Mỗi chúng ta sinh ra, trưởng thành, tuổi già đến, bệnh tật rình rập, rồi cái chết đón chúng ta trở về cõi vĩnh hằng, trở về với đất mẹ, trở về với cát bụi, đó là một qui luật bất biến của tạo hóa. Ai cũng phải vui vẻ đón nhận qui luật ấy một cách tự nhiên.
Từ ngày mẹ tôi mất đến nay, thỉnh thoảng về thăm nghĩa trang, viếng mộ mẹ, tôi thấy có quá nhiều những ngôi mộ mới, hoa vẫn còn tươi, hỏi ra mới biết toàn là những người con của làng vừa mới ra đi. Sự ra đi của mỗi người đều có nguyên nhân khác nhau, người trẻ tuổi thì mất do tai nạn giao thông, người trung niên thì do uống quá nhiều rượu dẫn đến ung thư gan, những người khác đều mắc chứng bệnh ung thư, sau cái mất của mẹ, tôi liệt kê những người đã khuất sau mẹ, rất nhiều người bằng tuổi mẹ, dưới tuổi mẹ và trên tuổi mẹ một chút đều ra đi do chứng bệnh ung thư quái ác hoành hành. Xã hội ngày càng phát triển, kinh tế khấm khá hơn trước, đời sống sung túc hơn trước, tuổi thọ gia tăng hơn trước, dân số Việt Nam đang già đi. Đó là điều mừng hơn ông cha ta ngày xưa, các cụ đến tuổi 50 là làm lễ ra đình, nhưng bây giờ 60 tuổi mới nghỉ hưu theo chế độ, 70 tuổi mới gọi là chớm già, 80 tuổi bắt đầu già, 90 tuổi mới là coi là già thực sự. Trong những năm gần đây, số người đã ra đi ở làng tôi có tuổi đời còn rất trẻ, họ vẫn còn đang trong độ tuổi lao động ở thôn quê, một số thoát ly thì vẫn còn đương tại chức, nhưng cái chết thì đều chung một thứ bệnh , ấy là bệnh ung thư.
Mỗi lần về thăm quê, các ông các bà trong làng đến chơi nhà tôi, thường xuyên thăm hỏi động viên cha con tôi sớm vượt qua nỗi đau mất vợ, mất mẹ của gia đình tôi, các ông các bà thường an ủi cha con tôi bằng những lời than thở :
- Chẳng hiểu sao, mấy năm trở lại đây, người làng mình sao mắc chứng bệnh ung thư nhiều thế ! Không hiểu do ăn uống phải nguồn nước ngầm không đảm bảo vệ sinh hay do nguồn không khí bị ô nhiễm từ nguồn khí thải của nhà máy hóa chất ở thành phố V.T thải ra. Những ngày có gió, một bầu không khí thối đến khó tả lan tỏa trong bầu khí quyển chung mà người dân quê tôi vẫn hằng ngày hít thở. Nhưng chẳng ai quan tâm, thối cũng phải ngửi, ô nhiễm cũng phải chịu, bởi không thể dời nhà đi đâu được để tránh khỏi khu vực ấy, vậy là cam chịu. Chỉ đến khi, có quá nhiều người trẻ tuổi ra đi do mắc chứng bệnh ung thư thì người ta mới đặt câu hỏi, do ô nhiễm nguồn nước hay do ô nhiễm không khí, điều đó xin nhờ các nhà khoa học, các nhà quản lí nhanh chân vào cuộc… ?
Còn tôi và các em tôi thì vĩnh viễn mất đi người mẹ yêu quí của mình vào lúc 5 giờ sáng ngày 30 Tết năm Canh Dần. Mẹ tôi ra đi, khiến anh em chúng tôi quá bàng hoàng, chưa có sự chuẩn bị về tâm lý, khi ấy cả đất nước đang náo nức đón chào một cái Tết lịch sử, một mùa xuân mang trong mình rất nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, sự kiện 80 năm ngày thành lập Đảng, sự kiện thủ đô Hà Nội và cả nước đón chào đại lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long…Cả đất nước và toàn thể nhân dân đang vui tươi phấn khởi đón chào mùa xuân mới thì gia đình bé nhỏ của tôi lại phải lặng lẽ tiễn đưa người thân nhất của mình đi xa, thật xót xa biết nhường nào ! Tôi chỉ thấy bà con quê tôi, những người sống gắn bó trong làng đã tận tình, tận nghĩa bỏ cả việc nhà bận bịu ngày 30 Tết để đến chia sẻ nỗi đau lớn của gia đình tôi vào giờ phút thiêng liêng ấy, tiễn đưa một người con của làng trở về cõi vĩnh hằng. Trong lúc đau buồn ấy, tôi chỉ cảm nhận được tình cảm của người thân trong họ tộc nội ngoại, những người dân quê tôi, và những người bạn của anh em chúng tôi đã dành cho mẹ tôi tất cả sự kính trọng, mẹ tôi ra đi trong sự tiếc thương của muôn người, nhiều vãi già đi đưa tang cũng dưng dưng khóc, tiếc cho sự ra đi quá sớm của mẹ khi tuổi đời còn rất trẻ, tôi tự hào về điều ấy. Cả đời mẹ lam lũ với ruộng đồng, làm bầu bạn với nhà nông trong làng, không giữ một trọng trách gì, một nông dân thuần túy, nhưng mẹ đã để lại trong lòng nhiều người những tình cảm tốt đẹp và sự tiếc thương bằng chính nhân cách của mẹ. Mẹ luôn luôn chịu phần thiệt thòi trong các quan hệ, kể cả với họ hàng nội ngoại cũng như hàng xóm, láng giềng. Mẹ thường khuyên chúng tôi hãy sống trung thực, mẹ lấy nhiều dẫn chứng để chứng minh cho luật nhân quả, chúng tôi thấm thía những bài học mẹ đã dạy. Mẹ ra đi vĩnh viễn rồi ! Nhưng những gì mẹ dạy dỗ chúng con, chúng con sẽ mãi khắc ghi trong lòng, và mỗi anh em chúng con sẽ gắng thực hành những điều mẹ dạy bảo.
Mùa Vu lan năm nay đã là năm thứ hai anh em chúng tôi không còn mẹ, nỗi đau không gì bù đắp nổi, không còn mẹ u ấp mới thấy trong lòng mình rất trống trải, sự thiếu vắng mẹ là những tổn thất lớn về tinh thần. Mẹ không còn nữa, mùa Vu lan lại đến, con viết những dòng này gửi mẹ ở nơi xa thẳm hiểu tấm lòng của chúng con đang hướng về mẹ. Cầu chúc cho tất cả cả bà mẹ đang còn sống được bách niên giai lão. Chúc cho muôn nhà bố mẹ, ông bà được trường thọ, con cháu được sum vầy. Mỗi gia đình là một xã hội thu nhỏ, nhiều gia đình hạnh phúc thành đạt, con cháu tứ đại đồng đường, sống có ích, sống vui sống khỏe, là hạt nhân cho đất nước tiến bộ và phát triển, thịnh vượng.
Phùng Hoàng Anh