Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MẤT GÀ

Cố Biển
Thứ sáu ngày 26 tháng 8 năm 2011 6:16 AM

Truyện ngắn:

Bên cạnh nhà tôi có một gia đình liệt sĩ, ông bố hi sinh, để lại cho bà vợ hai đứa con gồm một trai một gái. Con chị tên Thơm, thằng em tên Quýnh. Bà mẹ tần tảo đầu tắt mặt tối quanh năm cũng chỉ đủ miếng ăn. Dù vậy, hai đứa con của bà vẫn được bà cho đi học mong bằng chị bằng em trong làng ngoài xóm. Ngặt vì nghèo quá, làm lụng vất vả quá, nên hai chị em không sao học khá lên được. Đành phải bỏ học giữa chừng để cùng mẹ kiếm ăn. Con Thơm hay lam hay làm, thương mẹ, thương em, hiếu thảo nết na. Thằng Quýnh, từ ngày bỏ học lại đổ đốn sinh hư, đua đòi cờ bạc. 
Quê tôi bây giờ tệ lắm. Nạn cờ bạc, đề đóm đã đành, còn cả nạn trai gái, hút xách nữa. Những cái quán đầu làng lúc nào cũng có bọn thanh niên choai choai tụ tập chắn cạ, xóc đĩa. Trong các quán lúc nào cũng sặc mùi thuốc lào, thuốc lá với các loại rượu rẻ tiền. Chuyện đánh chửi, đâm chém nhau xảy ra như cơm bữa. Đến nỗi người làng tôi coi những chuyện ấy đã thành chuyện bình thường. Như vốn dĩ cuộc sống nó phải thế.
Chỉ khổ cho những gia đình neo đơn, thân cô thế cô. Họ không chỉ bị dân làng khinh, chính quyền hay nhắc nhở vì thiếu nghĩa vụ nọ, thiếu đóng góp kia mà còn là đối tượng để lũ trộm cắp ghé thăm thường xuyên, liên tục. Chuyện mất chó, mất gà, thậm chí mới gơ được con lợn choai choai cũng bị mất ở những gia đình ấy là những chuyện mà người ta quen gọi là “chuyện thường ngày ở huyện”. Gia đình bà hàng xóm của tôi ở vào hoàn cảnh ấy. Đàn gà dăm con mới khoảng một cân một con dành để làm giỗ người chồng quá cố đã bị bọn đạo tặc bắt sạch chỉ trong một đêm. Tiếc của quá, bà đi quanh vườn, chửi ra bốn phía. Cứ rảnh lúc nào bà chửi lúc ấy. Chửi to. Chửi cho cả xóm nghe. Hàng xóm của bà có một gia đình tuy vườn rộng, ruộng nhiều, nhưng lại quá đông con, nhiều cháu. Chúng sinh sôi nảy nở đến nỗi không kịp làm giấy khai sinh. Đặt tên cũng tuỳ tiện cho qua chuyện. Tuy cấy hái một năm, số thóc thu về nhiều nhất nhì làng, nhưng đói vẫn hoàn đói. Cờ bạc, trộm cắp, thậm chí cướp giật chúng cũng chẳng từ.
Thằng Quýnh theo thằng Đông hàng xóm đánh bạc, nợ thằng Đông khá nhiều tiền. Đến nỗi một đêm, đợi mẹ và chị ngủ say, nó ra nhổ rào ngăn giữa hai vườn, cắm lùi vào vườn nhà mình để lấy đất trả nợ cho nhà thằng Đông. Thế vẫn chưa xong, thằng Đông còn bắt thằng Quýnh bẻ măng, đào củ chuối non cho thằng Đông nấu ốc, nấu ếch để trừ thêm nợ.
Nghe mẹ và chị thằng Quýnh chửi như đã biết mình ăn trộm, thằng Đông gọi thằng Quýnh bảo: Nếu còn để mẹ và chị mày chửi nữa thì mày liệu hồn! Tao sẽ bảo chính mày bắt gà bán cho tao! Món nợ cũ, nếu không trả ngay, mày đừng có trách!
Thằng Quýnh sợ quá, về xin mẹ và chị đừng chửi nữa, mất hết tình làng nghĩa xóm. Việc giỗ bố cứ để nó lo. Nhưng mẹ và chị nó không tin, bởi nó đã hứa bao nhiêu lần từ bỏ đàn đúm cờ bạc mà có bỏ được đâu, chỉ ngày một đổ đốn thêm, nợ chồng nợ chất thêm. Chính vì thế, mẹ nó và chị nó càng chửi khoẻ, chửi to. Tội nghiệp thằng Quýnh. Một bên thì mẹ với chị đầu tắt mặt tối, được đồng nào lại bị nó cuỗm hết, một ngày một đói rạc rài. Một bên là thằng Đông sẵn sàng làm mọi điều ác, cốt sao được việc cho mình, thoả lòng tham của mình. Biết thế, nên thằng Quýnh sợ thằng Đông một phép. Nếu thằng Quýnh không bắt được mẹ với chị ngừng chửi, thì chưa biết điều gì sẽ xảy ra. Nhẹ thì vào bệnh viện sửa chữa một vài bộ phận, nhất là cái mặt. Nặng thì ra đồng mà ngủ với giun!
Thằng Quýnh lại rất nhát đòn, rất sợ chết, nên chỉ còn cách bắt mẹ và chị phải im mồm. Nói mãi không được, thằng Quýnh đành lấy bao tải chụp vào đầu mẹ rồi bế thốc vào trong buồng, khoá chặt cửa lại. Không may cho con Thơm, thấy em làm điều quá xằng bậy, nó nhảy vào can ngăn. Đang cơn tức giận, thằng Quýnh đạp vào mặt con Thơm một phát trời giáng, con Thơm lăn ra bát tỉnh. Nhưng chỉ một chốc lại tự bò dậy được.
Ngay chiều ấy, nhận được điện thoại của cơ quan, tôi phải vào thành phố gấp. Không biết chuyện gia đình thằng Quýnh rồi sẽ ra sao. Liệu mẹ và chị nó có giữ nổi mảnh đất ông bà tổ tiên để lại hay không.