Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

KHÔNG CÓ GIÁ TRỊ NÀO CAO HƠN SỰ SỐNG

Nhật Minh thực hiện
Thứ năm ngày 8 tháng 9 năm 2011 10:34 PM
 ( Phan Hồng Giang trả lời P/v báo Khoa học & Đời sống ngày 8 - 9 - 2011)
                                              
Mới đây, trên Vietnamnet ngày 23/8, ông có bài viết Giáo dục thần dân hay giáo dục công dân trong đó có nêu lên triết lý giáo dục. Tại sao lại đặt vấn đề về triết lý trong khi có thể coi đó là mục tiêu của giáo dục?
Theo tôi, quan trọng nhất là xác lập hệ giá trị của con người mà giáo dục - kết hợp với gia đình và toàn xã hội -, phải đào tạo nên. Đó chính là triết lý giáo dục đồng thời là mục tiêu học làm người.Có thể tóm tắt hệ giá trị đó, - tất nhiên chỉ mới là dưới góc nhìn mang tính thể nghiệm của riêng tôi.  Đó là con người trưởng thành : Biết làm ra của cải vật chất và tinh thần; Ý thức mình là công dân tự chủ, tự do, không phải thần dân thụ động; Đồng thời là "công dân toàn cầu" biết tôn trọng những giá trị phổ quát của toàn nhân loại; Biết quý trọng sinh mạng và phẩm giá của mình và của mọi người; Biết tôn trong sự khác biệt giữa các nhóm người để cùng hướng về một mục tiêu chung; Sống khỏe khoắn lành mạnh; Biết sống hòa đồng thanh thản giữa cái tình, cái đẹp của  cuộc đời, của thiên nhiên và nghệ thuật.
   Tôi rất biết cái này là mục tiêu nhưng lại cho rằng đó là triết lý vì chỉ triết lý giáo dục mới có thể làm điểm tựa tin cậy cho các hoạt động giáo dục tiếp theo như hoàn thiện đội ngũ, cơ chế chính sách quản lý; soạn thảo, đổi mới chương trình, sách giáo khoa; nâng cao chất lượng học và giảng dạy; và cuối cùng là thay đổi phương thức kiểm tra, đánh giá. 
Chúng ta đã có rất nhiều khẩu hiệu như “tiên học lễ, hậu học văn”, mục tiêu thì có: đào tạo nên những con người đủ Trí- Đức- Thể- Mỹ...? Đó là mục tiêu tốt?
 Sản phẩm của giáo dục, tức là con người mà anh đào tạo nên phải có những phẩm chất đủ để đáp ứng được những yêu cầu về sự phát triển của đất nước trong nỗ lực đồng hành cùng nhân loại.  Nhà tôi có cháu đang đi học, tôi thấy có không ít điều phải phàn nàn. Đề cao tính kỷ luật là đúng, nhưng không nên  biến  trường học thành một thứ doanh trại. Ai lại khi xếp hàng cứ ngọ nguậy là bị sao đỏ ghi tên, là bị phạt... Trẻ con thì phải hiếu động, bắt ngồi yên đâu còn là trẻ con nữa. Nhà trường luôn đề cao những học sinh chỉ biết ngoan ngoãn, vâng lời. Con người là bách nhân bách tính, khác nhau từ bé, nhưng anh lại  muốn buộc chúng phải giống nhau là một ảo tưởng  phi thực tế… Sao lại bắt tất cả phải gò vào một  khuôn phép được gọi là "bé ngoan"? Cuộc chạy đua  tạo ra các "bé ngoan" đủ lứa tuổi là rất đáng kinh hãi; nó triệt tiêu sự sáng tạo, sự khác biệt, đa dạng vốn luôn luôn là nguồn gốc của sự phát triển. Ai cũng phải thừa nhận rằng với bất cứ đất nước nào, tài nguyên không phải là động lực phát triển chủ yếu mà quan trọng nhất là yếu tố con người. Mà cái quý nhất ở con người  chính là tính sáng tạo, chủ động, dám nghĩ, dám nói, dám làm và tự chịu trách nhiệm. Nước Nhật, động đất, núi lửa là thế, tài nguyên nghèo nàn mà họ vẫn đạt trình độ phát triển rất rất cao là nhờ bàn tay, khối óc sáng tạo của con người trong một môi trường  tồn tại bằng sự khích lệ tự do, sáng tạo.
Tôi có đọc thấy nhà văn nổi tiếng của Nhật là Murakami viết, ông ấy không hề hứng thú với những gì phải học và chỉ hứng thú với việc học tập khi đã qua được hệ thống giáo dục.
Nước nào cũng có vấn đề về giáo dục. Thực ra trong vốn liếng để làm việc hiệu quả, phần đóng góp từ trường ốc người ta ước lượng chỉ khoảng chừng 25-30%, còn phần sau khi ra trường mới là quan trọng, đó là phần đời dạy, cuộc sống dạy. Bản thân tôi đã  trải qua hết các bậc học, ngẫm lại thì tự thấy phần chính có trong con người mình có lẽ vẫn là phần  học hỏi thêm từ đồng nghiệp, từ sách vở, cuộc đời, phần tự chiêm nghiệm, tìm tòi. Cái chính là giáo dục phải khơi dậy  được niềm say mê học hỏi, tìm tòi đó. Như người ta vẫn thường nói, cần phải  học để biết, học để làm, để khám phá năng lực bản thân và học để chung sống.  Ở ta hiện nay, học để biết nhiều khi  là nhồi nhét vô số kiến thức có khi vô bổ để rồi quên ngay. Học để làm thì rất kém, học xong ra ít khi làm được vì nặng về lý thuyết suông... Cách đây ít lâu, hãng Intel đầu tư 1 tỷ đô-la mở nhà máy tin học ở nước ta tổ chức tuyển dụng nhân lực, thế rồi từ 3 nghìn ứng viên có bằng  cử nhân hẳn hoi mà  họ chỉ chọn được vỏn vẹn 40 người !
Ở các nước, ngay cả học sinh phổ thông cũng rất hiểu biết về nghệ thuật, trong khi của ta thì rất lơ mơ?
Các nước tiên tiến rất coi trọng cái đó. Hiểu biết kiến thức khoa học là quan trọng, nhưng họ cho là chưa đủ. Họ nghiệm ra rằng để sau này có được một con người hướng tới sự hoàn thiện, biết làm việc tốt, biết sống hạnh phúc thì năng lực cảm nhận về cái tình, cái đẹp trong cuộc đời, trong nghệ thuật  là không thể thiếu được . Điều này cực kỳ quan trọng, nó sẽ góp phần ngăn cản anh làm những điều ác; làm cho cuộc sống của anh thêm hạnh phúc.Nhớ lại gần 30 năm trước,khi làm nghiên cứu sinh ở khoa Ngữ văn, trường ĐHTH Lomonoxop, tôi thấy các anh Phạm Huyễn, Đào Trọng Thi, Trương Gia Bình , Lê Khánh Châu… bên khoa Toán - Cơ  rất say mê âm nhạc, văn chương... Tôi tin rằng niềm đam mê  ấy không hề "xa xỉ" chút nào, nó là nguồn bổ dưỡng tuyệt vời cho  nghề nghiệp bề ngoài tưởng chừng như khô khan của các anh, giúp  con người trở nên hoàn thiện hơn.  Không ít người đã  nhận thấy điều đó, nhưng ở cấp độ vĩ mô thì  chưa  được coi trọng đúng mức.Một là vì lý do không có đủ giáo viên để dạy. Không đủ giáo viên là anh thấy không cần đủ, chứ nếu cần thì thừa sức xây dựng đủ những trường sư phạm nghệ thuật. Thứ hai là không phát huy được tính  tích cực chủ động của bản thân thầy cô và học sinh  để thành lập rộng khắp những  CLB yêu nhạc, yêu họa, yêu thơ…
Ông có cho rằng nếu có triết lý này giáo dục sẽ thay đổi?
Phải quán triệt và thấm nhuần từ các cấp hoạch định và ban hành chính sách thì mới có cơ hội thay đổi chứ chúng ta ngồi nói  trạng với nhau thế này thì  cũng chỉ là để "xả xú-páp" mà thôi...
Trong 7 giá trị mà ông nêu ra, tôi rất thích phần nói  tới việc phải quý trọng sinh mạng, phẩm giá của mình và của mọi người...
Tôi nhớ hồi đầu những năm 70 thế kỷ trước, dân Hà Nội chấn động vụ  2 học sinh va chạm xe đạp  ngoài đường rồi gây gổ đâm nhau, dẫn đến chết người. Nhân chuyện này, nhà thơ Chế Lan Viên  đến cơ quan chia sẻ, trong sách giáo khoa của  trẻ con, ông  hay gặp bài toán có dạng :Hôm nay dũng sĩ A. bắn chết đươc 3  tên giặc, hôm sau  anh giật mìn  giết được thêm 8 tên, hỏi tổng cộng 2 ngày anh giết được bao nhiêu tên địch ? ... Với đầu óc trẻ thơ mà coi việc bắn giết người là bình thường - như chuyện 2 con gà nuôi trong nhà mấy ngày đẻ được bao nhiêu trứng - thì lớn lên chúng nó chả ngán gì mà không đâm nhau. Đừng tưởng những chuyện đó không đi vào đầu óc trẻ thơ. Sự sống của con người là quý giá nhất. Nếu không được dạy dỗ chu đáo thì nó rất dễ  coi thường mạng sống  của mình và của mọi người. Bạo lực học đường, bạo lực gia đình xẩy ra như cơm bữa có nguyên nhân sâu xa một phần không nhỏ là vì thế. Hơi va chạm nhau một chút là lao vào đấm đá, bị coi là "nhìn đểu" là có thể đâm nhau...,vì không được giáo dục  quý trọng  sinh mạng, phẩm giá của chính mình để rồi từ đó, biết tôn trọng tuyệt đối sinh mạng và phẩm giá của người khác.
 
Điều này dường như là mới với chúng ta phải không ạ?
Tôi có biết một nhà báo nước ngoài khi viết về giao thông ở Việt Nam, anh  nửa thật nửa đùa nói bây giờ sang Việt Nam anh mới thấu hiểu lý do Viêt Nam thắng Mỹ, - đó là vì người Việt Nam không sợ chết. Ra đường là lạng lách, phóng xe bạt mạng, coi thường mạng sống của mình và của người khác; họ không sợ mối nguy hiểm  bị ngã, bị đâm xe, bị thương... Rồi việc ăn uống cũng vậy, không chỉ những người sản xuất, chế biến, người bán hàng không ngại ngần sử dụng thực phầm quá đát, cho đủ thứ hoá chất độc hại vào, mà ngay bản thân người tiêu dùng cũng coi sự bẩn thỉu là bình thường, ăn uống xì xụp bên miệng cống... Tôi thấy ở một số nước nghèo bên châu Phi họ cũng không như thế.Ở ta thì dường như coi khinh chuyện  bệnh tật, chết chóc. Đó chung quy cũng vì ta không biết quý trọng bản thân mình, không biết quý trọng mạng sống của mình.
Cái  này cũng do giáo dục?
 Một phần do giáo dục, truyền thông lâu nay vẫn đề cao sự dám hy sinh bản thân, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng... Tất nhiên, trong hoàn cảnh nào đó có thể có tác dụng tuyên truyền, nhưng nếu để nó hiện thực hóa trong cả thời bình thì không nên. Vì phải biết quý trọng sự sống, quý trọng phẩm giá của mình thì mới biết quý trọng giá trị đó ở người khác, không làm gì xúc phạm người khác. Trong Đông Chu liệt quốc có đoạn Tề Hoàn Công muốn  biết ý Tể tướng Quản Di Ngô sẽ tiến cử ai thay mình khi già yếu. Vua hỏi Tể tướng  có thể trao quyền lại cho Thụ Điêu được chăng vì người này đã  tự thiến mình để được hầu hạ vua, nhưng Quản Di Ngô  bác đi, can rằng kẻ đó không đáng tin vì cái thân mình hắn  còn không tiếc thì sao biết thương vua. Hỏi đến Dịch Nha, người đã làm thịt con mình (!) cho vua ăn, Quản Di Ngô cũng cho là không được vì  kẻ không biết thương con mình sao biết thương đến vua... Về sau , khi vua bị ốm nằm một chỗ, cả hai tên này bỏ mặc cho vua đói, chết để trao ngôi vua cho công tử mà chúng đang theo phò... Thương người như thể thương thân là  một thứ minh triết sâu xa mà dân tộc ta đã đúc kết; trong triết lý thâm thúy này, thương thân là cái gốc. Trước khi biết yêu người khác, phải biết yêu chính mình, không thể khác được.
Vậy còn mục tiêu phải biết sống hạnh phúc, đó có phải là dạy cách sống minh triết?
Sống hạnh phúc là cả một nghệ thuật Ham muốn, - đó là nhu cầu tự nhiên,nhưng phải biết tự kiềm chế, biết thế nào là đủ thì mới có thể sống thanh thản. Giáo dục cho trẻ con là phải làm cho nó biết yêu cái đẹp, yêu thiên nhiên, thấy được cái tình, cái đẹp trong cuộc sống. Con người mà vô cảm, không thấy được những cái đó trong nghệ thuật, trong cuộc sống  thì tâm hồn sẽ dễ cằn cỗi; có ở nhà cao cửa rộng, đi xe sang  trọng cũng khó hưởng cảm giác hạnh phúc. Hạnh phúc chính là mục đích tự thân. Cuộc sống mà không có hạnh phúc thì vô nghĩa. Biết sống hạnh phúc là nghệ thuật cao cường lắm,là đạt được cái điều cao diệu nhất ./.
 Nhật Minh  thực hiện