Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐÊM KHÓ NGỦ...NGHĨ CHUYỆN ĐỜI

Quốc Toản
Thứ ba ngày 2 tháng 8 năm 2011 5:03 PM
 
Tôi chẳng rõ, sách giáo khoa dạy học sinh phổ thông còn có bài “Đêm nay Bác không ngủ” của nhà thơ Minh Huệ không. Thời chúng tôi đi học, phải học thuộc lòng bài này. Bài thơ nói lên tình thương yêu của Bác Hồ đối với đồng bào, đồng chí. Những người theo tiếng gọi của Bác mà sẵn sàng xả thân vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Nhưng cũng có một đêm Bác không ngủ. Một đêm thức trắng để ký quyết định tử hình tên Đại tá tham nhũng, biến chất Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục quân nhu thời kháng chiến chín năm. Sau này Đoàn Nghệ thuật Quân khu 2 đã diễn rất thành công vở kịch “Đêm trắng”. Vai Bác Hồ do Nghệ sỹ Tiến Hợi đóng. Vở kịch gây xúc động lớn trong lòng khán giả.
Học tập và làm theo tấm gương của Bác, hàng triệu công dân Việt Nam cũng nhiều đêm thức trắng để làm việc, để nghiên cứu khoa học... mong cho “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh”.

Trong số những người thức “trắng đêm”, có không ít người nghĩ suy trăn trở về hiện tình đất nước. Họ là người có chức quyền. Những nhân sỹ trí thức. Cũng có người là thảo dân. Mỗi người một vẻ. Có người nói ra lời, thể hiện bằng hành động. Có người im lặng. Có người hoang mang. Có người nghi ngờ. Có người sợ...và không ít người thờ ơ.
Vì sao lại như vậy? câu hỏi không khó để trả lời. Loại người im lặng, sợ, hoang mang, thờ ơ... là do con người ta tự tước đi quyền dân chủ. Quyền được “mở miệng”. Và quan trọng hơn là luật pháp chưa nghiêm, chưa công bằng. Nói như bác Sáu Dân: “Một đất nước mà luật pháp còn lỏng lẻo, còn quá nhiều bất cập, thì những quyền uy tối thượng vẫn được coi là chân lý. Đấy là bi kịch của xã hội ta”. Chính vì vậy làm cho người dân mất lòng tin. Nhưng đáng ngại hơn là họ sợ bị “quy chụp” là “mất quan điểm lập trường” là “phản động”.

Nhiều khi tôi thức đêm cũng miên man nhiều chuyện lắm. Ngày bận làm việc. Đêm mới có thời gian yên tĩnh nghĩ chuyện đời, chuyện người. Cái hay, cái dở, cái tốt, cái xấu. Dĩ nhiên cái tốt là nhiều. Nhưng cái xấu dễ làm cho người ta bị tổn thương... Và rồi tôi tự đặt câu hỏi và tự lý giải:
- Nếu không có báo chí, những Blog cá nhân (cả lề phải lẫn lề trái) tôi làm sao biết được những cái tốt, cái xấu. Nhưng có những chuyện làm tôi mất niềm tin: Tham nhũng tràn lan, tiền chi phối nhiều thứ quá. Mua quan bán chức. Bằng thật bằng giả lẫn lộn. Bệnh nói dối, bao che, đổ lỗi cho nhau đã trở thành phổ biến. Có người trước đây tôi coi là thần tượng thì nay không còn là thần tượng. Có người chỉ vì những mục đích thấp hèn, họ sẵn sàng tìm mọi mưu mô xảo quyệt để hạ nhục người khác.

Đọc báo thấy có chuyện một quan chức “chém gió” thao thao bất tuyệt nói về “Học tập đạo đức tác phong Hồ Chí
Minh”. Một người nghe lên tiếng: Ông có dám nói ông có bao nhiêu mảnh đất? Vừa rồi phân đất, ông có nhận không?. Ông quan này ngậm miệng luôn!
Lại có chuyện, một vị đại biểu Quốc hội nguyên Giám đốc Sở GDĐT Thái Bình lên tiếng chống tham nhũng rất hăng. Nhưng ông đã nhúng chàm khi tham gia phi vụ làm ăn trong việc cung ứng máy tính cho các trường học. Bị phanh phui, ông ta phải vào tù. Chuyện cũ nhớ lại, nhưng nghe mà buồn!
- Tại sao có những vụ việc đi vào quên lãng. Người dân chẳng biết họ làm thế đúng hay sai. Kiện mãi mà không thấy cơ quan chức năng nào giải quyết. Nhiều người mệt mỏi vì “con kiến mà kiện củ khoai”.
- Chuyện ngoài đường: Ai cả gan đánh hoặc lăng mạ cảnh sát giao thông gọi là “chống người thi hành công vụ” thì bị xử lý theo pháp luật. Điều đó rất đúng. Nhưng cảnh sát đánh người, làm nhục người khác quá rõ ràng “rõ mười mươi” gây bức xức trong dư luận. Như chuyện công dân Nguyễn Chí Đức bị đạp vào mặt, bị làm nhục chỉ vì biểu tình chống giặc Tàu gây hấn biển Đông, sao xử lý lại chậm trễ đến thế?
- Văn hoá dân tộc liệu có còn không khi mà: Những phố đèn lồng kiểu Tàu. Những dự án kiểu như “Đông Đô đại phố” dành cho người Tàu ở Bình Dương (một dự án mang tầm chiến lược). Những “Vạn lý Trường thành” tại một khu du lịch ở Đà Lạt.  Những lao động Tàu bất hợp pháp. Một mỹ nữ Việt: “Không còn là câu chuyện thời trang, bộ xường xám mà người đẹp Phụ nữ Thế kỷ 21 Lã Thanh Huyền trót diện trong chuyến đi nước ngoài đã gây sóng gió trên mọi diễn đàn vì “thiếu hiểu biết”, “làm xấu mặt Việt Nam”…Bốn mươi ngàn độc giả đề nghị Lã Thanh Huyền trả lại danh hiệu “Phụ nữ thế kỷ 21”. Chẳng hiểu hiểu sao lúc này, tôi lại nghĩ đến cô gái Trịnh Kim Tiến!
Tất cả những chuyện trên, những người có trách nhiệm nghĩ gì? Liệu có rơi vào im lặng?
- Tại sao nước mình lắm thứ được coi là “bí mật”, là “nhạy cảm” để “tránh né” đến thế? Càng giấu diếm, dân càng mất lòng tin.
- Tôi thấy báo chí mình nói rất nhiều về mấy ông cỡ bự ở các nước tư bản tham nhũng, mang “tiền tấn” gửi nhà băng ở nước ngoài. Phanh phui nhiều vụ scandal. Lại có những ông quan xin lỗi dân, xin từ chức... Vậy mà báo chí mình it nói về các ông quan hư đốn ở Việt Nam? Nói thật quan “Ta” mở miệng xin lỗi dân, xin từ chức...thật hiếm. Cuối cùng là họ đổ lỗi tại cơ chế.
- Tôi đọc báo, biết tin: “Tòa án nhân dân Tối cao cho biết, sáng 2/8, Tòa Phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Cù Huy Hà Vũ về tội "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam".Tòa sơ thẩm tuyên phạt Cù Huy Hà Vũ 7 năm tù giam (thời hạn tù tính từ ngày bị bắt giam 5/11/2010); phạt quản chế tại địa phương nơi bị cáo cư trú 3 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù. Bản án sơ thẩm đã kết luận, trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến tháng 10/2010, Cù Huy Hà Vũ đã có nhiều bài viết, bài trả lời phỏng vấn đăng tải trên mạng Internet có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Các bài viết và trả lời phỏng vấn này đã xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phỉ báng chính quyền và thể chế Nhà nước, bôi nhọ cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân Việt Nam. Hành động của bị cáo đã phạm vào tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Đó là tin của TTXVN.

Nhưng tôi được biết, việc xét xử sơ thẩm không công minh. Nên đã có hơn 2000 chữ ký của các nhân sỹ, trí thức, lão thành cách mạng, các công dân... đề nghị thả tự do cho Cù Huy Hà Vũ. Liệu rằng việc xét xử phúc thẩm có rõ ràng minh bạch không. Những người quan tâm đến vụ án đang mong chờ sự công minh của pháp luật.

Đêm nay, tôi lại nghĩ và viết. Mệt. Mở VTV1 ra xem, lại đúng chương trình “Trò chuyện âm nhạc”. Chủ đề xoay quanh những ca khúc viết về người lính. Họ là những CCB, những người đồng đội của tôi đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Ngồi xem, gặp lại người bạn vong niên viết ca khúc “Đồng đội ơi!”. Tự nhiên thấy cay mắt. Tôi, cũng như mọi người được sống trong hoà bình mắc nợ các anh nhiều lắm. Vậy mà, có lần vào viếng Nghĩa trang Trường Sơn, tôi phải thốt lên:

Các anh đi không ngày trở lại
Vẫn sóng hàng chờ lệnh hành quân...
 
Sau chiến tranh
Có thằng sống mà như đã chết
Có thằng sau phút hào quang lại bươn bả đời thường
Ngày nhập ngũ thành ngày gặp mặt
Nâng chén rượu có thằng bật khóc
Một ngày vui vắng mấy người rồi
Có thằng ở xa, lăn lóc với rừng đồi
Có kẻ không còn là đồng đội
Có đứa trẻ sinh ra người chẳng ra người...
 
Chúng tao, những thằng gặp may
Những thằng sống để được nhìn thật mặt
Những đôi tay chai sạn hao gầy
Những nếp nhà gom góp buồn vui.
 
Tôi trở lại Nghĩa trang với một nén hương trầm
Xin thơm khắp linh hồn đồng đội
Phút bình yên giữa bạt ngàn tang trắng
Các anh là NỐT LẶNG cuộc đời tôi!

Đêm. Cứ nghĩ miên man như thế.
Tôi, cũng như bao người. Thức để trăn trở. Để lý giải. Nghĩ, viết. Và hy vọng!
3h45. 2-8-2011