Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HAI TRUYỆN NGẮN CỦA ĐỖ TRỌNG KHƠI

Đỗ Trọng Khơi
Thứ sáu ngày 9 tháng 9 năm 2011 8:41 PM
BÍCH CÂU QUÁN
VỚI NHỊ VỊ ĐỆ NHẤT VĂN CHƯƠNG

Xuân Hương sai người gái giúp việc vào Bích Câu trước đưa cho quan Cần chánh đại học sĩ tờ thư, trong có bài thơ:
Dặm khách muôn nghìn nỗi nhớ nhung
mượn ai tới đấy gửi cho cùng
chữ tình chốc đã ba năm vẹn
giấc mộng rồi ra nửa khắc không
xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập
phấn son càng tủi phận long đong
biết còn mảy chút tình đeo mái
lầu nguyệt năm canh chiếc bóng trong.
Tố Như xem đi xem lại lòng ngài cảm phục và thêm thương thay cho phận nhi nữ tài sắc tương đố. Vừa lúc ấy Xuân Hương bước vào thì bảo:
- Đừng xót thay cho thiếp làm gì. Thiếp viết vậy là do đạo vậy, phép thơ vậy. Nói được ra lòng đã nguôi bốn phần rồi.
Tố Như bảo:
- Ta ngày trước làm được khúc thơ này lòng sầu mộng vì nàng cũng thấy vơi được bốn đoạn nhưng từ bấy đến nay, sáu nỗi đoạn trường trong lòng vẫn còn nguyên đó, chẳng vơi thêm được đoạn nào, nàng ạ. Nói thế rồi thủ thỉ thù thì Nguyễn đọc:
Xắn gọn quần cánh bướm
chèo thuyền con hái sen
nước hồ đầy lai láng
dưới nước có bóng người;
Tây Hồ hái hái sen
hoa gương bỏ lên thuyền
hoa tặng người mình sợ
gương tặng người mình quen;
sáng nay đi hái sen
hẹn cô kia đi với
không biết có đến không?
Sau khóm hoa nghe tiếng cười nói;
hoa sen ai cũng ưa
cuống sen chẳng ai thích
trong cuống có tơ mành
vấn vương không thể đứt;
lá sen màu xanh xanh
hoa sen dáng xinh xinh
hái sen chớ đụng ngõ
năm sau hoa chẳng sinh.
Nghe xong dăm khúc thơ ấy Xuân Hương vén tà áo lau nước mắt. Nàng sơ ý để lộ ra bên lườn trắng nõn. Tố Như nhìn phải mắt hoa lên, đành nuốt nước miếng mà nhìn đi chỗ khác. Tưởng sẽ sụt sà sụt sịt lâu hay đâu hai con mắt thoáng cái đã sáng trong tinh nghịch, Xuân Hương nói:
- Thơ chàng, thiếp thích nhất khúc Thương Ngô trúc chi ca, có câu: Hãy xem trước gió lay phơ phất - Chính lúc quay cuồng đẹp biết bao... Nghe tình tứ, can tràng hảo hán lắm. Còn lại đa số thơ chàng khô não héo tâm quá. Đọc thấy tồi tội thế nào...
Tố Như bảo:
- Đời xui ngọn bút thơ ta vậy, đành vậy! Ta cũng muốn được như Lý Bạch tiên sinh, múa gươm thưởng nguyệt mà phóng tay gieo chữ.
Xuân Hương che quạt cười. Chuyện với Nguyễn nàng thường rất hoạt ngôn, thỏa thích tung tẩy không phải kiêng khem nho nhã gì cho lắm.
- Bên kỳ nữ tài sắc này, chiều nịnh thì chàng mượn chí tiêu du tiêu sái của Lý mà nói vậy. Thực ra thâm căn cố đế chàng giống Đỗ y tạc. Gương chữ nào cũng thấy chau mày ủ mặt. Thân chữ thì đói, tâm chữ thì sầu. Đọc chàng thiếp ngẫm chữ thơ nào khép nép cúi mặt thì dù có là chữ thần vẫn không thấy thích bằng gặp chữ dù có kém thần một phân nhưng nó mang vẻ tiêu dao, lộng lẫy. Ấy là những chữ ngửa mặt giữa trời xanh.
Tố Như ngẫm nghĩ chừng khoảng dăm bước chân thì bảo:
- Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên - Hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên... là chữ ngửa mặt chăng?
Lại đáp:
- Không phải. Vì nó ngửa mặt trong cách nhìn sầu phẫn. Thế chữ ấy như chim đòi thoát lồng mà không thoát được. Cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân. Một mình dám nhận cơn gió lạnh trên con đường nhân sinh ngàn năm. Đó mới là thứ chữ ngửa mặt kiêu hãnh. Lại như chữ, Gươm đàn nửa gánh non sông một chèo... và trượng phu đại lượng, Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường... Mới thực là khoái hoạt lạ thường. Nét hồn chàng trong cách phơi phới ấy thật thích. Chàng đã che bớt vẻ mặt đàn ông ích kỷ, chấp nệ rồi tắm gội chiêu tuyết vết thương cho thân xác đàn bà. Chữ thế mới là chữ! Trong những đêm vắng cô quạnh mà ngâm to câu: Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường, chân tay thiếp nó cứ bổn chà bổn chổn. Chàng biết không, câu, Một trái trăng thu chín mõm mòm... là thiếp viết trong trạng thái chân tay ấy đấy.
Tố Như khoát tay ra hiệu:
- Thôi. Ta hiểu tinh khí của nàng. Đừng trêu ta nữa...
- Biết còn mảy chút tình đeo mái... thử hỏi có mặt đàn ông nào khiến thiếp phải hạ thân thế không? Thiếp mà trêu ghẹo chàng ư ?
- Giờ này mới nói thế, ích gì! Cái thuở Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm - Một lạch đào nguyên suối chửa thông... của tuổi tình nàng thì ta ở đâu trong con mắt kiêu sa đáo để kia? Thôi. Thôi. Nàng chỉ khéo bỡn người.
Xuân Hương nghe vậy thì ăn năn lắm.
- Chỉ tại tính chàng nhút nhát. Ai bảo ngày xanh ấy chàng cứ tự ti đi lẫn vào đám nho sinh mặt trắng lưng dài, ngọn bút vo ve như ong vò vẽ trên trang giấy. Thiếp biết đâu được...
- Kìa. Kìa... nàng lấy đâu ra gương mặt Tiểu Thanh thế. Nó không hợp với nàng đâu.
- Phải thế nào mới hợp với thiếp? Cứ vỗ nồng nỗng lên, cấm được nói sự thèm vuốt ve e ấp chứ gì?
- Người ta bảo thơ nàng vừa bạo vừa... dâm. Mà có người nói thế lại cứ nhìn vào ta như thể ta là đồng phạm.
- Phỉ phui vào những miệng lưỡi đàn ông ấy. Mắt họ luôn dính vào bên trong mọi yếm váy, lời nói thì mọc lẫn giữa vông với trốc lại cứ còn ra vẻ ta đây túc nho thanh quý. Trái tim bọn đàn ông đó có hay không? Nếu có thì nó đặt vào đâu?
- Nàng nói câu nào cũng nửa thủy nạn nửa hỏa tai. Khiếp! Trái tim của bọn đàn ông không đặt nơi trang thơ cũng đặt nơi quốc tính. Toàn chỗ "siêu" cả....
Xuân Hương nghe vậy thì bỏ đi. Đi được sáu bước chợt quay lui lại bước rưỡi rồi nói:
- Trái tim trước khi đặt vào quốc tính, nó cần đặt vào đâu trước? Đặt nơi khô máu! Dân tình đâu đâu cũng thấy người đói khổ, oan khiên. Và trước khi đặt vào trang thơ, trái tim cần đặt vào đâu? Vào tình yêu - mà nền tảng của yêu là dục. Thấy gái đẹp chàng có thích không? Thích sắc nhưng lại cứ ra rả rằng, quý nết trọng tài. Phét lác! Thích thì tưởng tượng đến chỗ này chỗ nọ của người ta, tưởng ra cái "chuyện ấy", thế rồi sung sướng, thế rồi mê đắm, thế rồi mới yêu. Thiếp hỏi thầm thì thôi nhé, các ông vua, chúa mà bọn  kẻ sĩ các chàng thờ phụng cho đến chết kia, các ngài dấu yêu một cái gì?... (nói rồi cười khúc khích nhưng trông không thấy lẳng) Vua có lấy gái xấu làm phi tần chỉ vì chữ nết chữ tài không? Chúa có bỏ gái đẹp chỉ vì kém tài kém nết không? Thiếp biết tỏng tòng tong. Thế mà chàng còn hạ bút yêu vì nết trọng vì tài. Nói yêu vì sắc trọng vì nết, thì còn nghe được. Còn cái tài của bọn đàn bà thường là cái hại của họ. Chàng viết, Chữ tài chữ sắc khéo là ghét nhau... thì thiếp phục lắm. Hai chữ ấy đúng là không nên có trong một người đàn bà. Nói rồi gấp quạt đánh soạt một cái, lộ ra nụ cười tươi roi rói...
Tố Như cũng cười nhưng đầu thì cứ lắc quầy quậy:
- Biết thế. Vẫn biết là thế! Nhưng đã là thơ thì cũng cần phải nhã, phải ý nhị sâu kín chứ.
Bước trở lại bước rưỡi nữa, cách Tố Như còn chừng hai bước, Xuân Hương đáp:
- Chàng tưởng thơ chàng nhã hơn thơ thiếp chắc. Để thiếp thử hỏi cái con ong đã tỏ đường đi lối về trong chữ thơ chàng xem nó nói sao? Sợ rằng nó không dấu cho chàng những nẻo đường khuya một mình khuất tất thôi. Vả nữa, bọn đàn ông các chàng nói yêu theo cách Trình, cách Khổng. Thiếp nói yêu theo kiểu dân gian. Điểm xuất phát khác nhau, tất khuôn thức cũng khác nhau.
- Khác không quan trọng. Hay mới đáng bàn.
- Cái hay mà xa lạ với con người,  bất quá cũng mới tới ba phần chín giá trị.
Tố Như nghe rõ Xuân Hương nhấn nhá chữ  "ba" chữ "chín" thì nghĩ nàng ta có ý gợi tới thành ngữ "ba vạn chín nghìn" thật là quá quắt. Với ta, bậc thi bá mà nàng còn ăn nói lếu láo lại thì còn ai đáng kể nữa. Đẹp có đẹp, tài có tài, nhưng đàn ông nào mà dám lấy nàng làm vợ phải là hạng gan to một đấu... Sực Nguyễn nhận thêm ra cái nụ cười ẩn ở mé đuôi mắt trái của Xuân Hương. Nghĩ không đáp lời hẳn nàng bảo mình bí, bèn nói:
- Cái gì gần với tâm hồn siêu thoát, cao khoát mà chẳng xa với thân xác nhục cảm, hả nàng?
Với nụ cười ẩn sang cả đuôi mắt phải, Xuân Hương nói:
- Cái gì thoát xác đều là cái chết. Còn thế nào là siêu cảm, là nhục cảm phải bàn lâu dài và cũng còn tùy vào nhãn lực trong hay đục, hữu hay vô, lành hay rách nát...
- Mồm năm miệng mười, chém đinh chặt sắt... Ai cãi nhau với nàng được. Từ nãy đến giờ nàng nhìn ta bằng hai đuôi con mắt rồi còn gì. Ta chỉ nói một câu nữa thôi...
Chưa biết Tố Như định nói "một câu nữa thôi" là câu gì, thì Xuân Hương đã nhanh nhảu:
- Thiếp biết. Nếu thiếp nói một câu cho chuyện gì, thì cũng chuyện ấy chàng thường nói đến câu sáu câu bảy. Có mỗi cái việc cô Kiều lấy ai bỏ ai, cho ai sướng thật cho ai sướng vờ mà chàng nói đến ba ngàn hai trăm năm mươi tư câu. Khiếp! Thiếp rửa tai đây, chàng cứ đúng một câu bảy mà nói.
Tố Như quen nghe Xuân Hương cãi chuyện nhiều rồi nên tỏ vẻ chẳng chấp.
- Nước Nam này trước không có ai như nàng, sau cũng không có ai sáng tác ra thứ thơ thẩn sực mùi chăn gối như thế nữa.
Xuân Hương cười rũ. Không hiểu sao cứ khinh khích mãi. Tố Như thầm kiểm lại lời mình xem có gì hớ không. Kiểm đủ hai mươi bảy chữ với một dấu phẩy mà chưa tìm ra nguyên nhân của tiếng cười ấy.
- Chàng ơi! Lời thế mà tự thị là "siêu cảm"ư ? Chàng sao có thể siêu với tiên được trong cách mũ ni che tai, mịt mùng ý nhị con nhà. Hai trăm lẻ năm năm nữa lối kiểu cổ phong bằng trắc sẽ bị thứ thơ gọi là Thơ mới phá bỏ. Thứ thơ này nó được sinh ra từ thi liệu - hoóc môn - cái Tôi bản ngã. Lại sau đó bảy mươi năm nữa bản ngã - hoóc môn - thi liệu còn thăng hoa phát triển hơn nhiều. Vào thời đại thơ ca ấy, lối chữ nghĩa của thiếp sẽ được tôn làm Bà Chúa. Và nó sẽ được hát lên bằng nhiều thứ tiếng. Bất kể thứ tiếng nào được nuôi trong hồn thơ thiếp đều sẽ vạm vỡ, phồn thực hơn. Chàng cứ ngẫm hai trăm lẻ năm năm nữa thì sẽ rõ...
Tố Như bật cười. Và với vẻ không kém phần tự đắc bảo:
- Trong ta có cái ngàn năm, nói gì hai trăm lẻ năm năm ấy. Được, ta sẽ chứng nghiệm xem mớ hoóc môn thi liệu của nàng đạt được ba hay chín phần nhé.
- Được! Và thiếp cũng cần đặt thêm một câu trước điểm hai trăm lẻ năm năm ấy.
- Nàng chỉ cần nói không phẩy bảy phần câu cũng đủ.
- Thiếp biết ơn lắm lắm! Quả phi chàng không ai hiểu thiếp... Cũng điệu đà khen nịnh câu như vậy rồi Xuân Hương mới tiếp. Ở năm tháng đó sẽ có một thuật ngữ mới lý luận cho thơ là Thơ hiện đại, thơ Hậu hiện đại. Vẫn là thứ khái niệm nô dịch của thời gian. Văn chương đạt đến kiệt tác là đạt đến phi thời gian, đạt đến chỗ thời gian tuyệt vết. Và ở điểm ấy, kiệt tác đó vẫn mới. Nhưng thôi, ta cứ tạm dùng đôi khái niệm ấy mà nói. Trước thời gian - nghệ thuật có tác phẩm hiện đại với ngàn năm, có tác phẩm bất quá lắm hiện đại được ngàn... ngày. Điểm cực khác giữa thiếp với bọn hậu duệ hiện đại là ở chỗ ấy... Quá không phẩy bảy phần câu rồi, thiếp không dám già lời nữa...
Lời vậy và đồng điệu là đôi cánh mũi phồng to. Bao giờ Xuân Hương cũng dám tự hào một cách đích đáng.
Sự cảm nhận về nhân tình và lối thể hiện của tâm cách Tố Như thì có khác. Ngài nói trong chất chứa sâu lắng:
- Hiền nhân tìm mình trong đồng loại, dưới gót giày đồng loại. Tục nhân muốn thể hiện mình trên đồng loại, vượt ra ngoài đồng loại. Thế nên đời mới lắm tục ít nhân; lắm hư ít thực; lắm tà ít chính. Thế nên hai trăm lẻ năm năm sau, những hậu duệ hiện đại của chúng ta có khi lại bảo nàng là xẩm, ta là cải lương, học đòi. Cái thể tính của tâm hồn người vốn động. Vậy mới cần phải dưỡng thần, tĩnh trí để an thân. Tính động tất dẫn đến vong thân vọng ngoại. Nỗi bạc bẽo, khinh đời có là do đấy. Mà thôi, không bạc bẽo đã không phải đời thế tục. Ta đợi nàng ở chỗ ngàn năm chứ chỗ hẹn hai trăm lẻ năm năm ấy, có lẽ ta chưa ngủ đẫy giấc.. Bỏ lời lại đây, chỗ Bích Câu kỳ ngộ này, nàng nhé...
Nói xong thoắt cái tố Như đã bỏ đi như gió cuốn. Xuân Hương chạy theo, mấy chục từ vừa phóng ra còn cầm ở trên tay chưa trao cho Nguyễn được, chúng cứ nhảy loạn xì ngậu hết lòng tay phải sang lòng tay trái. Thấy mặt da buồn buồn nhôn nhốt, tức khí Xuân Hương bèn ném theo bóng Nguyễn. Chẳng biết mấy chục từ ấy có từ nào rơi vào túi Nguyễn không? Rất có thể mấy chục từ dành hẹn cho điểm hai trăm lẻ năm năm sau đó đã rơi sang tận bên kia Tây bán cầu với hành trình quả đúng như Xuân Hương tiên cảm chăng?
 
. XƯA VÀ NAY
 
Bên hồ Gươm, chỗ gần đền Ngọc Sơn có một người đàn ông và một cô gái, cả hai đều vận quần bò áo phông. Người đàn ông tuổi trạc bốn nhăm bốn sáu, cô gái khoảng hai mốt hai hai tuổi. Tay cô gái cầm một xấp bản thảo, khổ giấy A4. Tay người đàn ông thì mân mê bông hoa trên ngực áo cô gái. Thị Lộ chỉ tay vào hai người đó, bảo:
- Hai thi nhân đó họ mới quen nhau từ đầu giờ chiều hôm qua, tới cuối chiều hôm nay, bất quá cũng trong khoảng hai nhăm tiếng. Tính lối giờ Tây.
Ức Trai cười tủm:
     - Thế mới bảo là thời hiện đại, thơ hiện đại.
Thị Lộ cũng cười tủm:
- Ngày ấy chàng có "ngầu" thế không?
Thì đáp:
- Có. Có. Mà chưa đến hai buổi chiều đâu. Gặp cái là ta yêu nàng ngay. Khoảng đầu giờ cuối giờ, nhiều lắm là giờ tính theo lối âm lịch thôi. Lúc ấy chân tay ta đã tẩn mẩn tần mần mà tự vê áo mình rồi. Có khác là khác thời ấy trai gái ra vẻ nhã hơn, kiểu cách điệu đà vờn lượn hơn. Cũng vì hoạt tình theo lối xưa chậm, dễ phí hoài thời giờ. Nay bọn thơ hiện đại họ không dùng nữa là phải... Đoạn rồi đượm vẻ sầu miên, hồi tưởng. Quan Trung Thư đọc: Ả ở Tây Hồ bán chiếu gon...
Thị Lộ cũng vẻ sầu miên:
- Chàng nói phải. Cứ như đôi thi nhân kia thì chúng ta đã chẳng phí bao thời giờ hương sắc...  Đoạn cũng đọc thơ: Anh cắn lời thơ để máu trào.
Ức Trai thon thót hỏi:
- Thơ nàng đấy ư?
- Thiếp mà có thơ ấy thì cách yêu đương tình tang của dân nước Nam ta đã thoải mái trước sáu trăm năm rồi...
Ức Trai nhìn đôi thi nhân hiện đại.
 - Xấp giấy A4 kia, chắc là thơ. Giá như đọc ghé được tí chút thì tốt...
- Thì chàng hóa thân ra mà xem.
- Bậy nào. Ta đường đường là bậc đại Nho, là Danh nhân Văn hóa thế giới. Làm thế lũ con cháu nó cười cho.
Thị Lộ cười vui, bảo:
- Thiếp đành vì chàng một chuyến này vậy.
Ức Trai víu tay lại dặn:
- Nàng ẩn thân phải siêu vào. Vụ án Vườn vải của chúng ta khiến lớp văn sĩ hậu bối còn sợ vỡ mật đấy.
Thị Lộ thở dài:
- Thì thôi vậy. Số thiếp đen, chạm vào lỡ lây án văn sang chúng họ thì khổ. Mới có tờ báo Thơ, ra tới số bốn rồi. Thế nào chả có số giới thiệu cả trang thơ của nữ thi sĩ kia. rồi thiếp sẽ kiếm báo Thơ cho chàng...
- Có vẻ nàng am tường thời sự thơ đương đại hơi quá đấy.
- Thiếp quá nhàn việc. Danh dự chưa được chiêu tuyết nên đi xin việc ở đâu họ cũng không dám nhận. Thiếp còn biết làm việc gì ngoài đọc sách báo.
Ức Trai an ủi:
- Hôm rồi có người viết trên tờ Văn nghệ đòi Tòa án Tối cao phải xử lại vụ án Vườn vải, chiêu tuyết cho nàng. Ta cứ chờ xem...
Nghe thấy thì Thị Lộ hơi vui, nhưng lại thở dài đánh thượt, bảo:
- Văn nghệ văn gừng ấy mà, chỉ là khuấy động phong trào cho vui thôi.
Ức Trai "à" lên một tiếng. Hơi gió của tiếng à đó làm lay động những hàng cây ven hồ. Xấp giấy A4 nữ thi nhân cầm hớ hênh bị gió cuốn bay lả tả. Nam thi nhân cuống quýt đi thu lại. Nữ thi nhân thì cứ ngồi im, vẻ người như ê ẩm hay đau đau ở đâu đó.
- Em vẫn còn thấy đau. Tội của anh đấy.
- Qua ngày nay nữa là cùng. Mai thì thênh thang, thoải mái... nam thi nhân cười cười. Đoạn đọc câu thơ: Tin khá tin thì ngờ khá ngờ!
Nghe thế Ức Trai giật mình bảo với Thị Lộ:
-  Cậu ấy lại đem thơ ta đi tán gái, nàng ạ.
Thị Lộ cười bảo:
- Chàng còn uy tín chán.
...
Nam thi nhân hỏi:
- Em định đặt tên cho tập thơ là gì?
- Đói và khát.
Nghe thế bảo:
- Dân Nam mình xuất khẩu lương thực rồi...
Thì đáp:
- Là em đói khát. Em lúc nào cũng đói!
Nam thi nhân cười tủm tỉm, đôi vai khe khẽ rung.
Nữ thi nhân bảo:
- Em bị "sét đánh" chính vì cái điệu cười bí ẩn và vẻ điềm tĩnh của anh đấy.
- Có gì khác đâu. Sĩ phu Bắc Hà, loại thứ hai chuyên cười tủm tỉm.
- Loại số một thì cười thế nào?
- Loại sĩ phu ấy ở tư cách thượng thừa rồi. Họ được tự do, vượt mọi lễ nghi, khuôn thức. Nên có người cười sang sảng. Cũng có người sẽ suốt đời không cười nữa, vì họ mang một nỗi suy tư lớn, hay một vết thương lớn.
- Loại số ba cười thế nào?
- Loại ấy chưa được phân tiếu pháp. Kể làm gì.
- Em phải phấn đấu cười "tủm tỉm" mới được.
- Nụ cười ấy, của em đây... Nói và nam thi nhân gắn chặt môi mình vào môi nữ thi nhân.. Rồi từ hai đôi môi ấy nở ra hai thứ tiếng thì thầm thơ ca. Tiếng nam thi nhân: Ngày tháng bằng thoi một phút cười. Tiếng nữ thi nhân: Từ lâu ta đã để tang ta rồi... Tiếng nam thi nhân: Đời người biết chữ nhiều lo lụy...
Ức Trai giận bắn người:
- Thật chẳng còn lễ nghi phép tắc gì.
Thị Lộ khuyên giải:
- Thơ cậu ấy cũng hơi bị hay đấy. Vậy mà cậu ấy chỉ nói với hồng nhan tri kỷ của mình bằng thơ chàng. Hẳn cậu ấy cưng chàng lắm.
- Cưng mấy thì cưng. Ai lại dùng thơ ta trong trạng thái chân tay thế kia... Cỡ cậu ấy còn cư xử vậy, bọn thi nhân cấp dưới thời nay chắc tệ hại thế nào. Bậy quá! Bậy quá!...
Vừa lúc ấy lại vọng đến tai Ức Trai, Thị Lộ tiếng thơ: Giọt sương đậu mái tiêu đình/ tỉnh ra mới biết rằng mình hư không!...
Thị Lộ bảo:
- Đó là thơ của một cư sỹ đấy. Cậu này làm thơ lục bát cũng hay.
Ức Trai ngậm ngùi:
- Ta cũng ba lần suýt làm thơ lục bát. Lần ở Tây Hồ gặp nàng đó, câu Ả ở Tây Hồ bán chiếu gon... Cái vần "on" mà bắt vào lục bát thì ngọt quá. Lần thứ hai, câu Đêm thanh nguyệt bạch khách lên lầu... giá viết, đêm nguyệt bạch khách lên lầu cho vận lục bát vừa có một tiểu đối, lại sẻn so được một từ. Lần thứ ba, bài Hoa sen (*) ta vốn viết, Lầm chẳng bén, tốt hòa thanh. Kham khuôn quân tử thửa danh đượm màu. Đưa hương nguyệt tĩnh, dạ thâu. Trinh làm của, có ai cầu ai tranh... Thế mà ta đã không làm thơ lục bát. Kể cũng tiêng tiếc...
- Vì lúc đó chàng còn thụng thà thụng thịnh trong cái áo Nho gia sĩ tử, chạy theo bóng chữ nghĩa thánh hiền. Mặc cảm, cho lục bát là lối kiểu dân gian, nôm na mách qué... thiếp lạ gì. Giá chàng cứ mạnh tay hạ bút thì dân ta đã chẳng phải đợi ba trăm năm, chàng Tố Như mới khai sáng cho nghệ thuật hàn lâm thể lục bát.
Nghĩ sao Ức Trai cười tủm tỉm bảo:
- Nàng nói cũng không quá. Giá tay ta mà "mạnh mẽ" được như thế kia, thì tốt...
Lúc ấy đôi tay nam thi nhân, một cầm xấp giấy A4 che trước đùi nữ thi nhân, một nằm khuất vào trong cạp quần bò. Tiếng thì thầm vọng lại: Đỡ đau chưa em? Tiếng nữ thi nhân: Con thuyền bào ảnh, là ta hay là?... Tiếng nam thi nhân: Kiếp sau xin chớ làm người. Làm cây thông đứng giữa trời mà reo... Nữ thi nhân giọng tưng tức bảo: Nói một câu khuyên dạy trùng ý như thế nữa xem nào? Bèn nói: Lao xao sóng vỗ cành tùng. Gian nan là nợ anh hùng phải vay. Tiếng khen: Ứng tác giỏi đấy...
Thị Lộ bảo:
- Mấy câu thơ này không biết của ai?...
Ức Trai thì thầm:
- Của ai cũng mặc. Miễn đừng đọc thơ ta trong trạng thái chân tay như  thế kia.
Bận mải chân tay một lúc, đôi tình nhân đứng lên đi về phía đền Ngọc Sơn. Nam thi nhân bảo:
- Vào đền thắp một nén nhang...
- Thơ ca lấm láp còn màng... điều thiêng.
Nữ thi nhân ngấm nga ngấm nguẩy. Nam thi nhân nghe theo. Họ không màng đến đài thiêng nữa, bèn rủ nhau đi chơi phủ Tây Hồ.
Thị Lộ hỏi:
- Ta cũng đi theo chứ?
Ức Trai bảo:
- Thôi. Ẩn nấp, nghe trộm dù là nghe thơ cũng yếu lính quá. Đêm nay triệu đôi thi nhân này vào mộng trò chuyện cho nó đàng hoàng.
Thị Lộ cho là phải.
***
Trước khi triệu đôi thi nhân vào mộng, Ức Trai sai Thị Lộ lấy áo triều phục, mũ cánh chuồn. Bảo, phải y vận như ảnh ta treo ở tòa báo Văn nghệ, bọn họ mới nể.
Khi gặp đôi thi nhân, Thị Lộ bảo:
- Chúng ta định rủ Tố Như và Hồ Xuân Hương đi cùng cho vui, tìm không thấy họ đâu.
Nam thi nhân bảo:
- Hôm rồi chúng cháu thấy nhị vị thi bá ở Bích Câu, song không kịp tiếp kiến.
Nữ thi nhân họa:
- Cháu có nhìn thấy cụ Xuân Hương giận dỗi ném theo cụ Tố Như một vốc chữ, khoảng hai chục từ. Cháu cố chạy theo nhặt vài chữ lấy khước mà không được. Tiếc đứt ruột!
Ức trai bảo:
- Chữ nghĩa của hạng thi hào là thứ siêu hạt giống. Rơi xuống biển thì thành sóng, xuống rừng thành núi, rơi vào làng mạc phố phường thì thành nền văn hóa. Không phải tiếc đứt ruột làm gì.
Nam thi nhân gãi gãi đầu, nói:
- Sau hơn sáu trăm năm mà bọn thi nhân chúng cháu chưa làm nên cơm cháo gì. Vẫn phải nấp bóng Người. Thật là có lỗi với tiền nhân. Nói rồi sụp xuống lạy tạ.
Ức Trai đỡ dậy, bảo:
- Phải là hạng sĩ phu có đẳng cấp mới nương hương tựa sắc hạng vĩ nhân được. Cháu hẳn cũng chẳng phải tay xoàng. Vả nữa, anh hùng như sao buổi sớm. Vĩ nhân văn hóa, thi hào còn thưa thớt hơn nhiều. Dân tộc nào cũng vậy. Chớ có nhọc lòng nhiều, nghe..
Nam thi nhân được lời thế thì phởn lắm.
- Lối thơ sáu chữ Người thường dùng trong Ức Trai Thi tập, Quan Trung Từ mệnh tập quả là một sức chữ lạ thường, cưỡng lại lối thất ngôn Đường Tống. Phi tài chữ Người không ai làm được.
Nữ thi nhân thấy bề trên của mình thưa thốt vậy thì cũng họa lời:
- Những trước tác thơ Nôm của Người, từ thuở ấy thực là tiếng lòng của tâm thế, tâm hồn dân tộc Lạc Hồng ta trước chữ Hán, văn học Trung Hoa. Tiếc là sau Người không thi nhân nào theo được. Phải mãi ba trăm năm sau mới có được một kỳ nữ xứng danh.
Thị Lộ luận:
- Trước khi cầm bút làm thơ, Ức Trai đã mang nỗi sầu lớn về non sông nòi giống. Ức Trai làm thơ bằng cả tinh thần tráng sĩ của một nền văn hóa, một lãnh tụ nghĩa quân. Về sau kẻ sĩ nước Nam lại lụy vào lệ khoa cử, trường ốc giáo điều. Lối học ấy, thể cách nghệ thuật ấy nó hợp với người mài mực đề thơ, không hợp với người mài gươm định chí. Có nền nghệ thuật được khởi phát từ tâm lực một vài người. Có nền nghệ thuật phải chờ sức trỗi dậy của tâm thế cả cộng đồng dân tộc. Nền nghệ thuật thơ ca mà các cô cậu đang được thừa hưởng sau thời Thơ Mới, chính là nền nghệ thuật lớn dậy theo ý thứ hai này. Ức Trai của ta, trước và sau hàng trăm năm, duy có Người một mình làm cuộc cách tân thi pháp cho cả nền nghệ thuật quốc gia. Thử hỏi Đông Tây kim cổ ai hơn? Rồi nói thêm, này này, trong nệm êm chăn ấm, anh anh em em con người ta thường đánh mất ý chí lắm đấy.
Nam thi nhân tạ lỗi đáp:
- Lễ Nghi Học sĩ dạy phải. Và chỉ tay sang nữ thi nhân nói tiếp, nữ học trò này muốn được theo học nghề thơ ở Bà Chúa thơ Nôm. Dám phiền nhị vị tiên hiền, có gặp nữ sĩ Xuân Hương thì giới thiệu cho đôi lời.
Ức Trai bảo:
- Được. Xuân Hương ngôn bạo mà tâm thơm thảo. Nếu gặp trò xứng đáng thế nào nàng cũng nhận cho. Nhớ một lần gặp Xuân Hương có than phiền với ta về số điều của lớp thi nhân hậu bối thời nay. Các cô cậu hay xâm hương tẩm sắc cho nhau, dễ dẫn đến tính chủ quan, kiêu mạn. Người ta khi kiêu mạn tất tổn chân khí. Chân khí mà tổn hại thì không viết ra thứ chữ nghĩa èo ọt, thiếu sức sống cũng viết ra thứ chữ nhảm nhí, ngông cuồng.
Nữ thi nhân nghe vậy tỏ vẻ không vui lắm, bèn đọc thơ: Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi. Này của Xuân Hương đã quệt rồi... và cứ nức nở khen chữ "quệt" thần tình. Lại đọc: Đôi mông này là đôi mông kỳ vĩ. Tôi biết chúng rất rõ. Để dán bùa vào các chàng trai. Rồi quay anh ta đến nơi đến chốn... Bảo đấy là thơ của một người đàn bà phương Tây, vừa được báo Thơ đăng trân trọng và lại cứ nức nở khen chữ "quay" thần tình và có điểm trùng ngôn hợp ý với thơ Xuân Hương.
Thị Lộ xòe quạt che miệng cười và chuyển chuyện sang hướng khác.
- Thời xưa dụng chữ, dễ trăm chữ có đến mươi chữ phạm húy kỵ. Thời nay việc làm chữ nghĩa thế nào?
Nam thi nhân đáp:
- Húy kỵ đặt ở xác chữ, như tên vua chúa là Xuân, Hè thì cứ chữ xuân, hè mà tránh. Húy kỵ đặt ở lòng chữ thì suy diễn vô cùng. Có khi viết đông tàn, thu héo vẫn bị suy thành xuân tàn, hạ héo! Thế nên xưa nay nhiều kẻ làm văn chương đã không gánh được áp chế, đã tự biến thành lươn thành chạch. Không thành lươn chạch để lách chữ nghĩa, thì cũng thành lươn chạch để ngoi ngôi cầu vị, vinh thân phì gia. Khổ có khổ. Cả tủi nhục nữa. Nhưng còn được làm văn chương thì vẫn vui. Hì hì...
Quen nhau tính đến nay già hai buổi chiều vài khắc mà nữ thi nhân chưa hề thấy nam thi nhân cười thành tiếng. Lòng thầm nghĩ được tiếp kiến vĩ nhân có khác. Thăng hạng sĩ phu loại một đến nơi rồi. Mình cũng thơm lây. Nghĩ thế thì sướng lắm, vẻ mặt bỗng rạng rỡ. Không còn hợm hực với tiền nhân nữa.
Ức Trai bảo:
- Là người tính trong thì tâm sáng, tính đục thì tâm tà. Nhưng sự chính sự tà trong nghệ thuật thì khó phân biệt lắm. Ví như nàng Đoàn Thị Điểm diễn Nôm câu: Chinh phu tử sĩ mấy người. Nào ai mạc mặt nào ai gọi hồn... Là nói đúng cái lẽ chiến tranh xưa nay. Việc tranh đoạt chính quyền, dù thành dù bại thì hạng chinh phu tử sĩ đều chịu thua thiệt xót xa lắm. Là một chiến tướng, trải bao nếm mật nằm gai, ta hiểu câu này. Thế nhưng lẽ đời thế tục xu thời nó dễ quy là thơ có tà tâm ám chỉ, là trách cứ cao xanh... Nói rồi mặt ủ mày chau, rầu rầu rĩ rĩ một hồi. Sau mới hỏi, mấy ông Văn Cao, Hữu Đang, Trần Dần, Hoàng Cầm... độ này ra sao, có khỏe không?
Nam thi nhân thưa:
- Ông Hữu Đang, Hoàng Cầm còn hưởng dương. Hai ông Văn Cao, Trần Dần đã về âm. Và lại nói đùa, chẳng biết hai ông Cao, Dần được tiên du hay lại sa hỏa ngục...
Thị Lộ bảo:
- Chớ có độc mồm. Hồi năm ngoái, cũng cữ thu này, ta đi chơi đến cõi trời Đẩu xuất, thấy Tiên đồng Ngọc nữ ở đấy đang tập cho nhau bản nhạc nghe du dương, tiêu dao lắm. Hỏi thì được bảo là bài hát Thiên Thai của Văn Cao, do tầu vũ trụ của người Tây mũi lõ gửi đến.  Các ông này hẳn cũng đắc đạo rượu ngon đắc đạo tình cả đấy.
Nữ thi nhân thấy tiếng lời vậy có ý ghen. Đọc mấy câu Chinh phụ ngâm vẻ họa lời Ức Trai nhưng kỳ thực ý tứ xa xôi:
- Gà eo óc gáy năm canh trống. Hòe phất phơ rủ bóng bốn bên. Khắc giờ đằng đẵng như niên...
Thị Lộ hiểu ý toan đứng dậy.
Nam thi nhân véo vào lườn nữ thi nhân một cái. Rồi cũng mượn Chinh phụ ngâm ướm ý đo lời bậc mĩ nữ:
- Lá màn lay ngọn gió xuyên. Bóng hoa theo bóng nguyệt lên trước rèm. Hoa dãi nguyệt nguyệt in một tấm. Nguyệt lồng hoa hoa nguyệt từng bông. Nguyệt hoa hoa nguyệt trùng trùng. Trước hoa dưới nguyệt trong lòng biết đâu?...
Vốn là chữ xiết đâu không hiểu sao nam thi nhân đọc chẹo đi vậy.
Nữ thi nhân nghe thế không cầm lòng thêm được nữa, sắc khí lộ rõ rồi đọc to lên hai câu nữa:
- Sương như búa bổ mềm gốc liễu. Mưa dường cưa xẻ héo cành ngô!...
Thị Lộ thấy từ ánh mắt, sắc mặt, tâm khí nữ thi nhân đau đớn ứa ra những đốm lửa Tam muội. Đếm thoáng cái đã được ba bảy hai mốt đốm thì mắt mình cũng bị hoa lên. Riêng Ức Trai vẫn cứ ung dung ngồi. Nam thi nhân nhìn sâu chợt thấy linh hồn mình cứ lạc hun hút vào vùng trời xa lắm. Rồi ở đấy hiện ra một trái núi lớn, nhìn kỹ thì nhận ra là núi Côn Sơn. Bàn cờ đá trên núi bỗng chuyển động, bày ra một thế cờ mà nam thi nhân không sao phá được. Lại đưa mắt sang bên gặp nụ cười hiền triết nở trên môi Ức Trai. Biết Người đọc được cơ tình trong mình thì mắt cũng hoa lên. Vừa lúc ấy nhà có khách. Ông Khương Hữu đến chơi. Những tâm trạng đang bức xúc nhờ ông Khương Hữu mà được cởi bỏ.
Ông Khương Hữu thấy Ức Trai thì mừng rú. Nức nở khóc một chặp. Sau người đỡ run mới từ tốn lấy ra tờ thơ, kính cẩn đưa cho Ức Trai. Cách hành xử của ông Khương Hữu xem ra có lễ độ, trang trọng lắm.
Đó là bài thơ Côn Sơn:
Lên đỉnh Côn Sơn tìm Nguyễn Trãi
trên đầu xanh ngắt một bầu không
bàn cờ thế sự quân không động
mà thấy quanh mình nổi bão giông.
Ức Trai đọc đi đọc lại đôi ba lần rồi đưa cho Thị Lộ. Ông Khương Hữu đã bớt run, nói cũng đỡ líu lưỡi, thì thầm với nam thi nhân: "Bài thơ này tớ viết đúng ba năm sáu tháng đấy. Vừa xong thì gặp ngài. Ngài thiêng thật!" Thị Lộ xem thơ xong cứ tấm tắc khen hay mãi. Ức Trai lấy bút chữa chữ "nổi" thành chữ "nỗi" và bảo:
- Máu ba họ nhà ta thấm trong chữ ấy đấy!
Nghe vậy ai cũng chuyền tay nhau đọc kỹ bài thơ. Đọc xong thì người nào người nấy mồ hôi chảy ròng ròng. Mồ hôi chảy tới đâu ông Khương Hữu, nam thi nhân, nữ thi nhân tiêu hao tới đó. Cuối cùng ở ba chỗ ngồi chỉ còn lại ba đống nước. Mùi nước thơm như mùi rượu nếp xứ Đô Kỳ, mà nếm lại thấy mằn mặn chua chua như vị nước mắt...
...
Sau đấy bọn thi sĩ Hà Nội đồn rằng soi vào ba đống nước ấy thì thấy gương mặt Ức Trai, Thị Lộ. Lời đồn làm cho hết thảy bọn họa sĩ, nhiếp ảnh xôn xao giá vẽ, máy chụp ảnh kéo về Hà Nội. Bọn văn nghệ Thái Bình cũng đứng ngồi không yên. Lời lẽ bàn tán nghe vô cùng lắm.
Tôi viết truyện này nhờ những lẽ duyên ấy.
Truyện khó cầu sự đúng sai, chỉ cầu ở ý niệm tinh thần.
 
Khởi viết từ 15 tháng 10,
viết xong ngày 20 tháng 10 năm 2003