Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TRANH LUẬN VỚI NHÀ THƠ ĐẶNG QUỐC KHÁNH VỀ “GIỌT LỆ NÀNG VÂN”.

Trần Huyền Nhung
Thứ bẩy ngày 3 tháng 9 năm 2011 6:01 AM
 
Giọt lệ nàng Vân

Một lời chị cậy trao duyên
Chẳng yêu – em phải trọn nguyền chàng Kim
Gối chăn xô lệch bao đêm
Nỗi đau hạnh phúc im lìm, Kiều ơi!
Chị dù luân lạc xa xôi
Vẫn làm đau đáu mắt người tình xưa
Còn em là vợ - như thừa
Lấy người yêu chị sớm trưa bẽ bàng!
Bao lần chị trổi tiếng đàn
Cung Thương rỏ máu lỡ làng bi thương
Em không lụy kiếp đoạn trường
Mười lăm năm vẫn phấn hương nhạt màu
Em không là mối tình đầu
Không là tình cuối – sao sầu triền miên
Chị từng xót mộ Đạm Tiên
Có đau vì đứa em hiền thế thân?
Đa đoan Kiều vướng nợ trần
Vân em – cũng bóng mây Tần thế thôi!
Sóng Tiền Đường cuốn chị trôi
Ba trăm năm biết ai người khóc em?
Tháng 6 - 2004
ĐẶNG QUỐC KHÁNH

TRANH LUẬN VỚI NHÀ THƠ ĐẶNG QUỐC KHÁNH VỀ “GIỌT LỆ NÀNG VÂN”.

Nhân vật Thúy Vân trong tác phẩm Truyện Kiều, dù chỉ là một bức tranh nền nhưng vẫn có sức thu hút những người đọc–thi sĩ . Cảm thụ thơ không là quyền của riêng ai, nên ai cũng có cách tiếp nhận của riêng mình. Kiều, mười lăm năm gió dập mưa vùi, từng độc giả theo cách nghĩ suy của mình, có lúc chê, có lúc khen đã đành. Vân, người em của VươngThúy Kiều hiền lành, tốt bụng, gương mặt phúc hậu tròn vành vạnh như trăng rằm kia…cũng bị người đời khen, chê. Gạt đi sự đồng tình đồng cảm, tác giả Truyện Kiều cho người đọc thấy sức quyến rũ của hình tượng nhân vật. Nhân vật "chết” là loại nhân vật không gây cho ta một xúc cảm nào. Thúy Vân xuất hiện ít thôi nhưng đã gây tranh luận khá nhiều.
     Quả thật khi đọc "Giọt lệ nàng Vân” của nhà thơ Đặng Quốc Khánh, tôi vô cùng cảm kích trước sự nhập vai Thúy Vân và lối liên tưởng của nhà thơ. Bài thơ "Giọt lệ nàng Vân” có thể gây một tiếng vang lớn trên thi đàn văn học Việt Nam. Đặng Quốc Khánh đã đồng cảm với nhân vật Thúy Vân một cách xúc động thì mới có được "Giọt lệ nàng Vân” làm trăn trở bao tâm hồn người đọc như thế. Bản thân tôi, khâm phục thì đã khâm phục rồi. Nhưng tôi muốn bàn luận ở đây quan điểm của riêng cá nhân tôi về bài thơ "Giọt lệ nàng Vân” của Đặng Quốc Khánh
      Thứ nhất tôi không hoàn toàn đồng tình với nhân vật Thúy Vân như tác giả đã nhập vai nàng về cuộc "trao duyên”- đó là sự thỏa thuận, bàn giao của Thúy Kiều "trao duyên” em gái là Thúy Vân cho Kim Trọng.
"Một lời chị cậy trao duyên
Chẳng yêu – em phải trọn nguyền chàng Kim
Gối chăn xô lệch bao đêm
Nỗi đau hạnh phúc im lìm, Kiều ơi! "
    Thứ hai, có thật Thúy Vân có những cảm xúc đau khổ như vậy không? Ở đây tác giả Đặng Quốc Khánh đã khéo léo đẩy Thúy Vân vào một tâm trạng dù chẳng yêu chàng Kim nhưng nàng vẫn phải giữ trọn lời nguyền với chị gái. Tôi còn nhớ ngày xưa Vũ Trinh đã từng nói "Thúy Vân xuất hiện ba lần trong truyện Kiều mà lần nào cũng trơ như hòn đá”.Vũ Hạnh sau này cũng nói : "Thực giản dị hay vô tình nhiều quá”. Có lẽ xuất phát từ ba lần xuất hiện của Thúy Vân trong Truyện Kiều. Lần đầu tiên 3 chị em Kiều đi chơi xuân gặp mộ Đạm Tiên, nghe thân thế thảm sầu của người dưới mộ, Thúy Kiều đã thắp hương khấn vái và nhỏ lệ khóc thương, trong khi đó Vân lại cất tiếng một cách phũ phàng:” Chị rằng cũng thật nực cười/Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa”, người đọc cảm thấy không hài lòng trước sự vô tâm này. Lần thứ hai khi cả nhà gặp tai biến, Kiều đau thương đứt ruột hi sinh bán mình chuộc cha, nước mắt đầm đìa thâu đêm suốt sáng…thì Vân lại ngủ một giấc ngon lành…giấc xuân… . Và lần thứ ba, Vân đứng lên nói lời…nối duyên cho chị buổi đoàn viên…trong con mắt nhiều độc giả, hình như Vân không có chút động lòng. Có lẽ vin vào những nhận định (còn nhiều tranh cãi) này mà nhiều nhà thơ cũng như độc giả không mặn mà lắm với Thúy Vân. Riêng tôi, vô cùng tức giận cho tính quá "vô tâm” của Thúy Vân khi cả ba lần nàng xuất hiện. Có lẽ Đặng Quốc Khánh cảm được nhân vật Thúy Vân và dành cho nàng những tình cảm ưu ái chăng? Người tôi muốn đồng cảm, sẻ chia nhất lại là nhân vật Thúy Kiều mà chính đại thi hào Nguyễn Du phải thốt lên” Đau đớn thay phận đàn bà/ lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”. Trong "Giọt lệ nàng vân” của Đặng Quốc Khánh thì Thúy Vân cũng "bạc mệnh” đấy chứ :
"Gối chăn xô lệch bao đêm
Nỗi đau hạnh phúc im lìm, Kiều ơi”
    Tô Nam Nguyễn Đình Diệm không ngần ngại nói lên quan điểm của mình về một Thúy Vân vô tâm, vô tư và luôn là người may mắn:
  “Tròn trịnh khuôn trăng nở nét ngài
Con ông Viên ngoại chứ con ai
Chẳng cần hỏi rõ em hay chị
Nào phải khoe hơn sắc với tài
Quạt ước thề nguyền chi bận dạ
Tơ thừa chắp nối cũng êm tai.”
(Thúy Vân)
   Đặng Quốc Khánh thì càng lúc, càng đưa người đọc vào diễn biến tâm trạng của Thúy Vân:
"Chị dù luân lạc xa xôi
Vẫn làm đau đáu mắt người tình xưa
Còn em là vợ - như thừa
Lấy người yêu chị sớm trưa bẽ bàng!
   Khi phải dứt lòng "trao duyên” cho em gái, Kiều cũng đau khổ lắm chứ, vậy mà Thúy Vân vẫn vô tư đón nhận "duyên” của chị mình. Nếu Vân là một con người đa cảm và sâu sắc thì chắc chắn một điều, nàng sẽ chối từ "duyên thừa” của chị. Vì dẫu sao Kim Trọng cũng là một người mà Thúy Kiều đã từng tình cảm mặn nồng, Vân thừa hiểu điều đó, cớ gì mà phải "lấy người yêu chị sớm trưa bẽ bàng”. Một điều dễ hiểu rằng: tính Vân vô tư nên nàng cho đó là sự an phận.
   Ta hãy xem đoạn Kim Trọng gặp chị em Thúy Kiều :
"Bóng hồng nhác thấy nẻo xa,
Xuân lan thu cúc mặn mà cả hai.
Người quốc sắc, kẻ thiên tài,
Tình trong như đã, mặt ngoài còn e.”
   Như vậy, khi so sánh, trong hai chị em Thúy Kiều, Thúy Vân, một người đẹp như hoa lan mùa xuân, còn một người như hoa cúc mùa thu, hơn nữa, trong đoạn miêu tả đầu, Nguyễn Du cũng đã viết "mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười” cho nên tuy vẻ đẹp của họ không giống nhau nhưng cả hai đều đáng được goi là "quốc sắc”. Vì vậy, "tình trong như đã” chưa chắc đã chỉ Kim Trọng  thích Thúy Kiều, mà rất có thể cả Thúy Vân cũng đã có tình cảm với Kim Trọng từ lần đầu gặp gỡ ấy. Bởi thế, không phải ngẫu nhiên mà Thúy Vân đón nhận mối "duyên thừa” của chị mà cũng vì "tình trong như đã mặt ngoài còn e” trong lần đầu tiên chị em Thúy Kiều gặp Kim Trọng. Vậy thì hạnh phúc nào bằng là được lấy người mình sẵn có tình cảm từ trước, chứ không đến nỗi phải "sớm trưa bẽ bàng” như  Đặng Quốc Khánh cảm thương cho nàng đâu. Nguyễn Du nói về nỗi đau lưu lạc của Thúy Kiều "mười lăm năm ấy biết bao là tình”. Vâng, chính trong khoảng thời gian Thúy Kiều lưu lạc đó, Thúy Vân sống với Kim Trọng liệu rằng có phải :”Mười lăm năm vẫn phấn hương nhạt màu” không nhỉ? Ta hãy lắng nghe tác giả của "giọt lệ nàng Vân” nói hộ nỗi lòng nàng :
"Bao lần chị trổi tiếng đàn
Cung Thương rỏ máu lỡ làng bi thương
Em không lụy kiếp đoạn trường
Mười lăm năm vẫn phấn hương nhạt màu”
    Ngay cả chàng Kim cũng là chàng trai "vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa”cơ mà. Chính Nguyễn Du đã để nhân vật Kim Trọng thuộc người đa tình, đa cảm ngay từ khi gặp gỡ hai chị em Vương Thúy Kiều. Nói vậy để thấy rằng: Thúy Vân cũng là một người con gái khiến chàng Kim có cảm tình. Đâu phải Vân và Trọng – hai người chưa từng biết nhau, chưa từng nói chuyện, chưa từng gặp gỡ. So với Kiều thì Vân cũng "mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười” đấy thôi, chàng Kim đã từng thao thức cảm nhận khi gặp nhau trong tiết thanh minh. Như vậy giữa Kim Trọng và Thúy Vân không thể” mười năm năm ấy phấn hươngnhạt màu” được, lại càng không có chuyện "gối chăn xô lệch bao đêm”. Không thể nói thế nào hơn, vì dù sao hai người cũng đã là vợ chồng danh chính ngôn thuận từ cái đêm "trao duyên” ấy . Trong mười lăm năm ấy, không lẽ mỗi người ở một nơi, lại không có chuyện ân ái, gối chăn? Ít nhiều cũng có màu sắc tình cảm do bản tính vốn đa tình của chàng Kim cộng với tình cảm sẵn có của nàng Vân. Mà đôi khi vợ chồng là do duyên phận, không nhất thiết phải "trai tài gái sắc” như mối tình Kiều- Kim. Người ta nói "Tiên rồng đâu có được cả đôi”, việc Vân là vợ của KimTrọng hợp với bản tính vô tư của Vân và nàng an phận chấp nhận "duyên” từ khi Thúy Kiều trao.
   Dương Mạnh Huy gần như châm biếm khi nhìn thấy số phận luôn mỉm cười với cô em tốt số này:
 “Cái số dì Vân tốt lạ lùng
Sẵn nong, sẵn né, sẵn con bồng
Thoa vàng nguyền ước nhờ duyên chị
Thềm ngọc vinh hoa hưởng phúc chồng.
Giữ vật của chung đâu lại có
Xót người mệnh bạc nhớ chăng không?
Chàng Kim ngảnh lại lan hay cúc
Chẳng mặn mà chi cũng bóng hồng”
(Vịnh Thúy Vân)
   Nguyễn Hữu Khanh có lẽ thương cô chị nhiều gian truân lưu lạc nên nhìn cô em với con mắt nghiêm khắc và cũng hơi "ác khẩu”:
”Tình chị, thôi em đã hiểu rồi
"Giả vờ” mà thử hỏi nhau chơi
Tơ duyên nếu chấp người hôm nọ
Không lạy thì em cũng chịu lời
Mây thua nước tóc, tuyết nhường da
Cười nói đoan trang thế mới là
Tài sắc mặn mà đành kém chị
Nhân duyên, phúc lộc chị nhường ta”.
(Thúy Vân)
 Việc lấy Kim Trọng là điều may mắn với Thúy Vân , mà cũng là tốt cho cả hai. Và nếu như Kim Trọng không lấy Thúy Vân thì trong "mười lăm năm ấy” chàng cũng sẽ lấy người khác cơ mà. Đó phải chăng mà mối duyên trời định? Nguyễn Du cũng không thể làm khác hơn để thay đổi vận mệnh của số phận khi ông Trời” bắt phong trần mới được phong trần/ cho thanh cao mới được phần thanh cao” .Thế mà "Giọt lệ nàng Vân” vẫn khóc than cho số phận , Đặng Quốc Khánh miêu tả :
"Em không là mối tình đầu
Không là tình cuối – sao sầu triền miên
Chị từng xót mộ Đạm Tiên
Có đau vì đứa em hiền thế thân?”
  Khi phải nói ra những điều như thế, tôi thấy thật sự Thúy Vân không hiểu tâm tư của nàng Kiều. Nếu như Kiều mà nghe được những lời oán trách của Vân như vậy, thử hỏi lòng Kiều có đau xót, thất vọng về cô em gái của mình không? Cứ ngỡ rằng hai chị em đã hiểu nhau từ cái đêm trao duyên ấy, Kiều đã phải hạ mình xuống để "Cậy em, em có chịu lời/ ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa”. Tưởng rằng Vân hiểu chị nên mới nhận lời lấy chàng Kim làm chồng đó chứ. Hóa ra …có thể vì quyền lợi cá nhân: mang tiếng làm vợ chàng Kim nhưng Vân không được "mặn nồng” như chị. Cũng vì lòng ích kỷ, không có tấm lòng cao thượng, vị tha như nàng Kiều nên Vân oán trách chị là thế đó. Ở đây Đặng Quốc Khánh đã diễn tả tâm trạng của Thúy Vân rất thành công, anh như một người diễn viên diễn xuất rất tài tình thông qua nhân vật Thúy Vân. Có thể rất nhiều người đồng tình, nhỏ lệ khóc thương cho số phận của nàng Vân đấy và phần đông người ta lắng nghe được "Giọt lệ nàng Vân” nhiều. Về phần cá nhân tôi cứ thấy ngượng và sượng làm sao đấy khi Thuý Vân vờ đóng kịch là đau khổ khi nhận "duyên thừa” của chị. Thường "đồ thừa” là đồ bỏ đi, ai lại đi hốt làm gì , thế mà Vân nhận rồi lại than thở…Cũng như "ruột thừa” người ta cũng cắt đi cho khỏi đau…Âu cũng là số phận, nếu như Vân hiểu được điều đó thì tâm hồn sẽ nhẹ nhàng biết bao nhiêu…Chị Kiều cũng sẽ thanh thản, nhẹ lòng hơn khi nghĩ tới  em gái của mình.
   Vương Trọng, người đã yêu Nguyễn Du đến đứt ruột” Cúi đầu tưởng nhớ vĩ nhân/ Phong trần còn để phong trần như ai” (Bên mộ cụ Nguyễn Du) nhưng lại khá khe khắt đối với Thúy Vân. Phải chăng "tình yêu” của nhà thơ đã dành hết cho riêng Kiều ?
 “Người đầy đặn má bầu bầu bánh đúc
Nàng thích đàn chẳng để ý gì thơ
Đặt mình xuống chẳng biết chi trời đất
Ngáy thường nhiều hơn những giấc mơ
Nhà có chuyện coi như người ngoài cuộc
Vẫn ăn no ngủ kỹ như không
Cần chi hẹn hò, cần chi thề thốt
Chẳng yêu đương cũng lấy được chồng…”
(Mô típ Thúy Vân)
   Nghiệt ngã hơn, Vương Trọng xếp Thúy Vân vào loại người có tầm hiểu biết thường thường, thiếu vắng những xúc động thẩm mỹ. Có lẽ hình ảnh Kiều đã chiếm mất trái tim tác giả rồi !
 “Ta lạc lõng giữa cuộc đời trần tục
Thi ca ơi, người phù phiếm vô ngần
Quanh ngày tháng, phố phường ta gặp
Vắng Thúy Kiều và chen chúc Thúy Vân”
(Mô típ Thúy Vân)
   Xét cho cùng tôi chỉ không đồng tình với tác giả Đặng Quốc Khánh khi nhập vai Vân thế thôi. Chứ tôi không hề có ý phê phán, chê bai nhà thơ của quê hương đất Võ. Đặt giả thiết, tôi đã nói từ khi nhập đề. Mỗi một nhân vật người đọc có quyền khen hoặc chê là chuyện bình thường. Một tác phẩm hay không nhất thiết ta cứ phải khen để "té nước theo mưa” đi về phía tác giả, không nhất thiết là phải đồng tình với quan điểm của tác giả. Nếu như đi ngược với quan điểm của tác giả  được dư luận thừa nhận, tôi cho rằng "Giọt lệ nàng Vân” của Đặng Quốc Khánh là một tác phẩm sẽ có vị thế trên thi đàn, sẽ được nhiều độc giả đón nhận, ủng hộ cũng như có quyền bày tỏ khen, chê đúng mực.
   Đời Kiều đa đoan thì ai chẳng biết, vì cuộc đời Kiều còn vướng nợ trần gian nhiều quá, Nguyễn Du đã bao lần khóc thương cho số phận của nàng Kiều, chưa bao giờ ông cho nàng Vân là "bóng” khổ đau của người chị. Đoạn kết của "Giọt lệ nàng Vân” khiến tôi trăn trở, nghĩ suy nhiều :
"Đa đoan Kiều vướng nợ trần
Vân em – cũng bóng mây Tần thế thôi!
Sóng Tiền Đường cuốn chị trôi
Ba trăm năm biết ai người khóc em? "
  Tác giả Đặng Quốc Khánh đã vin vào điển tích "mây Tần” để nói về nỗi khổ của Thúy Vân. Thực ra đây là một điển tích đời nhà Tần mà Nguyễn Du đã hơn một lần sử dụng trong Truyện Kiều khi nói về nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ cha mẹ của Kiều khi lưu lạc :
" Đoái trông muôn dặm tử phần
Hồn quê theo bóng mây Tần xa xa"
  "Mây Tần" là lấy ở ý câu thơ : "Vân hoành Tần Lĩnh gia hà tại", nghĩa là "Mây kéo phủ núi Tần Lĩnh, biết nhà ta ở đâu". Nghĩa bóng nói nhớ nhà.
Trong tác phẩm "Lục Vân Tiên" của cụ Nguyễn Đình Chiểu, đoạn nói về sự ghét thương của ông quán, có câu:
“Thương ông Hàn Dũ chẳng may,
Sớm dâng lời biểu, tối đày đi xa.”
cũng do điển tích trên.
  Câu thơ "Vân em - cũng bóng mây Tần thế thôi”, Đặng Quốc Khánh muốn nói  hàm ý sâu xa: Nghĩa là đời Vân cũng đau khổ, phận hờ không kém gì chị Kiều.
   Đại thi hào Nguyễn Du từng than thở :
"Chẳng biết ba trăm năm có lẽ
Người đời ai khóc Tố Như chăng”
thì tác giả của "Giọt lệ nàng Vân” đã cho nàng được bộc bạch nỗi lòng: "Sóng Tiền Đường cuốn chị trôi/ ba trăm năm biết ai người khóc em”. Đến giờ đây thì có bao người khóc thương cho nàng, chẳng hạn như nhà thơ Đặng Quốc Khánh, Trương Nam Hương thì đứng về phía nàng Vân để so sánh với những yêu thương vơi đầy mà Kiều ít nhiều cũng đã được cuộc đời ban tặng. Còn Thúy Vân hình như tất cả mọi thứ đều chỉ là "không”
 “Chị nhiều hờn giận yêu đương
Vầng trăng còn lấm mùi hương hẹn hò
Em chưa được thế bao giờ
Tiết trinh thương chị đánh lừa trái tim
Em thành vợ của chàng Kim
Ngồi ôm giọt máu tượng hình chị trao "
(Tâm sự nàng Thúy Vân)
    Nhưng chưa đến ba trăm năm thì nhà Tố Hữu đọc Kiều và phải thốt lên “ Tố Như ơi ! lệ chảy quanh thân Kiều” . So sánh vậy để ta thấy được cuộc đời Kiều đa đoan,má hồng bạc phận để trời đất phải "ghen”. Không ai hiểu Kiều và đồng cảm với Kiều hơn được đại thi hào Nguyễn Du. Còn nàng Thúy Vân ư? Rất nhiều người sẽ nhỏ lệ khi đọc "Giọt lệ nàng Vân” để suy ngẫm Đặng Quốc Khánh so sánh cuộc đời Kiều và Vân. Chắc chắn Đặng Quốc Khánh đã phải thai nghén bằng nỗi đau của Thúy Vân nên mới sinh thành được đứa con tinh thần đầy ấn tượng như thế.
   Tóm lại: “ Giot lệ nàng Vân” là một tác phẩm hay, gây xúc động lòng người mà nhà thơ Đặng Quốc Khánh đã kỳ công xây dựng hình tượng nhân vật Thúy Vân. Người viết bài này xin mạn phép được hạ màn lời bình luận ở đây. Hãy cứ để nhân vật tiếp tục đi vào lòng người bằng cách này hay cách khác, và người đọc hãy cứ tiếp tục nghiệm suy …
TRẦN HUYỀN NHUNG