Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

GIÁ TRỊ ĐỘC ĐÁO TRONG “TƯƠNG TƯ” CỦA HOÀNG ĐÌNH QUANG.

Trần Huyền Nhung.
Chủ nhật ngày 31 tháng 7 năm 2011 1:59 PM

TƯƠNG TƯ
 
Tưởng rằng chỉ hoa lá cành
Nào ngờ cốc nước đã thành vực sâu!
Tưởng rằng đưa đẩy đôi câu
Nào ngờ bước phải nhịp cầu đa đoan!
Tôi giờ như chiếc thuyền nan
Ai xui cũng gật, ai bàn cũng nghe
Cắm sào đậu khúc sông mê
Có nồi cháo lú cũng khê mất rồi
Ra đường ngó ngược trông xuôi
Thấy lưng ai cũng tưởng người mình thương!
Bây giờ mắc phải tai ương
Ma đưa lối, quỷ dẫn đường vô duyên
Bây giờ ván đã đóng thuyền
Tơ vương thành kén, tằm yên phận tằm
Chiêm bao toàn chuyện trăm năm
Tan mơ, trở gối tôi nằm đợi mơ!
Vật vờ trong cõi thực hư
Bây giờ mới biết tương tư thế nào!
8-2001
Hoàng Đình Quang.
 
GIÁ TRỊ  ĐỘC ĐÁO TRONG “TƯƠNG TƯ” CỦA HOÀNG ĐÌNH QUANG.

 Tương tư là câu chuyện muôn thuở của nhân loại, là đề tài phong phú của biết bao thi nhân xưa nay. “Ngất ngưởng” như Nguyễn Công Trứ mà cũng đã từng điêu đứng vì tương tư:
“Tương tư không biết cái làm sao,
Muốn vẽ mà chơi, vẽ được nào.
Khi đứng, khi ngồi, khi nói chuyện,
Lúc say, lúc tỉnh, lúc chiêm bao.
Trăng soi trước mặt ngờ chân bước,
Gió thổi bên tai ngỡ miệng chào.”
  Và thi sĩ đa tình tài tử như Tản Đà cũng từng thể hiện trạng thái nhớ nhung da diết này:
“ Quái lạ ! Làm sao cứ nhớ nhau
Nhớ nhau đằng đẵng suốt đêm thâu
Bốn phương mây nước, người đôi ngả
Hai chữ tương tư, một gánh sầu.”
  Tương tư thường gắn với sầu bởi người ta thường rơi vào trạng thái của tương tư khi tình yêu không đến được từ hai phía hoặc không có cơ hội để nói ra. Ví nhưcùng viết về nỗi nhớ thương trong tình yêu mà giữa “tương tư” của Nguyễn Bính và “tương tư chiều” của Xuân Diệu khác nhau biết mấy. Xuân Diệu thì rất “Tây”, mà Nguyễn Bính thì “chân quê”. Cả hai đều có sức hấp dẫn riêng. Cái “tôi” trong thơ Nguyễn Bính không nổi lên mà lặn xuống, tan hòa vào không gian của đồng quê bằng thủ pháp nhân hóa như trong cao dao, dân ca.
   Cũng như các thi nhân đương thời, Hoàng Đình Quang say mê với đề tài tình yêu. Nhưng cách biểu hiện “tương tư” của nhà thơ theo một lối độc đáo riêng từphong cách nghệ thuật cho đến nội dung bài thơ. Mở đầu cho nỗi “tương tư” không đơn thuần chỉ là tình yêu nam nữ bình thường :
“Tưởng rằng chỉ hoa lá cành
Nào ngờ cốc nước đã thành vực sâu!
Tưởng rằng đưa đẩy đôi câu
Nào ngờ bước phải nhịp cầu đa đoan!”
   Lý do, hoàn cảnh của “tương tư” cũng nằm ở hai chữ “tưởng rằng” mà thói thường bản tính của đàn ông dù là có vợ rồi hay chưa vợ vẫn trêu hoa ghẹo nguyệt bằng cách tán tỉnh “đưa đẩy đôi câu”. Người ta gọi bệnh “ngứa miệng” của đàn ông là bệnh” hoa lá cành”. Hoa lá cành một chút chẳng “mất gì của bọ”, được thì được mà không được thì thôi- đó là tâm lý chung của đại đa số đàn ông. Cô nào nhầm thì chết. Mà các chị em thì hay suy diễn, tưởng tượng, thêm mắm thêm muối. Khi đã có gì với ai, chị em hay gán cho những hành động, lời nói của kẻ đó nhiều ý nghĩa sâu sắc, kiểu “hoa rơi hữu ý”. Có thể lúc đó lại là những phút xao lòng của đàn ông, mà họ luôn nghĩ rằng “xao” thôi chứ đừng “động”. Nhưng ởđời, làm sao đòi được sự công bằng tuyệt đối . Lương tâm  đã định hình là không có chủ đích gì trong việc “đưa đẩy đôi câu”, có chăng chỉ là vấn đề “hoa lá cành” ngoài lề. Nhưng tác giả của “tương tư” có ngờ đâu được khi một cốc nước nhỏnhoi thôi đã biến thành “vực sâu” nằm ngoài tầm suy nghĩ ban đầu. Chính vực sâuấy đã đẩy lòng nhà thơ “bước phải nhịp cầu đa đoan”. Đây là một “nhịp cầu” khiến cho tác giả không bước qua không được. Mà bước qua thì…vướng phải sợi dây tình đèo bòng, đa mang… Tưởng rằng “chỉ hoa lá cành” , không dại gì mà đánh đổi hạnh phúc đang có để lấy những phút xao lòng , nhưng “nhịp cầu đa đoan” đâu có chừa một ai,  khi hố đã sâu, càng cố gắng ngoai lên thì càng bị lún xuống.
     Có thể nói bốn câu thơ đầu là hoàn cảnh để tạo thành nỗi “tương tư” trong lòng nhà thơ. Nhập vấn đề của tương tư không phải  nỗi “tương tư” đơn giản chỉ là đôi nam nữ yêu nhau khi không gặp được nhau thì nhớ nhung, tương tư thao thức đến cháy lòng. Hoàng Đình Quang tương tư một cách trăn trở, với chiều sâu tâm trạng nặng trĩu. “Nhịp cầu đa đoan” thì nào ai muốn ! Đây là nỗi tương tư của một kẻ đã có gia đình mà luôn suy nghĩ rằng : chỉ “hoa lá cành” vớ vẩn với một cô gái kiểu “lẳng lơ như con cá vàng” thôi. Gọi là “ong bướm” ve vãn ngoài đường, đã là đàn ông ai mà chả có. Nhưng ngờ đâu những điều không tưởng lại trởthành sự thật. Một sự thật không thể chối cãi được, không thể giấu được lòng mình là nhà thơ đã có tình thương yêu thực sự, chứ không phải một trò chơi đểgiải trí. Nói chính xác hơn, đó không phải là một tình cảm tưởng như đùa giỡn ban đầu. Và nếu như tác giả chỉ coi đó là niềm vui qua đường thì tôi dám cam đoan rằng : không đến nỗi phải tương tư như thế đâu. Đúng vậy, ta hãy nghe tác giả của “tương tư” thổ lộ lòng mình:
“Tôi giờ như chiếc thuyền lan
Ai xui cũng gật, ai bàn cũng nghe”
    Đây chính là tâm trạng : “ Buâng khuâng đứng giữa hai dòng nước/ chọn một dòng hay để nước trôi”. Thế đấy, nhịp cầu “đa đoan” đã đẩy nhà thơ vào một tâm trạng rất thảm thương. Để rồi giờ đây ví mình như “chiếc thuyền lan” trôi lênh đênh trước dòng sông số phận. Mà trong tình yêu, nếu như tình cảm chân thành thường khó có sự quả quyết, từ tình yêu đến hôn nhân thuộc về duyên số con người. Mà nếu có sự quả quyết thì hy hữu lắm hoặc giả tình yêu vì mục đích thấp hèn. Những tính toán có mục đích thì “tương tư” làm gì cho mệt, hoặc muốn tương tư cũng chẳng được. Bởi thế, nhà thơ mới lênh đênh: “ ai xui cũng gật, ai bàn cũng nghe”. Một tâm trạng hết sức quẩn quanh, cảm giác như con người mình đang rất yếu đuối, không thể quyết định được gì trong lúc này. Chỉ biết tin vào con sào định mệnh :
“ Cắm sào đậu khúc sông mê
Có nồi cháo lú cũng khê mất rồi”
   Tại sao không phải là “cắm sào” đậu khúc sông yên ả nào đó? Đậu ngay khúc “sông mê” thì làm sao ra khỏi được chứ! Nồi cháo cũng không phải là cháo bình thường, mà “cháo lú” mới ác. Cháo “lú” này cũng không thể “ăn” được, vì đã “khê” mất rồi. Bằng nghệ thuật sử dụng phép nhân hóa, ẩn dụ “sông mê” , “cháo lú”, nhà thơ đã thổ lộ được tâm trạng của mình rất sâu sắc, mà không cần phải ngôn từ dài dòng, người đọc cũng có thể cảm được nỗi “tương tư” đến mức độ thế nào. Tương tư đến mê muội, đến lú mề cả ruột gan. Một tình cảm không phải là nhẹnhàng kiểu như :
“Nắng mưa là bệnh của trời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng” ( Nguyễn Bính).
    Thì trong tình yêu , mắc phải bệnh tương tư cũng là điều dễ hiểu. Khi tình yêu không đến được với nhau người ta cũng tương tư. Khi xa nhau về khoảng cách địa lý cũng tương tư, xa nhau về thời gian và không gian …vẫn tương tư…Nhưng trong “tương tư” của Hoàng Đình Quang thì nằm với vợ vẫn tương tư. Một nỗi “tương tư” khó có thể chia sẻ cùng ai. Có lẽ đây là nỗi “tương tư” tôi cho rằng rất độc đáo so với các thi nhân đương thời viết về tương tư. Chính yêu đến mê muội , lú mề đã đẩy nhà thơ đến mức độ :
“ Ra đường ngó ngược trông xuôi
Thấy lưng ai cũng tưởng người mình thương”
   Dường như khi yêu người ta chỉ mong được nhìn thấy người mình thương ở tất cả mọi lúc, mọi nơi. Ngay cả giữa dòng xe xuôi ngược ở đường, người người chen lấn, đông như thế mà tác giả vẫn ngóng trông, luôn dõi mắt theo xem có thấy người thương đâu không. Mức độ yêu thế này, không lú mề mới lạ ! Kết quả là không thấy nhưng “thấy lưng ai cũng tưởng người mình thương”. Ảo giác tình yêu hình như đã chiếm trọn trái tim nhà thơ mất rồi. Thực tế, làm gì có lưng ai giống ai, người thì “thắt đáy lưng ong” , người thì “béo trục béo tròn”, người thì lưng gù… Gọi đến cả một ngàn người như thế trong sự tưởng tượng, có người sẽquay lại bảo “ chắc ông này thần kinh”. Lý trí trong tình yêu với Hoàng Đình Quang lúc này là không có. Tác giả cứ thả lòng mình trôi theo cảm xúc để rồi biết mình lạc vào con đường “vô duyên” nhưng đã “đâm lao phải theo lao”:
“Bây giờ mắc phải tai ương
Ma đưa lối, quỷ dẫn đường vô duyên
Bây giờ ván đã đóng thuyền
Tơ vương thành kén, tằm yên phận tằm”
    Bước phải “nhịp cầu đa đoan” cho nên bây giờ “mắc phải tai ương” là chuyện phải có. Chẳng phải ma “đưa lối”, quỷ nào “dẫn đường” hết, tại vì “đa đoan” thôi. Tất nhiên là sóng gió gia đình phải xảy ra, chưa kể đến “sóng lòng” nhà thơ đang cuồn cuộn từng ngày, từng giờ. Dù biết rõ rằng :
“Bây giờ ván đã đóng thuyền
Tơ vương thành kén, tằm yên phận tằm”
   Không chỉ một phía tác giả đã “yên bề gia thất”, mà phía đối phương cũng “ván đã đóng thuyền”. Cả hai đều “tằm yên phận tằm”. Biết rằng cả hai không thể đến được với nhau, không ai lại muốn từ bỏ cả một gia đình để chạy theo tiếng gọi của trái tim cả. Đây là nỗi “tương tư” của một người đã lớn tuổi, đã từng trải qua rất nhiều giai đoạn của tình yêu. Nhưng khi bắt gặp được một tâm hồn đồng điệu “tưởng nửa của mình nhưng phải của mình đâu”, tình cảm của những tâm hồn tri âm, tri kỷ gặp nhau… để rồi thổi bùng lên ngọn lửa tình yêu như tất cả đều mới mẻ hoang sơ. Bằng cách nói ẩn dụ với hình ảnh “ván đã đóng thuyền” rồi “tơvương thành kén, tằm yên phận tằm”, tác giả cho người đọc hiểu được hoàn cảnh của hai người trong cuộc “tương tư”. Nhìn chung về phía gia đình, phía xã hội đều công nhận đã ổn. Nhưng về nỗi lòng thầm kín thì những con “sóng lòng” luôn rình rập từng cơn. Xét cề mặt tâm lý thì đó là một cuộc sống luôn “động”, luôn suy tư đè nén chứ không hề yên ổn. Mà ở đời thì cái tâm là quan trọng nhất, tâm không ổn sẽ xảy ra “tư” , tâm tư rồi suy tư…đó là cả một tổng thể trật tự lô gic tình cảm  của con người để dẫn tới “tương tư”. Chính vì “tương tư” triền miên nên mới “chiêm bao” :
“ Chiêm bao toàn chuyện trăm năm
Tan mơ, trở gối tôi nằm đợi mơ !”
    Theo lôc gic học thì có nguyên nhân mới nảy sinh kết quả. Những điều thường nghĩ ban ngày thì sẽ theo ta cả vào giấc ngủ, mới có “ chiêm bao”. Như một ý nghĩ trong tiềm thức thì dù thức hay tỉnh vẫn là sự thật của cõi lòng. “Chiêm bao toàn chuyện trăm năm”, thực ra không phải là điều nhà thơ bịa đặt, đó là vấn đềthuộc về tình cảm khi “cốc nước đã thành vực sâu”. Mà tình cảm càng lún vào chiều sâu thì sẽ dẫn đến những giấc mơ trong trí tưởng tượng của con người. Độc đáo nhất là câu thơ “ tan mơ, trở gối tôi nằm đợi mơ!” . Đúng là giấc “chiêm bao” mơ “toàn chuyện trăm năm” thật là đẹp. Tan giấc mơ rồi, tác giả vẫn muốn mơ tiếp. Trăn trở không phải để tìm giấc ngủ ngon mà đúng ra là để “nằm đợi mơ”. Mà cũng có thể chỉ trong mơ tác giả mới thấy được toàn chuyện “trăm năm”, khi giữa đời thật lại không có chuyện “trăm năm” với người mình thương. Bởi vì tình yêu của người lớn tuổi không còn như tuổi đôi mươi, nhất là với một người đã có gia đình. Đâu có được tự do để suy nghĩ những điều mình muốn. Sống giữa sự giàng buộc gia đình đâu còn là sự lựa chọn đơn giản để quyết định một tình yêu sau đó. Có chăng chỉ là sự thầm kín mà chỉ hai người mới biết được nỗi lòng của nhau. Thương thì thương đấy, nhưng còn gia đình, còn xã hội và còn cả địa vị của mình. Một tình cảm sâu sắc đấy, sâu sắc trong cách nghĩ, trong cách sống: biết ta nhưng phải biết người. Vì thế khó lòng mà hòa hợp được giữa một bên là gia đình, vợ con- một bên là người mình thương đối với một người sâu kín, nặng tình như tác giả của “tương tư” Hoàng Đình Quang. Chính vì nặng lòng nhưthế nên mới “đa đoan”, đèo bòng , đa mang vì chữ “tình” là phải. Người như thếkhó lòng thoát được nợ tình, nợ đời mà từ khi con sào định mệnh đã cắm ở “khúc sông mê”.
    Giữa cõi thực và hư của tình cảm nhiều khi cũng rất khó hiểu. Thực là cuộc sống gia đình thực tế hàng ngày, còn “cõi hư” là cõi của tình cảm ẩn mà lại hiện hữu khi mà cả hai không thể đến được với nhau. Hai câu kết của bài thơ “tương tư” như khép lại vấn đề “tưởng rằng” mà “bây giờ” mới biết :
“ Vật vờ trong cõi thực hư
Bây giờ mới biết tương tư thế nào”
    Khi mà lòng người phải sống trong tình thế “vật vờ” thì mới biết sự đau khổ thếnào. Kiểu như sống dở, chết dở, ăn không ngon, ngủ cũng không yên … mà chẳng biết làm thế nào để đời được bình yên. Đó chính là trạng thái tình cảm của “tương tư” theo kiểu “đa đoan”. Khi nhà thơ biết được “tương tư” như thế nào rồi thì cũng là lúc “ngộ” ra bao điều mà tác giả so sánh, cảm nhận tình yêu trong sựtừng trải của mình. Có thể chưa có lần nào “tương tư” khốn khổ, khốn nạn nhưlần này chăng ! Mà không có tình yêu nào đẹp bằng tình yêu là được sống thật với lòng mình. Dù phải sống trong tình cảnh “ vật vờ”, nhưng dẫu sao vẫn được yêu thương, được đồng cảm, được sẻ chia…với người mình thổ lộ được hết tâm tư, dù họ đến sau… Nếu như chỉ một lần được sống trong cõi “u mê” với tình yêu, dù có phải thế nào đi nữa thì tình yêu ấy cũng vô cùng tuyệt đẹp, mà chính ta không hổ thẹn với lòng mình. Phải chăng “bây giờ mới biết tương tư thế nào” thì cũng là lúc tác giả mới hiểu được lòng mình một cách sâu sắc nhất.
      Có thể nói giá trị độc đáo, sâu sắc nhất trong “tương tư” cũng nằm  trong chiều sâu tâm trạng của tác giả Hoàng Đình Quang. Bằng thể thơ lục bát  dân tộc mượt mà như càng tăng thêm giá trị tình cảm của nhà thơ. Khác hẳn với chất “tây” trong “tương tư chiều” của Xuân Diệu, khác với chất “đồng quê” dân dã trong “tương tư” của Nguyễn Bính và khác với nỗi nhớ, niềm thương tương tưtrong “Sóng” của thi sĩ Xuân Quỳnh “lòng em nhớ đến anh/ cả trong mơ còn thức”… . Toàn bộ bài thơ “tương tư” của Hoàng Đình Quang không hề nhắc tới chữ nhớ hay chữ yêu, nhưng người đọc vẫn ngầm hiểu được nhà thơ đang nhớ, đang yêu, đang tương tư tới mức độ “vô cùng” của tình yêu. Đây không phải là một thứ tình cảm sét đánh kiểu trẻ con mà hình như “mưa rầm thấm lâu”, qua sựcảm nhận khi thấy lòng  “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Bài thơ“tương tư” như nói hộ lòng biết bao người ở vào hoàn cảnh như thế mà không thểthốt được thành lời. Cảm ơn nhà thơ Hoàng Đình Quang đã cho chúng ta hiểu được nỗi “tương tư” của người đã có gia đình ! . “Vật vờ trong cõi thực hư/ bây giờ mới biết tương tư thế nào”. Vâng, cần lắm một tình cảm tương tư chân thành như thế !
                                                  Tphcm, ngày 15/3/2011
                                                            Trần Huyền Nhung.