Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

KHOẢNH KHẮC THU TRONG BÀI THƠ THU TRÊN HỒ THIỀN QUANG CỦA TRẦN NGỌC TUẤN

Nguyễn Trọng Hoàn
Chủ nhật ngày 4 tháng 9 năm 2011 5:29 PM
 
     Mùa thu từng khơi nguồn cảm hứng cho nhiều văn nhân thi sĩ. Vàng bay mấy lá năm già nửa – môt câu thơ của thi sĩ Tản Đà ngỡ đủ khái quát cả cảm thức thời gian. Không chỉ thế, mùa thu còn gợi niềm xao xác: Nông nỗi heo may từ đó (Lê Đạt). Thu như khoảng lặng sau dằng dặc một hành trình: Trái tim đập suốt mùa mưa bão – Trời nối vào thu tự lúc nào! (Hoàng Hữu). Rồi thu như dấu nối của quy luật tự nhiên: Có đám mây mùa hạ - Vắt nửa mình sang thu (Hữu Thỉnh). Riêng với thu Hà Nội, thi sĩ Trần Ngọc Tuấn ghi được một khoảnh khắc “Thu trên hồ Thiền Quang” ấn tượng:
     Cập bến hoàng hôn mấy lá vàng
     Hồn hoa Hà Nội ửng Thiền Quang
     Dùng dằng sương nắng đằm hương cốm
     Thu gốc nghìn năm vẫn ngỡ ngàng.
     Kết thúc hành trình sinh thành của lá thật nhẹ, thật ảo. Lá cập bến hoàng hôn chứ không phải rụng xuống hoàng hôn, rụng lúc hoàng hôn. Lá như từ vô định cập bến thời gian. Câu thơ không gợi về thu của cả một mùa heo may chia lìa hối hả. Lá vàng trong bài thơ không trút ào ào từng đợt mà chỉ là “mấy” . Đơn vị “mấy” chỉ số lượng ít nhưng không cụ thể, vì thế nó mang nghĩa biểu trưng. Lá rơi rất nhẹ và không nhiều. Với mấy lá vàng và đúng thời khắc hoàng hôn, đến câu thứ hai, tác giả đã thực hiện xong việc pha màu cho bức tranh thu từ thực sang ảo: Hồn hoa Hà Nội ửng Thiền Quang. Động thái cập bến của mấy chiếc lá vàng làm bức tranh thu thay đổi về chất. Trên nền hoàng hôn ấy, lá rơi như điểm xuyết chỉ để cộng hưởng cho sắc nước ửng trên hồ. Trong bài thơ, ửng là chữ đắt. Ửng không hẳn là vàng, cũng không hẳn đỏ. Sự phản quang của màu sắc hoàng hôn từ mặt nước đúng lúc lá vàng rơi vừa có độ sâu, vừa lung linh sống động. Thiền Quang ở đây vừa chỉ tên hồ, vừa chỉ nghĩa chiết tự của hồ.Khi hiểu Thiền Quang là tên hồ thì ửng được xem là động từ, khi hiểu Thiền Quang là nghĩa chiết tự thì ửng là tính từ. Sự linh hoạt trong việc sử dụng ngôn ngữ phù hợp với chức năng miêu tả của câu thơ:
     Dùng dằng sương nắng đằm hương cốm
     Thu gốc nghìn năm vẫn ngỡ ngàng.
     Hai câu trước nói đến Thiền Quang, thi sĩ mới nêu được điều kiện “cần” ; phải đến hai câu sau mới nêu được điều kiện “đủ” của sắc thu Hà Nội. Ấy là nhờ sự có mặt của các yếu tố sương nắng và hương cốm. Nắng chưa tắt mà sương đã bắt đầu lan tỏa, hoặc sự dùng dằng của sương và nắng kết trong hương cốm thơm đằm ; hiểu theo cách nào vẫn ra sự dùng dằng khá đặc trưng cho tiết thu Hà Nội. Phải chăng chút dùng dằng rất thi vị ấy làm cho ánh ngày không tắt, làm cho gốc nghìn năm chẳng thấy già nua mà ngỡ ngàng mãnh liệt?
    Bài tứ tuyệt nén chữ nhưng có vẻ đẹp của một bức tranh sơn dầu rực rỡ. Nó dường như được vẽ theo ấn tượng thị giác, thể hiện những xao động thầm kín của lòng người trước biến thái của thiên nhiên Hà Nội.