Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MỒM CỦA ĐÀN ÔNG

Trần Khôi Việt
Thứ sáu ngày 26 tháng 8 năm 2011 6:20 AM

Với một số đàn ông phi thường thì mồm là một bộ phận rất đáng kể. Và cái đáng kể nhất trong mồm của bọn họ thì hình như là lưỡi. “Sử ký Tư Mã Thiên” trân trọng chép truyện Trương Nghi, một thuyết khách lỗi lạc thời Chiến Quốc (478 - 221 tr CN). Trương Nghi do nói quá hay và quá nhiều nên bị mấy gã không biết nói lôi ra đánh đòn, khắp mình thâm tím đa chấn thương đại loại giống như danh thủ Denilson người Braxin mà câu lạc bộ bóng đá Xi măng Hải Phòng trót mua hớ. Trương Nghi lê lết trở về nhà, cô vợ hả hê mỉa mai: "Hừ, nếu ông không đọc sách đi du thuyết thì sao đến nỗi phải cái nhục này. Trương Nghi chìa mồm ra bảo vợ: nhìn xem lưỡi ta còn không. Vợ cười, lưỡi còn. Nghi nói, được rồi". (Sách đã dẫn - NXB Văn Học - Tập 2, trang 34). Quả nhiên về sau nhờ cái mồm lành lặn, Trương Nghi tiếp tục đi du thuyết làm tới thừa tướng nước Tần rồi tướng quốc nước Ngụy, vừa sang vừa giàu không những làm cả họ nhà vợ vừa sợ vừa thẹn mà còn làm vô số những đàn ông khác cũng có mồm khát khao thèm thuồng đến mức sùi bọt mép. Danh nho tài tử ở ta là ông Nguyễn Công Trứ nghiêm túc khen rằng, trừ đi vài phần gian trá giảo hoạt thì đấy là một kiểu đàn ông "lập ngôn" rất đáng tôn trọng. Ông Trứ lúc bần bạch, bất đắc dĩ phải mưu sinh làm thầy đồ nghêu ngao dùng mồm dạy chữ cho đám trẻ quê, long đong vất vả vô chừng nên có chua chát đùa cái nghề giáo là nghề "Dĩ thiệt canh độ nhật" nôm na là dùng lưỡi để cày bừa qua ngày. Hỡi ơi, cách ví von sao mà xót xa xác đáng. Ở Sài Gòn dăm bảy năm trước cũng có một nhóm nam thi sĩ tài cao lấy tên là "mở miệng". Cái tên hơi sái, báo hiệu đám nhà thơ này sẽ chắc chắn bần hàn. Ngày xưa các cụ đã dạy, muốn ăn tiền thì phải ngậm miệng. Theo “Ma Y tướng pháp” thì miệng còn gọi là “Xuất nạp quan, thuộc hành Thủy. Cửa ngoài của Tâm mà cũng là biên ải của thị phi phải trái". Nó quan trọng vô cùng, hoặc đóng hoặc mở nên cẩn thận tuỳ theo thời.
Tuy nhiên cuốn "Từ điển tiếng Việt phổ thông" của Viện Ngôn ngữ học lại tầm thường định nghĩa. "Mồm: miệng của con người, thường được coi là biểu tượng cho việc nói năng không hay, không đúng lúc. Ví dụ, lắm mồm. Chõ mồm vào việc của người khác". Sau đấy còn kê cứu dẫn thêm các thành ngữ: mồm loa mép giải, mồm miệng đỡ chân tay... Có lẽ, ban biên soạn cuốn từ điển này lúc đang khai triển công việc chắc cũng bị nhiều tay "chõ mồm vào" góp ý nên các tác giả có đôi chút bực mình. Định nghĩa về mồm đã nêu tuy hơi tiêu cực nhưng sâu xa phản ánh đúng cái thời “A còng” “anh tơ nét”, một thời mà đám đàn ông nói năng lẫn lộn đến mức, ông thì nhang nhác ti tiện giống thằng, còn thằng thì huênh hoang hợm hĩnh giống như ông.
Chưa bao giờ trong lịch sử nhân loại đàn ông lại lắm mồm như ở thời đương đại bây giờ Tô Tần, Trương Nghi là cái đinh. Vì nói cho cùng, lời của hai biện sĩ này tuy cao đàm khoát luận nhưng sâu xa thiết thực gần giống như đạo lý, lập luận có minh có bạch hướng tới người nghe. Đàn ông hôm nay khi nói đa phần đều rỗng tuếch, nếu có chút hào hùng khẩu khí thì lại sặc sụa mùi lợi danh. Còn không thì ngô nghê ra vẻ khoe khôn, cốt chỉ thỏa mãn cái tôi nông nổi. Hoặc hóng hớt đơm đặt, hoặc xếch mé xỏ xiên, lê la buôn chuyện, đám đàn bà phải coi là sư phụ. Có những anh trẻ, câu cú viết không thành, nửa đêm tự giận mình đâm mất ngủ bèn chui hết từ "oép" này sang "bờ lốc" kia, nặc danh ẩn danh comment dung tục, gọi nữ văn sĩ là con, gọi nam đạo diễn là thằng. Lại có những ông mặt dày hơn, quanh năm suốt tháng hiện hình lên tivi nói như hai với hai là bốn, rồi bốn với bốn là mười sáu, người nghe hoang mang ù tai chỉ thấy lấp lánh những là cách tân, những là hậu hiện đại. Nhà thơ kiêm phê bình gia T.S. Eliot (1888 - 1965) khi bàn về truyền thông đã cảm thán "Minh triết mất thì còn lại tri thức, minh triết ấy đâu rồi. Tri thức mất thì còn lại thông tin, tri thức ấy đâu rồi". Kinh hãi thay, qua những mồm đàn ông hình như thông tin cũng mất nốt, vậy cái còn sẽ là cái gì.
Cho dù hay bị liên hệ đến chỗ này chỗ nọ, thế nhưng nói chung mồm của đàn ông vẫn luôn được coi là bộ phận cao quý. Kẻ viết bài này cũng thường bị những người có vẻ đứng đắn có vẻ đạo đức chê là hạng tán nhảm lắm mồm. May mà phúc nhà to hơn Trương Nghi, không những lấy được vợ cực kỳ đa ngôn cằn nhằn suốt ngày mà khi giao du với bằng hữu cũng hạnh phúc toàn gặp được những người nói lắm. Phải vậy chăng mà từ khi trưởng thành đến lúc đã già, chưa từng bao giờ bị ăn đòn.

(QĐND - Thứ Năm, 09/07/2009)