Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CẦU THẦY ĐẮC

Trần Đình Trợ
Thứ sáu ngày 2 tháng 9 năm 2011 10:37 PM
 
  Cuối thập niên chín mươi. Vừa nghỉ hưu, từ ĐH Vinh thầy giáo Nguyễn Lê Đắc về quê Hương Sơn để lập một trường dân lập. Là tiến sỹ tâm lý, lại là thầy học cũ của bí thư tỉnh cùng nhiều cán bộ các cấp, công việc mà thiên hạ làm trong mấy năm, thầy cho gọn trong vài tháng. Ngôi trường dựng lên, như trong chuyện cổ tích. Tên là Dân lập Hương Sơn, nhưng dân vẫn gọi Trường thầy Đắc.
   Tọa trên một bãi màu ven bàu, trường cách đường liên thôn một con mương nhỏ. Có một cái cống tre để qua lại. Không biết ai đầu têu, nhưng mọi người đều gọi cái cống đó là Cầu thầy Đắc. Trường được gọi luôn Trường Cầu Thầy Đắc. Nhất quỷ nhì ma, học trò cứ nhao nhao “Cầu thầy đắc?. Cầu thầy đắc?”. Ông Đắc không giận lũ ba trợn, mà còn tỏ ra thích thú kiểu nói lái quê kiểng này. Thầy quả không hổ danh là một ông tiến sỹ tâm lý.
   Vạn sự khởi đầu nan. Kẹp giữa ba trường công lập, chẳng còn ma nào muốn vào dân lập. Thuyết phục mãi, cũng chỉ lèo tèo tám chục đứa hỏng quốc lập đến xin học, chia làm hai lớp. Trổ tài tâm lý, ông Đắc mời hết các danh sư trong vùng, hội tụ về “Giúp nhân dân Hương sơn!”. Mà hồi đó, không hiểu sao, giáo viên nào được mời cũng hồ hởi nhận lời. Dù tiền dạy chưa đủ tiền xăng. Đến cả thầy Đoàn Dánh, thầy Đinh Quỳ  nổi danh, đã nghỉ hưu, cũng xắn tay “Chấn hưng sự nghiệp trồng người quê hương”.
    Không biết do các anh tài đất Hương Sơn đồng lòng giúp sức, hay nhờ thầy Đắc trổ ngón bí truyền gì mà người học ngày càng đông. Có người giải thích vu vơ, chẳng qua do cấp trên cắt các lớp bán công ở quốc lập, giàm lớp, giảm sĩ số trường công để nuôi trường tư. Tức là, các xếp tước quyền học quốc lập của học sinh, để ưu ái ông thầy học cũ của các xếp. Có người lại tiếu lâm, bảo học sinh tò mò muốn biết “ Cầu thầy đắc?” nên rủ nhau đến.
    Lại bảo, do thầy Đắc có nhiều cải tiến, lôi cuốn được phụ huynh và học sinh. Mà thầy Đắc có nhiều cải tiến thật. Bàn ghế học sinh đóng liền lại bởi những cây xà gồ, như giàn đại pháo. Có mấy bác trộm, vào nhìn, nhỏ nước mắt rồi về. Giáo viên chỉ có bục nói chuyện, không có bàn nghế. Nếu mỏi, chỉ có ngồi bệt xuống sàn, vậy thì phải đứng mà giảng suốt giờ chứ sao. Học hai tiết liền nhau, lại tách lớp nữ riêng, nam riêng. Các cô các cậu muốn tỉ tê, hay lộ hàng khoe hàng cũng bó tay.com. Một số nề nếp, kỷ luật còn nghiêm hơn cả trường công. Ấy mà, chỉ có ông Đắc, cùng vài người nhà, quản từ A đến Z. Mới biết, các ban bệ trường khác, sinh ra chắc chủ yếu để họp hành và cản trở lẫn nhau. Nếu không thế, chẳng lẽ họ lại toàn những người kém năng lực?
   Các trường xung quanh, nhất là trường bổ túc, bị thầy Đắc giành mất học sinh. Nguồn thu chuyển từ túi họ sang túi ông Đắc. Sóng gió nổi lên. Hóa ra, có nhiều chỗ cần xem xét. Có những sai phạm giống hệt và không giống hệt sai phạm của các trường khác. Hóa ra, nhiều môn không có người dạy. Hóa ra, ông tiến sỹ dạy thay tất cả các môn trổng tiết. Hóa ra, trước cổng nhốt con becgie như con beo để dọa  học sinh... vv và vv..Báo chí vào cuộc hàng loạt, đến mức thủ tướng chính phủ yêu cầu cấp dưới phải làm rõ các sai phạm.
   Ông bí thư tỉnh, nhân chuyến công du, vào thăm thầy cũ. Huấn thị và bắt tay. Bắt tay và huấn thị. Thế là sóng yên biển lặng. Báo chí lại ca ngợi các đổi mới của thầy Đắc. Khuyết điểm thành ưu điểm. Tưởng là sai phạm lại hóa ra thành sáng tạo. Con beo becgie nằm trước nhà chuyển nằm sau nhà. Trường công xung quanh bị giao cho phấn đấu thành trường chuẩn quốc gia. Nghĩa là sĩ số phải giảm từ 50, 55 còn 45 em mỗi lớp. Nghĩa là đầu vào của dân lập tăng mạnh. Có năm, trường tuyển 12 lớp 10. Nhiều hơn mọi trường công trong huyện. Tuy mấy thầy giỏi rút lui hết, nhưng vẫn có nhiều người đến xin dạy thuê. Mấy cô cậu sinh viên mới ra trường, trượt biên chế chưa có việc làm, cũng đành cố đấm ăn xôi. Tiền thu vào bao nhiêu, không ai biết con số thực.       Tấm biển gắn bó với trường từ thuở sơ khai :" Dĩ bất biến, ứng vạn biến" được gỡ xuống. Có kẻ độc mồm nói bậy, bất biến là thu tiền, vạn biến là tiền tiêu thế nào không biết. Có người lại nói, mấy năm nay học sinh dân lập Hương Sơn nhờ ơn thầy Đắc to, không có thầy làm chi có tấm bằng cấp 3. Cũng có học sinh dân lập đậu vào trường đại học, cao đẳng. Lại nghe, thầy Đắc thưởng cho một học sinh nghèo đậu vào đại học cả triệu đồng. Mấy ông hiệu trưởng công lập dám làm như vậy?
   Xưa, Khương Tử Nha ê đít ngồi câu  bên sông Vỵ, dài cổ chờ minh chúa đoái dùng. Nay Nguyễn Lê Đắc độc mã hồi hương, tả xung hữu đột, có thể coi như công thành danh toại. Trường cơi nới lên cao, khuôn viên mở rộng theo gợi ý của đồng chí bí thư. Nhà hiệu trưởng khang trang hơn nhiều. Đổi tên mới thành trường DL Nguyễn Khắc Viện, nhưng trường vẫn mang “tên tục” là “Trường Cầu Thầy Đắc”. Và Cầu thầy Đắc giờ cũng xây bê tông, hoành tráng hơn. Học sinh dân lập, đứa nào cũng thuộc thơ vịnh cầu của thầy Lê Trung:                                        
                                         Đập đá, nung vôi, chuyển gạch, mời thầu.
                                         Trường mới xây lên, "bốn lầu" ngất ngưởng
                                         Sĩ tử bốn phương về tụ hội
                                         "Cầu thầy Đắc" rộn tiếng thơ ngâm.
  Thời mở cửa, giáo dục thành món kinh doanh béo bở. Các trường tư thục, dân lập bán công, mọc lên như nấm. Học sinh dốt mấy cũng có cơ hội có bằng cấp. Tiền sẽ đến nơi cần đến, và bằng cấp cũng về chốn cần về. Có người bảo, trong những người thức thời biết kinh doanh giáo dục ở vùng quê, thì thầy Đắc là người gặp may nhất. Cơ ngơi thầy sở hữu, nay trị giá nhiều tỷ đồng. Có người bảo, thầy Đắc có công lớn với dân Hương sơn. Có người cãi, không có trường dân lập, thì mấy lớp bán công làm thay việc, học sinh lại được đi học gần hơn thì có! Lại bảo, hay nhất là cái tên “Cầu thầy Đắc”!.
   Giáo dục, bản thân chứa đựng nhiều phong trào. Bán công, dân lập, tư thục thì cũng là phong trào. Mà phong trào thì lên xuống là lẽ thường tình. Cực thịnh chính là bắt đầu suy. Các học trò cũ, mải mê vun đắp hoạn lộ, bỏ bê việc của thầy xưa, bỏ bê những phong bao nhẹ hều. Giáo viên giờ đây lại thừa mứa, mà học sinh lại giảm mạnh. Dù cấp trên căn ke chia bôi thế nào, thì với “số lớp đầu vào” teo tóp, cũng khó thỏa ý muốn của tất cả các trường. Năm nay, chỉ trăm đơn xin vào trường “Cầu thầy Đắc”. Rồi không biết các năm sau thế nào?
Một lần, nhân buổi tửu hậu trà dư, có người tò mò hỏi thầy Đắc:  
   - Nếu những năm sau, không có học sinh, thầy định làm gì với trường?
   - Theo các cậu, mình phải làm gì?
Một cậu tếu táo:
-  Theo em, thầy xóa trường, lập một quán thịt chó. Lấy tên quán là: “ Cầy ông Đắc”!
Cả bọn hơi hoảng, sợ thầy giận. Cái thằng, không tôn ti trật tự gì cả. Không ngờ, ngài tiến sỹ tâm lý cười sảng khoái:
-  Hay! Hay! Đã có câu hỏi “Cầu thầy đắc?” thì phải có câu trả lời “Cầy ông đắc!” chứ!
  Thật đáng khâm phục! Tương lai trường dân lập NKV không biết thế nào. Nhưng sự tồn tại của ngôi trường ấy, cùng bao đàm tiếu khen chê, luôn gắn với hiệu trưởng Nguyễn Lê Đắc. Và còn mãi nụ cười sảng khoái của ông tiến sỹ tâm lý, với câu hỏi oái ăm: “Cầu thầy đắc?”, và câu trả lời trứ danh: “Cầy ông đắc!”.
   Hương Sơn 9-2011