Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THƠ LỤC BÁT CỦA PHẠM XUÂN TRƯỜNG

Lê Lanh
Thứ ba ngày 30 tháng 8 năm 2011 6:32 AM

Phạm Xuân Trường ,sinh năm 1947,quê ở thành phốHải Phòng.Ông cho ra mắt bạn đọc 6 tập thơ.Hai tập đầu in chung.Tập “Cỏ cháy”- NXB hội nhà văn,2006 được giải C ( không có giải A và B) của liên hiệp các hội VHNT toàn quốc,năm  2007.Ông là hội viên hội nhà văn Việt Nam cùng năm. Thêm nữa,Phạm Xuân Trường còn được giải 3, thành phố về kịch bản phim “Chim bìm bịp” ( đạo diễn Đoàn Lê).Phim được huy chương bạc tại liên hoan truyền hình toànquốc. Năm 2002,lại trúng giải ba, cuộc thi thơ lục bát của báo: “ Giáo dục và thời đại” (1976 – 1997) .

Nhìn chung thơ Phạm Xuân Trường,về mặt nội dung luôn đau đáu nỗi đau nhân thế,về lẽ công bằng xã hội. Câu,chữ được rút ra từ huyết mạch, xương cốt  những con người lao động nghèo,những cựu  chiến binh, những người mẹ,người chị,những người có số phận rủi ro… trong cuộc sống đời thường. 

Có thể nói thơ lục bát của ông là sự kết hợp nhuần nhị giữa hai yếu tố trữ tình và trào phúng.Trữ tình thì thật tha thiết,đằm thắm,ý tứ,câu chữ cứ như thấm vào gan ruột người đọc.Trào phúng thì lại càng chát chúa,sâu cay.

Bút pháp trữ tình dĩ nhiên là dành cho những bài thơ mang nội dung trữ tình như tình yêu quê hương đất nước và con người.

Hình ảnh người mẹ “Xiêu xiêu một bóng vạc gầy…”, vẫn còn là quen thuộc. Nhưng đọc những câu:  “Mẹ đi ngày ấy tháng ba/Cơm lồng xới lỏng theo ra ngoài đồng”(Mẹ ơi- ở trọ hồn làng) thì sẽ thấy cái nét riêng của XuânTrường.Đó là hình ảnh người mẹ nghèo, thiếu thốn tới mức bát cơm cúng để trên quan tài cũng phải“xới lỏng”. Bởi vậy, tiếng khóc của ông mới lộn vào trong: “Mẹ ơi,sống khóc chết cười!”.Người ta mơ được sống thêm một ngày,người mẹ trong thơ ông thì ngược lại.

Khi nhà thơ hóa thân vào “Lòng mẹ” có con đi lấy chồng cũng rất thành công: “Ngày mai con về nhà chồng/Bần thần mình mẹ rỗng không cănnhà/ Con mẹ thành con người ta/Sương giăng buốt cả canh gà con ơi !”(Lòng mẹ- Cỏ cháy).Chỉ một ẩn dụ “Sương giăng buốt cả canh gà” mà nỗi lòng xót thương của người mẹ đối với con đã làm não lòng người.

Xin hãy đọc tiếp:“Rằng không dao cứa mà đau/Thời gian làm sợi chỉ khâu đã lành !/Không còn bom đạn vây quanh/Chỉ lời kỳ thị giăng thành bủa vây…”(Những đứa con mang họ mẹ-Cỏ cháy).Đó là tâm trạng “dao cứa” ruột những người mẹ,người chị có con không mang họ cha sau chiến tranh.Mặc dầu đã có luật sinh đẻ ngoài giá thú nhưng ai đã vượt qua được những lời kỳ thị,cắt cứa kia !

Khi ông viết về người chị có chồng là liệt sỹ: “Bơ vơ trăng góa giữa đời/Chị ngồi rũ tóc gọi người không thưa”(Chị tôi-Cỏ cháy).Câu,chữ nào cũng như rút ruột ra.Một người mất chồng rơi vào thơ Xuân Trường thì trăng trời cũng  phải góa bụa.

Sau chiến tranh,những chiến sỹ giải phóng trở về hậu phương làm đủ mọi nghề để kiếm sống,ở thành phố,nghề chữa xe,chạy xe ôm…là rất phổ biến đối với họ.Hình ảnh người lính cựu đứng ở “Ngã tư”đường phố Hải Phòng  rất giản dị,phong trần:“Cần gì ô lọng trương ra/Trú chân dưới tán phượng già lửa rơi”(Ngã tư- T24- ở trọ hồn làng).“lửa phượng già” giữa đời thường là lửa  truyền thống chiến đấu năm xưa.  Chữa xe,anh luôn : “Lắp cho cái cụt cái què vào nhau”.Góp công,góp sức dựng xây cuộc sống hạnh phúc. Phát huy truyền thống nhân đạo của anh bộ đội cụ Hồ,còn có bài “Hai ông lão lính”.Với hình ảnh rất cảm động: “Tù binh của bác một thời”mà giờ đây lại là thông gia của nhau:“Dâu con bác,rể con tôi/Hai ông lão lính giữa giời rưng rưng…”(Hai ông lão lính-T64-ở trọ hồn làng).

Lục bát trữ tình thường có sự đồng cảm,đồng thuận, xót thương,ca ngợi… Nhưng trào phúng (phê phán) là sự tỏ bày thái độ của tác giả.Tuy hai lối đi khác nhau,nhưng đều tìm về một ngôi nhà hạnh phúc. Bạn đọc cùng đến với bút pháp thơ lục bát trào phúng của  XuânTrường qua bài “Chôn dọc” : 

“Bố chết con đừng chôn ngang/Bây giờ tấc đất tất vàng con ơi !/Ngửa mặt nhìn chỉ thấy trời/Chôn dọc cho bố nhìn đời thẳng cong…”(Cỏ cháyT41).

Tính phê phán của tác phẩm bộc lộ ngay ở hai từ “Chôn dọc”, phần đề bài. Nội dung là lời dặn của ông bố mang tính phê phán nẩy sinh từ cuộc chiến đất đai đang diễn ra từng ngày từng giờ.Tác giả không cần phải gia công nhiều về câu chữ.Và đây nữa,bài “Muối dưa”:“Mải đi về phía cầu vồng/

Quay về cải đã lên ngồng… khổ chưa/Em ngồi phơi kỷ niệm xưa/Muối thời con gái làm dưa ăn dần”( Cỏ cháy-T88).Mới đọc ta vội nghĩ “Muối dưa”là bài thơ vui.Hóa ra không phải.Đây cũng là một cách thể hiện bút pháp trữ tình phê phán.Trữ tình ở chỗ ta thấy động lòng xót xa, thương cảm.Phê phán ở sự cảnh tỉnh đối với những cô gái, chàng trai hãy sớm hiểu mình,hiểu người thì mới có thể tránh đươc cảnh “làm dưa ăn dần ”như người phụ nữ trong thi phẩm.Bạn hãy thưởng thức thêm bài “Cơm chay”:

“Bạn mời tôi bữa cơm chay/Giả nem,giả chả…giả đầy một mâm/Thật thà rút chuối rượu tăm/Nhắm bao cái giả đang nằm ngổn ngang”(Cơm chay - Cỏ cháy- T91).Tính phê phán trong “Cơm chay” có hiệu quả cao bởi những hình ảnh rất chân thực trong đời thường. Chủ đề mà nhà thơ thể hiện cũng rất tiêubiểu.

Yếu tố trữ tình và trào phúng khi tách bạch khi đan xen cài đặt vào nhau. Yếu tố trữ tình như một chất dẫn truyền tạo cơ hội cho mục tiêu phê phán mạnh mẽ, sâu sắc hơn…

Nhận xét của nhà thơ Ngô Văn Phú về bài thơ “Phố Nguyên Hồng”( Cỏ cháy T6-7) : “Bài thơ có nỗi niềm riêng,cách nhìn mới,nhiều câu hay,từ hay,viết liền một hơi.Mạch thơ nhanh,câu thơ luôn chuyển tiết tấu,lục bát tung hoành khá nhuần nhị.

Vậy là thời hiện đại,thơ lục bát vẫn đang đóng góp được sự vận động trong dòng chảy đổi mới của thi ca đương đại…”(Báo nhân dân,17.2.2003)

Tôi nghĩ,Phạm Xuân Trường có một số lượng không nhỏ thơ lục bát đã xuất bản có thể phù hợp với nhận xét trên. 

                                                                            L.L