Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TRẢ LỜI SỰ TRẢ LỜI

Đào Phương Chi
Thứ hai ngày 5 tháng 9 năm 2011 12:40 PM

1. Mở đầu: Thưa bạn đọc, một lần nữa tôi lại buộc phải ngồi vào bàn viết bài trả lời lại sự trả lời vừa không đúng sự thật, mâu thuẫn, vừa thiếu sự lễ độ tối thiểu của Ngô Kim Đỉnh (NKĐ) đối với Cụ Nguyễn Khắc Xương (NKX), một người đã 90 tuổi, cũng như sự vô lí khi bắt tôi phải im lặng. Kể ra, chính NKĐ im lặng đi có khi lại hay hơn, vì mọi người sẽ tưởng lần trước do “bạn” anh “nhiệt tình” nên đã khiến anh bị rơi vào tình trạng “rối bời, buồn và chán” như anh viết trong bài kí tên thật vừa rồi.

 

2. Lịch sử vấn đề:

Dưới đây tôi nhắc lại trình tự các bài sẽ được đề cập đến để trao đổi trong bài viết này. Sau khi bài báo xúc phạm nặng nề đến cha tôi, người mới đi xa được gần ba tuần: Một kiểu đạo văn… “khôn ngoan”! của Đức Dũng (ĐD) - Bài 1 - ra đời, tôi đã viết bài Về cái “tâm” và cái “tầm” qua một bài báo (Bài 2). Ở đó, ngoài việc trao đổi một số vấn đề của Bài 1, tôi còn đưa ra nghi vấn không rõ tác giả thực của Bài 1 là ai? ĐD hay Ngô Kim Đỉnh (NKĐ)?!

Vừa may, trên trang mạng http://vannghedanang.org.vn/ykdetail.php?id=75, (29-07-2011), NKĐ đã tự thú nhận rất hồn nhiên qua cái “tít”: Thong thả nói lại chuyện cũ (Hay là viết tiếp bài Một kiểu đạo văn... “khôn ngoan”) (Bài 3).

Theo thông lệ, chỉ có bài của chính mình thì mới được quyền “viết tiếp”! Còn nếu thật là bài của ĐD, thì NKĐ phải thêm “của”: (“Hay là viết tiếp bài… của ĐD”). Ai lại chỗ bạn bè với nhau chưa gì đã “đạo” của nhau cả bài thế bao giờ!?

Ngoài cái “tít” ra, còn có chỗ trùng ý giữa hai bài là: đều hỏi ý kiến vài người và biết: Dây” với ông ĐTT phức tạp lắm, mệt mỏi lắm “Hùm ngủ chớ có nghịch râu hùm!” ” (Bài 1); và (một câu văn ngắn mà có đến 2 từ “là”): “Nhưng để nói trắng ra là bị ông ấy mượn văn là cũng lôi thôi…” (Bài 3). Mặc dù chưa khẳng định hai bài là của một người viết, nhưng sự trùng ý, “đồng thanh tương ứng…” trên chắc hẳn là nguyên nhân khiến Bài 1 ra đời quá muộn.

Tôi nghĩ, qua Bài 2 của tôi thì NKĐ phải lấy đó làm bài học, rút kinh nghiệm, rồi cố gắng mà trau dồi, tu dưỡng về mọi mặt mới phải. Nhưng anh đã không hiểu, lại còn cố tình dại dột phơi bày rất nhiều mặt hạn chế, kể cả những kiến thức văn hoá sơ đẳng nhất. Dưới đây tôi sẽ chỉ ra những điều đó.      

 

3. Về vấn đề tư liệu:

3.1. Tôi xin hỏi: Bài của cha tôi in ra cả năm trời và lúc đó anh “đã nhận ra ngay bài này có vấn đề rồi” mà lại không có ý kiến gì, phải đợi đến lúc cha tôi đi cấp cứu mới tung lên mạng? Như thế liệu có đàng hoàng không? Lẽ thường, nếu bị mất cái gì đúng là của mình, thì phản ứng tức thời là hô hoán lên, chứ sao anh lại phải đi nhờ vả, chần chừ, phải hỏi người này, người nọ, và thấy: “Hùm ngủ chớ có nghịch râu hùm!” (Bài 1) và sợ “lôi thôi (Bài 3)? Chắc bây giờ cha tôi đã qua đời, không sợ “lôi thôi” nữa, nên anh mới viết Bài 3 phải không? Tôi thấy thật buồn cho người được liệt vào hàng nam nhi!

3.2. Tôi copy nguyên văn cả chữ viết sai dấu (“Nguyến”), những chỗ in nghiêng, in đứng, in đậm của NKĐ và tôi gạch chân những chỗ cần thiết để trao đổi lại với anh về vấn đề “tư liệu”:

 

“Xin thống nhất cách hiểu hai từ tư liệu thường nhắc đến. Phải nói ngay là: Cụ Xương không đưa cho tôi một văn bản tư liệu nào cả. Toàn bộ cái gọi là tư liệu về Nguyến Khắc Xương ấy đều là do tôi ghi chép và nhớ được qua những lần nói chuyện trực tiếp với Cụ và mượn về một số tập sách - báo của Cụ đã từ 10 - 15 năm trước” (Bài 3).

 

Thực ra, “qua những lần nói chuyện trực tiếp với Cụ và mượn về một số tập sách - báo của Cụ đã từ 10 - 15 năm trước” đều đã là tư liệu rồi, vì đó chính là những nguồn thông tin mà không có chúng thì anh đã không thể viết được. Những nguồn thông tin đó có thể qua các con đường nghe người khác nói cho biết hay đọc sách, báo. Hai điều này đều từ Cụ Xương mà anh có. Vậy mà anh lại viết: “Cụ Xương không đưa cho tôi một văn bản tư liệu nào cả”. Như vậy đã đúng chưa? Có tự mâu thuẫn không? Có vô ơn, vô lễ không? Hay là vì mượn “đã từ 10 - 15 năm trước”, nên anh phủ định người cho mượn?

Anh còn khẳng định thêm cho chắc: “Như vậy đã rõ, đây chỉ là nguồn tư liệu... của riêng tác giả Kim Ngọc Đại (Ngô Kim Đỉnh). Cho nên, kể cả một số phần kể lể tư liệu trong bài viết: Về nhà nghiên cứu... của bác Đào đều là chép theo sự liệt kê, theo đúng tuần tự thời gian và sự kiện do tác giả KNĐ sắp đặt ở bài báo của mình”.

 

Nhận xét:

- Nếu Cụ NKX là nhân vật trong truyền thuyết hoặc nhân vật hư cấu thì các “tư liệu” trên có thể là “của riêng” anh, do anh “sáng tác” ra, không ai được quyền xâm phạm.

- Nhưng đằng này lại có một NKX thật, đã từng hoạt động trên nhiều lĩnh vực ngay từ những năm 50 của thế kỉ trước (lúc đó anh chưa thể ra đời), thì khi viết về Cụ chắc anh cũng phải “đạo” của ai chứ, chả lẽ lại “hư cấu” ra các tư liệu? Và ở đây, như ta vừa thấy, tư liệu là do Cụ NKX cung cấp.

- Khi đã là người thật, việc thật, thì việc thuật lại các công tác đã kinh qua của họ buộc phải theo thời gian trước, sau. Thế nên, “sự liệt kê, theo đúng tuần tự thời gian và sự kiện” liệu có phải là “phát minh” “của riêng” NKĐ không?

- Từ việc hiểu sai về khái niệm “tư liệu” và phương pháp viết tiểu sử như thế, NKĐ đi đến khẳng định rằng tất cả chúng đều là sở hữu “của riêng” anh! Chỉ có mấy cái chi tiết nhỏ xung quanh các công tác của Cụ NKX ai cũng biết, mà anh còn thế! Chán thật!

- Kể ra, nếu khi thấy nghi ngờ về bài báo, mà anh lên tiếng ngay, có phải hai bên đã kịp thời giải quyết trắng, đen rõ ràng không? Bây giờ cha tôi đã đi xa rồi, thì tôi biết làm thế nào?

 

Ý kiến của Cụ NKX viết trong thư cho gia đình tôi dưới đây chắc sẽ khiến anh bớt nghĩ rằng tư liệu là “của riêng” chăng?

   “Về đoạn viết về Xích Điểu và NKX, Đào Thái Tôn viết “NKX đã từng kể với bạn bè: “Thời chiến tranh Giôn sơn, nhà thơ Xích Điểu bảo với ông (NKX) rằng…”, ông Đỉnh thì viết: “Quãng năm 1965 – 1966 gì đó nhà thơ Xích Điểu bảo tôi (tức NKX)…” và đây là đoạn văn trùng hợp như nguyên vẹn: “Ông nên viết về Đền Hùng và Giỗ Tổ Hùng Vương để tác động tới văn nghệ sĩ trí thức miền Nam qua làn sóng của Đài TNVN, thế là từ đó dịp Giỗ Tổ Hùng Vương nào ông cũng có bài viết xung quanh chủ đề đó do Xích Điểu gợi ý.

   Đây cũng là tư liệu NKX có kể với NKĐ và ĐTT cũng như vài người khác, vậy ai cũng có thể trích dẫn trong bài viết”.

 

4. Lỗi thiếu lễ độ và vu khống:

4.1. Tôi gạch chân một vài chữ trong đoạn NKĐ viết về tôi:

 

“… ai ngờ chị lại tất tả ngược Việt Trì để “ép cung” Cụ Xương. Một ngày cuối tháng 6 vừa rồi, chị đã “yêu cầu” Cụ Xương viết lá thư dài 2 trang thanh minh và làm chứng cho vấn đề đã cũ”.

 

“Ép cung” và “yêu cầu” là những vu khống trắng trợn, vô lễ. Tại sao?

- Thứ nhất, cha tôi là chỗ thâm giao với Cụ NKX, nếu còn, cũng không dám, nữa là tôi, vào hàng con, cháu Cụ, lấy quyền gì mà “ép cung”?

- Thứ hai, NKĐ khoe “làm bạn vong niên” với cụ đã 20 năm” lại “ở gần kề”, còn viết những hai bài báo “rất thích” về Cụ, Cụ còn hỏi ý kiến anh trước khi bỏ phiếu bầu ai đó, v.v. - nghĩa là NKĐ có mọi lợi thế hơn người, vậy anh đã “ép cung”, đã “yêu cầu” được Cụ viết cho mấy chữ để mọi người tin chưa? Anh còn “hư cấu” ra chi tiết Cụ bảo với anh: “ý cậu thế nào tôi viết lại ngay”! Lại còn thêm: “… chị Thoa và Cụ Xương kể lại: Cô Chi lên đây bảo thế nào thì tôi viết thế, chứ tôi có đọc bài báo nào đâu. Tôi đâu nghĩ là để cô Chi viết bài báo nói lại cậu...”.

Có thật “chị Thoa và Cụ Xương kể lại” thế không anh? Hay NKĐ nghĩ rằng Cụ già quá rồi, không lên mạng để đọc được những điều anh vu khống? Cụ không đọc được thì đã có chị Thoa - con gái Cụ, - hoặc mọi người ở Phú Thọ giúp Cụ chứ. (Hôm NKĐ đến nhà Cụ NKX tôi có biết).

- Thứ ba, NKĐ đã thiếu lễ độ, coi thường Cụ NKX. Nói “ép cung”, có khác gì bảo Cụ không có chính kiến, không còn đủ minh mẫn nữa! Cụ có nói: “Cô Chi lên đây bảo thế nào thì tôi viết thế” thật không anh?! Việc NKĐ đến nhà Cụ - không phải vì chị Thoa gọi đến như anh viết, mà là để vật nài cụ viết lại theo ý anh - nhưng rồi đã phải về tay không, trên Phú Thọ đều biết cả. Nếu “ép cung” được cụ dễ thế, sao NKĐ không “ép” để Cụ viết cho, lại phải thất vọng ra về? Chắc anh là người rõ câu trả lời hơn ai hết!

4.2. Có thật Cụ nói: “… tôi có đọc bài báo nào đâu” không anh?!

Thực ra, khi được anh em trên đó đưa bài của ĐD, Cụ đã hiểu ra vấn đề. Cụ đọc kĩ lưỡng, cẩn thận nên mới có thể tỉ mỉ trích dẫn, đưa vào ngoặc kép, so sánh các câu chỉn chu, phân tích rất khoa học như thế được chứ?  Nếu Cụ chỉ “làm chứng cho vấn đề đã cũ” thì việc gì anh phải viết đến 2 bài? Hay anh định cho thiên hạ nhầm tưởng rằng đây là “vấn đề đang mới”? Tiền hậu bất nhất, tự mâu thuẫn, chính là ở chỗ đó đấy, anh ạ.

4.3. Ngoài tinh thần khoa học ra, Cụ NKX còn là một người nhân hậu, ít nói, nhưng đã nói thì khúc chiết, ngắn gọn, rất mạch lạc, sắc sảo, đủ ý là dừng, như đã có nhiều lần tôi được thấy khi Cụ đến nhà tôi chơi, nói chuyện với cha tôi. Một người mẫn tuệ như thế thì làm sao lại “ép cung”, “yêu cầu” hay lay chuyển được? Nhân đây, thêm một lần nữa, thay mặt gia đình, tôi xin được cảm ơn sự nhân hậu, chính trực và khách quan khoa học của Cụ NKX và Gia đình Cụ.

4.4. Về tất cả những chi tiết hư cấu “của riêng” NKĐ (4.1; 4.2), thì ngay sau khi đọc xong, nghi ngờ, tôi đã điện lên cho chị Thoa để xác minh sự việc. Kết quả thế nào, chắc NKĐ đã rõ!

Không biết NKĐ đã đưa Bài 3 của anh cho Cụ Xương và chị Thoa đọc chưa? Từ nay trở đi, anh còn dám “nhìn “người bạn già” đôn hậu mà hồn nhiên (đôi khi ngơ ngác)” mà anh đã “xúc động” viết trong bài của mình nữa không?! Anh còn dám gặp lại chị Thoa, người bạn của anh, nữa không? “Đường đi hay tối, Nói dối hay cùng”, là thế đấy, anh ạ!

 

5. Những lỗi sơ đẳng nhất về văn hoá:

Ngay những dòng đầu tiên, NKĐ đã phạm phải một lỗi khó chấp nhận thế này:

Cũng xin đôi phút yên lặng nhớ - tiếc về Một Người vừa ra đi tới gia quyến Bác Đào.

Đây là một câu sai ngữ pháp. Nếu muốn trở nên đúng thì phải: a. thêm một động từ nào đó phù hợp sau chữ “xin” (ví dụ như “gửi”, “bày tỏ”, chẳng hạn); b. bỏ 5 chữ “tới gia quyến Bác Đào” hoặc c. phải đảo lại trật tự: “Cũng xin gửi tới gia quyến Bác Đào đôi phút yên lặng nhớ - tiếc về Một Người vừa ra đi” thì câu văn nghe cũng còn tạm được.

Sau đây xin mời bạn đọc “thưởng thức” tiếp “đặc sản tiếng Việt” ngay ở đoạn chính văn đầu tiên trong bài viết của NKĐ với đầy đủ các kiểu lỗi mà một học sinh phổ thông cũng không được phép mắc phải (tôi gạch chân và in đậm cho rõ):

“Phân vân mãi, tôi có nên viết bài báo này không? Khi đặt bút, tâm trạng tôi rối bời, buồn và chán. Rối bời là bởi, tôi là người “bị hại” - bị mất chộm, nhưng người liên quan đã ra đi sau đó. Vậy thì thôi, không nói thêm gì nữa. Buồn là bởi, khi sự việc bỗng nhiên xảy ra như thế, ắt phải có nguyên cớ chứ. Thời nay, sao lại có ai giám “lợi dụng báo chí” vu khống nhau được. Vậy mà người thân của Bác Đào đã “không để yên”. Đầu tháng 7/2011 chị Đào Phương Chi bảo vệ cho Bác Đào bằng một “báo cáo - tiểu luận” đả kích người khác rất hồ đồ. Dân gian có câu Cả giận - mất khôn, nói bừa lên, cãi lấy được làm gì. Cũng lại có lệ, có câu: khi chưa đủ 49 ngày người vừa nằm xuống thì không nên ra thăm mộ; xảy Cha cậy Chú, xảy Mẹ bú Dì. Vậy, chị Đào Phương Chi nhờ trang mạng trannhuong.comla ầm ĩ” như ngoài chợ làm gì. Làm thế có hợp với tình cảm và đạo lý không? Chán chường là bởi, đời người, đôi khi lâm cảnh Sự này biết tính thế nào được đâu? - (Truyện Kiều - Nguyễn Du).” (!)

 

Nhận xét:

1. Lỗi chính tả: “bị mất chộm” (!) phải viết “trộm”; “có ai giám” phải viết “dám”; “xảy Cha…, xảy Mẹ…” phải viết “sảy”, mới đúng.

2. Lỗi dùng từ: Bài 2 của tôi là một bài báo, sao lại gọi đó là “báo cáo - tiểu luận”?! Tôi chưa nghe thấy có “thể loại” kép này bao giờ! Hay đây là một “sáng tạo” mới của NKĐ?!

3. Lỗi trích dẫn: Câu thơ của Nguyễn Du trong Truyện Kiều viết đúng phải là: “Sự này biết tính thế nào được đây?” chứ không phải “được đâu?”.

4. Lỗi tư duy lôgic trong cách lập luận: các trích dẫn thành ngữ, Truyện Kiều hoặc phong tục, tập quán vừa sai (đã chỉ ra bên trên) vừa không hợp ngữ cảnh: giữa việc tôi viết bài bảo vệ danh dự của cha tôi với “khi chưa đủ 49 ngày…” thì có gì ăn nhập với nhau? Và tại sao lại không “hợp với tình cảm và đạo lý”?!

5. Lỗi dùng ngoặc kép: không hiểu sao cứ thỉnh thoảng NKĐ lại để một cụm từ trong ngoặc kép?! Ví dụ: “không để yên”; “la ầm ĩ”… ?! Tôi không để yên cho kẻ nào dám bôi nhọ cha tôi là đúng rồi, thì sao lại phải để trong ngoặc kép? Còn trong Bài 2 tôi chỉ nhẹ nhàng chỉ ra cái “tâm” và cái “tầm” (trong ngoặc kép vì anh còn thiếu những thứ đó!), chứ đâu cần phải “la ầm ĩ” cho mệt người như anh vu khống!

(Thường ngoặc kép dùng trong việc dẫn nguyên văn câu, chữ của người khác hoặc để đồng tình, hoặc để phản đối,... Nhưng nhiều khi còn dùng để mỉa mai, chế giễu hay châm biếm với hàm ý ngược lại nghĩa của chữ dùng).

Trong bài của mình, NKĐ cứ hồn nhiên tự mỉa mai, chế giễu, châm biếm chính anh một cách rất ngô nghê, buồn cười. Ví dụ: “Là tác giả đã 15 - 20 năm đăng thơ, đăng báo “khắp cả nước” tôi biết…”. Giá anh không khoe “đăng thơ, đăng báo” thì tôi tưởng anh làm nghề gì cơ. Nhưng quảng cáo “khắp cả nước” như thế này thì có khác gì chả bao giờ “khắp” ở đâu được cả! Còn nhiều nữa, nhưng để đỡ mất thời gian của bạn đọc, tôi chỉ xin dẫn thêm một câu nữa cũng rất “thương hiệu NKĐ”: “Tôi đã viết về Cụ Xương hai bài báo “rất thích” từ cách nay 10 - 12 năm,…”!?!

 

Rút ra vài điều:

1. Đoạn văn có 11 dòng mà mắc đến 5 loại lỗi (chưa kể lỗi sai ngữ pháp ngay ở lời phi lộ):  sai chính tả; dùng từ sai; ƒ trích dẫn lung tung; không có tư duy lôgic trong lập luận; dùng ngoặc kép mà không hiểu. Tính sơ cũng đã đến 6 lỗi! Thật đáng kể là một “thương hiệu”!

Không sao có thể tin được đây là bài viết của một người đã đăng thơ, đăng báo “khắp cả nước”! Từ nay, ai mà được NKĐ viết bài ca ngợi thì đọc sẽ “rất thích” cho mà xem! Viết tới đây, tôi chợt tò mò tự hỏi, không biết hồi học phổ thông, anh Đỉnh được mấy “phẩy” môn tiếng Việt? Từ nay, viết bài xong, anh nên tìm ai đó nhờ “sàng” hộ những “hạt sạn” để bài viết được “sạch” hơn.

2. Trong những câu “đầu Ngô mình Sở” mà anh dẫn ra, tôi thấy tâm đắc với câu của Nguyễn Hiến Lê, dù câu này rất không đúng với anh: “Dù ở hoàn cảnh nào ta vẫn phải giữ gìn tư cách, lương tri, thẳng thắn, thương người và độ lượng thì sẽ được thanh thản”. Về những phẩm chất như tư cách, lương tri, thẳng thắn, thương người anh còn phải học hỏi nhiều, học ở ngay những người phụ nữ - ví dụ như ở chị Thoa mà anh khoe là bạn anh, chẳng hạn. Còn về độ lượng thì anh lại càng cần phải như vậy. Cá nhân tôi là phụ nữ, mặc dù đã cố gắng nhiều để có được sự độ lượng cho thanh thản, nhưng tôi cũng chưa thể bằng được những đấng mày râu thực sự. Tôi mong gặp được nhiều người như thế để học hỏi thêm vài phần.

3. Lời của GS. Hoàng Ngọc Hiến mà anh dẫn ra ở phần cuối bài: “Tớ không thích bọn xúng xính khoa học, xúng xính chuyên môn…”, vẫn như trên, không hợp với hoàn cảnh của anh! GS. Hoàng Ngọc Hiến là một nhà khoa học, không bao giờ ông lại coi thường người làm khoa học thực sự mà ông chỉ ghét bọn “xúng xính” làm ra vẻ có chữ mà lại viết sai chính tả, ngữ pháp, với các loại lỗi quá sơ đẳng thôi!

Nhắc nhỏ với anh: Tôi là Tiến sĩ, chứ không phải Thạc sĩ như anh viết. Quả thực, ở dạng bài viết này (không phải “báo cáo - tiểu luận”!) mà phải khoe học vị thật của mình ra tôi cũng thấy ngại ngần lắm (ở Bài 1, tôi đã không đề học vị là vì thế). Nhưng sở dĩ phải nói ra vì anh bảo một trong những nguyên nhân khiến Bài 3 của anh ra đời là bởi nếu tôi chỉ là “nhân viên tạp vụ” ở một cơ quan nào đó (anh coi thường người lao động chân tay đến thế đấy!), chứ không phải là Thạc sĩ và nếu tôi im lặng (!)

Những đòi hỏi quái gở và vô lí đến thế là cùng! Chả lẽ một người bị anh bôi nhọ, không còn cơ hội hay điều kiện để trả lời, thì những người ruột thịt của họ cũng phải im lặng để anh muốn tung hoành, vu khống họ ra sao cũng được ư? Tôi nghĩ, dù tôi có là Tiến sĩ, Giáo sư, hay là gì đi nữa, thì trước cha mình, tôi vẫn chỉ là một đứa con. Mà một đứa con thì không thể được coi là có hiếu nếu không biết đứng ra bảo vệ khi danh dự của đấng sinh thành bị bôi nhọ vô lối.

 

Kết luận:

Thưa bạn đọc, có lẽ những điều tôi viết trong bài phần nào đã giúp bạn đọc nhận ra chân dung văn hoá, tinh thần của “người đương thời” với chúng ta! Trong một bài báo mà NKĐ mắc đủ các lỗi: lỗi tự mâu thuẫn, lộn xộn “đầu Ngô mình Sở” trong tư duy, lập luận; lỗi hiểu sai về khái niệm “tư liệu”; lỗi thiếu lễ độ, bất nhẫn trong ứng xử giữa con người với nhau; lỗi phát ngôn sai sự thật; lỗi về những kiến thức văn hoá sơ đẳng cùng những lỗi ngữ pháp, chính tả, v.v. miên man, vô tận! “Thong thả” trả lời mà còn thế, lúc vội lên thì không biết anh ta thế nào!

Viết một bài báo nhỏ mà mắc quá nhiều lỗi lớn, trầm trọng như vậy, thì thật khó mong có thể tiếp tục trao đổi với NKĐ để tìm ra một tiếng nói chung được. Tôi chợt nhớ đến câu chuyện “Ếch ngồi đáy giếng” mẹ kể ngày xưa mà thấy buồn.

Hà Nội, ngày lễ Vu Lan, 2011

TS. Đào Phương Chi