Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHUYỆN RƯỢU VÀ BẰNG CẤP

Trần Đình Trợ
Thứ hai ngày 1 tháng 8 năm 2011 6:25 AM

Làng cày, say rượu độc.
Làng học, khóc bằng treo.
Chàng về thiếp cũng xin theo,
Học chê học chán, bằng treo đít bò!
 
  Bằng cấp có nhiều nét giống với rượu. Chúng cùng là những tinh chất, được chưng cất nên từ các thức cao quý, nên được mọi người kính trọng. Chúng rất dễ gây nghiện, nên cũng thường bị làm nhái. Rượu và bằng được dùng phổ biến là loại kém chất lượng, hay loại mất chất, cũng có khi là loại bị làm giả. Những thứ đó, gọi chung là hàng dởm. Bọn buôn thứ hàng dởm đó, giàu rất nhanh. Bằng xịn và rượu xịn rất ít, mà lại không hào nhoáng hấp dẫn như đồ dởm. Bằng dởm và rượu dởm là gốc của mọi tệ nạn. Hậu quả chúng gây ra, không thể kể lại hết được.

Chuyện làng cày say rượu độc.
 
Chuyện vừa xảy ra. Làng cày nọ, vốn lễ giáo gia phong. Làng rất cẩn trọng trong việc dùng rượu. Thờ cúng xong, chỉ các bậc cao niên là được đối ẩm nhau, theo kiểu “tiên tửu”.
   Nhưng có mấy cậu thanh niên lén rủ nhau uống rượu. Lan dần đến cả làng. Mọi người bỏ việc đồng, tiệc tùng thâu đêm.
   Bắt đầu, họ uống rượu ngon, đến rượu thường, rồi toàn rượu dởm. Từ uống kiểu đàng hoàng, đến uống vặt, uống vụng, rồi đến uống quỵt, uống cướp, uống gian. Rượu trở thành thứ bắt buộc phải có, khi làm bất cứ công việc gì.
 
  Quán rượu mọc lên khắp nơi, cùng các lò rượu dởm. Của cải các nhà lũ lượt đội nón ra đi. Từ bàn ghế, đến nông cụ, rồi đồ thờ cúng cũng quy thành rượu. Các bô lão khuyên can, các mụ vợ tru tréo mãi cũng không được.
 Rượu quý bấy lâu dành cho thờ cúng, bị đổ đi hoặc chôn lấp. Chúng được thay bằng loại rượu ngoại đắt tiền. Các vị tiên chỉ, lại thích uống thứ độc dược đó, vì làng cũng bắt đầu mốt sính ngoại.
 
Tệ nạn nảy nòi khắp nơi. Con đánh cha, vợ chửi chồng. Có thằng say rượu, thấy bố không đội mũ, nện bố gãy cổ. Rồi nó giam không cho ăn, nên ông bố lăn ra chết. Lại có thằng, bố can đừng uống rượu, nó bèn cho mấy đứa em giữ chặt tay chân bố, rồi thằng khốn nạn đó đạp vào mồm bố nó. Từ khi làng tràn rượu dởm, mọi người không ai cần đạo lý nữa.
 
Các bô lão và các bà vợ lo sợ, làm lễ cầu thành hoàng. Cầu mãi, ngài vẫn không giáng. Ngày thứ ba, ngài nhập đồng rồi phán mỗi câu “Muốn đầy, thì ép cho tràn” rồi thăng.
 Mọi người đoán mãi, rồi ngộ ra. Thay đổi thái độ, các bà vợ chủ động mua rượu, ra sức động viên chồng con uống. Đồ đạc hết thì bán đến ruộng vườn, không ai kêu ca nửa lời. Các mụ cũng uống, cũng say, cũng lè nhè, cũng nôn mửa cũng chửi bới , y như các bợm nhậu siêu hạng. 
 
Của riêng bán, tài sản chung của làng cũng bán. Triền ao mênh mông phía Đông, đến dãy núi cao phía Tây, thảy đều lọt vào bọn ác bá làng bên.
 Quần bợm chỉ cần rượu, họ dùng rượu thay cơm, rượu thay nước uống. Có khi,  họ dùng rượu để rửa mặt và dùng để tắm giặt.

  Làng chìm trong những cơn say triền miên. Chó lợn say rượu cắn nhau loạn xạ. Chim trời bay qua làng, thở phải rượu độc bốc lên, say rơi xuống, chết chất thành đống. Mọi người thở ra toàn rượu dởm, mồ hôi là rượu chua, nước đái là rượu khẳm. Loại rượu kinh khủng đó tưới vào, mọi thứ quắt queo lại. 
 
Cho đến lúc, trong một lần đại tiệc, cả làng đều say. Không hiểu sao, trong trận say này, mọi người nhất loạt đái vào mồm nhau. Người thì đái trực tiếp, kẻ đái vào chậu rồi đổ vào họng người khác. Trận say vô tiền vô hậu đó, làng uống hết cơ man là nước đái.
 
Tỉnh ra, cả làng thất kinh. Thứ rượu quái quỷ đó làm cho họ tỉnh ngộ. Ai cũng thấy tởm, do đó mà họ cùng bỏ được rượu. Làng cho phá quán rượu, rồi đuổi bọn buôn bán rượu dởm đi mất xứ. Mọi người sắm lại nông cụ, tập cày bừa trên mấy mảnh ruộng hoang sót lại. Lại moi lên mấy bình rượu cũ chôn bỏ đã lâu năm, để đem ra thờ cúng. Từ đó, không ai màng đến rượu dởm nữa. Mọi người nói với nhau, “Cái sự ngu, khi ngu tới quá mức, thì hết ngu!”. Thành hoàng làng ta linh thật.
 
Chuyện làng học khóc bằng treo.


Chuyện khóc bằng, là chuyện đang diễn ra. Làng học còn gọi là làng giáo dục, vốn truyền thống hiếu học nên rất trọng bằng cấp. Bằng cấp càng cao càng được trọng vọng.
 
Hóa ra, có bằng cấp là sung sướng hơn người. Thế là mọi người muốn kiếm bằng cấp với mọi cách. Hiếu học biến thành hiếu thi. Trọng người tài, biến thành trọng kẻ có bằng cấp. Muốn bước qua ngưỡng cửa nào, cũng phải chìa bằng cấp ra.
 
Trường lớp thi nhau mọc lên, nhanh hơn các lò rượu lậu. Học thật thì ít, học giả thì nhiều. Thi thật khó kiếm, thi giả khắp nơi. Nạp đúng tiền, là được học, được thi, được cấp bằng. Của cải trong các nhà, lại theo nhau đội nón ra đi. Mọi người lo học, lo lấy bằng, để được ăn trắng mặc trơn. Không mấy ai còn tính chuyện cày cuốc chân lấm tay bùn nữa.
  Bọn buôn giáo dục mọc lên như nấm. Chúng đua nhau bán chỗ ngồi, bán điểm, rồi bán bằng. Điểm thường được đổi bằng tiền, có khi đổi bằng tình, cũng có khi điểm trên trời rơi xuống, chẳng cần đổi chác gì.

  Các dự án xây trường, xây lớp được rao công khai. Trường học mọc lên tùy hứng. Có nơi xây trường chỉ để cho mèo ỉa, có nơi học trò chẳng có trường mà học. Ở Hà Nội, phụ huynh chen chúc chầu chực suốt đêm, để đăng kí một chỗ học cho con học. Thì ở Hà Tĩnh, trường học lại bỏ hoang, các TT GDTX đóng cửa gần hết, các trường cấp 1, cấp 2 vùng núi, lèo tèo mỗi lớp mươi lăm học sinh.
 
Chỉ lo chuyện bằng cấp, không ai lo chuyện học thật dạy thật. Không làm thật thì buộc phải làm dởm. Nhân dân kêu ca lắm, mỏi mồm quá cũng chán. Các nhà giáo dục, khoa chân múa tay nói về thành tích xong, lại nói về chống bệnh thành tích. Họ nói chỉ để họ nghe, y như những thằng say rượu.
   Cơn say bằng cấp đến hồi trầm kha. Mọi người, dù biết có bằng có việc, lương cũng không đủ sống, họ vẫn cứ chen nhau học. Thậm chí, họ chấp nhận bằng treo lên tường để ngắm, vì không xin được việc. 
 
  Sinh viên sư phạm ra trường, thường không có việc. Ở Hà Tĩnh, năm nay không tuyển thêm một giáo viên nào. Mỗi năm ở Hà Tĩnh, khoảng 1000 sinh viên gia nhập đội quân giáo viên thất nghiệp. Nghệ An năm nay, cũng thừa 4.500 giáo viên.
 
Mặc cho xã hội đang thiếu trầm trọng lao động trực tiếp, đặc biệt là công nhân lành nghề. Nhưng không ai nghĩ đến chuyện, giảm bớt các trường đại học, vận động thanh niên vào các trường nghề đang vắng người học. Cũng không ai nghĩ cách làm dịu đi cơn say bằng cấp của nhân dân.
 
Số sinh viên thất nghiệp, đặc biệt là sinh viên sư phạm trở thành gánh nặng bất đắc dĩ cho các nhà nông. Mất khoảng một trăm triệu đồng, nuôi con học xong ĐH, nay thất nghiệp. Con trai thì không dám đi cày giúp bố. Con gái thì không  gánh phân giúp mẹ. Ấy, chúng sợ giảm danh giá cái bằng đại học đang treo.
 
Không có cách gì nhanh hơn, trong việc bần cùng hóa nông dân. Đã khánh kiệt vì con học, nay họ lại nuôi báo cô đứa con thất nghiệp không biết đến khi nào? Bao nhiêu gia đình nông dân đang phải khóc vì khoản nợ ngân hàng. Vay cho con học đại học, nay họ lấy tiền đâu mà trả? Con học xong, bỗng thành đứa báo cô, báo hại. Cái bằng đại học, thành cái thứ để treo mà nhìn. Trời ơi là trời !

Chuyện bằng treo đít bò.

 
Có vẻ như, Bộ GD đang sử dụng mẹo của thành hoàng làng, tiếp tục đổ rượu vào mồm kẻ say. Không những không giảm, mà số trường đại học lại đang tăng. Cũng có thể Bộ GD thấy tiền lãi quá lớn. Mọi người đang say bằng cấp, họ bán gia cơ điền sản mua bằng cho con, để treo chơi. Vậy tội gì Bộ không mở thêm trường để làm bằng bán cho họ. Đứa nào ngu, thất nghiệp cho chết!

 Nhưng ngày nay, học sinh thì dốt quá, mà kì thi vào ĐH thì đang còn nghiêm túc quá. Lại còn cái điểm sàn, chẹn như xương ngang họng. Làm sao để những trường dởm tuyển đủ sinh viên đây? 
 
Hà Tĩnh năm nay có 4000 đơn thi sư phạm, giảm 1000 đơn so với năm ngoái. Mười bảy  ngành đào tạo giáo viên của Trường ĐH Tây Bắc đang kêu khó tuyển sinh viên. Nhiều trường ĐH đang thiếu đầu vào trầm trọng.
 Chính vì thế, các trường ĐH đang tìm cách “mềm hóa” hay “lách luật” để tuyển ngoài chỉ tiêu, tuyển dưới sàn.
Nhưng, Bộ cũng đã có một tuyệt chiêu, giúp các trường kiếm đủ khách hàng.

Đó là, tiến tới Bộ GD sẽ xóa bỏ điểm sàn, xóa bỏ thi vào ĐH. Ông thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, đã có kế hoạch đến 2015, phấn đấu tuyển 1 triệu SV. Tức là tuyển vào ĐH, hết toàn bộ học sinh phổ thông vừa tốt nghiệp.
Nghĩa là, tất cả mọi người, nếu muốn sẽ mua được bằng ĐH.
 Tất nhiên, những tấm bằng đại học đó, sẽ trở thành những tấm “bằng treo”!. 
 
Nhưng treo vào đâu?
 
  Bằng ĐH treo lên tường, lên xà nhà, là để chờ có khi dùng đến nó. Nếu có bằng xong, lại phải nối nghiệp nhà, theo sau đít bò kéo cày trả nợ, thì tấm bằng đó nên treo chỗ khác, tiện hơn. Nhưng chỗ nào vậy?
 Đã có thơ làm chứng, chỉ ra rằng:
Chàng về, thiếp cũng xin theo,
Học hành chê chán, bằng treo đít bò!
\
Trần  Đình Trợ
Hương Sơn   Hà Tĩnh