng Hồng Thiệp .
      Có lần nhà thơ Trần Nhuận Minh bảo : “ Thơ tứ tuyệt thì câu thứ tư phải TUYỆT “ . Ông nói thật chí lí vì đọc đến câu thứ tư của tứ tuyệt mà chả có cảm hứng gì thì coi như không phải thơ tứ tuyệt , mà đó chỉ là một đoạn thơ được trích ra từ một bài thơ dài , có thể hay nhưng chắc chắn không phải là TỨ TUYỆT . Cũng giống như một vài nhà thơ học kiểu làm thơ hai câu , cứ in hai câu một để thành một bài thơ , nhưng xem ra còn lâu mới thành bài . Vâng tôi chỉ muốn nói một bài thơ khác với một đoan thơ để làm thành một bài .
  Trở lại với thơ tứ tuyệt của Đặng Hồng Thiệp , Tôi có cảm giác như đây là những bài thơ bất chợt mà ông vớ được , nó như một áng mây lạ , một ngọn gió mát mơ hồ trong không trung may mắn cho ông thu lại được gom góp vào tài sản thơ của mình . Nói thế cũng chỉ là một cách nói , bởi lẽ nếu không có sự trải nghiệm , không có sự tích tụ sau khi đọc muôn vàn trang sách , không có những năm tháng bươn chải trong cuộc đời này , và không có cả cái vốn liếng về con chữ cùng với sự tài hoa thì sự bất chợt ấy , còn lâu ông mới vớ được cái sự bồng bềnh kia để làm nên bài thơ tứ tuyệt ấy .
      Ví dụ như bài CHỜ .
                            Em đi hương xõa tóc xuôi dòng .
                            Mơ màng nôn nao chờ mong
                            Nhặt nắng vàng rơi hoài chẳng thấy .
                            Có phải là em mây trắng bềnh bồng .
   Ngay từ câu đầu của bài thơ ông đã làm cho người đọc thú vị ở bốn chữ HƯƠNG XÕA TÓC XUÔI , tóc xuôi dòng thì đúng là mái tóc dài óng mượt rồi , nhưng hương xõa thì ít người nói tới , Câu đầu tiên này kết cấu có bảy chữ , bảy chữ thôi nhưng thế cũng nói được quá đủ cái sự vào đề của bài thơ . Nhưng sang câu thứ hai thì chỉ còn có sáu chữ , tôi đoán rằng ông cố tình làm thế mới diễn tả nổi cái si mê của ông  cái mơ màng . cái nôn nao cái chờ mong của ông , cái hay chính là cái cảnh trớ trêu này đấy . Đến câu thư ba ông trở về với bảy chữ , bảy chữ này nó làm nên cái tình cảnh chơi vơi , tiêng tiếc . Ai lại đi “ Nhặt nắng vàng rơi hoài chẳng thấy “ . chữ HOÀI ở câu này hay thật , nó vừa nói được sự kiên trì , sự cố găng , và cũng hoài công của sự si mê . Và đên câu thứ tư thì quả là tuyệt thật , vì chẳng những ông đã gói được cái sự tình của ba câu trên , mà ông còn dám thú nhận rằng ông nhìn từ đằng sau người đẹp , ông có một cơn mơ giữa ban ngày : Có phải là em mây trắng bềnh bồng . Ở câu kết này ông dùng tới tám chữ cũng quả là đắc địa ..
      Cũng ở thể tài si mê này ông còn có bài tứ tuyệt khá thành công đó là bài : CẦU VỒNG :
                            Đường thẳng anh đi chân trời xa tít .
                            Có cầu vồng em vượt mượt chân mây .
                            Một đời anh đi vẫn chân trời phía trước .
                            Chỉ có em rực rỡ ở nơi này .
         Khó có thể cãi được rằng đây không phải thơ tứ tuyệt . nó vừa rất thực mà rất mơ , đường đi chân trời thì xa tít . Thế mà khi nghĩ đến cái cầu vồng của em mà đã vượt mượt chân mây thì tài thật , Chữ CẦU VỒNG vừa thơ vừa thật , mà lại gợi , thế mới chết cho người đọc chứ . Vượt đến chân mây rồi nhưng cả đời chân trời vẫn cứ ở phía trước , để rồi cuối cùng phải thú nhận rằng : Chỉ có em rực rỡ ở nơi này . cái sự kết của tứ tuyệt nó là thế này đây , bất ngờ và thú vị .
      Còn có một bài tứ tuyệt nữa mà tôi phải đọc tới hơn chục lần , mỗi lần đọc xong lại bị rơi vào một trạng thái khác , khi thì chơi vơi , khi thì trống trải , và có lúc nước mắt cứ ứa ra , đó la bài GẶP .
                             Khoảng trống quê … lận đận mẹ lần .
                             Theo bóng lính gặp con … rừng vắng.
                              Rạng rỡ mẹ cười , giọt rơi … lịm dần .
                              Cõi vĩnh hằng tán cây trùm nắng …
       Tôi sẽ không phân tích bài thơ này nhiều mà chỉ muốn người đọc chú ý cho ba cái dấu chấm liền nhau ở ba câu đầu , để cuối cùng dẫn đến câu kết quá hay : Cõi vĩnh hằng tán cây trùm nắng … ở câu này cũng lại có ba cái dấu chấm nữa ở cuối câu , Cái tài là sự chấm lửng này đây .
        Tôi muốn nói đến một bài tứ tuyệt theo thể thơ lục bát , ở thể này ông cũng khá thành công đến từng câu , chữ .. Ở câu nào cũng có những chữ hay , để câu kết thì  thật đến mức không ai không giật mình .
                                                
                                            ĐÁM MÂY
                               Đám mây danh lợi bồng bềnh
                               Làn hương một nắm buồn tênh cõi người .
                               Kéo nhau lên đỉnh chơi vơi .
                               Đám mây vần vũ luân hồi chợ tan …
          Dung lượng về thông tin quá nhiều , tứ thơ thí quá sắc , cách nói thì nhẹ bẫng , mà tâm trạng lại ngổn ngang . Ôi tứ tuyệt một thể thơ bác học .
            Không biết bài tứ tuyệt sau đây có phải ông viết về miền quê của ông hay không , mà da diết đến đắng chát , câu chữ gạn lọc đên mức không thể gạn hơn được nữa . Có người nói : Thơ Đặng Hồng Thiệp , ý sâu , nhiều nghĩa mà lại quá kiệm lời , phải chăng bài này là một đại diện :
                                       Nắng soi cát bụi mù khơi
                                       Đất nghèo lỳ dông bão
                                       Cây độ nôn nao xòe tán
                                       Vàng chiều lối ấy người ơi …
        Cũng vẫn cái mạch này ở một bài khác ông lại có cách viết không giống những gì trước đó ông đã viết , bài này hình như ông ảnh hưởng ở thơ chữ hán ( tôi đoán thế) . Vì ông tả cảnh mà nhói lòng như muốn nói đến cái sự đời .
                                   Trăng hẹn tròn rồi trăng lại khuyết .
                                    Bình minh gọi nắng buốt chiều mong
                                    Náo nức ban mai nghểnh tai chim hót
                                    Lầm lụi ngoài kia cát bụi bay …
       Những chữ ông dùng trong bài thơ này như hư như ảo , còn đấy mà mất đấy , và câu kết , tôi lại muốn nói đến cái sự tuyệt chăng ? Không phải chỉ có thế , câu kết của bài thơ này nó như muốn thức tỉnh một diều gì quen thuộc lắm .
           Một bài thơ tả cảnh khác , chữ thì cực ít , mà tình thì lại thật say , cái diệu kì của thể tứ tuyệt đã được ông khai thác triệt để cho cảm xúc của mình .
                                      Trăng hay là mây bay
                                       Ngập ngời sương bến đậu
                                       Gió gió trào hun hút
                                       Chơi vơi òa men say .
          Hai bài tứ tuyệt trên đây tuy cùng là cảnh cả đấy nhưng hiệu quả của mỗi bài lại mang đến cho người đọc cảm thụ khác nhau , sự biến hóa của thơ tứ tuyệt quả thật khôn lường .
       ở bài SUỐI TIÊN thì lại khác :
                                      Bảy cô gái đã thành mây trắng
                                       Thành rồng trong cõi huyền không
                                       Suối trong veo ngàn năm vẫn chảy .
                                       Có ai về uống nước suối tiên không ?...
         Ba câu đầu chỉ là cái cầu dẫn sinh động , như muốn dẫn người đọc theo một lối cảm thụ khác , ấy thế mà đùng một cái ông buông cho một câu kết : Có ai về uống nước suối tiên không ?... thì quả là độc đáo , bất ngờ và TUYỆT
        Tứ thơ tứ tuyệt hình như luôn có trong tâm của thi nhân Đặng Hồng Thiệp , cho nên ở trạng thái nào ông cũng tìm đến thể thơ này để trút vào đó những trăn trở , lo âu :, tôi lại nói đến một bài tư tuyệt theo thể lục bát của ông :
                                        Yên cây ấm tổ đàn chim
                                         Cây lay gió mãi mưa tìm rễ xâu
                                         Nắng nhiều sông thấu nông sâu
                                         Cánh buồm lèo gió biết đâu trở trời …
        Lục bát mà viết như thế này thì ông đã đẩy thơ lục bát lên một vị thế mới .
        Tôi đồ rằng khi còn công tác ông cũng có một vị trí khá quan trọng trong chính trường . Nếu không , sao ông lại có một bài tứ tuyệt hay như thế này :
                                          Khơi trong thực bao dòng chảy ảo .
                                          Lối thời gian mờ tỏ Ngân Hà
                                          Ơi nhành lặng cô đơn chiều muộn
                                          Sáng mai nào vời vợi đơm hoa …
        Chả nói gì về vị trí cả , nhưng đọc lên thấy ông nhiều khi thảng thốt , tôi viết dòng chữ này không biết có phải với ông không ?
             Và khi đọc đến bài NƠI CHỐN ẤY thì cái phỏng đoán của tôi được hiện lên khá rõ . Thì ra cái vị trí mà dân quen gọi là QUAN ấy đối với ông một thi sĩ đa cảm nhiều khi khắc khoải và cảm thấy tù túng khó chịu ,
                                        Nơi chốn ấy quyền uy khắc khoải
                                        Uống tháng năm nóng lạnh nhịn đời
                                        Nơi chốn ấy qua rồi thanh thoát
                                        Nhấm non xanh bay bổng lưng trời …
         Cái tâm của thi sỹ khi có quyền lực thì đã rõ rồi , nhưng cái tài của ông ở bài này toát lên ở hai câu khá sắc sảo, đó là câu thứ hai và câu kết được ba động từ nhấn làm cho bài tứ tuyệt càng thêm tuyệt , đó là ba từ : UỐNG , NHỊN , NHẤM . Tứ tuyệt là vậy đấy nó chỉ hay khi có những câu chữ như thần .
         Với tấm lòng trong sáng ấy ở bài CÂY KHẾ DỤC THANH ông viết
                                          Cây khế còn đây , người đã vắng
                                           Muôn nhánh xòe đỡ khoảng trời xanh
                                           Chua ngọt đã từng năm với tháng
                                            Khế vẫn vì con cháu trĩu cành ….
        Viết về Bác Hồ kính yêu như thế này thì tài thật , ông chẳng những tìm dược một cách nói mà dùng hình bóng cây khế để tạo cớ cho ông đưa vào đó hai chữ CHUA và NGỌT thì còn có gì để bàn thêm về thơ tứ tuyệt của ông nữa .
          Có một điều lạ trong thơ tứ tuyệt Đăng Hông Thiệp là hầu hết cuối các câu kết bao giờ ông cũng dùng ba dấu chấm , hình như ông muốn người đọc khám phá một tầng cảm xúc nữa sau khi đọc . và cũng nên thẳng thắn nói với rằng ông đã hơi lạm dụng thủ pháp này làm cho một đôi bài giảm đi sự chắc chắn của tứ thơ . Ví dụ như bài sau đây
                                             Ai nhớ những triền chất ngất
                                              Hồn đá ngàn năm tụ về
                                              Núi non một mai dần khuất
                                              Lời kêu thảm thiết ai nghe …
      Một bài tứ tuyệt khá chuẩn , khá mẫu mực . Sự đau đớn của con người thi sĩ khi chứng kiến cảnh núi non hùng vĩ đang dần biến mất cho sự lấy đá nung vôi làm xi măng và vân vân nhiều cái khác và tiếng kêu của ông sẽ thảm thiết hơn giá mà ông đừng dùng ba cái dấu chấm ở cuối câu kết mà thay vào bằng dấu chấm than thì thôi rồi thi sĩ ơi .
    Tôi muốn nói tới hai bài tứ tuyệt như thể một sự tổng kết nhận thức sau những bôn ba trải nghiệm .
       ở bài NGUY CƠ ông thú nhận :
                                       Con cá dưới nước có nguy cơ gặp lưới
                                       Con nai trong rừng có nguy cơ sập bẫy
                                       Con chim trên trời có nguy cơ bị bắn .
                                        Anh đi ngang đời em có nguy cơ … vương tơ …
        Tưởng là vui , nhưng không phải , thật đấy , nó thật chính là ở cái sự kết của bài thơ này .
         Còn bài này cũng mang dáng dấp một sự tổng kết lối sống , nhưng nhờ có câu kết mà bài thơ chuyển hẳn sang tự sự , và nhắn nhủ :
                                        Vườn nhà ta xanh nhất
                                         Khi chưa tới rừng xanh
                                         Ao nhà ta cũng nhất
                                         Khi chưa qua thác ghềnh …
          Và cuối cùng xin được bàn đến một bài rất chuẩn về thể thơ tứ tuyệt của ông , ở bài thơ này ông đã rất vững trong kết cấu , cũng như âm hưởng theo luật tứ tuyệt , chứng minh một điều ông chẳng những thành công ở thể thơ này mà rất có nghề , thậm chí ông còn muốn mở một lối đi thoáng hơn cho tứ tuyệt ngõ hầu không để thi luật cản trỏ cảm xúc thi nhân .
                                  Có phải mùa thu lại đến nơi
                                   Bao mùa xanh nữa hóa vàng rơi
                                   Đường ai dằng dặc rồi thăm thẳm
                                   Khôn dại cùng thu bước chân người ...
        Khoan hãy bàn về cách nhìn mới về mùa thu của thi sỹ , mà hãy lấy chút âm hưởng của bài thơ được cấu trúc công phu vận dụng từ cú pháp sẽ thấy sự dồn nén tâm trạng trong bốn câu thơ thật đọng .
        Tứ tuyệt là một thể thơ mang nặng tính ngẫu hứng , tài hoa và vốn tích lũy , dấn thân vào thể thơ này để được bạn đọc chấp nhận không phải là chuyện dễ và để đứng được với thời gian lại càng khó . Thi sỹ Đặng Hồng Thiệp đã thành công ở thể thơ này . xin chúc mừng thi sỹ .
       Gần đây có một số người muốn nhà nước lấy thơ lục bát làm QUỐC THI  học theo cách quốc hoa , quốc tửu . Tôi không phản đối ý tưởng này , nhưng cũng không đồng tình lắm vì theo tôi thơ tứ tuyệt nó cũng mang dấu ấn VIỆT đây chứ , thậm chí rất VIỆT .
 Nhà thơ : Trương Vĩnh Tuấn